Nước nhỏ Luxembourg vượt qua những nước lớn nhất dẫn đầu danh sách những nước giàu nhất trên thế giới năm nay.
Hầu hết các nước đứng đầu danh sách nước giàu nhất trên thế giới không phải là những nước lớn nhất hoặc mạnh nhất. Trên thực tế, nhiều nước giàu nhất lại là những nước nhỏ nhất, như Luxembourg, nước dẫn đầu danh sách Global Finance vừa công bố.
Ngoài ra, Singapore, Ireland, Qatar và Thụy Sĩ cũng nằm trong danh sách, theo sau Luxembourg – đại công quốc duy nhất trên thế giới hiện nay.
Có nhiều chỉ số đánh giá sự giàu có của một nước hoặc vùng lãnh thổ vì thế dẫn đến sự khác nhau trong xếp hạng nhưng thường dựa vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP), thu nhập bình quân đầu người trong một năm (GDP) hoặc tổng thu nhập quốc dân (GNI).
Trong đó, chỉ số GDP của mỗi nước hoặc vùng lãnh thổ trên thế giới thường được sử dụng thường xuyên để xếp mức độ giàu có so với các chỉ số khác.
“Tuy nhiên, hãy nhớ thu nhập bình quân đầu người không nhất thiết phải tương ứng với mức lương bình quân một người kiếm được,” theo World Population Review. “Chẳng hạn thu nhập bình quân đầu người của Hoa Kỳ năm 2019 đạt 65.279,5 USD nhưng mức lương bình quân hằng năm là 51.916,27 USD và mức lương trung bình là 34.248,45 USD.”
Theo phân tích của World Population Review, nếu xếp hạng các nước giàu nhất thế giới theo GDP thì lưu ý “thậm chí ở những nước giàu có nhất vẫn có người nghèo. Ngược lại, những nước nghèo nhất vẫn có một vài người cực giàu – nhưng đó là một chỉ số hợp lý đánh giá tăng trưởng kinh tế của một nước.”
Theo giải thích của Global Finance, khi xếp hạng chủ yếu dựa vào GDP, các nước giàu nhất là những nước lớn nhất. Ví dụ: đây là 10 nước giàu nhất trên thế giới dựa theo dữ liệu của quỹ Tiền tệ Quốc tế:
Hoa Kỳ (18.600 tỉ USD)
Trung Quốc (11.200 tỉ USD)
Nhật Bản (4.900 tỉ USD)
Đức (3.400 tỉ USD)
Anh (2.600 tỉ USD)
Pháp (2.500 tỉ USD)
Ấn Độ (2.200 tỉ USD)
Ý (1.800 tỉ USD)
Brazil (1.800 tỉ USD)
Canada (1.500 tỉ USD)
Thiên đường thuế và các đặc thù khác
Làm thế nào mà nền kinh tế của những nước nhỏ bé như Luxembourg lại có thể sánh ngang với nền kinh tế của những cường quốc nằm trong danh sách trên?
Có một thực tế là “giá trị GDP đôi khi có thể bị thiên lệch do các hoạt động kinh doanh quốc tế”, theo World Population, “Ví dụ, một vài nước (như Ireland và Thụy Sĩ) được gọi là “thiên đường thuế” nhờ vào các quy định về thuế của chính phủ có lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài.
“Ở những nước này, một khoản nào đó tính vào GDP thật sự có thể đến từ số vốn các công ty quốc tế đầu tư vào, không phải là thu nhập thật sự của nước đó.”
Hoa Kỳ được xem là thiên đường thuế dưới đánh giá của nhiều nhóm cơ quan giám sát tài chính.
Luxembourg cũng thường được gọi là thiên đường thuế nhưng có một điểm khác biệt: tỉ lệ lao động đến các nước khác ở châu Âu làm việc cao – khoảng 212.000 người trong quý 2.2021. “Mặc dù họ góp sức giúp đất nước trở nên giàu có nhưng không được tính vào nên GDP bình quân đầu người cao hơn thực tế,” đài truyền hình địa phương RTL viết.
Vì vậy, nhiều nhà kinh tế xét theo chỉ số tổng thu nhập quốc dân (GNI) để cố gắng giảm mức ảnh hưởng của những yếu tố trên đến GDP quốc gia.
Ngoài ra, còn có những chỉ số hài lòng và hạnh phúc dùng để đo lường nhiều khía cạnh khác nhau của cuộc sống và bổ sung cho các chỉ số truyền thống nhất.
Tài chính phức tạp, thuế, tài nguyên thiên nhiên
Những yếu tố chính giúp những nước nhỏ như Luxembourg, Thụy Sĩ và Singapore trở nên giàu có gồm có tài chính phức tạp và chế độ thuế được thiết lập để thu hút đầu tư nước ngoài cũng như nhân tài chuyên nghiệp.
