Từ đầu tháng 7, khối ngoại bất ngờ mua ròng trở lại, góp phần đưa VN-Index liên tục lập đỉnh. Một phần lực đẩy được cho là đến từ P-Notes, công cụ đầu tư ẩn danh dành cho nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng dòng tiền này sẽ ở lại bao lâu?
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối phân tích Khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho rằng P-Notes thường tìm đến những thị trường “có câu chuyện” và tập trung vào cổ phiếu vốn hóa lớn, thanh khoản cao. Đây là những cổ phiếu có tác động lớn đến chỉ số.
Do đặc điểm ẩn danh và không phải báo cáo với cơ quan quản lý như ETF, rất khó đo lường chính xác lượng vốn P-Notes đổ vào Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông Minh, nhiều khả năng dòng tiền này bị thu hút bởi kỳ vọng nâng hạng thị trường trong khoảng tháng 9 đến tháng 10 tới.
Việt Nam có thể được FTSE Russell nâng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô ổn định và đàm phán thuế quan Việt – Mỹ đã hoàn tất.
Ông Minh cảnh báo rủi ro lớn đi kèm. Cụ thể, khi P-Notes rút ra, thị trường có thể giảm mạnh và điều chỉnh, điển hình như Pakistan. Trường hợp nước này từng chứng kiến dòng vốn ngoại đổ vào mạnh trước khi được nâng hạng, rồi nhanh chóng rút ra sau đó. Dù không có số liệu riêng về P-Notes, diễn biến tại Pakistan là bài học đáng lưu tâm.
Thị trường Việt Nam cũng từng trải qua điều tương tự vào năm 2018, thời điểm kỳ vọng nâng hạng dâng cao và dòng vốn P-Notes được cho là đổ vào mạnh. Sau đó, do việc nâng hạng không thành công, dòng vốn cũng rút đi, gây áp lực lên thị trường.
“P-Notes nên được rà soát và kiểm soát chặt để giảm rủi ro, giống như Ấn Độ đã thực hiện. Chính phủ cũng cần ban hành chính sách ưu đãi dài hạn và phát triển các quỹ ETF để cân bằng tỷ trọng,” ông Minh đề xuất.
Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), P-Notes đã có mặt tại Việt Nam từ lâu, nhưng chỉ thực sự thu hút sự chú ý vào cuối 2009–2010 và đầu năm 2016.
Giai đoạn 15 tháng từ cuối 2009 đến 2010, khối ngoại mua ròng tổng cộng gần 18.000 tỷ đồng, gấp tới 6 lần giá trị giao dịch trung bình mỗi phiên năm đó (3.000 tỷ đồng/phiên). Trong bối cảnh dòng tiền nội rút ra hậu gói kích cầu năm 2010, P-Notes cùng các quỹ chủ động và ETF đã đóng vai trò quan trọng giúp thị trường chứng khoán Việt Nam giữ được sự ổn định.
Chỉ riêng năm 2010, khối ngoại mua ròng hơn 15.250 tỷ đồng, nâng tỷ trọng giao dịch của họ trên thị trường lên tới mức đáng kể 21,9%.
Trước đó, BSC cũng ghi nhận vai trò P-Notes trong đợt tăng 9,45% của VN-Index từ 4.4.2016 đến 4.5.2016, đưa chỉ số vượt qua mức 600 điểm, tăng khoảng 13% chỉ trong một tháng. Khối ngoại khi đó chủ yếu mua các cổ phiếu lớn, đặc biệt là ngân hàng và dầu khí. Tuy vậy, lực mua năm 2016 không đủ mạnh để tạo biến động lớn nếu có hoạt động rút vốn, khi giao dịch khối ngoại chỉ chiếm 3%–5% thị trường.
Hiện tại, sau một tháng mua ròng liên tiếp của khối ngoại, tâm lý e dè từng khiến dòng vốn đứng ngoài thị trường chứng khoán Việt Nam suốt hai năm qua đang dần được xoa dịu. Nhưng câu hỏi ngược lại bắt đầu được đặt ra: Khi nào P-Notes sẽ rời đi?
Trong báo cáo năm 2016, BSC từng nhận định rất khó dự báo chính xác hoạt động mua bán của P-Notes vì không có công cụ theo dõi hiệu quả. Dẫu vậy, thị trường vẫn giữ một quy luật cũ mà chưa bao giờ lỗi thời: “Mua vì điều gì thì sẽ bán vì điều đó.” Nếu dòng tiền đổ vào để đón sóng nâng hạng, việc ở lại bao lâu sẽ tùy thuộc Việt Nam có được nâng hạng hay không.
Báo cáo mới nhất của SSI cho biết khả năng Việt Nam được FTSE Russell công bố nâng hạng lên thị trường mới nổi vào tháng 10.2025 là 90%. Hiện Việt Nam đã đáp ứng 7/9 tiêu chí, và đang tiến gần tới việc hoàn tất hai tiêu chí còn lại là chu kỳ thanh toán (DvP) và chi phí giao dịch thất bại.
VN-Index lúc này đang ở giai đoạn “mật ngọt”, với 8 phiên tăng liên tiếp, chuỗi tăng dài nhất trong nhiều năm. Tương tự đợt uptrend (thị trường tăng) năm 2020, chỉ số hiện cũng đang vẽ nên 8 cây nến xanh liên tiếp và 4 nến tuần xanh. Kể từ “ngày giải phóng” 9.4.2025, VN-Index đã cộng thêm 372 điểm, khiến các chỉ báo kỹ thuật căng lên trong ngỡ ngàng. Nhưng tuần tới sẽ là kỳ đáo hạn phái sinh, khoảng thời gian thường tiềm ẩn biến khó lường trên thị trường.
P-Notes (Participatory Notes) là công cụ tài chính phái sinh do các định chế quốc tế phát hành, cho phép nhà đầu tư nước ngoài gián tiếp rót vốn vào thị trường chứng khoán Việt Nam mà không cần đăng ký hay công bố danh tính với cơ quan quản lý. Thay vì mua trực tiếp cổ phiếu, họ mua P-Notes dựa trên danh mục cổ phiếu cơ sở, thường là các mã vốn hóa lớn, thanh khoản cao như VN30.
Ưu điểm của P-Notes là tính ẩn danh, thủ tục đơn giản và khả năng linh hoạt dịch chuyển dòng vốn giữa các thị trường để tối ưu lợi nhuận. Đây là lựa chọn ưa thích của các quỹ đầu cơ, nhà đầu tư tổ chức và cá nhân có tài sản lớn. Tuy nhiên, vì không thể truy vết rõ ràng, P-Notes cũng gây lo ngại về tính minh bạch và nguy cơ rút vốn bất ngờ, tạo biến động lớn cho thị trường.
Nguồn: tổng hợp
2 tuần trước
Khối ngoại mua ròng trở lại1 tháng trước
Ngành dệt may định hình lại thị trường3 ngày trước
P-Notes đang trở lại?