Công nghệ

Malaysia đẩy mạnh đào tạo nhân tài trong lĩnh vực bán dẫn

5 ngày trước
Nguồn: Nikkei Asia

Malaysia đang gấp rút đào tạo nhân tài, để đáp ứng tham vọng trở thành cường quốc trong lĩnh vực bán dẫn.

Share
this:

Là trung tâm sản xuất lâu đời ở châu Á, Malaysia thời gian qua tập trung mở rộng ngành chip, đặc biệt là quy trình đầu cuối như thiết kế mạch tích hợp. Nhưng các doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu nhân sự. Sinh viên theo học STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) không nhiều. Sự mất kết nối giữa trường đại học và tình hình thực tế tại doanh nghiệp tương đối rộng.

Malaysia đang muốn trở thành siêu cường về chip và chất bán dẫn – Ảnh: CNN

Ông Kalai Selvan, CEO của Infinecs, một công ty thiết kế linh kiện điện tử tại Penang nói với Nikkei Asia: “Không đơn giản để tuyển được người. Tại Ấn Độ, chúng tôi có thể ký hợp đồng với những kỹ sư cho các dự án cụ thể một cách nhanh chóng. Ở Malaysia, tìm nhân tài khó hơn nhiều. Để phát triển, Malaysia phải có nguồn nhân lực chất lượng, hoặc thu hút người tài từ khắp nơi trên thế giới.”

Cục Thống kê Malaysia cho biết, ngành điện tử nước này hiện sử dụng khoảng 600.000 nhân công. Theo một số cuộc khảo sát, khoảng 47% công ty nói thiếu lao động là yếu tố cản trở việc mở rộng kinh doanh.

Nhận thức tính cấp bách của vấn đề, cũng như mong muốn đóng vai trò quan trọng hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đầu năm nay, Chính phủ Malaysia công bố kế hoạch đào tạo 60.000 kỹ sư tay nghề cao tới năm 2030. Chính phủ cũng tìm cách tăng gấp đôi sinh viên STEM, khuyến khích phụ nữ tham gia vào lĩnh vực kỹ thuật, và đẩy mạnh đào tạo nghề.

Từ năm 2012, Malaysia có sáng kiến mang tên CREST với mục tiêu phát triển nhân tài thông qua hợp tác liên ngành về kỹ thuật, khoa học và công nghệ. CREST cũng hỗ trợ công ty khởi nghiệp ở địa phương, hỗ trợ doanh nhân trẻ về nguồn lực, tư vấn và cơ hội làm ăn. CREST còn kết nối với các ngành công nghiệp để phát triển lĩnh vực đèn LED, đèn chiếu sáng bán dẫn, giúp Malaysia trở thành cơ sở sản xuất toàn cầu quan trọng.

Ông Jaffri Ibrahim, CEO của CREST nói với Nikkei Asia: “Khi đề cập R&D, chúng tôi muốn nói tới ứng dụng. Các trường đại học truyền thống thường tập trung nghiên cứu cơ bản, nhưng ít tham khảo ý kiến doanh nghiệp, gây ra vấn đề công trình nghiên cứu khó ứng dụng, rất lãng phí. CREST giúp xây dựng hệ sinh thái khuyến khích đổi mới tại địa phương, và tích hợp các công ty khởi nghiệp vào chuỗi giá trị toàn cầu.”

Theo xu hướng quốc gia, bang Penang ở miền Bắc Malaysia đã đẩy mạnh STEM từ tháng 9. Chính quyền giới thiệu khái niệm STEM với học sinh từ tiểu học đến trung học, để khơi dậy sự quan tâm ở các em với khoa học công nghệ. Bằng cách đi từ gốc, bang Penang hy vọng sẽ có nguồn cung lành nghề cho ngành công nghiệp bán dẫn trong tương lai.

Ông David Lacey, chuyên gia công nghiệp đèn LED ở bang Penang cho rằng, điều quan trọng là cần liên kết, phối hợp đồng bộ trong R&D.

Ông nói: “Mặc dù các công ty Malaysia mạnh về đóng gói, nhưng họ cần áp dụng công nghệ mới, tìm nguồn thiết bị tại địa phương và hiểu quy trình đóng gói tiên tiến. Hoạt động R&D cũng nên được tiến hành tại địa phương, với các trường đại học và viện nghiên cứu hỗ trợ.”

Ông Shahidan Abdullah, giám đốc học viện MIMOS, một tổ chức đào tạo trực thuộc Bộ Khoa học Công nghệ Malaysia cho biết, tiến bộ về kỹ thuật trên thế giới đang rất nhanh, các trường phải chật vật để bắt kịp thay đổi. Do đó, nên hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp để thu hẹp khoảng cách, nhằm tăng cường hiệu quả đào tạo.

Theo Ngân hàng Thế giới, ngày càng có nhiều người Malaysia không làm đúng lĩnh vực được đào tạo. Điều đó phản ánh khó khăn trong đáp ứng đủ kỹ năng chuyên môn sau khi tốt nghiệp. Đây cũng là nguyên nhân thiếu hụt lao động trong ngành chip và bán dẫn đang phát triển của Malaysia.

Mục tiêu của Malaysia là 60% sinh viên học STEM đến nay vẫn chưa đạt được. Từ năm 2000 tới nay, tỷ lệ luôn dưới 50%. Nguyên nhân được cho là các em học sinh không được tiếp xúc sớm và nghe tư vấn đầy đủ. Phần lớn cho rằng, STEM khó học, cũng như mức lương khởi điểm thấp. Ngoài ra, người mới ra trường hay ưu tiên cơ hội ngắn hạn, thay vì phải học hỏi không ngừng nếu chọn công việc về kỹ thuật.

(Biên dịch: NVP)