Bộ trưởng Doanh nghiệp Nhà nước Indonesia Erick Thohir muốn nhiều doanh nghiệp nhà nước trở thành công ty đại chúng hơn nữa để tăng lợi nhuận và nâng cao tính minh bạch.
Trong hội nghị Forbes Global CEO diễn ra từ ngày 26-27.9 tại Singapore, bộ trưởng Doanh nghiệp Nhà nước Indonesia (SOE) Erick Thohir cho biết ông muốn nhiều doanh nghiệp nhà nước của xứ sở vạn đảo trở thành công ty đại chúng hơn nữa để tăng lợi nhuận và nâng cao tính minh bạch.
“Indonesia muốn thúc đẩy nhiều doanh nghiệp nhà nước trở thành công ty đại chúng hơn, qua đó chúng tôi có thể tạo ra sự cân bằng phù hợp,” ông cho biết.
Theo ông Erick Thohir, PT Pertamina Geothermal Energy, công ty con về nhiệt điện của tập đoàn năng lượng Pertamina do chính phủ Indonesia sở hữu toàn bộ, sẽ là một trong những doanh nghiệp nhà nước đầu tiên lên sàn chứng khoán trong năm 2022. PT Pertamina muốn thu về 500 triệu USD từ việc phát công khai lần đầu (IPO), theo nguồn tin tổng hợp.
Theo kế hoạch được bộ trưởng SOE đưa ra, Indonesia muốn có thêm 11 doanh nghiệp nhà nước khác niêm yết cổ phiếu từ đây đến cuối năm 2022.
Ông Erick Thohir lưu ý, việc trở thành công ty đại chúng sẽ giúp các doanh nghiệp nhà nước trở nên minh bạch và đáng tin cậy hơn, khi một vài doanh nghiệp từng vướng vào những vụ bê bối như tham nhũng. Một trong những ví dụ gần đây là hãng hàng không quốc gia Garuda Indonesia nợ khoản tiền 5,1 tỉ USD.
“Chúng tôi thay đổi toàn bộ ban lãnh đạo của Garuda do xuất hiện hành vi tham nhũng,” ông cho biết.
Ông Erick Thohir, trở thành bộ trưởng SOE vào tháng 10.2019, đang thực hiện các giải pháp hiện đại hóa khu vực doanh nghiệp nhà nước, chẳng hạn như tăng cường hợp tác với công ty tư nhân.
“Việc hợp tác với công ty tư nhân sẽ giúp các doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động thiếu hiệu quả có kết quả kinh doanh tốt hơn,” ông cho biết. Một ví dụ tiêu biểu là GMR, công ty về cơ sở hạ tầng có trụ sở tại New Delhi và doanh nghiệp nhà nước PT Angkasa Pura II đã thành lập liên doanh Angkasa Pura Aviasi để vận hành cảng hàng không tại Medan, thành phố đông dân thứ năm Indonesia.
Ông cũng đang hợp nhất các doanh nghiệp nhà nước với giá trị tài sản hiện nay hơn 600 tỉ USD, tương đương với một nửa tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Indonesia.
Ông Erick Thohir đang trong lộ trình cắt giảm số doanh nghiệp nhà nước, từ 108 doanh nghiệp khi ông nhậm chức xuống còn 41 doanh nghiệp vào năm 2024. Một bước tiến khác là thay đổi việc giám sát các công ty trở nên hợp lý hơn nữa, với 12 cụm công nghiệp đặc thù do hai phó bộ trưởng quản lý, trái ngược với trước đây khi có nhiều cấp trong bộ máy quan liêu.
Có vẻ như quá trình cải cách của ông Erick Thohir mang lại hiệu quả. Dựa trên báo cáo của bộ trưởng SOE, tổng lợi nhuận thuần của các doanh nghiệp nhà nước trong năm 2021 đạt 125.000 tỉ rupiah (8,2 tỉ USD), tăng hơn 800% từ 13.000 tỉ rupiah (858 triệu USD) của năm 2020. Tổng lợi nhuận thuần trong năm 2022 được dự báo đạt 144.000 tỉ rupiah (9,4 tỉ USD).
Ông Erick Thohir lạc quan về tiềm lực của Indonesia, nhấn mạnh quốc gia này đang mở cửa thu hút dòng vốn đầu tư để thúc đẩy quá trình phát triển. “Chúng tôi cần phải tạo ra đà tăng trưởng này, vì không dễ để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế hằng năm ở mức 5%,” ông cho biết.
4 tháng trước
Adaro Energy Indonesia mua lại cổ phần trong công ty con1 năm trước
Indonesia có tỉ phú mới sau khi Cinema XXI IPO1 năm trước
Tỉ phú Indonesia Prajogo Pangestu có 10 tỉ USD