Jinko Solar, công ty dẫn đầu thế giới về sản xuất tế bào quang điện cho
các dự án năng lượng mặt trời, rót 1,2 tỉ đô la Mỹ đưa Việt Nam thành trung tâm nghiên cứu sản xuất và xuất khẩu lớn nhất của tập đoàn này bên ngoài Trung Quốc.
Khoảng năm năm trước, giữa lúc thương chiến Mỹ – Trung leo thang căng thẳng, một cuộc họp giữa các lãnh đạo cao nhất của Jinko Solar được triệu tập. Tập đoàn chế tạo tấm pin năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới khi ấy nêu vấn đề tìm kiếm một cứ điểm mới bên ngoài Trung Quốc để mở rộng sản xuất.
Khi ấy, Jinko Solar có nhà máy tại Mỹ và Malaysia. Họ thảo luận hai phương án, hoặc mở rộng sản xuất tại một số địa điểm sẵn có hoặc tìm nơi đầu tư mới. Cuối cùng Việt Nam được chọn. Tại sao?
“Lý do vì nhà máy tại Malaysia lúc đó có khoảng 150–170 nhân công Việt Nam sang làm việc, họ chăm chỉ và có tố chất học hỏi tốt nhất so với những công nhân đến từ các nước khác trong khu vực Đông Nam Á,” ông Trương Hoành, phó tổng giám đốc Jinko Solar Việt Nam nói trong buổi phỏng vấn độc quyền với Forbes Việt Nam.
Bên cạnh nhân sự, vị trí địa lý phù hợp và chi phí sản xuất cạnh tranh là các nguyên nhân tiếp theo để Jinko Solar rót hàng tỉ đô la Mỹ vào Việt Nam, nhà máy sản xuất lớn nhất bên ngoài Trung Quốc. Là công ty giữ vị trí dẫn đầu thế giới về cung cấp tấm (module) năng lượng mặt trời, cứ điểm sản xuất hoàn chỉnh, khép kín đầu tiên tại Việt Nam giúp Jinko Solar chủ động hơn trong xuất khẩu và đa dạng hóa chuỗi cung ứng tên toàn cầu.
Hiện tại, Jinko Solar là công ty Trung Quốc sản xuất module quang điện trời tiến xa nhất ra thị trường quốc tế. Công ty chiếm thị phần lớn ở châu Âu, Nam Mỹ, Trung Đông và Đông Nam Á. Trong tổng công suất dự kiến 75GW năm 2023, chỉ khoảng 8% cung cấp tại thị trường Trung Quốc, còn lại hướng tới xuất khẩu.
Công ty hiện có 14 cơ sở sản xuất với ba cơ sở nằm ngoài Trung Quốc, đặt tại Việt Nam, Malaysia và Florida (Mỹ). Đây cũng là công ty sản xuất pin năng lượng mặt trời đầu tiên của Trung Quốc niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ vào năm 2010.
Cơ sở tại Việt Nam được kỳ vọng mang lại nhiều ưu thế cho tập đoàn trong chuỗi cung ứng quốc tế. “Chúng tôi vào Việt Nam và khảo sát chủ yếu ở các tỉnh thành phía Bắc, vì đây cũng là nơi hầu hết các công ty sản xuất tấm pin mặt trời khác của Trung Quốc đã đặt nhà máy, có phần quen thuộc hơn,” ông Trương Hành nói.
Môi trường đầu tư thông thoáng tại Quảng Ninh, sự cởi mở của lãnh đạo địa phương cùng với những yếu tố địa lý gần với vùng nguyên liệu ở Vân Nam, vị trí thuận lợi của cảng Hải Phòng cũng là những điểm cộng quan trọng.
Đối với ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, có hai mảng ứng dụng công nghệ cao và tạo ra hàm lượng giá trị gia tăng lớn ở thời điểm hiện tại là sản xuất bộ vi xử lý và sản xuất các tế bào quang điện. Trong đó, công nghệ cốt lõi của mảng vi xử lý đang nằm trong tay doanh nghiệp Mỹ, châu Âu và Đài Loan.
Mảng thứ hai, sản xuất tế bào quang điện, vốn có hàm lượng công nghệ thấp và ít hấp dẫn hơn, nằm trong tay các công ty Trung Quốc. Tuy nhiên, nhu cầu về năng lượng xanh tăng mạnh, đặc biệt là tại các nước châu Âu, thúc đẩy ngành tăng trưởng nhanh. Theo một báo cáo của Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc), các công ty nước này chiếm đến một nửa thị phần pin mặt trời tại châu Âu, với mức tăng trưởng hàng năm khoảng 50%.
