Thị trường chứng khoán Việt Nam về dài hạn diễn biến theo các yếu tố nội tại đi lên của nền kinh tế nhưng về ngắn hạn, sự phục hồi lợi nhuận của doanh nghiệp và dòng tiền (xu hướng lãi suất) quyết định. Với độ mở của nền kinh tế, thị trường chứng khoán Việt Nam còn bị ảnh hưởng bởi kinh tế thế giới và dòng vốn đầu tư luân chuyển toàn cầu. Forbes Việt Nam phỏng vấn các chuyên gia quản lý tài sản và chuyên gia kinh tế trong khu vực về cơ hội rủi ro, biến cố thiên nga đen và nhóm ngành triển vọng: Ông Suan Teck Kin – Trưởng bộ phận nghiên cứu, ngân hàng UOB (Singapore); ông Võ Nguyễn Khoa Tuấn – Giám đốc nghiệp vụ cấp cao Dragon Capital; bà Hoàng Việt Phương – Giám đốc phân tích chứng khoán SSI; bà Nguyễn Hoài Thu – Tổng giám đốc khối Đầu tư chứng khoán, VinaCapital; ông Lã Giang Trung – CEO Passion Invest và ông Brian Lee Shun Rong – Chuyên gia nghiên cứu kinh tế, ngân hàng Maybank phụ trách thị trường Việt Nam, Campuchia, Lào và Myanmar.
Forbes Việt Nam: Trong vài tháng đầu năm 2024, diễn biến tỉ giá đã tạo ra nhiều quan ngại cho cả giới đầu tư và lãnh đạo doanh nghiệp. Dựa vào các dữ liệu vĩ mô mới nhất của Việt Nam và Hoa Kỳ, ông/bà có thể đưa ra một vài kịch bản dự báo về tỉ giá, lãi suất và lạm phát trong sáu tháng cuối năm 2024?
Suan Teck Kin: Đối với Việt Nam trong nửa cuối năm 2024, chúng tôi dự đoán tỉ giá sẽ tiếp tục biến động, chủ yếu do chính sách sắp tới của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) là chưa chắc chắn. Chúng tôi dự báo Fed sẽ có hai lần cắt giảm lãi suất trong nửa cuối năm 2024. Việc cắt giảm lãi suất sẽ gây áp lực giảm giá lên đô la Mỹ và giúp đồng Việt Nam tăng giá.
Hiện tại, chúng tôi dự báo tỉ giá đô la Mỹ sẽ tăng lên mức 24.800–25.000 vào cuối năm 2024. Đối với Ngân hàng Nhà nước, chúng tôi dự đoán chính sách lãi suất sẽ ổn định trong thời điểm hiện tại do ngân hàng trung ương sẽ thận trọng trong bối cảnh môi trường bên ngoài không chắc chắn. Điều này một phần nhằm chống lại áp lực giảm giá của tiền đồng và cũng nhằm ứng phó với áp lực lạm phát ở Việt Nam, với chỉ số CPI đang nhích dần về mục tiêu 4,5% của Ngân hàng Nhà nước (4,03% so với cùng kỳ trong năm tháng đầu năm 2024).
Nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát ở Việt Nam trong những tháng gần đây là do giá lương thực tăng, có thể do sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu ở khu vực Biển Đỏ, cũng như thời tiết/khí hậu bất lợi làm ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, trong khi nhu cầu trong nước đang trong giai đoạn phục hồi.
Võ Nguyễn Khoa Tuấn: Theo tôi có ba động lực hỗ trợ sự tăng trưởng trong nửa cuối năm 2024: Thứ nhất, kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi từ mức đáy nhờ mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp, kích thích các nhu cầu tiêu dùng và đầu tư. Dragon Capital dự báo lợi nhuận của tốp 80 doanh nghiệp niêm yết lớn sẽ tăng hơn 18,6% trong năm 2024.
Đặc biệt, quan trọng hơn là doanh thu đang tăng đều qua các quý, trong giai đoạn kinh tế phục hồi tăng trưởng doanh thu quan trọng hơn cả tăng trưởng lợi nhuận.
Thứ hai, dù chưa rõ thời điểm chính xác nhưng chúng tôi tin những áp lực bán ròng liên tục của nhà đầu tư nước ngoài trong nhiều tháng gần đây sẽ giảm khi họ thấy tỉ giá và kinh tế vĩ mô ổn định.
