Cạn kiệt dòng tiền nhưng không dễ mở cửa hoạt động trong lúc này, các công ty kinh doanh các chuỗi F&B kiến nghị lãnh đạo TP.HCM có giải pháp hợp lý cho các hoạt động của họ.
Hôm 9.9, hàng loạt công ty kinh doanh bán lẻ và dịch vụ đã gửi thư kiến nghị lên lãnh đạo TP.HCM kêu gọi giải quyết những khó khăn họ gặp phải ở thời điểm hiện tại. Các công ty này là những nhà kinh doanh các chuỗi bán lẻ lớn đang vận hành tổng cộng 1.337 địa điểm và sử dụng gần 41.000 lao động.
Các đại diện như Golden Gate (chủ các chuỗi KichiKichi, Gogi, Sumo…), KFC Việt Nam, Mesa (chuỗi MK Restaurant, Texas Chicken), Pizza Việt Nam (chuỗi Pizza Hut), Ý tưởng Việt (Starbuck), QSR Management (Pizza Company, Chang Thái, The Coffee Club…), Lê Kiên (chuỗi ThaiExpress, Ngõ…), Jollibee Việt Nam, Lotteria Việt Nam, Chảo Đỏ (chuỗi Wrap & Roll, BiaCraf, Quán Ụt Ụt…) và Dom Capital.
Các doanh nghiệp trên cho biết sau hơn 2 tháng tạm dừng hoạt động (kể từ ngày 9.7) theo yêu cầu của TP.HCM để thực hiện chống dịch, họ đã gặp rất nhiều khó khăn khi vẫn phải chịu chi phí mặt bằng và trả lương cho người lao động. TP.HCM mới đây cho cho phép các hàng quán mở bán trở lại nếu đáp ứng các tiêu chí đưa ra.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho rằng các điều kiện đưa ra rất khó để đáp ứng và thực hiện: Thứ nhất, các nhà hàng không có khu vực tắm rửa, nghỉ ngơi nên không thể đảm bảo điều kiện thiết yếu nhất cho người lao động có thể ở lại để thực hiện “3 tại chỗ”.
Thứ hai, thời gian hoạt động từ 6 đến 18 giờ mỗi ngày là quá ngắn, không đủ để thực hiện các đơn hàng phục vụ cho khách hàng có nhu cầu dùng bữa tối.
Đặc biệt, cứ hai ngày một lần, người lao động phải xét nghiệm nhanh Covid-19 sẽ đẩy chi phí tăng lên. Trong khi doanh nghiệp cũng không được phép tự giao hàng nhưng lực lượng shipper được phép di chuyển không đủ đáp ứng được nhu cầu và ảnh hưởng đến việc vận hành.
“Dừng hoạt động quá lâu, người lao động không đủ thu nhập để đảm bảo cuộc sống, trong khi các doanh nghiệp rơi vào tình thế không thể thanh toán tiền mặt như điều kiện bình thường. Nếu không có phương án cho dòng tiền, các doanh nghiệp bán lẻ và dịch vụ đứng trước nguy cơ phá sản rất cao. Người lao động mất việc không chỉ ảnh hưởng tới sinh kế hàng triệu gia đình mà còn ảnh hưởng tới hàng ngàn doanh nghiệp là nhà cung cấp, đối tác đầu tư,” thư kiến nghị viết.
Theo đó, các doanh nghiệp F&B kiến nghị thành phố ưu tiên tiêm vaccine cho lao động ngành bán lẻ và dịch vụ, cho phép những người đã tiêm 1 mũi có thể quay lại làm việc, cho phép doanh nghiệp tự giao hàng, không bắt buộc “3 tại chỗ”…
Đặc biệt, doanh nghiệp kiến nghị được tạm ngừng đóng bảo hiểm xã hội ít nhất sáu tháng sau khi công bố hết dịch, miễn giảm 100% nghĩa vụ nộp bảo hiểm xã hội trong thời gian ngừng hoạt động, miễn thuế VAT trong năm 2021, giảm 50% trong hai năm kế tiếp, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2021 và giảm 30% trong ba năm kế tiếp.
Trao đổi với Forbes Việt Nam, bà Nguyễn Phi Vân, chuyên gia bán lẻ và nhượng quyền cho rằng chi phí để đáp ứng các điều kiện mở bán ở giai đoạn hiện tại như xét nghiệm, “3 tại chỗ” rất cao. Vì vậy, các doanh nghiệp sẽ không mạo hiểm chịu lỗ để mở cửa.
Trong bối cảnh này, theo bà Vân, các chuỗi nên tiếp tục tập trung cho các sản phẩm đã qua sơ chế, tẩm ướp (ready to cook) để duy trì dòng tiền, quan hệ với khách hàng, bù được phần nào cho các chi phí cố định. Giai đoạn tiếp theo, khi các điều kiện đã mở hơn mới nên tính đến các sản phẩm chế biến sẵn (ready to serve) và xa hơn là phục vụ tại quán.
