Tận dụng mạng lưới toàn cầu và đi đầu trong ứng dụng công nghệ mới, HSBC liên tục đổi mới các dịch vụ số, cổ xúy cho xu hướng tài chính bền vững tại Việt Nam.
Vào cuối năm 2020, một giao dịch tín dụng thư (LC) nội địa trên nền tảng chuỗi khối (blockchain) bằng tiền đồng đầu tiên được thử nghiệm thành công hỗ trợ cho giao dịch hàng hóa giữa công ty Kirby Đông Nam Á và Tôn Đông Á. Hai định chế tài chính tên tuổi HSBC Việt Nam và Vietcombank lần lượt đóng vai trò là ngân hàng phát hành LC và ngân hàng thông báo chỉ định thanh toán. 27 phút là quãng thời gian giao dịch hoàn thành, một đột phá so với phương thức truyền thống thông thường mất từ 3-5 ngày.
Trước khi thử nghiệm giao dịch nội địa bằng tiền đồng, năm 2019, HSBC Việt Nam cũng đã thử nghiệm thành công giao dịch tương tự thanh toán bằng đô la Mỹ giữa công ty Nhựa Duy Tân (Việt Nam) và INEOS Styrolution Korea (Hàn Quốc), đánh dấu bước tiến mới về ứng dụng blockchain trong quá trình chuyển đổi tài trợ thương mại xuyên biên giới, qua đó chứng minh tính khả thi của việc vận hành hóa công nghệ blockchain trong thanh toán thương mại.
Ngân hàng này đánh giá sẽ có nhiều cơ hội mang lại từ việc số hóa giao dịch thương mại ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, giúp cắt giảm khoảng 44% thời gian làm thủ tục xuất khẩu, giảm 31% chi phí và miếng bánh xuất khẩu tăng thêm 257 tỉ đô la Mỹ mỗi năm.
Trong cuộc phỏng vấn trực tuyến với Forbes Việt Nam giữa tháng 7.2021, TP.HCM đang ở những ngày đầu phong tỏa chống đại dịch Covid-19, tổng giám đốc HSBC Việt Nam Tim Evans nói: “Việc hôm nay chúng ta ngồi đây đã là rất khác so với bình thường. Covid-19 khiến cách thức làm việc và kinh doanh thay đổi nhanh chóng, trở thành chất xúc tác cho chúng tôi đầu tư vào công nghệ nhanh hơn, mạnh hơn.”
Blockchain vẫn là câu chuyện công nghệ còn nhiều mới mẻ, nhưng việc hoàn tất các giao dịch nói trên đã đặt kỳ vọng lớn cho cách thức thanh toán các hoạt động thương mại. Dấu ấn với HSBC, theo Tim Ivans, “là sự khẳng định các ngân hàng và doanh nghiệp tại Việt Nam hoàn toàn có khả năng tiếp cận và làm chủ công nghệ, sẵn sàng đón nhận công nghệ mới cho giai đoạn tiếp theo của chuyển đổi số trong thương mại”.
Phó tổng giám đốc Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng trong thông cáo về cột mốc nói trên cho biết giao dịch LC đầu tiên trên blockchain thành công mang lại cho họ trải nghiệm khác biệt và là cơ hội lớn để Vietcombank ứng dụng các lợi ích từ blockchain – một công nghệ có vai trò cốt lõi trong đổi mới dịch vụ tài chính.
Trong khi với giám đốc tài chính Nhựa Duy Tân, ông Nguyễn Bảo Quốc, tin rằng việc thử nghiệm giao dịch thành công mở ra thời kỳ mới trong quy trình thương mại xuyên biên giới, đáp ứng nhu cầu giao thương với tốc độ ngày càng nhanh và lợi ích rất cho doanh nghiệp trong thương mại quốc tế.
