Sức khỏe

lenacapavir hiệu quả nhưng vaccine vẫn là lựa chọn tối ưu ngừa HIV

3 tháng trước
Tác giả Katie Jennings

Khi hãng dược Gilead Sciences công bố kết quả khả quan ban đầu của quá trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối thuốc tiêm điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV hồi tháng 5, các nhà nghiên cứu, những người vận động chính sách và phố Wall đều vui mừng. 

Share
this:

Kết quả cho thấy trong số hơn 2.000 phụ nữ có nguy cơ nhiễm HIV cao được tiêm thuốc lenacapavir hai lần mỗi năm, không ai bị nhiễm bệnh. 

Mitchell Warren, giám đốc điều hành của tổ chức phi lợi nhuận AIDS Vaccine Advocacy Coalition (AVAC), nói với Forbes: “Thật vui mừng khi thấy không có ai bị nhiễm HIV trong đợt thử nghiệm lâm sàng này.”

Các nhà hoạt động phòng chống AIDS biểu tình vào mùa xuân năm 1991 tại nhà ga Grand Central ở thành phố New York, Hoa Kỳ. Hiện cứ mỗi phút lại có một người tử vong do các nguyên nhân liên quan đến AIDS. Ảnh: Thomas McGovern/ Getty Images/ Forbes

Kết quả đầy hứa hẹn đến nỗi ủy ban độc lập đã khuyến nghị tất cả 5.300 phụ nữ tham gia thử nghiệm tiêm hai mũi mỗi năm thay vì tiếp tục uống thuốc hằng ngày. Trung bình cứ 100 phụ nữ uống loại thuốc này hằng ngày, vẫn còn 2 người nhiễm HIV.

Khi Hội nghị Quốc tế thường niên về AIDS khai mạc tại Munich trong tuần gần cuối tháng 7, Gilead có trụ sở tại California dự kiến ​​sẽ công bố dữ liệu đầy đủ của thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3. 

Đến đầu năm 2025, công ty dự kiến sẽ thông báo dữ liệu bổ sung của thử nghiệm trên cả nam giới và người chuyển giới. Nhưng chi phí chính là trở ngại lớn nhất để cộng đồng có thể sử dụng loại thuốc này cho việc phòng ngừa HIV lâu dài. 

Giáo sư Monica Gandhi, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về AIDS trực thuộc Đại học California – San Francisco, nói với Forbes: “Cộng đồng người nhiễm HIV rất lo ngại làm sao để họ có thể tiếp cận được loại thuốc này. Ai sẽ được tiêm lenacapavir? Chỉ những người giàu ở Hoa Kỳ. Không ai tại khu vực châu Phi cận Sahara sử dụng được loại thuốc này.”

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã chấp thuận người nhiễm HIV đa kháng thuốc dùng lenacapavir như thuốc kháng virus hai lần mỗi năm (chi phí 42.250 USD cho năm điều trị đầu tiên và 39.000 USD cho mỗi năm điều trị tiếp theo). 

Thay vào đó, các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm loại thuốc này để điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) cho những người có nguy cơ nhiễm cao. Gilead đang chờ đợi thêm dữ liệu thử nghiệm lâm sàng và triển khai thủ tục đăng ký FDA.

Vì vậy, Meaghan Smith, người phát ngôn của Gilead, nói với Forbes qua email: “Còn quá sớm để đề cập đến chi phí dùng thuốc lenacapavir cho PrEP.” 

Trong thông cáo báo chí, Gilead cho biết công ty lên kế hoạch “đảm bảo” nguồn cung ở “các quốc gia có nhu cầu lớn nhất” cho đến khi công ty đàm phán các thỏa thuận cấp phép tự nguyện vốn sẽ cho phép một số quốc gia có thu nhập thấp nhận được thuốc generic với giá rẻ hơn.

Điều đáng lo ngại là ngay cả ở mức giá thấp hơn, nhiều người ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới cũng không thể tiếp cận loại thuốc này. Gilead không cho biết chi tiết về những dự định của công ty trong việc hợp tác với dự án Medicines Patents Pool do Liên Hiệp Quốc tài trợ.

