Adisak Sukumvitaya đã đưa Jay Mart từ một cửa hàng nhỏ lẻ phát triển thành tập đoàn dịch vụ tài chính và bán lẻ dựa trên công nghệ với tổng vốn hóa thị trường 6,5 tỉ đô la Mỹ và ông vẫn đang tiếp tục vươn xa hơn nữa.
Gần đây, khi sàn giao dịch chứng khoán Thái Lan điều chỉnh lại SET50, chỉ số của các công ty lớn nhất theo vốn hóa thị trường, Adisak Sukumvitaya trở thành người thắng lớn. Đây là kết quả có được nhờ cổ phiếu công ty hàng đầu của ông, Jay Mart, cùng đơn vị quản lý và thu hồi nợ JMT Network Services đều nằm trong số những cổ phiếu Thái Lan được chú ý nhất trong năm qua – tăng lần lượt 54% và 74% – trong khi chỉ số SET50 giảm hơn 3%.
Hai đợt tăng này là cột mốc quan trọng đối với người sáng lập kiêm CEO của Jay Mart, Adisak Sukumvitaya, người mở cửa hàng đầu tiên bán các thiết bị gia dụng của mình vào năm 1989.
Adisak, 66 tuổi, chia sẻ từ Jay House, dinh thự rộng lớn có cổng rào bao quanh, cách khu thương mại trung tâm của Bangkok 30km: “Với tôi, đó là phần thưởng lớn trong hành trình kinh doanh 33 năm.” Các bức tường được trang trí bằng tác phẩm nghệ thuật của các nghệ sĩ địa phương. Adisak cũng treo các bức tranh do chính mình thỉnh thoảng vẽ để thư giãn nhưng ở vị trí kín đáo hơn.
Từ cửa hàng bán lẻ nhỏ, Adisak phát triển thành tập đoàn Jay Mart, với nhân tố chủ lực là công ty holding Jay Mart đã niêm yết. Jay Mart có cổ phần trong ba công ty đại chúng và một loạt các công ty tư nhân. Các hoạt động kinh doanh của công ty phần lớn thuộc ba nhóm chính gồm bán lẻ, tài chính và công nghệ.
Họ mở rộng phạm vi từ phân phối và bán lẻ điện thoại di động, sản phẩm CNTT và thiết bị điện sang quản lý và thu hồi nợ, dịch vụ tài chính, quán cà phê và công nghệ. Jaymart Mobile bán điện thoại di động thông qua 200 cửa hàng trên khắp Thái Lan. Các chi nhánh tài chính của Jay Mart cung cấp các khoản vay tiêu dùng và bảo hiểm phi nhân thọ. Đơn vị công nghệ J Ventures của họ phát triển công nghệ mới nổi như AI, blockchain và dữ liệu lớn và đang xây dựng nền tảng vũ trụ ảo (metaverse).
Trong bối cảnh nền kinh tế Thái Lan phục hồi chậm, năm 2021 Jay Mart đạt lợi nhuận ròng kỷ lục 2,5 tỉ baht (71 triệu đô la Mỹ), tăng gấp ba lần so với năm trước, với doanh thu 12,3 tỉ baht. Giá cổ phiếu tăng vọt của Jay Mart đưa Adisak cùng người vợ Yuvadee Pong-Acha, cũng là cổ đông lớn, vào danh sách 50 người giàu nhất đất nước với tài sản ước tính 835 triệu đô la Mỹ.
Jay Mart và các công ty liên kết – nhà phát triển bất động sản JAS Asset, JMT Network và công ty bán hàng trực tiếp Singer Thái Lan – có tổng vốn hóa thị trường 6,5 tỉ đô la Mỹ.
“Từ khởi đầu nhỏ, Adisak đã phát triển Jay Mart theo cấp số nhân, xây dựng công ty thông qua các thương vụ mua lại và quan hệ đối tác chiến lược,” Kongkiat Opaswongkarn, CEO của Asia Plus Securities, ngân hàng dẫn đầu các khoản đầu tư trong ba đợt IPO của tập đoàn, cho biết. Năm 2015, công ty này cũng điều hành thương vụ mua lại 25% cổ phần của Jay Mart trong Singer Thái Lan, chi nhánh địa phương của công ty Mỹ lâu đời có người sáng lập đã phát minh ra máy may vào năm 1850.
Kể từ khi đại dịch bùng phát, ông làm việc tại nhà, thực hiện các cuộc họp hội đồng quản trị qua Zoom. Điều đó không chỉ giúp ông tiết kiệm thời gian đến tòa nhà Jay Mart, trụ sở chính của công ty, mà còn buộc ông trao quyền nhiều hơn cho các giám đốc điều hành cấp cao. Hiện tại, ông đang xây mở rộng ngôi nhà của mình với một phòng chuyên để họp. “Tôi hợp với phương pháp làm việc từ xa,” ông nói.
