Thị Trường

IPO ở Đông Nam Á sẽ phục hồi trong năm 2025?

2 ngày trước
Nguồn: Nikkei Asia

Thị trường gọi vốn ở Đông Nam Á năm 2024 ảm đạm bậc nhất trong gần 1 thập kỷ, khi các hoạt động IPO diễn ra ít hơn, phản ánh khó khăn đến từ lãi suất cao, bất ổn địa chính trị và niềm tin của nhà đầu tư đi xuống.

Share
this:

Hiện nay đã xuất hiện dấu hiệu cho thấy, hoạt động gọi vốn có thể gia tăng trong năm 2025. Ví dụ sự sôi động của các sàn giao dịch khu vực, gia tăng niêm yết khối công nghệ và sự quan tâm ngày càng cao từ các quỹ tư nhân vào hoạt động khởi nghiệp.

IPO đang có dấu hiệu chững lại tại ASEAN – Ảnh: The Economic Times

Một nhà phân tích thị trường vốn khu vực cho biết, công ty công nghệ ở Đông Nam Á trước đây để mắt tới IPO tại Hoa Kỳ, giờ chuyển hướng sang những sàn giao dịch địa phương, trong bối cảnh nhiều quốc gia tăng cường cải cách.

Một số hãng công nghệ hàng đầu Đông Nam Á nổi tiếng toàn cầu bằng cách niêm yết tại Hoa Kỳ sau đại dịch, tuy vậy khối công ty nhỏ hơn thường thấy khó thành công, nên được khuyến khích niêm yết ở địa phương.

Bà Tay Hwee Ling, chuyên gia thị trường vốn Đông Nam Á từ Deloitte chia sẻ: “Nếu xem xét các trường hợp gần đây, như Grab niêm yết thành công tại Hoa Kỳ, đã tạo ra sự phấn khích đáng kể trên thị trường Đông Nam Á. Tuy nhiên công ty quy mô nhỏ, họ có thể gặp khó trong việc tiếp cận. Mặc dù các công ty thường thành công trong vòng huy động vốn đầu, nhưng phải đối mặt thách thức sau đó. Do đó xu hướng công ty ASEAN đến Hoa Kỳ để IPO sẽ chậm lại.”

Sự thay đổi trên có thể mang đến cho các sàn giao dịch địa phương nhiều cơ hội, cung cấp nền tảng cho những doanh nghiệp huy động vốn nhất là về công nghệ. Các sàn giao dịch khu vực như Bursa ở Malaysia, sở giao dịch chứng khoán Thái Lan (SET) và IDX của Indonesia, đang định vị mình là nơi thay thế an toàn, cũng như có khả năng tiếp cận nhà đầu tư.

Theo một số nguồn tin, nền tảng giao dịch ô tô đã qua sử dụng Carsome của Malaysia, đã lên kế hoạch niêm yết ở Hoa Kỳ, nhưng giờ muốn thực hiện tại nội địa.

Xu hướng này có thể cải thiện thị trường IPO đang ảm đạm của khu vực. Trong báo cáo thị trường vốn Đông Nam Á 10 tháng đầu năm 2024, cả khu vực chỉ có 122 đợt IPO với số vốn hơn 3 tỷ USD, so với năm 2003 lần lượt là 163 thương vụ và thu về hơn 6 tỷ USD.

Năm 2024, Malaysia chiếm 53% tổng số vốn IPO của Đông Nam Á, tiếp theo là Thái Lan 26% và Indonesia 12%.

Indonesia dẫn đầu IPO năm 2023 với số vốn 3,6 tỷ USD, đã giảm 90% vào năm 2024, chỉ còn 368 triệu USD. Cuộc tổng tuyển cử đầu năm, cộng với tình hình kinh tế bất ổn kéo dài, khiến nhiều công ty có xu hướng giữ nguyên mô hình. Đợt IPO đáng chú nhất ở Indonesia năm 2024 là của Mr.DIY, khi huy động được 257 triệu USD.

Thái Lan, thị trường chứng khoán lớn thứ 2 Đông Nam Á cũng chững lại. Quy định mới về kiểm toán và báo cáo tài chính, khiến nhiều đơn vị muốn IPO phải dời lại. Năm 2024 xứ chùa vàng huy động được 756 triệu USD, giảm so với 1,3 tỷ USD năm 2023.

Singapore năm 2024 chỉ có 4 đợt IPO thu về 34 triệu USD, giảm so với 6 đợt năm 2023.

Philippines chỉ có 3 đợt IPO nhưng thu về 203 triệu USD, tăng mạnh so với 81 triệu USD năm 2023.

