Xu hướng mua bán sáp nhập (M&A) được dự báo sẽ định hình thị trường năng lượng Việt Nam trong giai đoạn kế tiếp, sau giai đọan đầu khuyến khích bằng cơ chế giá ưu đãi.
Việt Nam nằm trong tốp 20 quốc gia có công suất điện năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới và dẫn đầu Đông Nam Á, với 16GW điện mặt trời cùng khoảng 5GW điện gió.
Khối doanh nghiệp tư nhân trở nên nổi bật trong cuộc chạy đua đưa các dự án vào vận hành thương mại, đủ điều kiện hưởng giá bán điện FiT (Feed in Tariff).
Các chính sách khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo đã thu hút hàng loạt doanh nghiệp tham gia thị trường trong hai năm qua.
Song bà Trần Thị Khánh Hiền, giám đốc khối phân tích công ty Chứng khoán VNDirect đánh giá, thị trường còn manh mún với các doanh nghiệp quy mô nhỏ. Theo ước tính của đơn vị này, 10 doanh nghiệp lớn nhất thị trường chỉ chiếm 40% thị phần.
“Sau giai đoạn khuyến khích về giá, giai đoạn M&A sẽ hình thành. Thị trường sàng lọc và được dự báo còn khoảng 10-20 doanh nghiệp lớn tham gia,” bà Khánh Hiền nói.
Trong giai đoạn đầu khởi tạo dự án, các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam giữ vai trò chủ đạo. Nhưng khi dự án vào giai đoạn vận hành như hiện nay, doanh nghiệp nước ngoài trở nên nổi bật và đang “rất tích cực trong việc mua lại dự án ở Việt Nam”.
Điều này cũng đẩy định giá các thương vụ lên cao. Theo thống kê của VNDirect, từ đầu năm đến nay lĩnh vực năng lượng tái tạo có một số thương vụ M&A nổi bật như Acen mua 49% cổ phần Sola NT Holding với giá trị 165 triệu USD, Xuân Thiện bán nhà máy điện mặt trời Thuận Bắc công suất 255MWp cho EDP Renewables (Bồ Đào Nha).
Dữ liệu của KPMG ghi nhận tổng giá trị M&A tại Việt Nam đạt 5,7 tỉ USD trong 10 tháng đầu năm 2022, giảm hơn 35% so với cùng kỳ năm ngoái.
Song, xét về lĩnh vực, năng lượng tái tạo đang trở nên hấp dẫn khi đạt giá trị gần 600 triệu USD, tăng khoảng sáu lần so với cả năm 2021.
Ông Nguyễn Tâm Tiến, tổng giám đốc Trung Nam Group dự đoán thị trường năng lượng tái tạo ở Việt Nam thời gian tới, sau khi Quy hoạch điện VIII ban hành sẽ xuất hiện các cuộc cạnh tranh khốc liệt.
So với dự thảo ban đầu, Quy hoạch điện VIII (cập nhật đến tháng 10.2022) đã tăng cơ cấu quy hoạch cho nguồn điện mặt trời và điện gió nhằm đáp ứng mục tiêu “net-zero carbon” vào năm 2050. Trong giai đoạn 2022- 2045, công suất điện gió dự kiến sẽ tăng trưởng kép 16% còn công suất điện mặt trời (tính cả điện mặt trời mái nhà) sẽ tăng 8%.
“Nếu doanh nghiệp trong nước không có các mối hợp tác, không chuẩn bị trước thì khả năng sẽ bị nhà đầu tư nước ngoài lấn sân,” ông Tiến nói.
Trung Nam Group hiện vận hành 14 nhà máy điện. Năm ngoái, doanh nghiệp chiếm khoảng 7% thị phần thị trường năng lượng tái tạo nội địa này bán 49% cổ phần công ty điện mặt trời Trung Nam cho công ty cổ phần Kỹ thuật công nghiệp Á Châu (ACIT) và 35% cổ phần nhà máy điện gió Trung Nam cho Hitachi SE, thành viên của tập đoàn Hitachi (Nhật Bản).
Trong lần chia sẻ với Forbes Việt Nam cuối năm 2021, ông Tiến nói công ty giữ nguyên tắc chỉ chuyển nhượng cổ phần cho đối tác là công ty 100% vốn Việt Nam hoặc những nhà đầu tư nước ngoài có nguồn vốn rõ ràng, đến từ các quốc gia có quan hệ hữu hảo với Việt Nam.
3 năm trước
Dự báo M&A bùng nổ sau đại dịch COVID-193 tháng trước
Super Energy đặt cược vào ngành năng lượng Việt Nam