Thứ ba, các ngân hàng trung ương châu Âu đã bắt đầu đề cập đến việc cắt giảm lãi suất lần đầu tiên kể từ khi tăng lãi suất vào tháng 7.2022. Chúng ta cũng có thể kỳ vọng Fed sẽ giảm lãi suất vào cuối năm 2024, giúp giảm áp lực lên tỉ giá tiền đồng.
Hoàng Việt Phương: Cũng như giai đoạn đầu năm 2024, việc duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt và chính sách tài khóa mở rộng trong năm 2024 sẽ giúp các hoạt động sản xuất, thương mại, đầu tư và tiêu dùng lần lượt hồi phục.
Nhờ vậy, kỳ vọng về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết quay lại quỹ đạo tăng trưởng là một trong những động lực chính cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong nửa cuối năm.
Bên cạnh đó, các biện pháp giải quyết vướng mắc trong việc nâng hạng lên thị trường mới nổi của FTSE Russel sẽ được cụ thể hóa hơn cũng là một yếu tố quan trọng cho thị trường.
Nửa cuối năm 2024 cũng là lúc các nhà đầu tư bắt đầu thiết lập kỳ vọng cho năm 2025 và chúng ta có những cơ sở để cho rằng sẽ có sự hồi phục tốt hơn về kinh tế thế giới và Việt Nam, trong khi các yếu tố rủi ro cũng sẽ được làm rõ hơn và có thể tác động nhẹ hơn đối với thị trường.
Brian Lee Shun Rong: Lạm phát có thể vẫn ở mức cao trong nửa cuối năm 2024. Áp lực lạm phát xuất phát từ nền kinh tế đang phục hồi, mức tăng lương tối thiểu 6% áp dụng vào tháng 7.2024, giá thịt heo tăng do thiếu hụt và tỉ giá đô la Mỹ yếu, điều này có thể đẩy giá nhập khẩu lên nếu kéo dài. Ngoài ra còn có sự tăng giá trong các ngành thiết yếu như y tế và giáo dục.
Dự báo của chúng tôi là lạm phát toàn phần hằng năm sẽ vào khoảng từ 3,7%-4% trong năm 2024. Đồng Việt Nam đã suy yếu – 4,7% tính từ đầu năm đến nay so với đồng đô la Mỹ, trong bối cảnh chênh lệch lãi suất lớn và chênh lệch giá vàng trong nước – quốc tế. Tỉ giá hối đoái đã chạm mức cao nhất của biên độ quản lý (tỉ giá trung tâm) +/-5% của Ngân hàng Nhà nước.
Trong bối cảnh không chắc chắn kéo dài về thời gian và quy mô của các đợt giảm lãi suất của Fed và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ ở mức cao, đồng Việt Nam có thể vẫn chịu áp lực. Ngân hàng Nhà nước có thể phải tăng lãi suất điều hành trong nửa cuối năm (cụ thể là mức trần lãi suất tiền gửi ngắn hạn của ngân hàng) để giảm áp lực tỉ giá và kiềm chế lạm phát từ sớm.
Nguyễn Hoài Thu: GDP của Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng từ 6–6,5% trong năm 2024, được thúc đẩy bởi sự phục hồi xuất khẩu và lĩnh vực sản xuất công nghiệp, trong đó lĩnh vực sản xuất công nghiệp có thể tăng trưởng 8–9%.
Trên thực tế, hoạt động xuất khẩu và sản xuất công nghiệp đã tăng trưởng tích cực trong năm tháng đầu năm 2024, trong đó xuất khẩu tăng 15,2% và công nghiệp chế biến chế tạo tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước.
Tăng trưởng trong sáu tháng cuối năm được kỳ vọng sẽ tích cực hơn nữa. Việc các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu phục hồi sẽ tác động tích cực đến thu nhập và tạo đà cho kinh tế và chứng khoán phục hồi.
Đối với thị trường chứng khoán, động lực tăng trưởng được dự báo sẽ đến từ mức tăng trưởng lợi nhuận tích cực và mức định giá tương đối hấp dẫn. VinaCapital dự kiến lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trong danh mục cổ phiếu theo dõi của chúng tôi – đại diện cho 95% vốn hóa của VN-Index – sẽ tăng trưởng khoảng 18% trong năm 2024, khá hấp dẫn so với các nước trong khối ASEAN cũng như Trung Quốc và Ấn Độ – hai thị trường có truyền thống tăng trưởng cao ở châu Á.