Malaysia là trường hợp nổi trội duy nhất, đạt thành tích tốt nhất ASEAN, với 46 đợt IPO và huy động được 1,5 tỷ USD tính đến hết tháng 10. Tháng 11 và 12, Deloitte báo cáo có thêm 9 đợt IPO nữa. Thương vụ IPO lớn nhất trong năm của Malaysia, đồng thời lớn nhất Đông Nam Á, là từ chuỗi cửa hàng tiện lợi Speed Mart, khi thu về 574 triệu USD.

Giới phân tích cho rằng, thành công của Malaysia bắt nguồn từ 2 yếu tố: cải cách trong nước và sự chuyển hướng có chủ đích sang các thương vụ IPO nhỏ ở địa phương. Sàn giao dịch ACE Market dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, ngày càng thu hút nhiều công ty công nghệ, với 39 đợt IPO năm 2024.

Tập trung vào IPO nhỏ theo từng ngành, đang trở thành xu hướng phổ biến trong khu vực. Bối cảnh không có những đợt niêm yết lớn, thì doanh nghiệp tiêu dùng, hàng công nghiệp và năng lượng tái tạo, đã nổi lên chiếm gần 70% thương vụ IPO năm 2024.

Một số báo cáo nhận định, năm 2025 các hoạt động IPO khả năng cao sẽ phục hồi sôi động hơn năm 2024, do môi trường kinh tế vĩ mô đi vào ổn định và lãi suất giảm tại nhiều quốc gia.

Vốn tư nhân đã tham gia nhiều hơn vào sân chơi, nổi lên như 1 lực lượng hỗ trợ quan trọng. Theo Golden Gate Ventures, các quỹ tư nhân và đầu tư mạo hiểm đang hỗ trợ ngày càng nhiều công ty khởi nghiệp ở Đông Nam Á, tạo ra 1 chuỗi các đơn vị chuẩn bị IPO trong vài năm tới.

Lĩnh vực công nghệ, dự kiến đóng vai trò trung tâm trong quá trình phục hồi IPO tại ASEAN. Căng thẳng thương mại Mỹ – Trung thúc đẩy nhiều công ty tới ASEAN đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo và tài chính. Giới phân tích cũng nhấn mạnh sự gia tăng của doanh nghiệp sử dụng AI và công ty khởi nghiệp về năng lượng tái tạo, là động lực chính cho hoạt động IPO trong tương lai. Đông Nam Á ngày càng trở thành điểm sáng về đầu tư công nghệ toàn cầu.

Malaysia dự kiến tiếp tục phát triển mạnh mẽ thị trường IPO, nhờ chính sách như phê duyệt ngắn gọn, giảm thuế và chuyển dịch nhanh chóng sang ACE Market. Hiện thị trường chứng khoán Malaysia vẫn sôi động, dự kiến tiếp tục chứng kiến 2024 là năm thứ 3 liên tiếp tăng trưởng tích cực. Dự đoán 2025 có thể tăng trưởng khoảng 8%. Tất cả điều này thúc đẩy sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài.

Indonesia chứng kiến năm 2024 đầy các sự kiện chính trị gây lo ngại, phần lớn hiện đã ổn định. Năm 2025 có thể sẽ phục hồi tương đối, với nhiều công ty sẵn sàng IPO liên quan đến năng lượng và khai thác tài nguyên. Theo IDX, hiện khoảng 66 công ty có kế hoạch.

Thái Lan khả năng cao chứng kiến những công ty IPO trong năm 2025 thuộc khối công nghệ và chăm sóc sức khỏe. Nước này đang cải cách mạnh mẽ về quy định, nhằm vực dậy niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán.

Ở Mỹ, sự trở lại của Tổng thống Trump là dấu chấm hỏi với nhiều thị trường, kể cả IPO. Sự hồi sinh chính sách “nước Mỹ trên hết”, có thể đảo ngược mong muốn phát triển thị trường IPO ở Đông Nam Á. Trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, rào cản thương mại và xung đột địa chính trị Mỹ – Trung trở nên gay gắt.

Nhiều nhà phân tích dự báo, điều tương tự sẽ xảy ra trong nhiệm kỳ 2. Những yếu tố khác cũng có thể ảnh hưởng là tăng trưởng kinh tế toàn cầu, lạm phát, không chắc chắn về động thái của FED, căng thẳng chính trị – suy thoái kinh tế kinh tế ở châu Âu, cùng với khó khăn của kinh tế Trung Quốc.

(Biên dịch: NVP)