“Công nghệ là yếu tố quan trọng hàng đầu giúp một ngân hàng trở nên khác biệt trong lĩnh vực tài chính và là yếu tố cạnh tranh chính yếu,” Tim Evans nói. Ngay khi Covid-19 bùng phát đợt đầu tiên của năm 2020, HSBC Việt Nam lập tức kích hoạt “kế hoạch liên tục kinh doanh” để đảm bảo hơn 90% nhân sự làm việc từ nhà vẫn có thể phục vụ khách hàng hiệu quả. Các giải pháp tài chính số nhanh chóng ra mắt trong giai đoạn này.
Tháng 4.2020 họ triển khai tính năng xác thực trên thiết bị di động, nâng cao trải nghiệm công nghệ và bảo mật cho người dùng HSBCnet trước nhu cầu dịch vụ trực tuyến gia tăng do giãn cách xã hội. Tiếp theo, ra mắt dịch vụ nhận tiền nhanh 24/7 thông qua hợp tác chiến lược với NAPAS – trung gian thanh toán được ngân hàng Nhà nước cấp phép cung ứng các dịch vụ chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử.
Giải pháp thanh toán hóa đơn điện tử cũng được HSBC cùng Payoo – fintech thanh toán B2B hàng đầu Việt Nam, thiết lập và bổ sung vào tổ hợp sản phẩm tài chính số mở rộng của HSBC Việt Nam trong năm 2020. Tháng 11.2020, HSBC là ngân hàng nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam hợp tác với Payoo cung cấp giải pháp thu đa kênh (Omni Channel Collection). Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các nhà bán lẻ, tiếp cận nhiều lựa chọn thanh toán khác nhau nhanh và dễ dàng hơn trên một nền tảng.
HSBC Việt Nam cũng hợp tác với nhà cung cấp dịch vụ thanh toán Viettel Digital với mạng lưới 65 triệu thuê bao trên nền tảng Omni Collect. Sự tham gia của Viettel Digital mở ra nhiều cơ hội cho các khách hàng doanh nghiệp HSBC tiếp cận với 15 triệu người dùng ViettelPay.
Chương trình tài trợ nhà cung cấp trên giao diện điện tử HSCF ra mắt tháng 8.2019, HSBC ghi nhận khối lượng giao dịch tăng hơn 200% và doanh thu tăng gần gấp đôi trong năm 2020. Điều này phần lớn nhờ vào nền tảng số hoàn toàn tự động và công cụ kết nạp nhà cung cấp được đơn giản hóa so với trước đó.
Nhận thấy khách hàng sử dụng HSBCnet cho các hoạt động tài trợ thương mại tăng từ 23% tháng 3.2020 lên 70% tháng 12.2020, HSBC tiếp tục đưa nền tảng số vào việc tài trợ các khoản thu. “Công nghệ không chỉ là xu thế mà còn là yếu tố bắt buộc cho sự phát triển của lĩnh vực tài chính ngân hàng. Do đó chúng tôi liên tục đầu tư cải thiện ngân hàng số để khách hàng có thể trải nghiệm tiện lợi và liền mạch,” Tim Evans nói.
Kỳ vọng tiếp theo của HSBC trong kế hoạch phát triển là tiếp tục đổi mới công nghệ, dịch vụ tài chính để củng cố vị thế tại thị trường Việt Nam. Tầm nhìn đó được ông chia sẻ, tìm cách đem những công nghệ mới nhất trong hệ thống HSBC từ Hồng Kông và Anh vào triển khai nhanh chóng nhất tại Việt Nam. Ông đúc kết: “Tựu trung của tất cả các đổi mới công nghệ phải hướng đồng thời đến cả ba đối tượng: quy trình, khách hàng và nhân viên mới có thể cung cấp cho khách hàng giao dịch với HSBC dễ dàng hơn, nhanh hơn và đơn giản hơn.”
Tổ chức tài chính Anh quốc gắn liền với nhiều giai đoạn lịch sử Việt Nam. Ra đời năm 1865, HSBC có hơn 150 năm hoạt động tại Việt Nam với văn phòng đầu tiên từ năm 1875. Năm 1970, HSBC mở văn phòng tại Sài Gòn và đến năm 1995 quay trở lại với chi nhánh đầu tiên tại TP.HCM, được cấp phép hoạt động với đầy đủ các dịch vụ tài chính ngân hàng.