Về định giá, với mức tăng trưởng lợi nhuận như trên, P/E dự phóng của VN-Index đang ở mức khoảng 11,5 lần cho năm 2024, thấp hơn khoảng 10–15% so với mức định giá của các nước ASEAN–5 (Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines và Thái Lan).
Bên cạnh đó, một số yếu tố hỗ trợ bao gồm sự ổn định về kinh tế – chính trị – xã hội của đất nước, sự gia tăng thu nhập và nhu cầu tiêu dùng của 100 triệu dân, khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài khi các tập đoàn đa quốc gia đang áp dụng chiến lược Trung Quốc+1, và khả năng nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên thị trường mới nổi trong 2–3 năm tới.
Lã Giang Trung: Chúng tôi cho rằng động lực chính hỗ trợ sự tăng trưởng cho thị trường chứng khoán Việt Nam nửa cuối năm 2024 sẽ đến từ việc kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp tăng trưởng và phục hồi sau giai đoạn khó khăn.
Kỳ vọng lợi nhuận của cả thị trường sẽ tăng trưởng 12% năm 2024 và khoảng 19% năm 2025.
Kịch bản trên sẽ có khả năng xảy ra cao hơn nếu kinh tế Mỹ hạ cánh mềm thành công cuối năm nay, góp phần thúc đẩy kinh tế toàn cầu tăng trưởng tốt. Ngoài ra việc lãi suất trong nước (mặc dù đã có dấu hiệu tăng trở lại) vẫn đang ở vùng rất thấp trong lịch sử cũng hỗ trợ cho thị trường chứng khoán khá tốt.
Nếu Fed bắt đầu hạ lãi suất trong quý 4.2024 thì cũng là yếu tố hỗ trợ cho sự tăng trưởng của thị trường.
Forbes Việt Nam: Trong nửa cuối năm 2024 và nửa đầu năm 2025, theo ông/bà đâu là những nhân tố kỳ vọng có thể tạo ra động lực tăng trưởng cho kinh tế Việt Nam?
Brian Lee Shun Rong: Xuất khẩu sẽ vẫn là điểm sáng. Việt Nam là một trong những nền kinh tế “nhạy cảm” với thương mại nhất ở châu Á, với quy mô xuất khẩu chiếm hơn 90% GDP. Các sản phẩm điện tử (chiếm hơn 30% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa) đang thúc đẩy sự phục hồi xuất khẩu.
Nhu cầu điện tử toàn cầu đang phục hồi, được thúc đẩy bởi chu kỳ thay thế công nghệ, giảm hàng tồn kho của nhà bán lẻ và sự bùng nổ AI. Bên cạnh điện tử, còn có những điểm sáng ở các sản phẩm khác như nội thất và gạo.
Trong bối cảnh đa dạng hóa chuỗi cung ứng từ Trung Quốc, dòng vốn FDI đã nâng cao năng lực sản xuất, tăng cường khả năng tiếp cận của Việt Nam với sự tăng trưởng nhu cầu toàn cầu. Việc giải ngân FDI dự kiến sẽ vẫn mạnh mẽ, với đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng từ các khu vực xung quanh, bao gồm Trung Quốc, Singapore và Hàn Quốc.
Nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng mạnh hơn từ nửa cuối năm 2024, khi kinh tế lấy đà và niềm tin của hộ gia đình cải thiện. Sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch đang hỗ trợ tiêu dùng. Sự phục hồi của du khách Trung Quốc mạnh hơn mong đợi, khi nhu cầu du lịch nước ngoài quay trở lại. Số lượng khách du lịch quốc tế có khả năng đạt mục tiêu 18 triệu người của cơ quan chức năng, tương đương với mức trước đại dịch.
Võ Nguyễn Khoa Tuấn: Tôi cho rằng các hiện tượng thiên nga đen bản chất là luôn bất ngờ, không dự đoán trước được. Nếu đã có thể dự đoán thì không còn là thiên nga đen. Quan trọng là cần lên kế hoạch ứng biến kịp thời trong các tình huống khác nhau để quản trị rủi ro trong hoạt động đầu tư.
