Nhiều người có sức ảnh hưởng đã rời bỏ Twitter, chuyển sang sử dụng mạng truyền thông xã hội Mastodon.
Trong một tuần rưỡi qua, khi người giàu nhất thế giới, Elon Musk, nắm quyền kiểm soát Twitter, những người dùng quyền lực khác trên nền tảng này đã tuyên bố thoát khỏi tài khoản mạng xã hội này mãi mãi.
Diễn viên hài Kathy Griffin, nhà văn kiêm nhà sản xuất truyền hình David Slack, nhà sản xuất phim Jeremy Newberger – tất cả họ đều tuyên bố ngừng sử dụng Twitter để chuyển sang một dịch vụ truyền thông xã hội khác: Mastodon.
Nhà báo công nghệ Casey Newton có tài khoản Mastodon không hoạt động từ năm 2017, cho biết anh nhìn thấy lượng người theo dõi của mình trên nền tảng này tăng lên. Và không chỉ có anh. Kể từ khi Musk mua lại Twitter, Mastodon ghi nhận số lượng người dùng tăng 55%. Điều này nghe có vẻ tuyệt vời cho đến khi bạn nhận ra tổng số người dùng vẫn khoảng 655.000 người, chỉ bằng 0,3% tổng số 238 triệu người dùng Twitter.
Một phần mềm phi tập trung được xây dựng trên các tiêu chuẩn mở, Mastodon là một nền tảng mà một số chuyên gia cho rằng nhiều hứa hẹn cho những ai không muốn sử dụng Twitter nữa. Nhưng vẫn chưa phổ biến nhiều. Vẫn chỉ ở mới giai đoạn bắt đầu, nền tảng này hiện đối mặt với nhiều thách thức.
Nền tảng thu hút không nhiều người nổi tiếng so với các trang mạng xã hội khác, chưa kể đến giao diện rối rắm gây khó khăn cho một vài người tạo hồ sơ. Mặc dù Twitter đang sa thải 50% trong số khoảng 7.500 nhân viên nhưng công ty vẫn còn khoảng 3.750 nhân viên, nhiều hơn 3.749 người so với Mastodon, vì nền tảng chủ yếu dựa vào tình nguyện viên để cung cấp dịch vụ.
Ra mắt vào năm 2017, tổ chức phi lợi nhuận Mastodon không hẳn là một phần mềm trò chuyện trực tuyến trên mạng xã hội. Thay vào đó, tổ chức cung cấp phần mềm mã nguồn mở có thể được sử dụng để chạy các trang mạng xã hội, có thể cho người dùng lưu trữ độc lập.
Vì vậy, về mặt chức năng, mạng xã hội này tương tự như Twitter, còn về cấu trúc, Mastodon giống Reddit nhiều. Mastodon có 3.000 máy chủ, mỗi máy chủ có chế độ cài đặt quyền riêng tư, nhóm kiểm duyệt nội dung cũng như những nguyên tắc cộng đồng. Người dùng trên các máy chủ khác nhau có thể giao tiếp với nhau, nhưng máy chủ do các tổ chức phi lợi nhuận, quản trị viên cá nhân và những người có cùng sở thích vận hành để không ai có quyền kiểm soát toàn bộ mạng.
Khi người dùng mới muốn thử sử dụng Mastodon, họ có thể chọn tham gia vào một máy chủ dựa theo sở thích hoặc khu vực. Các máy chủ bao gồm mastodon.green (“một cộng đồng thực hiện nhiều hoạt động tích cực chống biến đổi khí hậu chủ yếu dành cho (nhưng không giới hạn) những người ở các nước EU”) và mastodon.lol (“một cộng đồng thân thiện với những người chống phát xít, thành viên của cộng đồng LGBTQ +, tin tặc và những thứ tương tự” ) và nerdculture.de (“không chỉ dành cho người yêu thích sách mà miền này hơi thú vị”), và những nhóm máy chủ khác.
CEO của tổ chức phi lợi nhuận này, Eugen Rochko, 29 tuổi, bắt đầu làm việc tại Mastodon (tên anh đặt cho ban nhạc heavy metal- một thể loại phụ của nhạc rock ở Mỹ) vào năm 2016 khi anh đang theo học tại Friedrich Schiller University ở Đức. Là người dùng Twitter nhiều, anh bắt đầu nhận thấy những thay đổi gây khó khăn cho anh.
