Dược Hậu Giang mang sắc màu mới sau khi hãng dược hơn trăm năm tuổi từ Nhật trở thành cổ đông chiến lược.
Tám năm trước, khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do, tiêu chuẩn WHO-GMP không còn phù hợp với xu hướng phát triển và khó tạo lợi thế cho doanh nghiệp dược trong cạnh tranh khi đấu thầu thuốc vào các kênh bệnh viện (ETC). Điều này, buộc họ phải bắt đầu cuộc đua nâng cấp lên các tiêu chuẩn quốc tế.
Trợ lực đến với Dược Hậu Giang khi Taisho, công ty dược phẩm đến từ Nhật Bản trở thành cổ đông chiến lược kiểm soát 51,01% cổ phần. Họ tham gia vào nâng cấp một số dây chuyền sản xuất lên các tiêu chuẩn quốc tế như PIC/S và Japan- GMP, tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc của Nhật Bản, tương đương chuẩn EU-GMP của châu Âu và US-FDA của Mỹ.
Với bước tiến này, sản phẩm Dược Hậu Giang được chấp nhận ở nhiều thị trường hơn. Kết quả, giai đoạn 2017-2022, doanh thu xuất khẩu bình quân của công ty duy trì mức tăng trưởng gần 20%/năm, từ mức 50 tỉ đồng năm 2017 lên 117 tỉ đồng năm 2022.
“Taisho muốn sản xuất các sản phẩm tại Việt Nam và đưa ra châu Á, đến các thị trường có công ty con và hệ thống bán hàng của Taisho. Tôi đang mơ ước sẽ gia công sản phẩm generic cho các doanh nghiệp Nhật Bản vì ở Nhật chi phí nhân sự rất cao,” ông Toshiyuki Ishii, tân tổng giám đốc Dược Hậu Giang chia sẻ với Forbes Việt Nam tại nhà máy Cần Thơ.
Công ty dẫn đầu ngành công nghiệp dược Việt Nam 11 lần liên tiếp có tên trong danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam của Forbes Việt Nam. Năm 2022, công ty cán mức doanh thu và lợi nhuận kỷ lục trong lịch sử 48 năm hoạt động với lần lượt 4.600 tỉ đồng và 988 tỉ đồng; hơn 80% doanh thu từ ngành hàng dược phẩm. Hiệu quả hoạt động của năm qua thể hiện qua tỉ lệ tăng doanh thu 17% so với năm trước nhưng lợi nhuận tăng đến 27%. Sự khởi sắc của thương hiệu Dược Hậu Giang đến từ nhân tố mới mang tên Taisho.
Tiền thân Dược Hậu Giang là xí nghiệp quốc doanh Dược phẩm 2/9, được thành lập từ năm 1974. Nếu không tính cột mốc cổ phần hóa năm 2004, niêm yết năm 2006 thì một trong các dấu mốc quan trọng nhất với Dược Hậu Giang là sự xuất hiện của Taisho. Từ mức nắm 24,5% vốn năm 2016, hãng dược Nhật Bản liên tục gia tăng sở hữu lên mức chi phối 51% vốn hiện tại.
Công ty hiện hoạt động với hai nhà máy có công suất thiết kế 7,5 tỉ đơn vị mỗi năm, với các sản phẩm chính thuộc ngành hàng kháng sinh, giảm đau – hạ sốt… Cả hai nhà máy của công ty đã đạt chuẩn WHO-GMP, tiêu chuẩn cơ bản được áp dụng cho các nhà máy nội địa, một số sản phẩm viên nén, thuốc sủi bọt đạt chuẩn Japan-GMP.
Năm 2022 Dược Hậu Giang khởi công nhà máy Betalactam theo chuẩn Japan/EU-GMP để mở rộng quy mô phát triển. Nhà máy có tổng vốn đầu tư khoảng 45 triệu đô la Mỹ này dự kiến hoạt động từ năm 2024, được kỳ vọng sẽ giúp công ty tăng khả năng trúng thầu ETC và xuất khẩu vào nhiều thị trường khác, đặc biệt là khu vực châu Âu.
Quay lại thời điểm năm 2017, khi Taisho bắt tay vào nâng cấp tiêu chuẩn các dây chuyền, song song với việc cải tiến hệ thống quản trị sản xuất, công ty này cử nhân sự tham gia ban điều hành cấp cao của Dược Hậu Giang. Đồng thời, họ cử đội ngũ sang Việt Nam đào tạo các chuyên viên nghiên cứu phát triển và đưa nhân sự sang Nhật Bản đào tạo. Một số vị trí quan trọng được Taisho bổ nhiệm thêm nhân sự người Nhật như giám đốc chuỗi cung ứng, phó tổng giám đốc phụ trách sản xuất- chuỗi cung ứng- đào tạo và chuyển giao công nghệ.