Ông Samresh Kumar, CEO của SkyX Solar, một trong những nhà đầu tư năng lượng mặt trời nước ngoài có tổng công suất đỉnh lớn nhất, đánh giá các công ty Trung Quốc chiếm ít nhất 60% thị phần module quang điện Việt Nam. Trong đó, thương hiệu Jinko Solar chiếm thị phần lớn nhất. Cái tên Jinko Solar hiện được biết đến rộng rãi trong các nhà đầu tư năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Công ty giữ thế độc tôn về pin mặt trời với khoảng 38% thị phần, gấp đôi thị phần tất cả các công ty Trung Quốc khác cộng lại.
Các tấm module quang điện của Jinko Solar xuất hiện tại những dự án năng lượng mặt trời có quy mô lớn nhất và sớm nhất của Việt Nam như: nhà máy điện mặt trời Trung Nam Phước Minh, dự án điện mặt trời Xuân Thiện, nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ (thuộc Bamboo Capital Group), nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng, dự án trang trại điện mặt trời áp mái Cư Jut hay dự án điện mặt trời Mỹ Sơn 1 và 2.
Đứng ở quan điểm của nhà đầu tư, Samresh Kumar cho biết SkyX Solar chỉ làm việc với các nhà sản xuất có năng lực hoàn chỉnh, từ tấm bán dẫn, tế bào đến tấm pin, có thể cung ứng quy mô lớn và liên tục đầu tư vào công nghệ mới. Theo ông, Jinko Solar là một trong những cái tên phù hợp.
Hiện tại cụm nhà máy Jinko Solar nằm trong khu công nghiệp Amata Sông Khoai, huyện Quảng Yên (Quảng Ninh), có tổng công suất dự kiến khoảng 8GW/năm. Tổng mức đầu tư hiện tại lên đến 870 triệu đô la Mỹ, thuộc vào loại lớn nhất của tập đoàn. Cơ sở sản xuất ở Quảng Ninh cũng là nơi đầu tiên Jinko hoạt động theo mô hình sản xuất hoàn chỉnh và khép kín.
“Khép kín có nghĩa là nhà máy này sản xuất hoàn chỉnh các công đoạn, bao gồm kéo tinh – chế xuất, tạo hình tấm bán dẫn từ nguyên liệu thô, làm pin – chế tác các tấm này thành tế bào quang điện và đóng module – ghép thành các tấm module quang điện sẵn sàng để lắp tại các dự án điện mặt trời,” ông Trương Hành nói.
Sinh năm 1974, tốt nghiệp chuyên ngành cơ khí đại học Thanh Hoa danh tiếng, ông đã qua nhiều vị trí quản lý ở các công ty sản xuất công nghiệp. Các nhân sự tại Jinko Solar cho biết, tuy giữ chức phó tổng giám đốc nhưng vị lãnh đạo họ Trương mới là người được cử sang chịu trách nhiệm toàn bộ cho hoạt động tại đây, trong khi tổng giám đốc lại thường xuyên ở Trung Quốc.
Cập nhật về tiến độ dự án tại Việt Nam, ông cho biết mới vận hành xong dây chuyền kéo tinh có công suất 10GW/năm và khoảng 2.000 nhân công. Hai dây chuyền làm tế bào quang điện và ghép module có công suất 8GW đang vận hành thử nghiệm, dự kiến hoàn thành vào tháng 10 tới và sẽ đạt công suất tối đa vào tháng 12.2023 với tổng số 4.500 nhân công. Tập đoàn vẫn còn cần bỏ thêm ít nhất 300 triệu đô la Mỹ nữa mới hoàn tất cơ sở sản xuất thứ 14, nâng tổng mức đầu tư toàn dự án lên xấp xỉ 1,2 tỉ đô la Mỹ.
Cơ sở tại Việt Nam bên cạnh sản xuất còn tích hợp một trong bốn trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ của Jinko Solar, được định vị để sản xuất các module quang điện TopCon có công nghệ tiên tiến nhất, với thị trường chính là Mỹ, Ấn Độ, Thái Lan và Malaysia.
Khi đi vào hoạt động, ước tính cụm nhà máy của Jinko tại Quảng Yên sẽ tạo ra doanh thu 1,2 tỉ đô la Mỹ/năm, đóng góp vào ngân sách của tỉnh nhà trên dưới 40 triệu đô la Mỹ tiền thuế. Được biết, nhà máy Jinko Solar Việt Nam về danh nghĩa là một doanh nghiệp chế xuất (EPE) nên sản phẩm để xuất khẩu hoặc “xuất khẩu tại chỗ.”