Theo số liệu mới nhất của Chương trình Phối hợp của Liên Hiệp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS), khoảng 39,9 triệu người trên toàn thế giới nhiễm HIV và ước tính có khoảng 1,3 triệu ca nhiễm mới mỗi năm. Trong đó, những khu vực Trung Đông – Bắc Phi, Đông Âu, Trung Á và Mỹ Latinh ghi nhận số lượng người nhiễm mới ngày càng tăng. 

Năm 2016, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua mục tiêu chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030, nhưng thật khó đạt được mục tiêu này. Ngay cả UNAIDS cũng thừa nhận “thế giới đang đi chệch hướng.”

Số ca nhiễm HIV mới cao gấp ba lần so với mục tiêu năm 2025, trong khi kinh phí dành cho phòng ngừa HIV đang bị cắt giảm trên toàn thế giới. 1/4 số người nhiễm bệnh không được điều trị. Nhiều chính sách được ban hành đang cản trở những người có nguy cơ nhiễm cao tiếp cận dịch vụ phòng ngừa.

Tuy có một vài loại thuốc mang lại hiệu quả cao trong điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV nhưng nhiều người vẫn dùng thuốc suốt đời do họ có nguy cơ nhiễm cao.

Thử nghiệm vaccine ngừa HIV còn đối mặt với nhiều thách thức

Tất nhiên vaccine luôn là giải pháp rẻ hơn và có thể ngăn ngừa lâu dài. Nhưng hiện vẫn chưa nghiên cứu thành công mặc dù các nhà khoa học hàng đầu đã triển khai trong hơn thập niên qua.

Winnie Byanyima hiện đảm nhận chức giám đốc điều hành UNAIDS. Ảnh: AFP/ Getty Images/ Forbes

Hồi tháng 6, Winnie Byanyima, giám đốc điều hành UNAIDS, cho biết: “Cho đến khi có phương pháp chữa trị hoặc vaccine, chúng ta sẽ vẫn cần duy trì hoạt động ứng phó với AIDS sau khi thế giới có thể kết thúc dịch bệnh này vào năm 2030.”

Theo ước tính của AVAC, các chính phủ, tổ chức phi lợi nhuận và nhiều công ty đã chi tới 18 tỉ USD cho việc nghiên cứu vaccine HIV kể từ năm 2000. Tuy nhiên, quá trình thử nghiệm vaccine không đạt nhiều tiến triển mới, chỉ mới dừng ở giai đoạn 3.

Hồi tháng 1.2023, Johnson & Johnson đã ngừng thử nghiệm vaccine ngừa HIV Mosaico do không có hiệu quả. 

PrEPVacc là nghiên cứu vaccine ngừa HIV còn được thực hiện. Vaccine đã được thử nghiệm giai đoạn cuối, nhưng đến tháng 12.2023, PrEPVacc đã bị ngừng do hiệu quả rất thấp hoặc thậm chí không phát huy tác dụng.

Ở một người không được điều trị, HIV sẽ tạo ra khoảng 10 tỉ hạt virus mới mỗi ngày. Tuy thuốc kháng virus đã làm nên điều kỳ diệu trong việc ngăn ngừa và kiểm soát lây nhiễm HIV nhưng người nhiễm HIV đều phải sử dụng thuốc suốt đời, nếu không tải lượng virus sẽ ngày càng cao trong cơ thể cũng như tấn công hệ miễn dịch dữ dội.

Jim Kublin, giám đốc điều hành của Mạng lưới thử nghiệm vaccine HIV có trụ sở tại Trung tâm Ung thư Fred Hutch, nói với Forbes: “Vì vậy, rất cần thiết phát triển vaccine để giúp cơ thể tạo ra phản ứng miễn dịch chủ động để kiểm soát virus.”

Cả thế giới đều kỳ vọng sẽ có một loại vaccine ngừa HIV lâu dài giống như vaccine ngừa uốn ván hay bệnh đậu mùa – hoặc thậm chí ngừa suốt đời như vaccine sởi. 

Biên dịch: Gia Nhi

———————

Xem thêm:

Một phụ nữ New York khỏi HIV nhờ phương pháp điều trị mới

Tag: #, #, #, #