Qatar, Brunei và các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất có trữ lượng hydrocacbon lớn và các nguồn tài nguyên thiên nhiên sinh lợi khác cũng nằm trong tốp 10 của danh sách. Macau, thiên đường cờ bạc của châu Á, với nhiều cơ sở kinh doanh casino thu hút rất nhiều khách du lịch giàu có.
Mức ảnh hưởng của đại dịch
Dù thế nào, trong năm 2022 tất cả các chỉ số đều được điều chỉnh do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 buộc nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc giảm hoạt động, chuyển sang mô hình làm việc từ xa và những thay đổi khác.
Đại Công quốc Luxembourg vượt qua những mức ảnh hưởng của đại dịch tốt hơn nhiều so với các nước láng giềng châu Âu.
Năm 2014 “nước này đạt mốc GDP bình quân đầu người 100.000 USD,” Global Finance lưu ý, “Luxembourg trích ra một phần lớn tài sản trong nước để cung cấp nhà ở, chăm sóc sức khỏe cũng như giáo dục tốt hơn cho người dân. Tính đến hiện tại, người dân ở Luxembourg hưởng mức sống cao nhất trong khu vực Đồng tiền chung châu Âu.”
Luxembourg là một nước nhỏ không giáp biển nằm ở Tây Âu, giáp với Bỉ, Pháp và Đức. Với dân số 642.371, Luxembourg là Đại công quốc duy nhất trên thế giới. GDP bình quân đầu người đạt 140.694 USD, trở thành nước giàu nhất thế giới.
Tỉ lệ thất nghiệp chỉ hơn 5% và tuổi thọ trung bình của người dân là 82 tuổi. Việc chăm sóc sức khỏe, giáo dục và giao thông công cộng đều miễn phí cho mọi người dân.
Chính phủ Luxembourg ổn định và hoạt động hiệu quả. Đất nước này được hưởng sự ổn định về chính trị lẫn kinh tế cũng như mức sống cao. Luxembourg là nơi có nhiều công ty đa quốc gia, bao gồm Skype và Amazon.
Cùng với Luxembourg, 10 nước châu Âu khác cũng nằm trong số 20 nước và vùng lãnh thổ giàu có nhất, tính theo GDP:
Luxembourg: 140.694 USD
Singapore: 131.580 USD
Ireland: 124.596 USD
Qatar: 112.789 USD
Đặc khu hành chính Macau: 85.611 USD
Thụy Sĩ: 84.658 USD
Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất: 78.255 USD
Na Uy: 77.808 USD
Hoa Kỳ: 76.027 USD
Brunei Darussalam: 74.953 USD
Đặc khu hành chính Hong Kong: 70.448 USD
San Marino: 70.139 USD
Đan Mạch: 69.273 USD
Đài Loan: 68.730 USD
Hà Lan: 68.572 USD
Áo: 64.571 USD
Iceland: 64.621 USD
Andorra: 63.600 USD
Đức: 63.271 USD
Thụy Điển: 62.926 USD
Liệu những nước trong danh sách này vượt qua được tình trạng hỗn loạn toàn cầu hiện hữu không. Báo cáo cập nhật Triển vọng kinh tế thế giới phát hành trong tháng 7.2022 của quỹ Tiền tệ Quốc tế nhận định triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới “u ám lẫn không chắc chắn”.
“Nền kinh tế chưa kịp hồi phục trong năm 2021, thêm vào đó, những nguy cơ tiềm ẩn bắt đầu trở thành hiện thực, khiến cho triển vọng tăng trưởng kinh tế trong năm 2022 ngày càng u ám.
Sản lượng toàn cầu giảm trong quý hai do sự suy thoái ở Trung Quốc và Nga, trong khi người dân ở Hoa Kỳ tiêu dùng ít hơn so với kỳ vọng. Một vài cú sốc giáng xuống nền kinh tế thế giới vốn đã suy yếu do đại dịch: lạm phát trên toàn thế giới cao hơn dự kiến – đặc biệt ở Hoa Kỳ và các nền kinh tế lớn ở châu Âu – làm thắt chặt các điều kiện tài chính hơn; tình trạng suy thoái ở Trung Quốc trở nên tồi tệ hơn do dịch COVID-19 bùng phát trở lại cùng với những đợt phong tỏa; cũng như thêm nhiều tác động tiêu cực từ xung đột ở Ukraine.
Biên dịch: Gia Nhi
Xem thêm:
Những thành phố đáng sống nhất trên thế giới
10 thành phố có chi phí sinh hoạt đắt đỏ nhất thế giới