Năm 2009, HSBC chính thức trở thành ngân hàng 100% vốn nước ngoài đầu tiên và hiện tại là ngân hàng nước ngoài dẫn đầu tại Việt Nam xét theo quy mô vốn, mạng lưới, chủng loại sản phẩm cũng như số nhân viên và khách hàng. HSBC cũng từng mở rộng các hoạt động đầu tư cổ phần với các công ty Việt Nam khi có lúc nắm 20% cổ phần Techcombank và 18% cổ phần Bảo Việt, trước khi thoái vốn do các thay đổi chiến lược về hoạt động của tập đoàn trên toàn cầu.
Hoạt động của HSBC đột phá hơn sau khi trở thành ngân hàng 100% vốn tại Việt Nam, hiện nằm trong top bốn ngân hàng về kinh doanh ngoại hối và tốp hai ngân hàng có giao dịch thẻ tín dụng lớn nhất tại thị trường Việt Nam. Năm 2020, bên cạnh vai trò ngân hàng tài trợ thương mại hàng đầu Việt Nam, HSBC còn là ngân hàng kinh doanh nguồn vốn cho các doanh nghiệp đa quốc gia và doanh nghiệp lớn tốt nhất tại Việt Nam.
Sự nổi bật của HSBC Việt Nam trong vai trò ngân hàng tài trợ thương mại phải kể đến dấu ấn là nhà băng quốc tế đầu tiên thực hiện giao dịch tài chính lớn cho khối doanh nghiệp tư nhân. Năm 2018, HSBC và Credit Suisse là nhà đồng thu xếp gói tài chính cho khoản vay 950 triệu của VinFast từ Euler Hermes – cơ quan tín dụng xuất khẩu Chính phủ Đức.
HSBC Việt Nam cũng trở thành ngân hàng nước ngoài đầu tiên phát hành thành công trái phiếu tại Việt Nam với tổng trị giá trị 600 tỉ đồng. Trái phiếu Hoa Sen lấy tên gọi theo “quốc hoa” Việt Nam phát hành nhân kỷ niệm 150 năm HSBC có mặt tại Việt Nam.
Hồi tháng 9, nhà băng này công bố hỗ trợ triển khai thành công dịch vụ ngoại hối và tư vấn mở tài khoản cho khoản vốn FDI 250 triệu đô la Mỹ từ hai quỹ quốc tế General Altantic và Dragoneer Investment Group rót vào VNLIFE, công ty quản lý kỳ lân VNPAY. Giá trị thương vụ không chỉ ở khoản đầu tư mà là sự quan tâm của dòng vốn thế giới đối với mảng công nghệ tài chính (fintech) Việt Nam.
Trước đó, tháng 7, HSBC cũng thu xếp thành công khoản vay không ràng buộc 31 triệu đô la Mỹ giữa SACE và Nutifood. Giao dịch bảo lãnh không ràng buộc đầu tiên được thực hiện tại ASEAN nhằm thúc đẩy thương mại song phương Việt Nam và Ý của SACE – tập đoàn Bảo hiểm tín dụng Chính phủ Ý, sở hữu danh mục các giao dịch được bảo lãnh và các khoản đầu tư đảm bảo trị giá 156 tỉ euro, phục vụ hơn 26.000 công ty, đặc biệt là các hỗ trợ cho khối doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) đa dạng sản phẩm và dịch vụ.
Tim Evans, quốc tịch Anh, có 28 năm làm việc tại HSBC, là lãnh đạo cấp cao của tập đoàn tài chính này kinh qua nhiều thị trường khác nhau. Ông nhận nhiệm sở Việt Nam tháng 9.2019, chỉ vài tháng trước khi đại dịch Covid-19 quét qua nền kinh tế toàn cầu.