“Tôi ngày càng không hài lòng với Twitter, công ty và nền tảng này,” Rochko nói với Forbes. “Điều đó giúp tôi nhận ra cách thức thể hiện chính mình trên mạng xã hội rất quan trọng đến nỗi không thể chỉ do một tập đoàn duy nhất có thể tạo ra mà không cần bất kỳ nguồn lực khác.”
Nhiều người chuyển sang sử dụng Mastodon đều cảm thấy không còn hài lòng với Twitter. Thuật ngữ #twittermigration hiện đang phổ biến trên nền tảng để thảo luận về việc chuyển đổi nền tảng cũ sang nền tảng mới.
Trên Mastodon, một người dùng bày tỏ quan điểm về phí Twitter dự kiến thu tài khoản có tích xanh 8 USD. “Đặt một tích xanh ngu ngốc kế bên tên của tôi lại tốn hơn 8 USD.” Một người khác đăng lên cách Twitter sa thải nhân viên. “Máy tính xách tay của mọi người đang được xóa từ xa cũng như thu hồi thông tin đăng nhập trước khi chính thức nhận thông báo rằng công ty không còn cần họ nữa. Doanh nghiệp lớn nhưng lại thực hiện cách làm vậy. Thật lạnh lùng và đây là hành động vô nhân đạo. #twittermigration #Twitter ”
Khi anh được hỏi suy nghĩ gì khi Musk tiếp quản Twitter, Rochko cho biết anh thấy ngày càng xuất hiện nhiều lời nói xấu trên nền tảng sau vài giờ Musk tiếp quản. “Vì vậy, mọi thứ có vẻ không tuyệt vời ở đó. Tôi không tin vào kỹ năng lãnh đạo của ông,” anh cho biết.
Tuy nhiên, cũng chẳng có gì suôn sẻ ở Mastodon. Chỉ có một nhân viên làm việc duy nhất tại đó nên áp lực ngày càng đè nặng lên Rochko lẫn các máy chủ anh đang vận hành, đặc biệt máy chủ phổ biến nhất, mastodon.social. “Máy chủ đó đang tải rất nặng nên chạy chậm vì vậy chúng tôi phải giải quyết và nâng cấp phần cứng,” anh cho biết. “Tốt nhất là mọi người nên chia nhau sử dụng nhiều máy chủ khác nhau.”
Mastodon còn lâu mới trở thành một nền tảng truyền thông xã hội phổ biến, Gergely Orosz, người chuyên viết về kỹ thuật phần mềm, cho biết. Anh nhìn thấy một phần trong cộng đồng công nghệ chuyển sang dùng Mastodon trong những năm qua và số lượng càng tăng sau thử thách trên Twitter trong tuần này. Nhưng những người mới dùng Mastodon thường không biết hết chức năng cũng như thất vọng do cấu trúc phức tạp, khác biệt rất nhiều so với hệ thống một cửa Twitter cung cấp. Có vô số địa điểm để trò chuyện trên nền tảng là một phần trong tầm nhìn của Rochko nhằm làm cho công chúng dễ dùng Mastodon. Tuy nhiên, người dùng thường bị lạc trong vô số máy chủ.
“Toàn bộ nền tảng được phát triển dựa trên một khái niệm mơ hồ không tưởng về tự do, nhưng trên thực tế, bạn thấy người dùng bối rối tự hỏi bạn bè của họ đã đi đâu khi họ chuyển đổi máy chủ và làm cách nào để ngăn chặn những kẻ mạo danh xuất hiện trên các máy chủ khác,”Dave Hoffman, người đã ngừng sử dụng Mastodon vì những lý do đó.
Cũng có những rắc rối đối với những người dùng muốn đăng ký trên một máy chủ cụ thể khi phát hiện ra máy chủ không còn chấp nhận người mới vì họ muốn duy trì một cộng đồng nhỏ hơn. Cũng có những lời phàn nàn Mastodon không có các tính năng phổ biến như Twitter, chẳng hạn như tạo danh sách, nhận biết người theo dõi và tìm kiếm người dùng.