Nếu nhận diện về những rủi ro sắp tới thì đó có thể là rủi ro chiến tranh thương mại, xung đột địa chính trị hay kết quả bầu cử của Mỹ. Kinh tế Mỹ cũng có rủi ro rơi vào suy thoái, nhưng chúng tôi nghiêng về khả năng xảy ra sự giảm tốc hơn là suy thoái. Về tình hình trong nước, tỉ giá sau giai đoạn biến động mạnh cần ổn định trở lại như năm 2022 và 2023.
Nguyễn Hoài Thu: Trong những năm qua, thị trường thường xuyên bị ảnh hưởng bởi những yếu tố “thiên nga đen”, là những rủi ro gần như không được dự đoán trước và gây hậu quả nặng nề, chẳng hạn như dịch COVID-19, các xung đột địa chính trị trên thế giới.
Theo tôi, hiện tại các nhà đầu tư vẫn cần lưu ý đến nguy cơ leo thang của xung đột địa chính trị. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng cần được theo dõi do Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, bất cứ biến động nào về kinh tế thế giới cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế trong nước.
Suan Teck Kin: Đối với Việt Nam, xuất khẩu, dòng vốn đầu tư cùng du lịch và tiêu dùng nội địa sẽ vẫn là động lực tăng trưởng chính trong 6–12 tháng tới. Những số liệu thống kê gần đây về thương mại, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và du lịch đã khẳng định điều này.
Từ đầu năm đến nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 22,6% so với cùng kỳ, lên 305,53 tỉ đô la Mỹ, trong đó cả xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng hai con số so với cùng kỳ (lần lượt 15,2% và 18,2%).
Dòng vốn FDI đạt 8,3 tỉ đô la Mỹ trong năm tháng đầu năm 2024, mức cao nhất trong năm năm, củng cố quan điểm rằng các công ty nước ngoài vẫn tin tưởng về khả năng duy trì tính cạnh tranh của Việt Nam trong tương lai.
Hoàng Việt Phương: Rủi ro về địa chính trị và việc Fed trì hoãn giảm lãi suất sẽ là yếu tố ảnh hưởng lớn đến các cân đối vĩ mô trong nước và sẽ tác động không tích cực đến thị trường chứng khoán.
Về các yếu tố nội tại, các rủi ro lớn có thể kể đến như lạm phát tăng nhanh hơn dự kiến dẫn tới áp lực lên lãi suất; thị trường bất động sản còn yếu trong khi dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn còn lại trong năm 2024 vẫn rất cao và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết không đạt như kỳ vọng.
Lã Giang Trung: Rủi ro thiên nga đen có thể đến từ những bất ổn chính trị toàn cầu. Ba năm qua, các cuộc xung đột tại Ukraine và Trung Đông đã tạo nên những pha tăng sốc của giá dầu, gây áp lực lớn lên lạm phát toàn cầu. Hiện tại CPI của Mỹ vẫn chưa quay về mức mục tiêu 2% của Fed, dẫn tới tỉ lệ lãi suất đang neo ở mức rất cao. Nếu bất ngờ có thêm các bất ổn về chính trị, lạm phát có thể tăng mạnh trở lại.
Forbes Việt Nam: Ở chiều ngược lại, theo ông/bà đâu là những rủi ro, cần quan sát vì có thể trở thành hiện tượng thiên nga đen cho nền kinh tế và thị trường chứng khoán?
Võ Nguyễn Khoa Tuấn: Chúng tôi cho rằng có ba ngành đáng chú ý nhất thời gian tới là bán lẻ, thép và ngân hàng.
Thứ nhất, ngành bán lẻ đã cho thấy sự phục hồi từ quý 1.2024 và sẽ tiếp tục kéo dài sự phục hồi trong năm nay và năm sau nhờ sức mua bắt đầu tăng và biên lợi nhuận cũng cải thiện dần. Nhà đầu tư nên quan sát những công ty đầu ngành đã qua giai đoạn tái cấu trúc mạnh mẽ và lấy thêm được thị phần trong những giai đoạn khó khăn như 2022–2023.
Thứ hai, ngành thép sẽ có một năm tăng trưởng trong năm 2024 và có thể tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2025 nhờ sự phục hồi của ngành bất động sản, tăng trưởng xuất khẩu cũng như gia tăng công suất sản xuất.