Tim Evans nói ông điều hành HSBC Việt Nam trên cơ sở quan sát về sự thay đổi và phát triển rất nhanh của doanh nghiệp Việt Nam trong một thập niên qua: dòng vốn FDI tích cực cả trong giai đoạn Covid-19; tầng lớp trung lưu tăng nhanh; lực lượng lao động trẻ có khả năng ứng phó với các điều kiện khó khăn. Đặc biệt, Việt Nam năng động và chủ động tham gia vào các hiệp định thương mại tự do, trong khi thị trường chứng khoán đang được xem xét nâng hạng là dấu chỉ tích cực cho thị trường tài chính.
Tháng 5.2021, HSBC Việt Nam và bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội nghị trực tuyến thu hút 350 doanh nghiệp Anh là khách hàng của HSBC. Các hoạt động kết nối này trở nên mạnh mẽ hơn từ khi HSBC trở thành đối tác chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc thu hút vốn FDI vào Việt Nam từ tháng 9.2020. “Chúng tôi có đội ngũ chuyên hỗ trợ khối FDI, đã và đang phục vụ khoảng 30% doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam,” ông nói với Forbes Việt Nam.
Chiến lược phát triển toàn cầu của HSBC đang hướng về châu Á, khi tập đoàn tài chính nhìn thấy cơ hội lớn hơn ngoài Hong Kong và Trung Quốc, họ hướng vào ASEAN. “Việt Nam được nhận diện là ngôi sao sáng của khu vực về cơ hội phát triển, dù đang trải qua những thách thức tạm thời do COVID-19, chúng tôi tin rằng Việt Nam sớm lấy lại đà tăng trưởng với GDP dự báo tăng 6,8% năm 2022,” ông nói và cho biết chiến lược HSBC thực thi tại Việt Nam là tìm cách giới thiệu các kiến thức và thông lệ tài chính quốc tế vào thị trường Việt Nam, cung cấp thông tin về dịch vụ ngân hàng cấu trúc, thị trường vốn nợ, vốn cổ phần, tư vấn tài chính, M&A…
Thị trường vốn Việt Nam phát triển vượt bậc những năm gần đây khi quy mô từ 40% GDP năm 2011 tăng lên 104% GDP tháng 6.2020. Bộ phận Nghiên cứu Kinh tế toàn cầu HSBC mô tả thị trường chứng khoán Việt Nam nổi lên “đầy triển vọng đầu tư”. Nếu năm 2020 giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên 430 triệu đô la Mỹ thì tháng 5.2021 đã vượt mốc 1 tỉ đô la Mỹ.
Số tài khoản nhà đầu tư trong nước gần 3,6 triệu, tương đương 3,8% dân số, trong đó số tài khoản mở mới tám tháng đầu năm 2021 lớn hơn cả giai đoạn 2018-2020 gộp lại. Bên cạnh sự gia tăng quy mô của thị trường chứng khoán Việt Nam, thị trường trái phiếu cũng lớn mạnh với đa dạng sản phẩm hơn, từ kỳ hạn ngắn đến kỳ hạn 30 năm.
Tuy nhiên, CEO HSBC Việt Nam đánh giá quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn tương đối nhỏ, trong khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp chỉ mới ở giai đoạn đầu phát triển. Mặc dù số sản phẩm tăng lên nhanh chóng nhưng chất lượng và tính đa dạng cần được cải thiện hơn nữa.
Các sản phẩm cần thiết như chứng chỉ quỹ đầu tư, công cụ phòng ngừa rủi ro, hợp đồng quyền chọn và các khoản đầu tư bảo toàn vốn… vẫn chưa xuất hiện. Theo ông, cần một số yếu tố để hướng đến thị trường vốn bền vững, nhưng điều này cũng cho thấy tiềm năng tăng trưởng ở thị trường vốn Việt Nam là rất lớn.
