Startup Y khoa Iterative Scopes đã huy động 150 triệu USD để phát triển hệ thống nội soi hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán bệnh.
Trong quá trình đào tạo phẫu thuật tại Campuchia vào năm 2005, Jonathan Ng, bác sĩ phẫu thuật nhiều kinh nghiệm từ Singapore nhận ra rất nhiều thế hệ bác sĩ đầu tiên tại đây không thể xác định khối u đơn giản. “Tôi cho rằng nguyên nhân lớn nhất là họ chưa được tập huấn,” Jonathan Ng (33 tuổi) cho biết.
Việc bỏ qua khối u đồng nghĩa làm trì hoãn quá trình chẩn đoán và giảm khả năng sống sót của bệnh nhân. Do đó, vào năm 2017, Jonathan Ng đã gác lại công việc y khoa để theo học quản trị kinh doanh tại Mỹ, nhận ra vấn đề về bỏ sót những triệu chứng ban đầu của căn bệnh không chỉ riêng ở Campuchia.
Kể cả các bác sĩ tại Mỹ, đặc biệt là trong khoa tiêu hóa cũng thường bỏ sót những triệu chứng ban đầu khi dựa vào quan sát bằng mắt hoặc bỏ qua trong video nội soi.
Do đó, vào năm 2017, Jonathan Ng đã thành lập Interative Scopes để hỗ trợ giải quyết vấn đề này. Công ty sử dụng AI và máy học để tạo ra cặp mắt thứ hai giúp các bác sĩ xác định polyp (gần giống với khối u) trực tràng, khối kết dị thường của tế bào sản sinh từ khối u, cũng như những triệu chứng viêm ruột (IBD) và rối loạn tiêu hóa khác.
Qua thời gian, polyp có thể trở thành ung thư trực tràng, nguyên nhân hàng đầu thứ hai dẫn đến số ca tử vong do ung thư tại Mỹ.
Vào ngày 19.1, startup đặt tại Boston thông báo đã huy động 150 triệu USD trong vòng gọi vốn Series B, do Insight Partners, Clearlake Capital Group, Johnson and Johnson Innovation Inc., Eli Lilly và Breyer Capital dẫn dắt. Qua đó, nâng tổng số vốn nhận được lên 195 triệu USD.
“Một trong những vấn đề lớn nhất ở khoa tiêu hóa là có quá nhiều phán đoán được đưa ra dựa trên quan sát thông thường. Rất nhiều trong số đó chỉ mang tính chủ quan từ bác sĩ này tới bác sĩ khác hay thậm chí cùng một người từ đầu đến cuối,” Sahir Raoof, phó chủ tịch của Iterative Scopes cho biết. Các bác sỹ có thể diễn giải kết quả nội soi, quá trình cho thấy thương tổn, vết loét và chảy máu, khác nhau do những tình trạng này không thể ngay lập tức nhìn ra chỉ bằng mắt thường.
Sai sót từ những video nội soi dẫn đến việc bệnh nhân không nhận được liệu trình chữa trị phù hợp hay mất lợi thế về cơ hội tiến hành thử nghiệm lâm sàng liên quan.
Thông qua nền tảng này, công ty muốn tiêu chuẩn hóa quy trình chẩn đoán căn bệnh về tiêu hóa. Đến nay, startup này đã có hơn 100.000 bệnh nhân tham gia huấn luyện cho phần mềm để xác định triệu chứng viêm ruột và khối u chưa thể nhìn thấy ngay qua mắt thường.
Bộ công cụ được Iterative Scopes phát triển sẽ nhấn mạnh vào những điểm đáng nghi từ hình ảnh nội soi trong vòng vài phút xử lý và đưa tới bác sĩ để chẩn đoán tốt hơn. Vào cuối năm 2021, công ty đã cung cấp dữ liệu lâm sàng của sản phẩm SKOUT tới FDA, có khả năng xác định khối u theo thời gian thực.
Một khi SKOUT được FDA cấp phép, các bác sĩ sẽ có trang bị tốt hơn trong việc xác định thương tổn tiền ung thư, với khả năng phòng ngừa ung thư trực tràng lâu dài.
Trong khi chờ phê duyệt từ FDA cho SKOUT, dự kiến vào quý 1.2022, hướng tập trung chính của công ty trong những tháng tới là sẽ cải thiện nền tảng chẩn đoán viêm ruột, căn bệnh đã gây ảnh hưởng tới 3 triệu người Mỹ. “Con số đang ngày càng tăng lên. Do đó, mục tiêu của chúng tôi trong tương lai là đem lại chẩn đoán tốt hơn cho bệnh nhân,” Raoof cho biết.
Lonne Jaffe, giám đốc quản lý tại Insight Partners, đồng dẫn dắt vòng gọi vốn Series B nhận định một trong những lý do thu hút ông về công ty là tính chính xác từ sản phẩm SKOUT của Iterative Scopes trong việc phát hiện khối u. “Chắc chắn, việc này sẽ thay đổi cách xác định nguy cơ của những bệnh nhân đang phát triển căn bệnh ung thư,” Jaffe cho biết thêm.
Với vòng gọi vốn mới, công ty có kế hoạch cải thiện nền tảng hiện hành nhằm dự đoán những liệu trình nào cho bệnh nhân mắc căn bệnh viêm ruột và ung thư trực tràng. “Hiện nay, chúng tôi có rất nhiều dữ liệu bệnh nhân với hướng đi tốt hơn trong việc đưa ra chẩn đoán,” Raoof cho biết.
Biên dịch: Minh Tuấn