Ngày 2.8, chuỗi rạp chiếu phim lớn nhất Cinema XXI của Indonesia đã niêm yết thành công tại sàn giao dịch chứng khoán ở quốc gia này với giá đóng cửa tăng 17% lên mức 316 IDR (0,02 USD).
Đợt IPO này đưa Benny Suherman, đồng sáng lập và là cổ đông lớn của công ty, vào danh sách tỉ phú với giá trị tài sản ròng ước tính khoảng 1,1 tỉ USD.
Cổ phiếu của PT Nusantara Sejahtera Raya, chủ sở hữu của chuỗi rạp chiếu phim trên, có giá 270 IDR và số lượng đăng ký vượt quá số lượng chào bán 25 lần. Thông qua IPO, Cinema XXI huy động được 2,2 ngàn tỉ IDR (145 triệu USD), với mức định giá 22,5 ngàn tỉ IDR (1,5 tỉ USD).
Suherman, sở hữu 54% cổ phần thông qua công ty cổ phần Harkatjaya Bumipersada, thu về một phần tiền mặt trong đợt IPO bằng cách bán một số cổ phần cho GIC, quỹ đầu tư quốc gia của Singapore, theo một thỏa thuận trước đó. (Đối tác kinh doanh của ông, Harris Lasmana, cũng làm như vậy và nắm giữ 13,5%). Hồi tháng 4, Suherman từ chức chủ tịch, chuyển giao cho con trai Suryo.
Được coi là người tiên phong trong lĩnh vực phân phối phim ở Indonesia, Suherman đồng sáng lập công ty, khi đó được gọi là Subentra Nusantara, cùng với Lasmana và Sudwikatmono, em họ quá cố của cựu tổng thống Suharto, vào năm 1988. Công ty gần như độc quyền phân phối phim Hollywood trong nhiều năm. Sudwikatmono đã bán cổ phần cho Suherman và Lasmana vào cuối những năm 1990 sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á và Suharto từ chức.
Sau khi chính phủ đưa ra quyết định mở cửa lĩnh vực này cho các nhà đầu tư nước ngoài vào năm 2016, GIC đồng ý đầu tư vào Cinema XXI. Quan hệ đối tác chiến lược này đã mang lại cho GIC quyền chọn mua 22,5% cổ phần trong chuỗi rạp chiếu phim này khi niêm yết. Trong đợt IPO, GIC thực hiện quyền chọn đó, mua lại số cổ phần đã thỏa thuận với giá 334 triệu USD.
Cinema XII, công ty sở hữu gần 60% số rạp ở Indonesia, dành gần 2/3 số vốn huy động được từ IPO để mở rộng hệ thống rạp. Công ty có 225 rạp với 1.216 màn hình – nhiều hơn tổng số rạp của bốn đối thủ – và dự định đầu tư 40 triệu USD để bổ sung 80 màn hình trong năm nay.
Các đối thủ bao gồm chuỗi Cinemaxx, do Brian Riady, cháu trai của tỉ phú Mochtar Riady, thành lập. Vào năm 2019, Cinemaxx được đổi tên thành Cinépolis Indonesia sau khi chuỗi rạp chiếu phim Cinépolis của Mexico mua lại 40% cổ phần với giá 110 triệu USD.
Đại dịch COVID-19 gây thiệt hại cho Cinema XXI khi các rạp chiếu phim bị buộc đóng cửa trong thời gian phong tỏa. Vì thế, chuỗi rạp chiếu phim này lỗ 351 tỉ IDR (4,2 tỉ USD) vào năm 2021. Nhưng Cinema XXI tăng trưởng trở lại vào năm 2022 với khoản lãi ròng 460 tỉ IDR (gần 5,6 tỉ USD) sau khi các hạn chế được dỡ bỏ và mọi người đổ xô đến rạp chiếu phim.
Mặc dù doanh thu vào năm 2022 tăng lên 4,4 ngàn tỉ IDR (hơn 53 tỉ USD) từ 1,2 ngàn tỉ IDR (gần 14,5 tỉ USD) của năm 2021 nhưng con số đó vẫn thấp hơn so với doanh thu kỷ lục – 6,89 ngàn tỉ IDR (hơn 83 tỉ USD) – vào năm 2019.
Công ty kỳ vọng ngành điện ảnh sẽ vượt qua mức trước đại dịch vào năm 2024. Theo hiệp hội Quản lý điện ảnh Indonesia (GPBSI), cả nước có tổng cộng 2.100 rạp chiếu phim (tính đến năm 2022).
Suherman không phải là người đầu tiên trở nên giàu có từ ngành điện ảnh sôi động của Indonesia. Manoj Punjabi, đồng sáng lập hãng phim đã niêm yết MD Pictures, sở hữu khối tài sản ròng trị giá 1,7 tỉ USD, cũng là một trong những người giàu nhất nước này.
Biên dịch: Gia Nhi
———————-
Xem thêm:
Con trai tỉ phú dầu cọ indonesia tiến sang lĩnh vực mới
Danh sách tỉ phú: tài sản người giàu nhất indonesia đến từ khai mỏ
Ngành năng lượng kéo tài sản các tỉ phú indonesia lên mức kỷ lục
2 năm trước
Hari Krishan Agarwal thành tỉ phú nhờ bán giày