Cuộc cạnh tranh về giá trên thị trường xe điện Trung Quốc khiến giá trị tài sản của doanh nhân Vương Truyền Phúc giảm 1,5 tỉ USD.
Vào ngày 14.8, Vương Truyền Phúc, chủ tịch kiêm CEO BYD đã ghi nhận khối tài sản ròng giảm đến 1,5 tỉ USD khi các nhà đầu tư rao bán cổ phiếu của hãng xe điện Trung Quốc do lo ngại rằng Tesla đã châm ngòi cho một cuộc cạnh tranh về giá khác.
Khối tài sản của Vương Truyền Phúc đến từ 17,6% cổ phần trong BYD, công ty ghi nhận cổ phiếu giảm 8,7% giá trị sau đó tăng lên đôi chút để chốt phiên giao dịch với mức giảm 6,2%. Tuy giá trị tài sản giảm xuống, doanh nhân họ Vương vẫn là người giàu thứ chín tại Trung Quốc theo danh sách tỉ phú cập nhật theo thời gian thực của Forbes, sở hữu 18,2 tỉ USD.
BYD, nhận hậu thuẫn tài chính từ Berkshire Hathaway của Warren Buffett, đã giúp hai cái tên khác trở thành tỉ phú. Đó là người họ hàng của Vương Truyền Phúc, Lu Xiangyang với khối tài sản ròng 12,6 tỉ USD và Xia Zuoquan sở hữu giá trị tài sản 3,5 tỉ USD. Tổng giá trị tài sản của ba người đã giảm 740 triệu USD khi cổ phiếu BYD hạ xuống.
Các đối thủ cạnh tranh của BYD tại thị trường nội địa cũng đối mặt với sức ép rất lớn về giá bán, với Xpeng của tỉ phú He Xiaopeng chứng kiến giá cổ phiếu giảm 3%. Còn cổ phiếu Nio, hãng xe điện của William Li, cũng giảm 3,2%.
Nguyên nhân khiến giá cổ phiếu giảm xuống đến từ việc Tesla thông báo đợt giảm giá xe điện mới. Trong thông báo đăng trên nền tảng tiểu blog Weibo, hãng xe điện do tỉ phú Elon Musk điều hành cho biết sẽ giảm 14 ngàn nhân dân tệ (1.900 USD) trong giá bán cho hai phiên bản Long-Range và Performance của mẫu xe điện SUV Model Y xuống lần lượt 41 ngàn USD và 48 ngàn USD. Tesla cũng kéo dài thời hạn trợ cấp bảo hiểm trị giá 1.100 USD cho khách hàng mới mua Model 3 đến hết tháng 9.2023.
Kenny Ng, nhà chiến lược về chứng khoán làm việc tại Hong Kong của Everbright Securities International, nhận định động thái giảm giá thành sản phẩm của Tesla khiến các đầu tư vốn gặp khó khăn từ cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc ngày càng lo ngại. Điều này khiến họ sợ rủi ro và giữ tâm lý thận trọng đối với cổ phiếu được định giá cao.
“Trong giai đoạn trước, cổ phiếu ngành xe điện đã có mức tăng đáng kể, dẫn đến áp lực giảm rõ rệt hơn trong đợt điều chỉnh gần đây. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng lo ngại rằng môi trường cạnh tranh trở nên gay gắt hơn,” Kenny Ng cho biết.
Yale Zhang, giám đốc quản lý làm việc tại Thượng Hải của công ty tư vấn Automotive Foresight, cho rằng quyết định cắt giảm giá bán là hướng đi hiệu quả để Tesla giữ vững thị phần tại Trung Quốc. Một phần nguyên nhân đến từ việc Tesla có thể liên tục hạ giá bán mà không tạo ra tác động lớn nào đến lợi nhuận của công ty.
Vào tháng 10.2022, Tesla đã nổ phát súng đầu tiên cho cuộc đua giảm giá xe điện tại Trung Quốc, khi hãng xe Mỹ muốn kích cầu tiêu dùng và mở rộng thị phần từ việc hạ giá thành của những mẫu xe bán chạy nhất là Model Y và Model 3. Hai mẫu xe này hiện có giá bán chỉ bằng 1/3 so với mức giá ở Mỹ.
Tuy vậy, Tesla đang mất dần thị phần trong thời gian gần đây khi các hãng xe điện nội địa của Trung Quốc trình làng những mẫu xe mới có giá bán thấp hơn. Trong giai đoạn từ tháng 6-7.2023, Tesla ghi nhận doanh số bán hàng từ các mẫu xe điện gia công tại Trung Quốc giảm gần 33,33%. Ngược lại, BYD mở rộng vị thế dẫn đầu với một loạt mẫu xe điện thuộc hai dòng Dynasty và Ocean.
Trong một sự kiện đánh dấu cột mốc sản xuất xe điện của BYD diễn ra vào tuần trước, Vương Truyền Phúc đã kêu gọi các hãng xe khác tại Trung Quốc nỗ lực “trở thành những thương hiệu đẳng cấp thế giới mới.” “Tôi tin rằng đây là thời điểm để các công ty hướng tới thành công,” ông cho biết.
Thông điệp của Vương Truyền Phúc đã được đón nhận tích cực và rộng rãi ở khắp Trung Quốc. Tuy nhiên, cũng có những cảnh báo rằng thông điệp này có thể thu hút sự chú ý hơn nữa từ các cơ quan quản lý đối với hoạt động của các thương hiệu ở thị trường quốc tế.
Biên dịch: Minh Tuấn
1 năm trước
UBS hạ mức xếp hạng của Volkswagen2 năm trước
BYD đạt doanh số xe EV gấp 4 lần trong tháng 3