Lối sống

Marcello Gandini – cha đẻ của những thiết kế xe mang tính biểu tượng

Marcello Gandini là nhà thiết kế lừng danh của Ý, người đã phác thảo nên không ít những mẫu thiết xe mang tính biểu tượng cho đến ngày nay. Ông chia sẻ quan điểm về các thiết kế xe điện.

Share
this:

Marcello Gandini đã phác thảo nên một vài trong số những mẫu xe nguyên bản nhất lịch sử ngành thiết kế xe hơi. Khi còn đứng đầu tại studio thiết kế xe Ý, Stile Bertone, các thiết kế của ông gồm Lamborghini Miura, Countach và Diablo, với tạo hình độc lạ và cấu tạo phá cách đến nỗi mà vẫn giữ nguyên tính biểu tượng.

Sinh ra tại Turin, Marcello Gandini là một trong bộ ba nhà thiết kế xe lừng danh của Ý, gồm Giorgetto Giugiaro và Leonardo Fioravanti đều sinh cùng năm 1938 và cách nhau vài tháng. Cả ba người đã cùng nhau định hình nên ngành thiết kế xe hơi.

 Mẫu xe Lamborghini Countach LP 500 được Marcello Gandini thiết kế vào năm 1971. Ảnh: Lamborghini

Những mẫu thiết kế nổi tiếng nhất của Marcello Gandini là từ năm 1965-1980, cũng như trong khoảng thời gian tại Stile Bertone, với các khách hàng gồm Alfa Romeo, BMW, Bugatti, Cizeta, Citroën, De Tomaso, Ferrari, Fiat, Lamborghini, Lancia, Maserati và Renault.

Ông đem đến những khái niệm mang tính tương lai, cũng như mẫu xe có tính thực dụng như Citroën BX, thế hệ đầu tiên của dòng BMW 5 Series, Innocenti Mini và Renault Supercinq. Sau đó, Gandini đã rời Bertone để theo đuổi sự nghiệp thiết kế độc lập.

Ông chia sẻ về cách những nhà thiết kế ngày nay hướng đến các mẫu xe điện.

Nargress Banks: Khi còn làm việc tại Bertone, ông đã tạo ra một vài trong số những mẫu xe xuất sắc nhất lịch sử, Miura với động cơ đặt ở giữa xe, và đặc biệt là Countach vẫn giữ nguyên phong cách cho đến tận ngày nay. Tuy vậy, ông lại từng nói rằng kiến trúc, cấu tạo, lắp ráp và cơ khí của chiếc xe quan trọng hơn ngoại hình. Liệu tôi có đúng khi cho rằng ông cho phép thiết kế định hình một cách tự nhiên xuyên suốt quá trình thực hiện?

Chân dung nhà thiết kế lừng danh Marcello Gandini. Ảnh: Lamborghini

Marcello Gandini: Tôi luôn xem chiếc xe như một thể thống nhất không tách rời, ít nhất là với quá trình thiết kế giữa cơ khí và kiểu dáng, về mặt chức năng và tính thẩm mỹ. Ban đầu, cách sắp đặt cơ khí của Miura định nghĩa kiểu dáng, trong khi Countach lại đối lập: kiểu dáng định nghĩa cơ khí.

Cả hai mẫu xe này đều là thành quả từ sự kết hợp và lối tư duy đồng nhất giữa tôi và đội ngũ cơ khí. Với sự am hiểu tốt về tính toàn vẹn trong ngành xe hơi, việc phối hợp sát sao với các kỹ sư đã luôn là một phần cơ bản trong cách làm việc của tôi, từ tờ giấy trắng cho đến hiện thực hóa nguyên mẫu vận hành.

Nargess Banks: Ông thường giới thiệu những khái niệm thiết kế xe mới, như cửa kéo tiên phong với nguyên mẫu của Alfa Romeo 33 Carabo. Liệu sáng tạo ra những ý tưởng mới và khái niệm mang tính tiên phong có phải là trọng tâm trong cách làm việc của ông?

Marcello Gandini: Khi bắt đầu mỗi dự án, tôi luôn tìm tòi giải pháp cho một hoặc nhiều vấn đề khác nhau. Vấn đề càng được làm rõ, càng dễ dàng hơn để đưa ra giải pháp xuất sắc. Có nghĩa là đôi khi từ việc phát triển những khái niệm sẽ đem đến các ý tưởng quan trọng mới. Trường hợp ở đây là cửa kéo của Alfa Romeo Carabo, cũng như những chi tiết ít được chú ý hơn, như đèn báo rẽ bên kính chiếu hậu của Maserati Chubasco, được các hãng sản xuất xe áp dụng và trở thành giải pháp thông dụng như hiện tại.

Nargess Banks: Sau khi rời Bertone, ông đã tham gia vào nhiều dự án thiết kế khác nhau. Rất nhiều trong số đó nằm ngoài lĩnh vực thiết kế xe hơi. Vậy làm thế nào mà kinh nghiệm từ việc thiết kế xe đã giúp cho ông định hình những dự án sau này, từ kiến trúc cho đến nội thất và máy bay trực thăng?

