Tập đoàn hàng xa xỉ LVMH ghi nhận mức tăng trưởng 2% trong nửa đầu năm 2024, nhưng vẫn thấp hơn kỳ vọng của chuyên gia phân tích và doanh thu năm 2023 do thị trường thời trang xa xỉ chững lại.
LVMH báo cáo doanh thu đạt 41,7 tỉ EUR (45,2 tỉ USD) trong nửa đầu năm 2024, giảm 1% so với cùng kỳ năm 2023. Chỉ riêng trong quý 2, doanh thu đạt 20,9 tỉ EUR (22,7 tỉ USD), tăng 1% so với cùng kỳ năm 2023.
Trước đó, các chuyên gia dự đoán tập đoàn sẽ đạt doanh thu 42,3 tỉ EUR (45,9 tỉ USD) trong nửa đầu năm 2024 và 21,5 tỉ EUR (23,3 tỉ USD) trong quý 2.2024.
Theo dữ liệu Forbes cập nhật về tài sản của các tỉ phú theo thời gian thực, tài sản ròng của CEO Bernard Arnault đã giảm 135 triệu USD sau khi tập đoàn báo cáo kết quả kinh doanh.
Doanh thu của các nhóm mặt hàng cốt lõi như thời trang – đồ da, nước hoa – mỹ phẩm tăng 2% trong nửa đầu năm 2024, trong khi doanh thu từ rượu vang – rượu mạnh, đồng hồ – trang sức, giảm do nhu cầu ở Trung Quốc thấp.
Ngoài ra, Tiffany & Co., công ty trang sức được LVMH mua lại, vẫn chưa đạt được lợi nhuận như kỳ vọng vì nhiều nhân viên nghỉ việc, chuyển sang làm cho các đối thủ.
Trong quý 2, doanh thu của hai mảng kinh doanh thời trang – đồ da cũng như nước hoa – mỹ phẩm lần lượt tăng 1% và 4% nhờ doanh số nước hoa Sauvage và J’adore của Dior tiếp tục cao.
Trung tuần tháng 7, các thương hiệu thời trang xa xỉ thuộc sở hữu của LVMH đã công bố lợi nhuận và đều báo cáo doanh số sụt giảm.
Bernard Arnault, chủ tịch kiêm CEO của LVMH, là người giàu nhất châu Âu và dẫn đầu danh sách Tỉ phú của Forbes trong hai năm liền 2023 và 2024. Tuy nhiên, hiện ông là người giàu thứ 3 ở châu Âu do tài sản giảm xuống 191 tỉ USD.
Năm 1984, doanh nhân 75 tuổi người Pháp chuyển từ kinh doanh vật liệu sang thời trang xa xỉ khi ông mua lại Christian Dior với giá 95 triệu USD để giúp công ty thoát khỏi tình trạng phá sản.
Trong khi quản lý Christian Dior, Arnault tiếp tục triển khai chiến lược mua thêm cổ phần để nắm quyền kiểm soát LVMH hồi năm 1989 và sáp nhập Christian Dior vào công ty.
Arnault lần đầu tiên góp mặt trong danh sách Tỉ phú Thế giới của Forbes vào năm 1997 khi ông sở hữu khối tài sản 3,6 tỉ USD. Kể từ đó, Arnault phát triển LVMH thành tập đoàn hùng mạnh với 75 thương hiệu xa xỉ về thời trang, trang sức, mỹ phẩm và rượu.
Năm 2021, thị trường hàng xa xỉ chứng kiến sự tăng trưởng mạnh sau đại dịch COVID-19 nhờ giới thượng lưu đặc biệt ở châu Á và Hoa Kỳ vung tiền vào các mặt hàng xa xỉ do họ không thể đi du lịch hoặc ra ngoài ăn uống.
Năm 2022 cũng ghi nhận mức tăng trưởng mạnh trên thị trường hàng xa xỉ như năm 2021. Tốc độ tăng trưởng trên thị trường hàng xa xỉ chậm lại vào nửa cuối năm 2023 do bất ổn kinh tế vĩ mô và căng thẳng địa chính trị khiến người tiêu dùng, đặc biệt giới trung lưu, ngày càng siết chặt chi tiêu.
