Ở tuổi 60, Giuseppe Crippa đồng ý nhận gói thôi việc tự nguyện và khởi đầu hành trình chế tạo thiết bị kiểm tra các vi mạch. Tháng 2.2022, công ty Technoprobe của ông, có các khách hàng như Apple và Samsung, đã lên sàn.
Năm 1995, Giuseppe Crippa được nhà sản xuất thiết bị bán dẫn Pháp – Ý STMicroelectronics (STM) gợi ý gói thôi việc tự nguyện. Ông đồng ý và chấm dứt sự nghiệp 35 năm tại công ty. Nhưng thay vì tận hưởng cuộc sống hưu trí nhàn nhã, Crippa, khi đó 60 tuổi, tận dụng cơ hội để thành lập công ty.
Phát triển ý tưởng mà mình mày mò nghiên cứu suốt sáu năm qua, Crippa thành lập công ty Technoprobe ở một thị trấn nhỏ bên ngoài Milan để chế tạo thẻ dò bán dẫn (probe card) – những đĩa dẹt thu nhỏ đính kim, được gắn vào vi mạch để kiểm tra chúng – và suốt 15 năm đầu tiên, ông chủ yếu bán chúng cho chủ cũ của mình, công ty STM.
“Ông ấy rất sáng tạo,” Stefano Felici, CEO của Technoprobe và là cháu trai của Crippa, cho biết trong cuộc phỏng vấn qua Zoom hồi đầu tháng ba từ trụ sở chính của công ty ở miền bắc nước Ý. “Để sửa chữa thẻ dò bán dẫn, bạn phải gửi thẻ đó đến Hoa Kỳ và sẽ mất hai tuần. Vì vậy, ông ấy đã nghĩ ra cách để thực hiện việc này tại nhà mình.”
27 năm sau khi thành lập, Technoprobe hiện là một trong hai nhà sản xuất thẻ dò bán dẫn lớn nhất thế giới. Công ty cung cấp thẻ dò bán dẫn cho công ty công nghệ blue chip gồm Apple, Qualcomm, Samsung và Nvidia, cùng các nhà sản xuất thiết bị bán dẫn AMD, Intel và TSMC.
Bởi vì thiết bị bán dẫn hiện đại rất phức tạp, mỗi chip cần có thẻ dò bán dẫn riêng để kiểm tra. Sau khi kiểm tra xong và mọi vấn đề được khắc phục, những con chip này có thể được sản xuất hàng loạt và đưa vào điện thoại thông minh, máy tính xách tay và ô tô điện mới nhất.
Thẻ dò bán dẫn có thể chứa đến 50.000 chân kim loại, mỗi chân cắm cách nhau khoảng 42.418 nanometre (nm). Amanda Scarnati, nhà phân tích nghiên cứu về thiết bị bán dẫn và thẻ dò bán dẫn tại Citigroup, cho biết: “Chúng giống như châm cứu. Những chiếc kim siêu mỏng và nhỏ này nằm trên con chip và đảm bảo rằng mọi thứ đều hoạt động.”
Năm ngoái, Technoprobe vượt qua đối thủ hàng đầu của mình, công ty FormFactor có trụ sở tại Livermore, California. Technoprobe công bố lợi nhuận ròng 136 triệu đô la Mỹ trên doanh thu 446 triệu đô la Mỹ năm 2021, vượt doanh số 436 triệu đô la Mỹ của bộ phận sản xuất thẻ dò bán dẫn của FormFactor.
Technoprobe, hiện do cháu trai (là CEO) và con trai (là chủ tịch) của Crippa điều hành, đã tận dụng sức tăng trưởng gần đây để niêm yết trên sàn chứng khoán Euronext Growth Milan vào tháng 2.2022. Thương vụ IPO biến Crippa, người từ chức CEO vào năm 2017 và hiện 87 tuổi, cùng gia đình ông trở thành một trong những người giàu nhất ở Ý, với tài sản gần bốn tỉ đô la Mỹ nhờ 75% cổ phần trong công ty. Ông là một trong tám tỉ phú mới trong năm nay, cùng với Marvy Finger và William Franke, đều trên 80 tuổi, đã chứng minh tuổi tác không phải là rào cản.
Hoạt động kinh doanh của họ không có dấu hiệu chậm lại vì các công ty như Apple và Samsung tung ra điện thoại và máy tính bảng mới mỗi năm, trong khi các nhà sản xuất ô tô sử dụng thẻ dò bán dẫn để giúp trang bị màn hình và cảm biến cho những chiếc xe mới.
