Năm 2025 được xem là năm bản lề trong một giai đoạn mới của đất nước – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Nhà lãnh đạo trong kỷ nguyên mới cần phải chuẩn bị những gì và phải quản trị sự thay đổi như thế nào để tổ chức của mình không nằm ngoài “sân chơi” trước những biến động?
GS. Sử Đình Thành, Giám đốc Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh; Ảnh: TL
Căng thẳng địa chính trị leo thang và các cuộc xung đột đa quốc gia kéo dài làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, thử thách sự phục hồi của các nền kinh tế. Bên cạnh đó, tình trạng biến đổi khí hậu, hiện tượng thời tiết cực đoan và cam kết trung hòa carbon của các quốc gia buộc các doanh nghiệp phải tái định hình tư duy quản trị thông qua triết lý môi trường – xã hội – quản trị (ESG). Đồng thời còn có các thách thức về năng lực ứng phó với các biến chủng trong đại dịch mới, hay nguy cơ thất nghiệp gia tăng với sự nổi lên của trí tuệ nhân tạo… Tất cả đều tạo ra các cơ hội mới nhưng cũng đặt các doanh nghiệp trước những thách thức chưa từng có trong lịch sử.
Những xu hướng mới trong kỷ nguyên mới
Chuyển đổi xanh và phát triển bền vững: Thực hiện mục tiêu chung về trung hoà carbon thông qua Hội nghị Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu lần 26 (COP26), đến nay các quốc gia đã có nhiều hành động cụ thể để chuyển đổi từ tăng trưởng kinh tế truyền thống sang mô hình kinh tế bền vững, tập trung vào giảm phát thải carbon, sử dụng năng lượng tái tạo, thúc đẩy kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn. Đối với doanh nghiệp, áp lực chuyển đổi xanh không chỉ đơn thuần từ các sáng kiến giảm thải carbon ở cấp quốc gia mà còn là sự kỳ vọng của người tiêu dùng xanh, nhà đầu tư thế hệ mới khiến các mô hình kinh doanh theo triết lý ESG không chỉ là một lựa chọn hay một xu hướng mới mà đang dần trở thành tiêu chuẩn mới cho các doanh nghiệp muốn duy trì lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh hiện nay.
Chuyển đổi số và sự nổi lên của kinh tế số, kinh tế chia sẻ: Chuyển đổi số không chỉ tạo ra những bước đột phá trong khả năng quản trị và vận hành mà còn định hình lại cấu trúc phát triển kinh tế toàn cầu. Các quốc gia và doanh nghiệp không ngừng khai thác sức mạnh của chuyển đổi số để xây dựng các mô hình kinh doanh linh hoạt, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, và mở rộng quy mô hoạt động vượt qua các rào cản truyền thống bằng trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain, dữ liệu lớn (big data), thuật toán học máy nâng cao… để đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế.
Đổi mới sáng tạo và kinh tế tri thức: Trong bối cảnh công nghệ AI và tự động hóa ngày càng phát triển, khoảng cách về năng lực công nghệ giữa các doanh nghiệp lớn và nhỏ đang dần thu hẹp. Điều này tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) tiếp cận các công nghệ tiên tiến, cải thiện quy trình sản xuất và nâng cao năng suất thông qua năng lực đổi mới sáng tạo dựa trên nền tảng tri thức và nghiên cứu.
Tái cấu trúc chuỗi cung ứng: Quá trình toàn cầu hóa và tái cấu trúc chuỗi cung ứng của thế giới đang bước vào một giai đoạn mới, nơi tính linh hoạt và khả năng thích ứng trở thành ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp. Các tập đoàn lớn và SMEs phải xem xét lại chiến lược chuỗi cung ứng để đảm bảo tính bền vững và khả năng chống chịu trước các rủi ro tiềm ẩn. Kinh nghiệm để lại hậu đại dịch đã tạo nên những xu hướng mới trong mô hình quản trị chuỗi cung ứng như “nearshoring” (đưa sản xuất về gần thị trường tiêu thụ) và “friend-shoring” (hợp tác với các quốc gia thân thiện) đang gia tăng.