Adisak vẫn tiếp tục tạo kết nối trong suốt đại dịch. Khi các ngân hàng của Thái Lan gặp khó khăn với các khoản cho vay kém hiệu quả ngày càng tăng, Adisak nhìn thấy cơ hội thúc đẩy hoạt động kinh doanh của JMT Network và thành lập hai liên doanh với ngân hàng Kasikorn có trụ sở tại Bangkok để thu hồi nợ và quản lý tài sản.
Ông chuyển đổi chi nhánh tài chính J Fintech thành KB J Capital, liên doanh tài chính tiêu dùng với công ty thẻ tín dụng Hàn Quốc KB Kookmin Card. Đơn vị phần mềm J Ventures của Jay Mart cũng nhận được khoản đầu tư từ công ty CNTT Nhật Bản TIS.
Gần đây, Adisak lấn sân sang lĩnh vực năng lượng tái tạo thông qua mối hợp tác giữa công ty Gunkul Engineering của một tỉ phú khác là Gunkul Dhumrongpiyawut cùng Jay Mart và Singer Thailand, với mục tiêu bán pin năng lượng mặt trời.
Thương vụ lớn nhất là sự hợp tác với BTS Group của tỉ phú Keeree Kanjapanas (nổi tiếng với công ty Skytrain), tập đoàn đã đầu tư 17,5 tỉ baht (489,3 triệu đô la Mỹ) để mua lại 25% cổ phần của cả Jay Mart và Singer Thailand. Adisak, bạn với con trai Kavin của Keeree suốt hai mươi năm, cho biết họ hi vọng sẽ được hưởng lợi từ hợp lực bán chéo vì hai công ty cùng chia sẻ 17 triệu khách hàng.
Chuyên gia phân tích Naruedom Mujjalinkool của FSS International Investment Advisory Securities, thường trú tại Bangkok, cho biết Jay Mart có thể mở cửa hàng bán đồ gia dụng và điện thoại di động tại các ga tàu BTS, nơi cũng có thể trở thành kênh bán hàng cho Singer Thái Lan.
Với các đối tác mới và kế hoạch đầu tư 30 tỉ baht (838,5 triệu đô la Mỹ) trong năm nay, Adisak khẳng định “chúng tôi có thể phát triển nhanh hơn ba lần và đạt đến cấp độ tiếp theo.” Mục tiêu của ông là tăng lợi nhuận ròng của Jay Mart lên 50% hằng năm trong ba năm tới. “Doanh thu không có ý nghĩa gì nếu không có lợi nhuận. Bạn không thể trụ lâu mà không có lợi nhuận,” ông khẳng định.
Adisak sinh ra ở Bangkok nhưng chuyển đến sống ở Yala, tỉnh cực nam của Thái Lan, nơi cha ông mở tiệm sửa giày. Năm 17 tuổi, Adisak trở thành học sinh trao đổi trung học ở Iowa trong một năm. Ông cho biết đó là năm bước ngoặt trong cuộc đời mình. “Đó là thế giới khác. Tôi bắt đầu ước mơ bằng tiếng Anh.”
Trong thời gian ở Hoa Kỳ, ông chơi các môn thể thao – bóng chày, đấu vật, golf và luyện thành thói quen lâu dài. Vào các ngày thứ bảy, ông chơi bóng đá với bạn bè và các giám đốc điều hành công ty tại sân thể thao tư nhân rộng 1,2 héc ta mà ông xây bên cạnh nhà mình. “Khi còn trẻ, tôi không có nơi để chơi,” ông kể lại.
Sau khi lấy bằng kinh tế nông nghiệp tại đại học Kasetsart ở Bangkok, Adisak muốn trở lại Hoa Kỳ để học cao học nhưng không đủ tiền. Vì vậy, ông đăng ký chương trình thạc sĩ theo học bổng tại Kasetsart, làm nghiên cứu thị trường để kiếm thêm thu nhập. Công việc đầu tiên của ông vào năm 1982 là nghiên cứu đầu tư tại công ty chứng khoán Thái Lan Tisco, nơi ông gặp người vợ Yuvadee. Vài năm sau, ông chuyển sang làm việc cho hãng tiêu dùng khổng lồ Philips với vai trò trợ lý giám đốc sản phẩm.
Bốn năm sau, Adisak tự mình kinh doanh. “Đó là bước đi mạo hiểm nhưng tôi đã tự hỏi bản thân – bạn muốn tiếp tục nghèo hay muốn mang lại cuộc sống tốt hơn cho gia đình mình?” ông kể. Sau khi nghiên cứu mô hình kinh doanh của Singer, bán máy may và đồ gia dụng theo hình thức trả góp, Adisak tự tin rằng thị trường vẫn còn chỗ cho một người chơi khác.