“Hiện nhà máy Dược Hậu Giang tự tin có thể sản xuất Counterpain. Trong tương lai chúng tôi sẽ nhận chuyển giao nhiều công nghệ sản xuất khác, bao gồm cả công nghệ độc quyền của Taisho,” ông Ishii nói về thành quả chuyển giao công nghệ sản xuất Counterpain, kem bôi giảm đau nhức cơ được Taisho ra mắt từ năm 1972.
Trong quá trình tái cấu trúc, Dược Hậu Giang cũng chuyển đổi hình thức hoạt động của tất cả các công ty con thành chi nhánh trực thuộc công ty mẹ. Thời điểm cuối năm 2016, Dược Hậu Giang có 17 công ty con, công ty liên kết được hợp nhất vào báo cáo tài chính, hoạt động trong nhiều lĩnh vực như du lịch, bao bì, nấu cao…
Một mảng khác cũng được tập trung cải tiến là cấu trúc lại mô hình kho trung tâm và hệ thống bán hàng. Năm 2017, công ty xây ba kho trung tâm lớn tại Cần Thơ, TP.HCM và Hà Nội. Nhờ đó, đội ngũ hơn 1.500 nhân viên thuộc khối bán hàng có thể giao dịch trực tiếp với hệ thống khách hàng từ kênh nhà thuốc đến bệnh viện, trung tâm y tế…
Tuy nhiên quá trình chuyển đổi cũng gặp không ít khó khăn. Năm 2017, trong giai đoạn đầu chuyển đổi mô hình kho trung tâm (quý 1.2017), do chưa có sự chuẩn bị chu đáo nên đội ngũ gặp nhiều khó khăn khi giao hàng, làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh. Sang quý 2.2017, tâm lý nhân viên bị ảnh hưởng vì nhân sự lãnh đạo cấp cao thay đổi.
Cụ thể, giữa năm 2017, ở tuổi 66, bà Phạm Thị Việt Nga, linh hồn của Dược Hậu Giang từ nhiệm vị trí tổng giám đốc, lùi về vai trò cố vấn. Khi đó, ông Đoàn Đình Duy Khương, người đại diện một phần vốn của SCIC được bổ nhiệm làm quyền tổng giám đốc đến cuối năm 2019.
Kết quả, năm 2017, năm đầu tiên tái cơ cấu hệ thống phân phối, chi phí bán hàng của Dược Hậu Giang tăng 1,3 điểm phần trăm trong cơ cấu doanh thu thuần, tương ứng với mức tăng gần 16% so với năm 2016.
Chi phí nhân viên bán hàng (bao gồm lương, các khoản theo lương, thưởng và các khoản phụ cấp khác) tăng 18% so với cùng kỳ, do công ty bắt đầu vận hành hệ thống kho vận mới và thu hút lượng lớn nhân sự bán hàng nhằm gia tăng độ phủ sản phẩm.
Điểm tích cực, vòng quay hàng tồn kho của Dược Hậu Giang được cải thiện ở mức 3,3 – cao nhất trong giai đoạn năm năm liền kề trước đó. Đây cũng là hệ số cao nhất trong nhóm bốn công ty đầu ngành thời điểm 2017 (so với Traphaco, OPC, Imexpharm và Domesco). Hiện Dược Hậu Giang duy trì hệ thống phân phối qua 34 chi nhánh và đội ngũ hơn 500 nhân viên bán hàng.
Theo báo cáo quý 4.2022 của IQVIA, giá trị thị trường dược phẩm Việt Nam đạt hơn 187 ngàn tỉ đồng, tăng gần 30% so với cùng kỳ. Trong đó, kênh bệnh viện chiếm 34% thị trường và được dự báo sẽ tăng trưởng trong dài hạn nhờ vào độ phủ của bảo hiểm y tế toàn dân. Điều này cũng là áp lực buộc Dược Hậu Giang và các doanh nghiệp cùng ngành gấp rút nâng chuẩn các dây chuyền sản xuất, xây thêm nhà máy tiêu chuẩn EU-GMP.
Theo tổ chức Y tế Thế giới, tại Việt Nam kháng sinh chiếm hơn 50% các thuốc dùng cho người bệnh và thường được bán tại các nhà thuốc công cộng; hơn 80% các cửa hàng bán kháng sinh không theo toa bác sĩ.
Nhiều năm qua, kháng sinh và thuốc giảm đau – hạ sốt là hai ngành hàng mang về phần lớn doanh thu cho Dược Hậu Giang. Các sản phẩm cốt lõi luôn duy trì thị phần lớn như Klamentin chiếm 21% nhóm điều trị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn (amoxicillin/clavulanic), Hapacol chiếm 17% thị phần nhóm giảm đau hạ sốt và Bocalex chiếm 15% thị trường viên sủi bổ sung vitamin (có chứa vitamin C).