Scarnati cho biết: “Bạn đặt nhiều con chip khác nhau gần nhau hơn để điện thoại có thể nhỏ hơn, mỏng hơn và nhẹ hơn. Bạn phải kiểm tra tất cả các chip. Như vậy nghĩa là bạn cần nhiều thẻ dò bán dẫn hơn.”
Sinh ra tại thị trấn nhỏ phía đông bắc Milan vào năm 1935, Crippa lớn lên trong thế chiến thứ hai. Thời thơ ấu, ông liên tục phải trú ẩn trong hầm bên dưới khu chung cư nơi gia đình ông sống để tránh các cuộc không kích.
“Để giảm bớt căng thẳng, tôi và những đứa trẻ khác sẽ đưa kẹo cho mọi người đang trốn cùng chúng tôi trong khi chờ cuộc không kích dừng,” ông kể lại với hãng tin địa phương Merate Online hồi tháng sáu.
Sau chiến tranh, Crippa học trường trung học kỹ thuật ở Bergamo và rồi làm việc tại công ty kỹ thuật Breda. Ông bước vào thế giới vi mạch năm 1960 ở tuổi 25, khi xin làm việc tại công ty bán dẫn SGS sau khi đọc thấy thông báo tuyển dụng trên báo Corriere Della Sera.
Cùng năm, SGS thành lập liên doanh với Fairchild Semiconductor có trụ sở tại Mountain View, do nhà tiên phong công nghệ Gordon Moore đồng sáng lập năm năm trước đó. Năm 1962, SGS cử Crippa đến thung lũng Silicon để tìm hiểu công nghệ đột phá của Fairchild Semiconductor và mang công nghệ này về Ý. Ông trở lại Ý vào năm 1963 và giúp ra mắt dây chuyền sản xuất bóng bán dẫn silicon đầu tiên ở châu Âu, khởi đầu cho sự nghiệp kéo dài hàng chục năm tại SGS, sau này được gọi là STM.
Nhiều thập niên sau, Crippa bắt đầu mày mò nghiên cứu các thẻ dò bán dẫn trong ngôi nhà ở vùng quê của mình. Ông nhận thấy cơ hội thị trường rõ ràng: tất cả các thẻ dò bán dẫn của công ty ông làm việc đều xuất phát từ các nhà cung cấp Hoa Kỳ. Thời điểm đó, thẻ dò bán dẫn là vật tư tiêu hao có chất lượng tương đối thấp, cần phải sửa chữa sau khi sử dụng.
Con trai Cristiano của ông, khi đó 19 tuổi, nhanh chóng tham gia và hai cha con sắm sửa một số công cụ như kính hiển vi và máy cắt để làm việc. Đến năm 1993, họ đã tận dụng nhà để xe, gác mái và tầng hầm để làm việc, thuê hai nhân viên đầu tiên của công ty. (Vợ của Crippa, Mariarosa, cũng tham gia trợ giúp về thủ tục hành chính.) “Tôi còn nhớ những năm 1990 khi các nhân viên đầu tiên sử dụng bất kỳ không gian có sẵn nào trong nhà,” Roberto Crippa, lúc đó ở tuổi vị thành niên, kể chuyện trên podcast Voci di Impresa vào tháng 3.2021.
Năm 1995, khi đến tuổi hưu, Crippa nghỉ việc tại STM và nhận gói thôi việc tự nguyện. Số tiền này cho phép Crippa chính thức thành lập Technoprobe. Ông không còn phải tận dụng nhà mình làm văn phòng nữa, mà chuyển đến cơ sở rộng gần 800m2 ở Cernusco Lombardone gần đó với khoảng 10 nhân viên vào năm 1996. Chẳng bao lâu, những người còn lại trong gia đình cũng tham gia: cháu trai của ông, Stefano Felici, vừa tốt nghiệp đại học ngành kỹ sư điện và truyền thông, vào công ty năm 1999; con trai út của ông, Roberto, khi đó là kỹ sư hóa học, gia nhập năm 2002.
Technoprobe phát triển nhanh chóng, mở rộng sang Pháp vào năm 2001 và Singapore vào năm 2004. Bốn thập niên sau chuyến đi đến Golden State, Crippa phân công cháu trai của mình là Felici đến California mở văn phòng đầu tiên của Technoprobe ở Hoa Kỳ, tại San Jose, vào năm 2007. Cùng năm đó, công ty cũng bắt đầu tự phát triển các thẻ dò bán dẫn nhỏ hơn, tiên tiến hơn.