Hai vợ chồng dùng số tiền tiết kiệm hai triệu baht (hơn 55 ngàn đô la Mỹ) để thành lập Jay Mart, bắt chước mô hình của Singer nhưng bán các thương hiệu điện tử và gia dụng khác, như Panasonic, Hitachi và Philips. Tên của công ty được lấy cảm hứng từ Kmart, nơi Adisak mua sắm khi ở Iowa. “Jay” là tên viết tắt của họ, bao gồm cả tên con gái Juthamas. Đó cũng là biệt danh của con trai họ Ekachai, được sinh ra vào năm cửa hàng Jay Mart đầu tiên khai trương.
Năm 1992, Jay Mart bổ sung mặt hàng điện thoại di động, cung cấp các thương hiệu như Nokia và Ericsson cũng qua hình thức trả góp. Doanh thu tăng lên, nhưng chẳng bao lâu Adisak bị lu mờ vì sự xuất hiện của công ty dịch vụ tài chính Nhật Bản Aeon. Nhận thấy mình không thể cạnh tranh với các khoản vay lãi suất thấp của Aeon, Adisak bắt đầu việc kinh doanh khác: đòi nợ.
Ông nghĩ mình có thể sắp xếp các nhân viên chạy ngoài của Jay Mart, những người có kinh nghiệm thu tiền trả góp, để thu các khoản vay tiêu dùng không có thế chấp cho các công ty khác. Adisak cho biết khi thấy những hãng bán điện thoại di động lớn hơn đóng cửa, ông học được rằng không bao giờ phụ thuộc vào chỉ một mảng kinh doanh.
Nhưng ông phạm phải sai lầm nghiêm trọng sau khi đầu tư hai triệu baht (hơn 55 ngàn đô la Mỹ) vào liên doanh do một số người bạn thành lập để sản xuất máy thu hình. Phương hướng quản lý đã sai và trong vòng ba năm, công ty có nguy cơ đóng cửa, với khoản nợ 30 triệu baht (hơn 839 ngàn đô la Mỹ). Lo lắng danh tiếng của mình bị ảnh hưởng, Adisak đồng ý gánh toàn bộ khoản nợ và bắt đầu khẩn trương tìm cách trả nợ.
Ông tiếp cận Aeon, đề xuất mô hình mua điện thoại di động trả góp với cam kết mua lại nếu khách hàng không thể trả nợ. Phí dịch vụ 400 baht (11,1 đô la Mỹ) mà Jay Mart nhận được trên mỗi chiếc điện thoại do Aeon tài trợ đã mang về cho công ty 700 triệu baht (19,5 triệu đô la Mỹ) trong vòng bảy năm. Nhờ đó, ông trả hết nợ và giúp Jay Mart phát triển thành một trong những nhà phân phối điện thoại di động hàng đầu của Thái Lan.
Adisak nói rằng ông luôn tìm kiếm cơ hội trong mọi cuộc khủng hoảng. Sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997–1998, khi các công ty khác suy thoái, ông đã mở thêm cửa hàng. Ông tiếp cận tập đoàn bán lẻ khổng lồ Central và thuê bãi đậu xe hơi tại một trong những đại siêu thị Big C của tập đoàn này. “Trong kinh doanh,” Adisak nói, “Tôi không bao giờ nói không. Trên thực tế, khi người khác nói ‘không,’ tôi nói ‘có.’”
Ông chuyển đổi bãi đậu xe thành một trung tâm mua sắm mini gồm các cửa hàng nhỏ cho những người bán điện thoại. Ban đầu, rất khó tìm người thuê và ông bị thua lỗ trong năm đầu tiên. Để phát triển, ông mở 20 cửa hàng điện thoại di động dưới các tên khác nhau, với mục đích tạo ra tiếng vang để thu hút khách thuê. Việc kinh doanh này sau đó được mở rộng đến 40 địa điểm dưới sự điều hành của IT Junction, chi nhánh đang phát triển mạnh của Jay Mart. Năm 2015, công ty này được tách ra thành chi nhánh phát triển bất động sản JAS Asset.
Đến năm 2002, Adisak bắt đầu lên kế hoạch niêm yết để công ty flagship của mình phát triển nhanh chóng hơn. Nhưng đơn đăng ký IPO của Jay Mart bị từ chối vào năm đó và một lần nữa vào năm 2005 vì thời điểm đó công ty không thể đáp ứng các yêu cầu pháp lý. Adisak cho biết vợ ông, người làm việc với ông từ năm 1994, đã khuyên ông nên quên chuyện đó đi, nhưng ông không chịu.
