Lối sống

Làm cách nào để cân bằng tâm – thân – trí?

3 năm trước
Tác giả Giang Lê

Share
this:

Đa số chúng ta thường tập trung chăm sóc phần “thân”, tức cơ thể, mà quên đi “tâm” (cảm xúc) và “trí” (suy nghĩ), diễn giả Quách Hương chỉ ra.

“COVID-19 đang gây nên những ảnh hưởng tâm lý khó tránh, khiến tương lai vốn bất định nay càng trở nên khó đoán,” blogger du lịch Đinh Hằng – người giữ vai trò điều phối buổi nói chuyện thứ năm thuộc chuỗi sự kiện Women Workshop do Forbes Việt Nam tổ chức với chủ đề “Cân bằng Tâm – thân – trí” nhận định ở phần đầu chương trình.  

Đồng ý với quan sát trên, diễn giả Quách Hương – nhà sáng lập Coach for life cho biết đa số chúng ta thường tập trung chăm sóc phần “thân”, tức cơ thể, mà quên đi “tâm” (cảm xúc) và “trí” (suy nghĩ). “Nhiều người không biết mình đang stress, hoặc thậm chí cho rằng stress có tác động tích cực giúp làm việc hiệu quả hơn,” bà Hương chỉ ra.  

Một khi kéo dài, điều này có thể gây nên những tác động tiêu cực lâu dài lên cơ thể, bởi cảm xúc và cơ thể có mối quan hệ gắn kết và luôn tác động lẫn nhau. Điển hình như khi tức giận, ta thường cảm thấy nóng mặt, tim đập nhanh, tay run và mất khả năng suy nghĩ. “Khi nhận được tín hiệu từ cơ thể, ta thường bỏ qua hoặc dập tắt, chỉ chữa ngọn mà không tìm tới gốc rễ vấn đề,” bà Hương cho biết.

Bên cạnh đó theo nhà sáng lập Coach for life, một lý giải khoa học cho hiện tượng “giận quá mất khôn” thường gặp chính là việc thông tin thường đi vào phần não cảm xúc (hạch hạnh nhân) trước khi đi đến phần não tư duy (thuỳ trước trán) để giúp ta đưa ra các quyết định nhanh chóng. Điều này cũng có mặt trái: việc đưa ra các phản ứng cảm tính quá nhanh có thể khiến nhiều người hối tiếc khi nghĩ lại.

Tuy vậy bà Hương cho rằng chúng ta vẫn có cách “đạp phanh” cảm xúc của chính mình thông qua kiên trì luyện tập. Theo đó trước tiên ta cần xác định việc làm chủ cảm xúc không phải là trốn tránh hay kiềm nén, mà là thẳng thắn nhìn nhận và đối diện với những gì đang xảy ra trong tâm trí. Tiếp theo là “quét cơ thể”, tức cảm nhận những thay đổi trong cơ thể khi cảm xúc dịch chuyển. Bước kế tiếp là học cách gọi tên cảm xúc, và cuối cùng là lưu ý hít thở thật sâu mỗi khi lo lắng hay căng thẳng. 

“Có một khoảng lặng ở giữa những yếu tố kích thích và phản ứng. Trong khoảng lặng này chúng ta hoàn toàn tự do, có quyền lựa chọn cách ứng xử,” bà Hương dẫn lời của nhà tâm thần học Viktor Frankl.