Giới trung lưu đóng góp hơn 50% tăng trưởng doanh số bán hàng xa xỉ trên toàn cầu. Giới trung lưu, đặc biệt ở châu Á, cắt giảm chi tiêu cho những mặt hàng xa xỉ do giá cả tăng cao nên các thương hiệu như Burberry và Hugo Boss đều bị ảnh hưởng, khiến những thương hiệu buộc phải triển khai nhiều chương trình kích cầu cũng như tái cơ cấu bộ máy quản lý.
Sự suy thoái của thị trường xa xỉ cũng tác động đến LVMH nhưng tập đoàn vẫn tăng trưởng dương nhờ danh mục đầu tư đa dạng gồm 75 công ty sở hữu những thương hiệu hàng đầu như Sephora.
Tháng 4.2023, LVMH đã trở thành công ty châu Âu đầu tiên đạt mức định giá 500 tỉ USD nhờ giá cổ phiếu tăng cao hơn 900 EUR (977 USD) sau khi công ty báo cáo doanh thu tăng gấp đôi mức dự kiến. Giá trị của LVMH giảm xuống còn 375 tỉ USD khi cổ phiếu giảm 24% so với mức cao kỷ lục lúc đó.
Được thành lập thông qua sự sáp nhập nổi tiếng giữa Louis Vuitton và Moët Hennessy, tập đoàn hàng xa xỉ này ngày càng tăng trưởng nhờ chiến lược mua lại hấp dẫn trong hơn bốn thập niên.
Trong thế kỷ 20, tập đoàn đã mua lại Dom Pérignon, Givenchy, Kenzo, Celine, Sephora, Marc Jacobs, TAG Heuer và Benefit Cosmetics. Vào thế kỷ 21, tập đoàn mua lại Fendi, Hublot và Fenty Beauty của Rihanna.
Năm 2021, tập đoàn đã mua lại Tiffany & Co. với giá ước tính 16 triệu USD và mở rộng hoạt động kinh doanh trang sức sau khi tập đoàn mua lại nhà chế tác kim hoàn Pedemont Group và Platinum Invest group, giúp Tiffany & Co. tăng doanh thu thêm 1,5 tỉ USD kể từ khi hoàn tất thương vụ.
Chỉ trong tháng 6, tập đoàn này đã mua lại nhà hàng Chez l’Ami Louis ở Paris và thương hiệu đồng hồ Thụy Sĩ L’Epée 1839 để tiếp tục mở rộng danh mục đầu tư.
Năm 2023, LVMH thông báo rằng Louis Vuitton, Dior và Berluti là những nhà tài trợ cho Thế vận hội Paris, trong khi thương hiệu trang sức Chaumet phụ trách thiết kế huy chương Olympic và Paralympic.
Moët Hennessy và Sephora sẽ tài trợ quà tặng và các buổi chiêu đãi. Theo tạp chí thời trang Vogue, LVMH tài trợ 2 triệu EUR (2,17 triệu USD) cho ban tổ chức, qua đó cho thấy tập đoàn có đóng góp quan trọng đối với nền kinh tế Pháp.
Biên dịch: Gia Nhi
———————-
Xem thêm:
Chủ sở hữu Coach sẽ mua lại Michael Kors, Jimmy Choo và Versace, nhưng sẽ khó tạo ra một LVMH hay Kering tiếp theo
LVMH đạt giá trị thị trường gần bằng Tesla
LVMH mua lại công ty chế tác trang sức của Pháp để đẩy mạnh năng lực cho Tiffany & Co.
2 năm trước
Cách xây dựng thị trường xa xỉ trong metaverse4 tháng trước
Elon Musk mất nhiều tiền nhất từ đầu năm 20241 năm trước
LVMH đạt giá trị thị trường gần bằng Tesla