Thứ ba, ngành ngân hàng, trụ cột của nền kinh tế cũng như của VN-Index khi chiếm 40% vốn hóa toàn thị trường. Tuy quý 1.2024 ngành ngân hàng chưa thực sự khởi sắc, nhưng có thể kỳ vọng lợi nhuận sẽ tăng để có thể đạt mức tăng trưởng khoảng 15% cả năm 2024.
Lã Giang Trung: Chúng tôi đang quan tâm cơ hội ở các nhóm vật liệu xây dựng, xuất khẩu và một vài cổ phiếu riêng lẻ. Về vật liệu xây dựng, sự phục hồi của ngành bất động sản từ đáy cùng chính sách đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ sẽ tạo cơ hội để các doanh nghiệp cung cấp vật liệu xây dựng gia tăng sản lượng bán hàng, thúc đẩy tăng trưởng trở lại so với nền thấp cùng kỳ, đặc biệt những doanh nghiệp đầu tư dự án mới và mở rộng công suất sẽ tạo động lực tăng trưởng trong nhiều năm tới.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam được kỳ vọng sẽ sớm phục hồi đơn hàng trong kịch bản kinh tế Mỹ hạ cánh mềm trong năm 2024. Hàng tồn kho ở Mỹ đã giảm mạnh trong hai năm qua, vậy nên nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của họ dự kiến sẽ tăng trở lại khi kinh tế khởi sắc hơn nhờ Fed cắt giảm lãi suất. Các doanh nghiệp xuất khẩu hàng dệt may, thủy sản… của Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để phục hồi sau giai đoạn khó khăn vừa qua.
Ngoài ra, chúng tôi cho rằng cơ hội cũng sẽ xuất hiện ở những cổ phiếu riêng lẻ không đi theo sóng ngành, đây là các doanh nghiệp duy trì triển vọng tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận tốt trong nhiều năm tới, chúng tôi đang quan sát cơ hội ở các ngành công nghệ, bán lẻ và ngân hàng.
Nguyễn Hoài Thu: Chúng tôi dự báo một số ngành sẽ có kết quả kinh doanh tăng trưởng tích cực trong năm 2024 và 2025 như công nghệ thông tin, hàng tiêu dùng, bất động sản công nghiệp, các doanh nghiệp được hưởng lợi từ các dự án đầu tư năng lượng, cơ sở hạ tầng và một số doanh nghiệp xuất khẩu.
Ngoài ra, ngành ngân hàng cũng đáng quan tâm do định giá vẫn ở mức thấp so với trung bình trong quá khứ và khi kinh tế phục hồi, kết quả kinh doanh của các ngân hàng sẽ diễn biến tích cực khi tín dụng tăng và nợ xấu giảm.
Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của từng doanh nghiệp trong các lĩnh vực nêu trên sẽ có sự phân hóa, do đó việc lựa chọn đúng doanh nghiệp để đầu tư sẽ rất quan trọng.
Suan Teck Kin: Rủi ro địa chính trị sẽ tiếp tục là ẩn số lớn. Đặc biệt các diễn biến xung đột quân sự ở Trung Đông và Đông Âu khiến các tuyến đường vận chuyển hàng hóa thiết yếu bao gồm dầu mỏ, nông sản cùng nhiều mặt hàng khác dễ bị gián đoạn ở những khu vực này.
Do đó, các quốc gia và công ty cần hành động để quản lý rủi ro một cách quyết liệt, đối phó với những biến động này cũng như những yếu tố bất ngờ khác, bao gồm phòng ngừa rủi ro tỉ giá hối đoái, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và nguồn nhập khẩu để đảm bảo ít bị tác động nhất từ sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng và duy trì mối quan hệ bền chặt với các nước/thị trường lân cận để đảm bảo sự ổn định và hỗ trợ trong “khu vực lân cận.”
Brian Lee Shun Rong: Thứ nhất, căng thẳng địa chính trị và áp lực chuỗi cung ứng đe dọa đẩy lạm phát toàn cầu lên và hạn chế thương mại. Giá cước vận tải biển, được đo lường bằng chỉ số Drewry World Container Index, đã tăng mạnh trong những tuần gần đây, vượt qua mức cao nhất từ đầu năm đến nay, mặc dù vẫn còn thấp hơn nhiều so với thời kỳ đại dịch. Năng lực vận tải biển vẫn còn căng thẳng do xung đột ở Biển Đỏ và khối lượng thương mại toàn cầu phục hồi.