“Tôi biết rằng nếu tôi đầu hàng, tôi sẽ không có tương lai,” ông nhớ lại. Ông thành công vào năm 2009, huy động được 133 triệu baht (3,7 triệu đô la Mỹ) thông qua đợt IPO định giá Jay Mart ở mức 540 triệu baht (15,1 triệu đô la Mỹ), và kể từ đó đã tăng lên 79 tỉ baht (2,2 tỉ đô la Mỹ.)
Số tiền thu được từ IPO được sử dụng để trả các khoản vay và mở rộng đơn vị thu hồi nợ mà ông niêm yết vào năm 2012. Đợt IPO của JMT huy động được 333 triệu baht (9,3 triệu đô la Mỹ) và định giá công ty 3,6 tỉ baht (hơn 100 triệu đô la Mỹ.) Trong thập niên vừa qua, vốn hóa thị trường của JMT đã tăng gấp 30 lần lên 107 tỉ baht (2,9 tỉ đô la Mỹ.) Ba năm sau, Jay Mart tách riêng JAS Asset và niêm yết công ty ở mức định giá một tỉ baht (27,9 triệu đô la Mỹ.)
Năm 2015, Jay Mart thực hiện thương vụ mang tính bước ngoặt, chi 950 triệu baht (26,5 triệu đô la Mỹ) mua 25% cổ phần của Singer Thái Lan, công ty mà Adisak ngưỡng mộ từ lâu và cũng nhân rộng mô hình kinh doanh của họ thành công. “CFO của chúng tôi nói rằng chúng tôi không có tiền, nhưng tôi không thể để cơ hội vụt mất,” ông nhớ lại.
Ông gọi vốn thông qua kết hợp các khoản vay ngân hàng và bán một phần cổ phần của Jay Mart trong JMT. “Singer đã ở Thái Lan 133 năm, lâu đời hơn Jay Mart đúng một thế kỷ,” Adisak nói, đồng thời cho biết thêm rằng hiện ông đang chuẩn bị niêm yết chi nhánh tài chính SG Capital.
Năm năm trước, Adisak mở rộng sang lĩnh vực fintech, thành lập J Ventures dưới sự điều hành của Jay Mart. Năm 2018, J Ventures ra mắt đợt ICO đầu tiên, bán 100 triệu JFinCoins trong vòng ba ngày. Adisak coi mình là nhà tiên phong tiền mã hóa của Thái Lan và tự tin cho rằng quy định cấm tiền mã hóa của Thái Lan sẽ chỉ là tạm thời.
Ban đầu, Adisak dự định nghỉ hưu trong năm nay, nhưng sau khi được BTS rót vốn, ông cho biết đã hoãn kế hoạch đó lại vài năm. Ông đang chuẩn bị cho con trai Ekachai, được đào tạo tại Hoa Kỳ và đã làm việc với ông trong tám năm qua, đồng thời là phó giám đốc điều hành của Jay Mart, để kế nhiệm ông. “Con trai tôi là người phù hợp xuất hiện đúng thời điểm,” ông cho biết.
Hiện tại, Adisak đang tập trung vào việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng và đưa mọi doanh nghiệp của ông trở thành công ty dẫn đầu thị trường trong phân khúc của mình. “Tôi không tin rằng đi sau lại không thể vươn lên dẫn đầu,” ông nói, lấy ví dụ về cuộc đua ô tô trên đường đất, nơi chiếc xe dẫn đầu tạo ra một cơn bão bụi.
Có rất nhiều thách thức. Chuyên gia phân tích Naruedom của FSS chỉ ra rằng mặc dù JMT Network đã là một trong những người chơi lớn nhất trong thị trường thu hồi nợ, nhưng sự xuất hiện của nhiều đối thủ cạnh tranh đang đấu thầu quyết liệt cho các khoản vay kém hiệu quả có thể làm giảm lợi nhuận. Hơn nữa, suy thoái kinh tế có thể ảnh hưởng đến doanh số các thiết bị gia dụng. Adisak nói rằng những cuộc khủng hoảng mà ông trải qua trong quá khứ đã dạy ông không bao giờ được đánh giá thấp bất kỳ tình huống nào.
Mặc dù sự giàu có cho phép ông thỏa mãn những đam mê như sưu tầm rượu vang hảo hạng, nhưng Adisak cho biết ông không quên nguồn gốc của mình. Ông thích thức ăn đường phố hơn ăn uống sang trọng. Với hai công ty lớn nhất của ông có mặt trong SET 50, Adisak biết rằng mình đang ở trong vòng đấu với các ông lớn: “Nhưng đó mới chỉ là bước đầu. Tôi muốn tiến lên và giành chiến thắng.”
Warning: Illegal string offset 'target' in /home/forbesv/public_html/wp-content/themes/forbes-vn/sections/single/megastory/related_posts.php on line 43