Richard Yu và nhiều lãnh đạo công nghệ khác đưa ra cảnh báo về đứt gãy chuỗi cung ứng do phong tỏa kéo dài tại Trung Quốc.
Hai trong số những vị giám đốc công nghệ nổi tiếng của Trung Quốc đã lên tiếng về tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng diện rộng gây ra bởi lệnh phong tỏa tại Thượng Hải, đưa ra cảnh báo nhiều lĩnh vực đứng trước viễn cảnh phải tạm ngưng sản xuất trong tháng 5.2022 nếu tình hình kéo dài.
Richard Yu (Yu Chengdong), giám đốc hai bộ phận xe hơi và kinh doanh tiêu dùng của Huawei, cùng với tỉ phú He Xiaopeng – nhà sáng lập hãng xe điện (EV) Xpeng Motors đưa ra cảnh báo về nguồn cung linh kiện cho xe ô tô.
Theo một trong những bài viết trên WeChat của ông được các đơn vị truyền thông địa phương thông tin rộng rãi, nhân viên kỳ cựu của Huawei cho biết nhiều công ty công nghệ và công ty công nghiệp, nhất là trong ngành công nghiệp xe hơi sẽ phải tạm dừng việc sản xuất sau tháng 5 tới, do tình hình thiếu hụt nguồn cung gây ra từ lệnh phong tỏa kéo dài tại trung tâm tài chính của Trung Quốc, Thượng Hải.
Người phát ngôn của Huawei phản hồi yêu cầu đưa ra bình luận từ Forbes, nhưng không xác nhận về tuyên bố của Richard Yu.
Bình luận của Yu – được các đơn vị báo chí tài chính, bao gồm cả hãng thông tấn trực thuộc chính phủ Trung Quốc Cailian đưa tin – cũng thu hút 2 triệu lượt xem trên mạng xã hội Sina Weibo hôm 15.4.
Trước đó một ngày, He Xiaopeng đưa ra những lời cảnh báo tương tự về tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng.
“Toàn bộ nhà sản xuất phụ tùng gốc (OEM) có khả năng phải tạm dừng sản xuất trong tháng 5.2022, nếu các công ty cung cấp chuỗi cung ứng tại Thượng Hải và khu vực lân cận không thể đưa ra hướng để duy trì công việc. Tin tốt là một số bộ, ngành đang phối hợp để ứng phó với tình hình. Hi vọng rằng thêm nhiều cơ quan chính phủ có thể hỗ trợ và làm việc cùng nhau,” vị tỉ phú viết trên tài khoản Weibo có dấu tích “V” với hơn 1 triệu người theo dõi.
Tuy vậy, lệnh phong tỏa tại Thượng Hải chưa có dấu hiệu sẽ sớm gỡ bỏ.
Thành phố với 25 triệu dân vẫn ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 hằng ngày cao kỷ lục, nâng tổng số ca mắc được xác định hơn 130.000 trường hợp kể từ ngày 1.3, mặc dù phần lớn là ca mắc không triệu chứng hoặc chỉ xuất hiện triệu chứng tương đối nhẹ.
Khi người dân tỏ ra tức giận về lệnh hạn chế nghiêm ngặt và thiệt hại lên nền kinh tế, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết quốc gia này vẫn sẽ kiên trì với chiến lược không khoan nhượng đối với COVID-19.
Những nhà phân tích dự đoán tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Trung Quốc năm 2022 tăng 5%, thấp hơn mục tiêu 5,5% của chính phủ đề ra do các biện pháp phòng, ngừa COVID-19, cũng như quá trình hồi phục toàn cầu suy yếu.
Trong báo cáo nghiên cứu công bố vào ngày 13.4, nhóm các nhà kinh tế của Nomura đứng đầu là Lu Ting dự đoán Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) sẽ hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng trong nhiều ngày tới để tăng thêm tính thanh khoản cho nền kinh tế.
“Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai và sản xuất hàng đầu thế giới, đã đối diện với nguy cơ suy thoái kể từ giữa tháng 3.2022. Chúng tôi tin rằng, thị trường toàn cầu vẫn đánh giá thấp tầm ảnh hưởng này, vì phần lớn tập trung vào căng thẳng chiến sự Nga – Ukraine và Cục Dữ trự Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất,” các nhà phân tích ghi nhận, xác định suy thoái là tốc độ tăng trưởng GDP hằng quý ở mức âm.
Các công ty nước ngoài cũng gặp khó khăn để thích ứng. Tesla đã phải ngừng sản xuất tại nhà máy đặt ở Thượng Hải trong gần ba tuần, tương đương với sản lượng thiệt hại gần 40.000 chiếc. Trong khi chuỗi cung ứng của Apple phụ thuộc vào cơ sở lắp ráp iPhone và sản xuất linh kiện laptop từ Thượng Hải và thành phố Côn Sơn gần đó.
Trong hồ sơ gửi đến Sở Giao dịch Chứng khoán Đài Loan (TSX), Quanta Computer – công ty sản xuất máy Macbook – cho biết đã đình chỉ sản xuất tại nhà máy ở Thượng Hải. Nhà sản xuất linh kiện điện tử, Pegatron cho biết tạm ngưng dây chuyền gia công iPhone ở cả Côn Sơn và Thượng Hải.
Biên dịch: Minh Tuấn
2 năm trước
Apple muốn mở rộng sản xuất bên ngoài Trung Quốc