Thứ hai, vẫn còn nhiều sự không chắc chắn về lộ trình lãi suất toàn cầu (đặc biệt là tại Mỹ). Lãi suất cao kéo dài ở các nền kinh tế phát triển có thể dẫn đến dòng vốn chảy ra và điều kiện tài chính thắt chặt ở các nền kinh tế mới nổi.
Thứ ba, một sự hạ cánh cứng cho nền kinh tế Mỹ sẽ có những tác động rộng rãi đối với phần còn lại của thế giới. Các nhà quan sát đã bày tỏ lo ngại về tình trạng đình trệ kinh tế, nợ Chính phủ Mỹ leo thang và các rủi ro ổn định tài chính từ các lĩnh vực như bất động sản thương mại và tín dụng tư nhân
Hoàng Việt Phương: Các nhóm ngành sẽ lần lượt hồi phục trên nền thấp của năm ngoái. Trong đó có nhóm phục hồi trước, có nhóm sẽ cần thêm thời gian. Theo ước tính của chúng tôi, các cổ phiếu có kết quả kinh doanh tăng trưởng vững chắc trong các nhóm ngành bán lẻ, hàng tiêu dùng, thép – tôn mạ, chứng khoán và xuất khẩu sẽ có cơ hội nhiều nhất trong năm 2024.
Forbes Việt Nam: Theo ông/bà, những nhóm ngành nào đáng chú ý trong nửa cuối năm 2024 và đầu năm 2025. Tại sao?
Nguyễn Hoài Thu: Với những nhà đầu tư không chuyên nghiệp, việc lựa chọn cổ phiếu không dễ do họ dễ bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông, hay mua đuổi giá, thích giao dịch ngắn hạn, mua bán theo tin đồn… nhưng lại không hiệu quả.
Do đó, lời khuyên của chúng tôi là cần giữ tâm lý bình tĩnh khi tham gia thị trường, phân tích mọi thông tin một cách thấu đáo, hiểu rõ doanh nghiệp mục tiêu, đầu tư với tầm nhìn dài hạn và dựa trên giá trị căn bản của doanh nghiệp. Quan trọng hơn, nhà đầu tư chỉ nên trực tiếp tham gia thị trường nếu đủ hiểu biết và khả năng phân tích kinh tế vĩ mô – vi mô, sức khỏe tài chính doanh nghiệp và sự vận hành của thị trường chứng khoán.
Các nhà đầu tư bận rộn hoặc không đủ kiến thức hay khả năng tự đầu tư vẫn có thể tham gia vào thị trường thông qua các quỹ mở được quản lý chuyên nghiệp bởi các công ty quản lý quỹ, hướng đến mức lợi nhuận kỳ vọng hấp dẫn nhưng giảm bớt rủi ro.
Brian Lee Shun Rong: Các ngành sản xuất và liên quan đến thương mại như bán buôn và vận tải tiếp tục phục hồi. Các ngành nhạy cảm với tiêu dùng và du lịch như bán lẻ, lưu trú, giải trí và dịch vụ ăn uống được hưởng lợi từ phục hồi tiêu dùng.
Ngành bất động sản có khả năng đã chạm đáy, khi Chính phủ nỗ lực giảm bớt khó khăn trong việc trả nợ và các nút thắt trong phát triển bất động sản. Các cam kết FDI vào bất động sản đã tăng trưởng mạnh trong năm nay, cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào triển vọng dài hạn của thị trường.
Bất động sản công nghiệp là một điểm sáng đặc biệt, khi các tập đoàn đa quốc gia tìm đến Việt Nam để đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, áp lực tái cấp vốn vẫn là một rủi ro ngắn hạn, khi các khoản trái phiếu doanh nghiệp đến hạn quy mô đáng kể.
Lã Giang Trung: Trong mỗi chu kỳ đi lên của thị trường, mỗi năm thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có 1–2 lần có những đợt sụt giảm mạnh 10–15%. Để tránh được các nhịp điều chỉnh này nhà đầu tư cần quan sát kỹ nhiều yếu tố: tâm lý thị trường, dòng tiền và kinh tế vĩ mô.