Marcello Gandini: Đúng là đôi lúc, tôi tham gia thiết kế cho những lĩnh vực khác, như thiết kế nhà cửa (cả nội thất và ngoại thất), đồ nội thất và tất nhiên là máy bay trực thăng. Toàn bộ đều là trải nghiệm thú vị, nhưng chỉ như một phần từ những gì làm cho tôi cảm thấy thích thú nhất và luôn diễn ra đồng thời như những công việc khác.

Mẫu xe Bertone Lamborghini Miura. Ảnh: Lamborghini

Nargess Banks: Khi nhìn lại, đâu là những thiết kế mà ông cho rằng thể hiện tốt nhất triết lý của mình?

Marcello Gandini: Triết lý của tôi là luôn cố gắng tạo nên sự khác biệt cho từng dự án so với những sản phẩm trước đó. Mọi dự án của tôi đều thể hiện triết lý này. Thời gian gần đây, chiếc xe thể hiện rõ nét nhất triết lý của tôi là dự án chưa được công bố. Đó là một phần trong quá trình nghiên cứu về phương pháp cấu tạo xe mới mà tôi đã thực hiện trong hơn 20 năm.

Nargess Banks: Tôi cảm thấy phấn khích về điều này. Liệu ông có thể giải thích thêm có được không?

Marcello Gandini: Kinh nghiệm trong việc chế tạo những nguyên mẫu và mẫu xe, cũng như kiến thức tốt về hệ thống sản xuất bên trong các nhà máy cho phép tôi tư duy về sáng kiến khả thi trong việc thay đổi phương thức sản xuất. Tôi đã phát triển nhiều dự án (một dự án đặc thù) và những bằng sáng chế, mà tôi đã trình bày và bán lại cho một số nhà sản xuất.

Marcello Gandini là người đi tiên phong trong việc áp dụng thiết kế cửa kéo đậm chất tương lai với mẫu xe Alfa Romeo Carabo vào năm 1968. Ảnh: Lamborghini

Những khái niệm chính là về giảm số lượng thành phần tạo ra một chiếc xe, sử dụng nguyên vật liệu mới (chủ yếu là vật liệu tổ hợp), chuỗi lắp ráp và kiến trúc nhà máy hoàn toàn mới. Đây đều là những ý tưởng tiên tiến, với một phần được những nhà sản xuất sử dụng. Họ vẫn gặp khó khăn để tích hợp vào hệ thống sản xuất hiện nay, nhưng với trải nghiệm của tôi trong vai trò thiết kế, đây là thành công cá nhân xuất sắc.

Nargess Banks: Tôi rất muốn biết góc nhìn của ông về những khả năng và hạn chế từ những khó khăn về mặt ngôn ngữ thiết kế trong thời đại ngưng sử dụng động cơ đốt trong, khi mà chúng ta khám phá ra những loại động cơ mới (pin điện/pin nhiên liệu) và máy học?

Marcello Gandini: Những hướng đi mới về động cơ đem lại cơ hội quan trọng trong việc nhìn nhận chiếc xe như một cách thể hiện điều gì đó khác biệt. Chiếc xe có khả năng truyền tải cảm nhận và hình dáng khác nhau về trải nghiệm khi ngồi vào bên trong, theo cái cách mà chúng ta nhìn nhận và cầm lái. Đây vẫn là một lĩnh vực đang được phát triển, nên hãy cứ cho đây như một điều ước sẽ thành hiện thực trong tương lai.

Vào năm 2019, BMW tái hiện lại mẫu xe từng được Marcello Gandini cho Bertone, Garmisch kể từ triển lãm xe Geneva vào năm 1970. Ảnh: BMW

Nargess Banks: Ông có cảm nhận như thế nào về thế hệ mới của những mẫu xe điện?

Marcello Gandini: Vào thời điểm này, tôi cho rằng xe điện là một cơ hội rất lớn về mặt thiết kế vẫn chưa được tận dụng. Khối động cơ điện tạo thuận lợi cho quá trình kiến trúc và hoàn thiện, từ đó mở ra vô số khả năng để cải tiến kiểu dáng và khái niệm thiết kế chung cho toàn bộ phương tiện.

Những nhà thiết kế và đội ngũ marketing đã lựa chọn hướng đi an toàn và tiếp tục mô phỏng lại những mẫu xe truyền thống. Do vậy, những mẫu xe điện hiện nay không có điểm gì để khiến cho ta phải thốt lên: “Quả là một chiếc xe khác biệt, ẩn chứa thông điệp đại diện cho sự thay đổi và cải tiến ngôn ngữ thiết kế mới”. Một điều đáng tiếc.

Marcello Gandini bên cạnh Lamborghini Countach LP 400 S. Ảnh: Lamborghini

Biên dịch: Minh Tuấn