Làm sao để doanh nghiệp có cơ hội “vươn mình”?
Để ứng phó thách thức và nắm bắt cơ hội từ các xu hướng mới trong thời đại mới, bên cạnh những năng lực, kỹ năng và tố chất hiện có, nhà lãnh đạo cần quan tâm thêm các nội dung quan trọng sau:
Lãnh đạo chuyển đổi số: Nhà lãnh đạo cần được trang bị: (1) Định hình tư duy chuyển đổi số để dẫn dắt và tạo nguồn cảm hứng cho đơn vị. Vì nếu ngay cả lãnh đạo vẫn chưa nhận thấy chuyển đổi số là yêu cầu sống còn của doanh nghiệp thì chuyển đổi số không thể lan tỏa đến từng đơn vị trực thuộc và đội ngũ nhân sự; (2) Xây dựng chiến lược, kế hoạch và đảm bảo tính cam kết trong dài hạn để dẫn dắt sự chuyển đổi hiệu quả. Đặc biệt đối với nhận thức về ứng dụng công nghệ mới, lãnh đạo cần phải xây dựng tầm nhìn rõ ràng về mục tiêu và lợi ích của chuyển đổi số để đội ngũ hiểu được lợi ích, từ đó tạo sự cam kết dài hạn cho nhân viên; (3) Xây dựng và cập nhật các metric (đo lường) phù hợp nhằm đánh giá mức độ hiệu quả và rút ra bài học từ các chiến lược chuyển đổi số đã triển khai; (4) Chấp nhận câu chuyện chuyển đổi số là một hành trình lâu dài, không thể thành công trong ngắn hạn (thậm chí có thể dẫn đến khối lượng công việc nhiều hơn trong thời gian đầu so với khi chưa chuyển đổi) để bản thân nhà lãnh đạo và đội ngũ giữ vững niềm tin trong chiến lược chuyển đổi số.
Trực quan hóa và rút trích thông tin từ dữ liệu: Tận dụng và khai thác tiềm năng của dữ liệu lớn trong quá trình chuyển đổi số doanh nghiệp, nhà lãnh đạo cần có các chiến lược và lên kế hoạch xây dựng các bộ dữ liệu lớn nhằm phục vụ mục đích ra quyết định cho doanh nghiệp. Quan trọng nhất, lãnh đạo doanh nghiệp cần được trang bị kỹ năng sử dụng các công cụ trực quan hóa dữ liệu và phân tích dữ liệu để biến những dữ liệu thành quyết định có giá trị.
Lãnh đạo đổi mới sáng tạo: Thế giới của dữ liệu lớn và các thuật toán công nghệ thông tin hiện đại đã và đang làm giảm khoảng cách chênh lệch trình độ giữa các mô hình và ý tưởng kinh doanh của các tổ chức và doanh nghiệp. Để tổ chức không bị tụt hậu trước sự thay đổi nhanh chóng của thị trường và công nghệ, lãnh đạo cần quan tâm và ưu tiên xây dựng “nền tảng văn hoá tổ chức đổi mới sáng tạo”, tạo môi trường sẵn sàng đối diện rủi ro và học hỏi từ thất bại. Bên cạnh đó, với vai trò là nhà lãnh đạo tiên phong, nhà lãnh đạo cần luôn chủ động tìm kiếm hoặc quan tâm xây dựng đội ngũ kế cận nhằm thúc đẩy hiệu quả và tinh thần sẵn sàng thay đổi khi ứng dụng công nghệ mới của tổ chức.