Để dễ dàng hơn cho số đông các nhà đầu tư chúng ta nên lựa chọn kỹ những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt trong giai đoạn 2024–2025, mua ở vùng định giá hợp lý và nắm giữ qua những giai đoạn điều chỉnh trong giai đoạn tăng trưởng với tỉ lệ đòn bẩy thấp.
Hoàng Việt Phương: Thị trường chứng khoán đang trong giai đoạn biến động lớn nhưng xu hướng dài hạn vẫn được đánh giá tích cực bởi đang trong chu kỳ phục hồi.
Dòng tiền vẫn tốt và có dấu hiệu xoay vòng theo các ngành với tốc độ nhanh, nên thích hợp với nhà đầu tư cá nhân hiện nay là chiến lược đầu tư theo danh mục, việc đa dạng hóa theo ngành có thể giúp nhà đầu tư chủ động đón đầu dòng tiền và hạn chế rủi ro.
Tỉ trọng cổ phiếu cũng nên ở mức cân bằng, mua trong các nhịp điều chỉnh và nên tập trung vào các cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng kinh doanh cao và ổn định.
Suan Teck Kin: Lĩnh vực sản xuất và các mặt hàng xuất khẩu liên quan sẽ là điểm sáng của Việt Nam trong 6–12 tháng tới. Với nền kinh tế Mỹ đang khá ổn định thì nhu cầu sẽ được hỗ trợ.
Dữ liệu xuất khẩu mới nhất cho thấy nhu cầu đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vẫn tiếp tục lạc quan, khi bảy mặt hàng xuất khẩu chính bao gồm điện tử, máy tính, linh kiện, điện thoại di động, may mặc/dệt may, giày dép và gỗ chiếm 65% tổng doanh thu xuất khẩu giai đoạn tháng 1 đến tháng 5.2024.
Đây sẽ là những lĩnh vực mang lại lợi thế cạnh tranh cho hoạt động sản xuất và xuất khẩu ở Việt Nam và đà tăng trưởng này dự kiến sẽ tiếp tục đến năm 2025.
Võ Nguyễn Khoa Tuấn: Qua quan sát tôi thấy có ba chiến lược nhà đầu tư cá nhân lựa chọn giao dịch tại thị trường chứng khoán Việt Nam: [1] Đầu tư cổ phiếu dài hạn [2] Mua bán lướt sóng ngắn hạn theo ngày và [3] Kết hợp cả hai phương án.
Chiến lược đầu tiên thoạt nhìn đơn giản nhưng không dễ thực hiện. Không có nhiều nhà đầu tư sở hữu bộ lọc lựa chọn được các cổ phiếu chiến thắng thị trường. Chiến lược số hai chỉ phát huy hiệu quả với một số ít người có khả năng và thời gian bám sát thị trường. Nhưng giao dịch quá nhiều thường không đạt hiệu quả cao nhất.
Nhà đầu tư cá nhân thường bị tâm lý thích mua vào lúc thị trường hưng phấn (mua giá cao) và bán ra khi thị trường hoảng loạn (bán ra ở giá thấp). Cho nên cần tỉnh táo nhận định tình hình và quan trọng là xác định mục tiêu, chiến lược giao dịch hợp lý, cả kỳ vọng lợi nhuận và thời gian nắm giữ cổ phiếu.
Trong khoảng 2–3 năm qua thị trường chứng khoán Việt Nam biến động nhanh và mạnh nên chiến lược thứ ba tuy không dễ thực hiện dù có thể đạt hiệu quả cao nhất. Đây cũng chính là chiến lược Dragon Capital áp dụng cho danh mục khá hiệu quả.
Với các nhà đầu tư cá nhân không có nhiều thời gian, chúng tôi khuyến khích đầu tư định kỳ vào chứng chỉ quỹ mở. Các công ty quản lý quỹ có đội ngũ phân tích và quản lý đầu tư chuyên nghiệp, dùng cả phương pháp định tính lẫn định lượng để đánh giá tình hình thị trường cũng như xác định danh mục cổ phiếu trong danh mục, linh hoạt theo từng thời điểm.
————————————
Bản in Forbes Việt Nam số 130, xuất bản tháng 6.2024