Đại diện từ Jinko Solar cho biết, trong tương lai, các công ty thành viên khác của tập đoàn sẽ nối gót tiến vào thị trường Việt Nam. Trong đó, nổi bật là Jinko Energy, công ty chuyên cung cấp giải pháp lưu trữ và truyền tải điện. Jinko Energy đã bắt đầu triển khai kinh doanh mảng thiết bị lưu trữ điện với quy mô công nghiệp và thương mại, bên cạnh mảng module của Jinko Solar.
Jinko Power, nhánh đầu tư phát triển dự án, sẽ là đơn vị bỏ tiền xây dựng hệ thống điện mặt trời áp mái tại dự án ở Quảng Ninh sau khi nhà xưởng hoàn thành. Là một doanh nghiệp Trung Quốc, Jinko Power khá thận trọng đối với việc mở rộng đầu tư ở Việt Nam, từng bỏ qua những cơ hội tham gia từ ‘giai đoạn vàng’ với cơ chế giá điện FIT 1 và FIT 2 vài năm trước.
Quá trình đầu tư chưa dài nhưng Jinko Solar đã có những nuối tiếc nhất định. Đó là tình trạng thiếu điện diện rộng ở miền Bắc trong quý 2.2023. Ông Trương Hành nửa đùa nửa thật: “Chúng tôi đi cùng Amata vì biết sẽ tiêu thụ điện rất nhiều, cần đơn vị quản lý khu công nghiệp có chuyên môn giỏi. Nhưng không ngờ đến năm nay miền Bắc lại thiếu điện. Nếu biết sớm hơn, tôi đã chọn thuê đất của Amata ở trong miền Nam”.
Thiếu điện là đáng ngại, nhưng chưa phải là mối bận tâm lớn nhất với một công ty sản xuất tế bào quang điện. Ông Bùi Trung Kiên, giám đốc dịch vụ kỹ thuật khu vực APAC của Jinko, cho rằng áp lực cạnh tranh trong ngành là rất lớn. Bên cạnh yếu tố thị trường mới, phân mảnh, yêu cầu về khả năng cung ứng và tốc độ cập nhật công nghệ diễn ra rất nhanh.
Theo đó, trung bình chỉ mất ba năm để một công nghệ sản xuất trở nên lỗi thời nếu không đẩy mạnh nghiên cứu phát triển. “Đó là chưa kể đến các cập nhật kỹ thuật nhỏ diễn ra mỗi ba tháng, nhằm giúp cho công suất của tấm module phổ biến tăng trung bình 5W một lần,” ông Kiên nói thêm.
Dẫn đầu thị phần thế giới trong giai đoạn 2019-2021, nhưng Jinko Solar từng mất ngôi vị này vào tay đối thủ LONGi Solar năm 2022. Nguyên nhân là việc cập nhật công nghệ mới bắt buộc nhà máy phải cân đối sản lượng các dây chuyền cũ hơn và đưa vào các dây chuyền mới.
Jinko Solar hiểu rõ điều hiển nhiên là khách hàng chỉ muốn mua những sản phẩm tốt nhất, với cùng kích thước nhưng phải sản sinh ra công suất điện lớn nhất có thể. Dù vậy, ông Trương Hành cho rằng Jinko phải có chiến lược ứng phó, có những điều phối nguồn lực xen kẽ giữa phát triển công nghệ và mở rộng sản xuất, có lộ trình giới thiệu sản phẩm phù hợp.
Theo vị quản lý người Trung Quốc, công ty ông đã mất gần ba năm nghiên cứu công nghệ TopCon cho nên giai đoạn ba năm 2022-2024 sẽ là thời gian toàn lực sản xuất. Ông nói: “Thật ra chúng tôi đã có được những thành quả về thế hệ tế bào quang điện tiếp theo, tuy nhiên Jinko sẽ chỉ giới thiệu công nghệ này vào cuối năm sau.”
Ngoài các áp lực đổi mới, gần đây Jinko Solar cũng vướng vào rắc rối liên quan đến thương chiến Mỹ – Trung. Tháng 5.2023, bộ Nội vụ Mỹ đã tiến hành điều tra văn phòng đại diện của Jinko tại California và nhà máy có công suất 2GW ở Jacksonville, Florida.
Năm ngoái, một số lô hàng nhập khẩu của Jinko cũng bị phía Mỹ tra xét nguồn gốc và về sử dụng lao động, trước khi được thông quan vào đầu năm nay. Đại diện truyền thông tập đoàn cho biết họ vẫn xem Mỹ, nơi Jinko nắm 6% thị phần, là một thị trường quan trọng, “đang nỗ lực nắm rõ tuân thủ các yêu cầu điều tra.”
2 năm trước
Cuộc đua năng lượng trên mái nhà