Ngoài ra, nền tảng này còn có nhiều nhược điểm khác do tình nguyện viên điều hành các cộng đồng dựa trên máy chủ. Người dùng lâu năm Heather Flowers, người xem Mastodon như một trong những ngôi nhà trực tuyến của cô, cho biết bản chất phi tập trung của “fediverse” (một nhóm ứng dụng truyền thông xã hội sử dụng các nguyên tắc phân quyền giống như Mastodon) làm cho mạng dễ bị hỏng cũng như tan nát vào bất cứ lúc nào. “Khi có tài khoản thì bạn phải tuân theo những ý kiến bất thường của quản trị viên máy chủ,” cô cho biết. “Nếu quản trị viên của bạn đánh nhau với quản trị viên của máy chủ khác, đột nhiên bạn bị đưa vào cuộc chiến nảy lửa giữa máy chủ của bạn và máy chủ của họ.”
Thách thức khác đối với khả năng mở rộng quy mô của Mastodon là có nguồn lực khan hiếm so với Twitter. Thay vì dựa vào các nhà đầu tư, Mastodon tồn tại nhờ vào khoản tài trợ, huy động vốn từ cộng đồng, và những khoản quyên tặng. Nền tảng này không có quảng cáo do đó không thu thập dữ liệu của người dùng. Vì vậy, nền tảng cũng không thể tăng doanh thu như cách các nền tảng khác làm hiện nay. (Tuy nhiên, công nghệ này có thể sinh lợi trong tương lai thông qua tính phí cho các tài khoản lưu trữ trên máy chủ.)
Với tất cả những thách thức này, khó có khả năng Mastodon sẽ sớm thay thế Twitter. Tuy nhiên, đối với những người dùng Twitter lâu năm, họ cảm thấy quá mệt mỏi với những cuộc nói chuyện ồn ào, hỗn loạn trên đó, Mastodon có thể đưa ra một thứ tốt hơn một sự thay thế: một thời gian thay thế rất cần thiết.
Mastodon và nhiều ứng dụng khác trong “fediverse” được thiết kế để cho nhiều máy chủ kiểm soát, phân quyền cho mỗi máy để dễ quản lý hơn, cho phép kiểm duyệt nội dung chặt chẽ cũng như minh bạch hơn, Robert Gehl, chủ tịch nghiên cứu về quản trị kỹ thuật số tại York University, cho biết. Ông nghiên cứu về truyền thông xã hội thay thế trong 10 năm qua và cũng đã dùng Mastodon trong hơn 5 năm qua. “Tôi nghĩ cấu trúc cho phép bạn trò chuyện nhiều hơn là chia sẻ ngay.”
“Twitter nằm ở vị trí trung tâm. Một khu vườn có tường bao quanh,” Tinker Secor, nhà nghiên cứu bảo mật đã đăng ký dùng Mastodon vào năm 2017. Ông cho biết Mastodon thu hút nhiều người do không có“ thuật toán thể hiện cơn giận dữ” để lôi kéo vào cuộc trò chuyện. “Những cuộc trò chuyện trên Mastodon mang nhiều sắc thái hơn, điềm tĩnh và chân thành hơn,” ông cho biết thêm.
Musk tiếp quản Twitter đưa ra thời cơ cho Mastodon chớp lấy để thu hút thêm người dùng. Nhưng Rochko muốn nhìn thấy sự phát triển của “fediverse.” Anh cảm thấy lạc quan về những thay đổi của Musk đối với Twitter có thể khuyến khích mọi người rời bỏ để chuyển sang dùng Mastodon nhằm có thể trải nghiệm nền tảng truyền thông xã hội khác.
“Nhiều người tham gia cùng chúng tôi ở đó trong nhiều năm luôn gọi Twitter là ‘trang chết tiệt,’” Rochko cho biết. “Giải pháp không phải là một bản sao của Twitter nếu không có Elon Musk. Giải pháp là muốn đưa ra một mô hình truyền thông xã hội khác.”
Biên dịch: Gia Nhi
Xem thêm:
Elon Musk nắm quyền điều hành Twitter và sa thải CEO
Elon Musk muốn sa thải 75% nhân viên Twitter
Tòa án Delaware dời phiên tòa của Twitter và Elon Musk
Cổ phiếu Twitter tăng 22% sau khi Elon Musk đồng ý mua lại
Elon Musk đưa thêm lý do để không mua Twitter
Twitter sẽ bỏ phiếu cho lời đề nghị mua lại công ty của Elon Musk
Twitter báo lỗ 270 triệu USD sau khi Elon Musk muốn dừng thâu tóm
11 tháng trước
10 tỉ phú có tài sản tăng nhiều nhất cả năm 2023