Suốt nhiều năm, STM là khách hàng duy nhất của Technoprobe. Mãi đến năm 2010, công ty mới giành được nhiều khách hàng hơn, với các cơ sở mới ở Đài Loan và Philippines. Felici cho biết: “Chúng tôi bắt đầu thực sự thâm nhập vào thị trường với những xưởng sản xuất lớn nhất ở châu Á. Đến năm 2017, những nỗ lực của chúng tôi cũng mang lại kết quả ở Hoa Kỳ.”
Năm 2019, công ty đầu tư 100 triệu đô la Mỹ để mở rộng thị phần, chi 40 triệu đô la Mỹ để mua lại công ty Microfabrica có trụ sở tại Van Nuys, California, chuyên sản xuất các thành phần in 3D cho thẻ dò bán dẫn. Felici cho biết: “Chúng tôi đã tích hợp công nghệ của họ và điều này giúp chúng tôi nới rộng khoảng cách với đối thủ cạnh tranh.”
Thương vụ mua lại đó giúp Technoprobe tạo ra các thẻ dò bán dẫn nhỏ hơn, hiệu quả hơn giống như các chip ngày càng nhỏ hơn và phức tạp hơn. Theo định luật Moore, số lượng bóng bán dẫn trên một vi mạch sẽ tăng gấp đôi sau mỗi hai năm. Điều đó cũng đúng với các thẻ dò bán dẫn. Đồng thời, các công nghệ mới cũng đang được áp dụng. Nhờ cả hai yếu tố này, Technoprobe sẽ có tương lai tươi sáng.
Charles Shi, nhà phân tích về thiết bị bán dẫn tại ngân hàng đầu tư Needham cho biết: “Định luật Moore cho rằng hình dạng của con chip ngày càng thu nhỏ lại. Thẻ dò bán dẫn cần phải theo kịp tốc độ đó.”
Hướng phát triển tiếp theo của thiết bị bán dẫn là chiplet – các chip nhỏ hơn xếp chồng lên nhau để tạo ra các đơn vị chip nhanh hơn, mạnh hơn cho điện thoại, máy tính mới nhất và nhiều thiết bị khác. Tháng 3.2022, nhóm các công ty công nghệ lớn nhất thế giới – bao gồm AMD, Google, Intel, Meta Platforms (trước đây là Facebook), Microsoft, Qualcomm, Samsung và TSMC – đã ra mắt liên minh nhằm tiêu chuẩn hóa công nghệ chiplet cho thế hệ thiết bị tiếp theo.
Điều đó có nghĩa là cả Technoprobe lẫn đối thủ hàng đầu FormFactor đều đang tăng cường năng lực để đáp ứng nhu cầu lớn hơn của khách hàng. Và mặc dù Technoprobe vừa lấy được thị phần tại Intel (trước đây FormFactor là độc quyền), hai công ty vẫn có chung khách hàng vì mọi nhà sản xuất chip lớn đều muốn đảm bảo nguồn cung đa dạng và an toàn hơn.
Mike Slessor, CEO của FormFactor cho biết: “Ngành này rất nhỏ. Chúng tôi biết khá rõ về gia đình Crippa. Chúng tôi muốn tiếp tục khẳng định rằng mình đủ sức cạnh tranh, nhưng với một công ty tư nhân do gia đình sở hữu thì những gì họ làm được khá ấn tượng.”
Felici cũng khen ngợi đối thủ, thừa nhận rằng ngành công nghiệp này là độc quyền ảo: “Họ có sản phẩm có thể cạnh tranh với chúng tôi, nhưng đôi khi những chi tiết nhỏ có thể tạo ra sự khác biệt.”
Tuy nhiên, nhu cầu vẫn rất lớn giúp cả hai công ty tiếp tục phát triển. Felici cho biết, sự phức tạp ngày càng tăng của ô tô, với bảng điều khiển và màn hình cảm ứng, là một trong nhiều lý do đẩy mạnh sự phát triển của ngành. “Ô tô hiện có máy tính và card đồ họa, và những con chip đó cần phải được kiểm tra. Điều đó nghĩa là chúng tôi sẽ còn nhiều không gian phát triển.”