“Các doanh nghiệp cần nhìn vào chuỗi giá trị của ngành để khai thác, giải quyết những nhu cầu, điểm chạm khác nhau của khách hàng, tùy theo tình hình dịch bệnh và chính sách. Làm gì cũng cần đảm bảo doanh thu bằng chi phí,” bà Vân nói và đề xuất các cơ quan chức năng khi ban hành các chính sách mở cửa kinh tế cần tính toán, đảm bảo tính khả thi cho doanh nghiệp hoạt động, mới có thể thực hiện mục tiêu chung thúc đẩy kinh tế.
Bà Vân cũng nhận xét, ở thời điểm hiện tại các quán ăn, các bếp ăn nhỏ lẻ đang thực hiện chuyển đổi sản phẩm, mô hình tốt hơn các chuỗi nhà hàng, hệ thống lớn. Nguyên nhân một phần nằm ở việc các chuỗi có hệ thống cồng kềnh, người quản lý vận hành thường không phải nhà đầu tư nên việc ra quyết định và thực hiện có thể kéo dài.
Ngành F&B có thể làm gì để hồi phục? Câu hỏi đặt ra là có bao nhiêu doanh nghiệp có thể chờ được đến ngày mở cửa trở lại và cần làm gì để phục hồi. Trong báo cáo phát đi hôm 14.9, Savills Việt Nam đưa ra nhận định, các chuỗi F&B thời gian qua đã có những sáng tạo và chuyển mình để tìm ra hướng đi trong đại dịch. Có thể kể đến như Haidilao Hotpot với menu ăn lẩu tại nhà, Pizza 4P’s đóng hộp bao bì… Nhờ cách này nhiều thương hiệu vẫn được thị trường quan tâm và ủng hộ.
Theo khảo sát mà bộ phận bán lẻ Savills Việt Nam thực hiện vào tháng 7.2021 thì tỷ trọng doanh thu của kênh trực tuyến (online) so với tổng doanh thu của các nhà kinh doanh F&B tăng trung bình 1,5-2 lần so với trước Covid-19. “Đây cũng chính là sự thay đổi cung cách hoạt động ở thị trường bán lẻ F&B Việt Nam trong giai đoạn hậu đại dịch, tác động đến sân chơi của thương mại điện tử và hệ thống vận chuyển, giao nhận,” Savills Việt Nam nhận định trong báo cáo.
Savill Việt Nam cho rằng, nhu cầu ăn uống trong thời gian tới vẫn ổn định, nhất là sau quãng thời gian dài người dân phải chịu giãn cách tại nhà, sẽ là một triển vọng tích cực cho các doanh nghiệp F&B mở cửa trở lại. Tuy nhiên, để phục hồi và tiếp tục tăng trưởng, các doanh nghiệp cần hoạch định các chiến lược mở rộng cửa hàng phù hợp.
Các cửa hàng nên thu gọn diện tích, tối ưu chi phí mặt bằng, ở mức chiếm tối đa 10-16% doanh thu đồng thời bộ máy hoạt động tinh gọn theo cách mỗi nhân viên làm được nhiều việc khác nhau. “Cần lựa chọn địa điểm kỹ càng, không tập trung nhiều cửa hàng tại khu vực trung tâm mà nên có mạng lưới trải đều ở nhiều nơi để tối đa hóa sự tiếp cận của khách hàng. Mạng lưới này cũng hỗ trợ cho việc bán hàng mang đi của toàn chuỗi,” báo cáo nhận định.
Chuyên gia Nguyễn Phi Vân cũng cho rằng sau dịch các doanh nghiệp F&B cần cải thiện hiệu quả vận hành. Đó là tìm ra các sản phẩm thay thế hoặc có cách chuẩn bị nguồn nguyên liệu tốt hơn, giảm sự phụ thuộc vào nguồn hàng tươi sống để tránh tình trạng thiếu hụt và chi phí đầu vào tăng mạnh khi nguồn cung bị đứr gãy như đã diễn ra trước đây.
Rộng hơn, bà Vân nhìn nhận, đại dịch Covid-19 đã đặt doanh nghiệp trước áp lực phải chuyển đổi mô hình kinh doanh, quản trị và vận hành…, những điều trước đây dù đã đề cập nhưng vẫn bị trì hoãn do chưa chịu nhiều sức ép. “Khi khó khăn, ai ai cũng quyết tâm thay đổi nhưng khi bình thường trở lại, việc đó rất dễ bị lãng quên, xếp sau ưu tiên kiếm tiền bù lại những gì đã mất. Doanh nghiệp cần quyết tâm hành động, là cách vượt qua Covid-19 cũng như bất kỳ cuộc khủng hoảng nào,”bà Vân khuyến cáo.
1 năm trước
1 năm trước
1 năm trước
1 năm trước