Việc siết chặt quản lý bán kháng sinh sẽ tác động đến Dược Hậu Giang như thế nào? Ông Toshiyuki Ishii thừa nhận, nhóm sản phẩm kháng sinh hỗ trợ nhiều cho tổng doanh thu. Khi quy định được thắt chặt, kháng sinh sẽ không còn bán mạnh ở kênh nhà thuốc (OTC), kênh chủ lực của công ty. Tuy nhiên, Dược Hậu Giang đã lường trước những biến động này nên dần mở rộng danh mục sang ngành hàng tim mạch, tiểu đường, thần kinh…
“Thị trường dược phẩm Việt Nam hiện tại tương tự Nhật Bản 20 năm trước. Việt Nam đang bước vào giai đoạn già hóa dân số, nhu cầu về các sản phẩm liên quan đến bệnh tiểu đường, tim mạch và huyết áp ngày càng tăng,” ông Toshiyuki Ishii nhận định.
Taisho được thành lập từ năm 1912, hiện đặt các nhà máy sản xuất tại Việt Nam, Indonesia, Philippines… với doanh thu chính đến từ các sản phẩm dược không kê toa. Trên thế giới, hãng dược phẩm Nhật Bản không ngừng mở rộng thị trường thông qua mua bán sáp nhập (M&A) các doanh nghiệp cùng ngành.
Trong năm tài chính giai đoạn 1.4.2022 đến 31.3.2023, Taisho ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn hai tỉ đô la Mỹ, trong đó khu vực châu Á đóng góp gần 51% bao gồm kết quả kinh doanh hợp nhất của Dược Hậu Giang.
Theo tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), với mong muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư, số lượng các công ty Nhật Bản tham gia khảo sát môi trường đầu tư tại Việt Nam ngày càng tăng. Ông Matsumoto Nobuyuki, trưởng đại diện văn phòng JETRO TP.HCM cho biết, trước đây, các doanh nghiệp Nhật Bản thường thành lập đại lý bán hàng để cung cấp các sản phẩm cho thị trường Việt Nam. Tuy nhiên khi quy mô thị trường nội địa gia tăng như hiện nay, họ chọn cách đầu tư vào thị trường; với một số mảng nổi bật như dược phẩm, sản phẩm chăm sóc trẻ em.
“Tuy nhiên, việc thiếu quỹ đất tại các khu công nghiệp, đặc biệt ở phía Nam và cần nhiều thời gian để được cấp giấy phép lao động, giấy phép đầu tư, giấy phép xây dựng là những vấn đề lớn. Nếu tình trạng này tiếp diễn, rất có thể mối quan tâm sẽ giảm dần và dòng vốn đầu tư sẽ chảy sang các nước khác trong ASEAN,” ông Matsumoto Nobuyuki nói.
Theo Fitch Solutions, doanh thu từ dược phẩm Việt Nam sẽ đạt hơn 216 ngàn tỉ đồng vào năm 2026. Việc không giới hạn tỉ lệ sở hữu nước ngoài đối với lĩnh vực sản xuất dược phẩm, nhiều hãng dược quốc tế đã đầu tư vào các doanh nghiệp lớn trong nước nhằm tận dụng lợi thế về chi phí sản xuất.
Một số thương vụ M&A nổi bật trong ngành như Stella Pharm – Pymepharco; Aska – Dược Hà Tây, SK Investment Vina III – Imexpharm, Daewoong – Traphaco… Cơ cấu cổ đông lớn của Dược Hậu Giang không thay đổi trong ba năm qua, khi SCIC nắm 43,31% còn Taisho chi phối 51%. Đại diện hãng dược phẩm Nhật Bản này từng khẳng định “không có ý định thâu tóm và muốn hợp tác cùng phát triển” với Dược Hậu Giang.
Sinh năm 1966, trước khi gánh vác trọng trách tại Dược Hậu Giang, ông Toshiyuki Ishii từng là chủ tịch kiêm giám đốc Taisho Indonesia. Tổng giám đốc người Nhật đánh giá thị trường dược phẩm Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển và có thể tiếp tục thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài.
“Một số công ty dược phẩm châu Âu, Nhật Bản, Mỹ cũng đang xem xét cơ hội M&A vì còn tiềm năng cải thiện chất lượng sản xuất và hệ thống phân phối. Dược Hậu Giang cũng vậy, chúng tôi đang rất năng động tìm kiếm cơ hội M&A để mở rộng kinh doanh,” ông Toshiyuki Ishii chia sẻ.
Theo Forbes Việt Nam 118: 50 công ty niêm yết tốt nhất năm 2023.
1 năm trước
10 tháng trước
Caregen đương đầu với thách thức để thành công