Lãnh đạo truyền cảm hứng thông qua năng lượng cảm xúc: Theo thuyết lãnh đạo chuyển đổi của Bernard Bass (1990), nhà lãnh đạo cần chú trọng truyền cảm hứng và khơi gợi động lực tích cực từ các nhân viên. Trong cơ cấu của một tổ chức, đội ngũ nhân sự được xem là một trong những thành tố quan trọng giúp vận hành hiệu quả hệ thống của bộ máy. Khác với năng lực tư duy, năng lượng cảm xúc là sợi dây vô hình kết nối đội ngũ nhân sự. Do đó, để truyền cảm hứng và tập hợp năng lượng cảm xúc, nhà lãnh đạo cần chú ý: (1) Lãnh đạo cần phải là người đầu tiên có năng lực đánh giá và phân tích hiệu quả sáng kiến cho nhân viên, đặc biệt là trước những rủi ro bất định trong những hoạt động chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo; (2) Lãnh đạo phải là người giúp đội ngũ nhân sự thấy được ý nghĩa của tầm nhìn, sứ mệnh, các mục tiêu mà doanh nghiệp và đội ngũ đang theo đuổi, thúc đẩy nhân viên vượt qua những lợi ích cá nhân để đạt tới những mục tiêu cao cả của nhóm và tổ chức; (3) Nhà lãnh đạo phải là người đồng hành trên mọi mặt trận cùng đội ngũ của mình, thông qua sự hiện diện, lắng nghe và tạo cảm giác tự hào khi là thành viên của đơn vị; (4) Bên cạnh công tác điều hành, nhà lãnh đạo cần linh hoạt thực hiện coaching (huấn luyện) và mentoring (cố vấn) để nâng cao được cả năng lực tư duy và năng lượng cảm xúc của đội ngũ.
Quản trị sự thay đổi: Trong bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội đang thay đổi với vận tốc rất nhanh, lãnh đạo cần có tư duy và kế hoạch thích nghi một cách nhanh chóng. Lãnh đạo phải dám tiên phong, thay đổi mạnh mẽ và kiên trì cùng đội ngũ đi đến thành công. Sự linh hoạt và truyền cảm hứng của lãnh đạo là yếu tố cần thiết để tiến trình đổi mới diễn ra liên tục trong tổ chức.
Quản lý, giải quyết sự kháng cự: Ngay cả khi sự thay đổi đã được quản trị tốt ngay từ đầu (như kỹ năng quản trị sự thay đổi), thì sự thay đổi vẫn có thể luôn đi kèm với sự kháng cự. Đội ngũ có thể cảm thấy lo lắng, không chắc chắn, hoặc sợ mất đi sự ổn định. Vì vậy, trước hết, lãnh đạo cần nhận thức rằng kháng cự là điều tất yếu sẽ xảy ra và cần phải xử lý một cách khéo léo. Thay vì phủ nhận hay bỏ qua sự kháng cự, lãnh đạo cần nên lắng nghe các mối lo ngại của nhân viên và giải thích về lợi ích trước sự thay đổi. Nhà lãnh đạo có thể tổ chức các cuộc họp, đào tạo, hoặc các hoạt động giải thích cụ thể để giảm bớt sự lo ngại.
Lời kết
Lãnh đạo chưa bao giờ là dễ dàng, dù là lãnh đạo, hay quản lý cấp cao, thậm chí cấp trung. Tố chất lãnh đạo vừa có thể là bẩm sinh nhưng vừa là kết quả của một tinh thần học tập suốt đời, là đúc kết từ những trải nghiệm của lãnh đạo. Do đó, không có một khuôn mẫu chung cho một nhà lãnh đạo thành công. Vì thế, bên cạnh những năng lực, kỹ năng và tố chất sẵn có, các nhà lãnh đạo trong giai đoạn mới cần phải luôn đặt doanh nghiệp mình trong bối cảnh kinh tế chung và chú trọng: chiến lược phát triển bền vững; sẵn sàng thay đổi để doanh nghiệp thích ứng và giữ vững lợi thế cạnh tranh; quản trị tốt sự thay đổi để có được một đội ngũ đoàn kết, đồng lòng vì mục tiêu chung của doanh nghiệp.
Bài viết đã được đăng trên báo in Forbes Việt Nam, số 137-138, tháng 1&2. 2025
4 tháng trước
Quan hệ Hoa Kỳ – Việt Nam: Những cơ hội mới3 năm trước
Cảng Cát Lái kêu cứu