“Cách thức kinh doanh cũng quan trọng như mục tiêu kinh doanh,” Tim nói để đạt được thành công trong dài hạn, tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với bền vững. Chiến lược tham vọng trên toàn cầu của HSBC là cung cấp 750-1.000 tỉ đô la Mỹ tài trợ và đầu tư bền vững đến năm 2030 nhằm đồng hành cùng các doanh nghiệp khi họ chuyển sang các phương thức kinh doanh bền vững hơn. Nguồn tài chính cổ xúy doanh nghiệp chuyển đổi sang nền kinh tế xanh bằng cách hợp tác và giúp họ tìm thấy hiệu quả kinh tế trong chuỗi cung ứng hoặc điều chỉnh mô hình kinh doanh, hướng sự lưu tâm đến trách nhiệm xã hội và cam kết tuân thủ các tiêu chuẩn cao về quản trị.
Cổ xúy xu hướng tín dụng xanh tại Việt Nam, năm 2020 HSBC cung cấp khoản tín dụng bền vững đầu tiên cho công ty Nhựa Duy Tân xây nhà máy tái chế nhựa trị giá 60 triệu đô la Mỹ. Tư vấn chuyên môn để doanh nghiệp này hướng tới phát triển bền vững và quản trị dự án đạt tiêu chuẩn xanh quốc tế. Đồng thời với khoản tín dụng xanh trong danh mục tài chính giúp Duy Tân mở rộng triển vọng tiếp cận các thị trường vốn quốc tế trong tương lai.
HSBC cũng thu xếp thành công khoản tín dụng dài hạn và tài trợ thương mại xanh đầu tiên cho dự án năng lượng tái tạo của REE Corp., công ty niêm yết trên sàn chứng khoán. Khoản tín dụng kép 1.000 tỉ đồng bao gồm nguồn vay dài hạn cho khoản đầu tư của REE Solar Energy và tài trợ thương mại cho công ty nhập thiết bị lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời mái nhà.
Ở mảng ngân hàng bán lẻ, chương trình tín dụng xanh được triển khai cho các khách hàng hiện hữu của HSBC với sản phẩm tài chính cho vay ưu đãi hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ năng lượng điện mặt trời ở các khu dân cư. HSBC tiếp tục mở rộng danh mục các sản phẩm tín dụng xanh bằng cách khuyến khích khách hàng cá nhân dễ dàng đăng ký tham gia chương trình lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời mái nhà, ra gói cho vay dành riêng cho người mua nhà đối với các tòa nhà xanh.
Mới đây, HSBC tiếp tục triển khai sản phẩm Tiền gửi xanh đầu tiên cho khách hàng doanh nghiệp tại Việt Nam với giải pháp đảm bảo tiền gửi khách hàng được sử dụng cho các khoản đầu tư xanh, hỗ trợ chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp bằng cách đảm bảo nguồn vốn của họ được rót vào các dự án và sáng kiến thân thiện với môi trường, có lợi nhuận ổn định và được xác định trước.
Báo cáo của khối Nghiên cứu HSBC nhận định biến đổi khí hậu được xác định là cuộc khủng hoảng thế kỷ đối với châu Á chứ không hẳn là đại dịch Covid-19, Việt Nam nằm trong các quốc gia có thể bị ảnh hưởng nhiều nhất. Châu Á chiếm tới 87% lượng khí nhà kính toàn cầu và lượng phát thải CO2 tăng 78% kể từ năm 1990 là lý do HSBC phát động tài chính cho nền kinh tế xanh. “Hãy cùng nhau viết nên câu chuyện chúng ta sẽ tự hào kể cho các thế hệ sau,” thông điệp của HSBC.
Đọc thêm:
Citi bổ nhiệm tân tổng giám đốc tại Việt Nam
VietinBank: Vị thế ngân hàng chủ lực
HSBC thu xếp khoản vay không ràng buộc 31 triệu USD giữa SACE và Nutifood
Mục tiêu của TCBS: Trở thành kỳ lân 5 tỉ USD
2 năm trước
Đông Hải Bến Tre vay 200 tỉ đồng vốn “xanh”