Công nghệ

Mosa Meat sẵn sàng sản xuất bánh mì kẹp thịt nhân tạo

Cơ sở thứ tư sẽ giúp công ty công nghệ thực phẩm Mosa Meat sản xuất ra hàng ngàn bánh mì kẹp thịt bò nhân tạo.

Share
this:

Ngày 9.5, Mosa Meat ở Hà Lan đã khai trương cơ sở thứ tư tại Maastricht, trở thành trung tâm sản xuất thịt nhân tạo lớn nhất thế giới và tăng năng lực chế biến ra bánh mì kẹp thịt bò nhân tạo.

“Đây là cơ sở đầu tiên để tạo ra thịt nhân tạo có thể thay thế thịt bò, giúp sản xuất hàng chục ngàn chiếc bánh mì kẹp thịt nhân tạo,” Maarten Bosch, CEO của Mosa Meat, cho biết.

Cơ sở rộng gần 3.000 m2 và giúp hoàn thiện Mosa Center for Advanced Meat Production, Upscaling, and Sustainability (C.A.M.P.U.S) với tổng diện tích hơn 7.000 m2. Cơ sở thứ tư này sẽ giúp công ty công nghệ thực phẩm tăng tốc thâm nhập thị trường vì tại đây sản xuất hầu hết thịt bò nhân tạo.

Thống đốc Limburg Emile Roemer, thị trưởng Maastricht Annemarie Penn-te Strake và người đồng sáng lập Mark Post của Mosa Meat cùng chúc mừng sau khi tham dự lễ cắt băng khánh thành cơ sở thứ tư của công ty. Ảnh: Daniela De Lorenzo/Forbes

Trong buổi lễ khai trương, đầu bếp hai sao Michelin Hans van Wolde đã nấu món bánh mì kẹp thịt vừa chứa bột làm từ thực vật và 30% sản phẩm thịt bò nhân tạo do Mosa Meat sản xuất: “Nhưng chúng ta có thể tạo ra chiếc bánh mì kẹp hoàn toàn thịt nhân tạo,” CEO nói.

Đây là một cột mốc quan trọng đối với công ty tư nhân được thành lập tại Maastricht vào năm 2016 sau khi người đồng sáng lập kiêm giám đốc khoa học Mark Post công bố việc tạo ra món bánh mì kẹp thịt nhân tạo đầu tiên vào năm 2013.

Vào thời điểm đó, mất hơn ba tháng và 274.000 USD để sản xuất ra một chiếc bánh mì kẹp thịt. “Nghiên cứu khoa học của chúng tôi luôn có ý định tạo ra một sản phẩm tiêu dùng mà có thể sản xuất đại trà được,” Post nói, đồng thời cho biết thêm công ty có thể tạo ra một chiếc bánh mì kẹp thịt trong vòng chưa đầy ba tuần với chi phí thấp hơn nhiều.

Công ty sử dụng ba con bò của nông dân địa phương, Mona, Maya và Rosa, để chiết xuất tế bào, sau đó nuôi cấy tại cơ sở mới này. “Quá trình chiết xuất tế bào từ bò kéo dài khoảng 10 phút và với nửa gam, chúng tôi có thể tạo ra 80 ngàn chiếc bánh mì kẹp thịt,” nhà khoa học Rui Hueber của Mosa Meat nói với Forbes trong buổi lễ.

Bosch coi thịt nhân tạo là cách duy nhất để đáp ứng hiệu quả nhu cầu protein ngày càng tăng của thế giới theo cách phát triển bền vững về môi trường. “Đây là một cải tiến lớn để giúp phát triển bền vững đồng thời thực hiện trách nhiệm đạo đức nhằm đảm bảo tình trạng khoẻ mạnh cho động vật,” ông nói thêm.

Cơ sở này sẽ cho phép sản xuất thịt bò nuôi ở quy mô công nghiệp trước khi công ty có kế hoạch mở “nhà máy thịt” của riêng mình gần C.A.M.P.U.S. trong tương lai. Post nói công ty sẽ cần “những khoản đầu tư lớn” để xây dựng nhà máy.

Nhưng hàng ngàn chiếc bánh mì kẹp thịt được sản xuất ở Limburg vẫn chưa đến được bàn ăn của người tiêu dùng tại châu Âu. Thực phẩm sản xuất từ tế bào chưa được bán trên thị trường ở châu Âu, vì chưa có công ty thực phẩm nhân tạo nào nộp đơn lên cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu (EFSA) để xin cấp giấy chứng nhận an toàn cho phép họ bán sản phẩm trên thị trường.

Công ty tiên phong có trụ sở tại Maastricht lên kế hoạch thâm nhập thị trường Singapore trước và gần đây nộp đơn lên cơ quan quản lý an toàn thực phẩm của nước này.

Mặc dù hiện chỉ bán một vài thực phẩm sản xuất từ tế bào ở Singapore và hai công ty Mỹ của ông nhận được đánh giá tốt đảm bảo an toàn sức khỏe từ cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cho các sản phẩm gà, sản phẩm này sẽ sớm mở rộng thị trường ở Hoa Kỳ.

Mosa Meat cho biết công ty “sắp nộp đơn” đến EFSA. Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu sẽ hoàn thành quá trình đánh giá nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của thực phẩm mới trong 9 tháng, nhưng có thể lâu hơn nếu cần thêm tài liệu chứng minh từ công ty.

Biên dịch: Gia Nhi

———————

Xem thêm:

MeaTech xây nhà máy thí điểm sản xuất mỡ thịt nhân tạo đầu tiên ở Bỉ
Xu hướng: Thịt nhân tạo phát triển trong năm 2022