Quốc tế

GogoX ghi nhận giá trị cổ phiếu giảm 22% trong phiên giao dịch đầu tiên

Sau khi trở thành cái tên thứ hai của Hong Kong tiến hành IPO, GogoX ghi nhận giá trị cổ phiếu giảm 22% trong phiên giao dịch đầu tiên.

Share
this:

6 tháng sau khi startup kỳ lân công nghệ nội địa đầu tiên thực hiện phát hành công khai lần đầu (IPO), Hong Kong xuất hiện thêm cái tên thứ hai GogoX.

Trong phiên giao dịch đầu tiên hôm 24.6, cổ phiếu của startup logistics GogoX giảm 22% giá trị từ mức giá IPO và định giá trị vốn hóa thị trường của công ty ở mức 1,3 tỉ USD.

Ba nhà sáng lập của GogoX (tiền thân là GogoVan), Reeve Kwan, Nick Tang và Steven Lam. Ảnh: Paul Yeung/South China Morning Post Via Getty Images

GogoX, tiền thân là GogoVan từng niêm yết cổ phiếu trên sở Giao Dịch Hong Kong (HKEX), gọi được 85 triệu USD để tăng lượng người dùng, nâng cao mức độ nhận diện thương hiệu, phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới, gây quỹ cho các thương vụ đầu tư vào lĩnh vực logistics và thâu tóm công ty nước ngoài.

Công ty tiến hành IPO sau startup AI SenseTime, kỳ lân công nghệ đầu tiên của Hong Kong lên sàn vào tháng 12.2021.

GogoX, do Steven Lam, Nick Tang và Reeve Kwan thành lập vào năm 2013, vận hành nền tảng cung cấp dịch vụ giao hàng theo nhu cầu với hơn 27,6 triệu nhân viên giao hàng và 5,2 triệu tài xế. Công ty hoạt động tại hơn 340 thành phố ở khắp Hong Kong, Trung Quốc đại lục, Singapore, Hàn Quốc và Ấn Độ.

GogoX báo cáo doanh thu trong năm dương lịch 2020 đạt 660,9 triệu nhân dân tệ với mức tăng trưởng 25% (khoảng 100 triệu USD). Trong khi đó, khoản lỗ tăng thêm 30% lên 872,9 triệu nhân dân tệ.

Startup cạnh tranh trong lĩnh vực logistics là Lalamove cũng có kế hoạch phát hành cổ phiếu. Vào tháng 7.2021, Bloomberg đưa tin Lalamove huy động 1 tỉ USD từ việc niêm yết tại Hong Kong. Lalamove chiếm 18,5% thị phần tại Hong Kong, trong khi GogoX có khoảng 50,9% thị phần.

Nhưng ở thị trường Trung Quốc, Lalamove là cái tên dẫn đầu với 52,8% thị phần, còn GogoX là 3,2% thị phần, theo bản cáo bạch của GogoX trích dẫn nghiên cứu từ công ty tư vấn Frost & Sullivan.

Việc GogoX, Lalamove và những startup logistics khác, bao gồm CALL4VAN và Zeek tăng trưởng nhờ vào mạng lưới vận tải và cơ sở hạ tầng của Hong Kong được phát triển tốt. Li Ka-shing, tỉ phú giàu nhất Hong Kong, cũng sở hữu mảng kinh doanh logistics quy mô lớn tại Hong Kong.

Từ năm 1999-2004, Kwai Tsing Container Terminals là cảng tàu bận rộn nhất thế giới trước khi bị Singapore vượt qua.

Theo Hội đồng Phát triển Thương mại Hồng Kông (HKTDC), hai lĩnh vực thương mại và logistics đóng góp tổng cộng 19,8% vào GDP của Hong Kong và tạo ra 673.700 việc làm trong năm 2019.

Hai ngành công nghiệp này nằm trong nhóm bốn lĩnh vực kinh tế trụ cột và lớn nhất của Hong Kong, bên cạnh du lịch, dịch vụ tài chính, dịch vụ chuyên nghiệp và các dịch vụ sản phẩm khác.

Biên dịch: Minh Tuấn

Tag: #, #, #