Bà Thạch Lê Anh, nhà sáng lập kiêm cố vấn Đề án VSV cùng Sangeeta Kaur (Teresa Mai), ca sĩ người Mỹ gốc Việt đoạt giải Grammy 2023, chia sẻ góc nhìn về cách để nuôi dưỡng trí tuệ tại hội thảo có chủ đề “Trí sáng” (The Good Mind) dành cho phụ nữ của Forbes Việt Nam vào 11.3.2023.
Là một trong những người đầu tiên tham gia kêu gọi vốn đầu tư và công nghệ ở nước ngoài về Việt Nam khi thị trường vốn của Việt Nam còn rất non trẻ. Chị có thể kể lại một chút về quá trình ấy của mình?
Thạch Lê Anh: Vào năm 2007, 2008 khi xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu, đặc biệt ở châu Á, rất nhiều doanh nghiệp đóng cửa, các ngân hàng mất tiền vì cho doanh nghiệp vay. Rất nhiều doanh nhân tìm đến những điều tiêu cực. Thời điểm đó, Việt Nam có một thị trường vốn nhưng là vốn cho vay, không phải vốn đầu tư. Sau khi dành thời gian nghiên cứu về thung lũng Silicon, tôi thấy rằng đứng đằng sau các công ty công nghệ lớn ở nước ngoài, đặc biệt là ở Mỹ, là các quỹ đầu tư mạo hiểm và các nhà đầu tư thiên thần. Họ vừa có tiền vừa có quan hệ, vừa có trí thức và kinh nghiệm nên có thể đầu tư, hỗ trợ cho một vài nhóm. Và dần dần cho đến nay đã 10 năm, chúng tôi đã gọi vốn đầu tư được cho khoảng 100 công ty.
Thời điểm các chị nghĩ mình cần phải thay đổi, muốn mình trở thành người khác, các chị đã làm gì trong bước ngoặt đó?
Sangeeta Kaur: Có lẽ mọi thứ đều về lại chữ Duyên. Tôi có hơn 20 năm nghiên cứu và biểu diễn âm nhạc cổ điển. Đó là một chặng đường rất khó. Khi tham gia các lớp thiền, yoga, tôi nghĩ mình có cơ hội để mang những điều tốt đẹp đến mọi người. Khi dùng âm nhạc để truyền tải đến mọi người, tôi hiểu khả năng âm nhạc của mình là một món quà. Tôi tin đó là nguồn năng lượng và hy vọng rằng tất cả mọi người cũng tìm được năng lương của chính mình.
Thạch Lê Anh: Với tôi thì đó là thời điểm bố tôi mất, khoảnh khắc khi sinh con và gặp tình trạng máu lâu đông, đối diện với lằn sinh tử. Khi đối diện với khoảnh khắc sống và chết, lý trí của mình quyết định phải chiến đấu. Từ khoảnh khắc sinh tử đó, tôi cảm thấy mình phải có trách nhiệm với gia đình, thì ở những câu chuyện chỉ xảy ra trong tích tắc như vậy, có người chọn dừng lại, có người chọn nỗ lực, bởi vậy tôi nỗ lực để được như ngày hôm nay.
Đâu là bộ giá trị cuộc đời của các chị? Và nó có thay đổi theo thời gian hay không?
Sangeeta: Giá trị của Sangeeta luôn thay đổi. Giá trị hôm nay của Sangeeta là lòng tốt, sự tử tế. Vì thầy của tôi đã dạy cho tôi rằng mình làm gì, mình muốn gì trong cuộc sống thì đều cần có lòng tốt. Vì vậy, điều quan trọng nhất là tử tế với nhau, mình không thể đối đầu với nhau, mình phải giúp nhau. Bởi vì Sangeeta đã thấy rất nhiều ở ngoài, nếu như mình hỗ trợ nhau, mình giúp đỡ hợp tác với nhau thì chúng mình sẽ thành công chung với nhau.
Một giá trị khác nữa của tôi là luôn ghi nhớ rằng cuộc sống này là một món quà, mỗi ngày mình phải suy nghĩ rằng hôm nay mình sẽ làm gì tốt đẹp hơn, có ý nghĩa hơn.
Với chị Thạch Lê Anh, khi làm việc với các lãnh đạo của các doanh nghiệp mà chị muốn đầu tư, chị sẽ tìm kiếm điều gì từ họ? Chị có thể chia sẻ một vài kinh nghiệm, góc nhìn liên quan đến tư duy tăng trưởng, tư duy tiến bộ của người phụ nữ? Chị nhận ra họ bằng cách nào?
Thạch Lê Anh: Có nhiều cái thì phải dựa vào công thức để quyết định đầu tư vào các công ty khởi nghiệp: thứ nhất là phụ thuộc vào người sáng lập và đồng sáng lập có truyền được cảm hứng cho nhau và cho nhà đầu tư hay không; thứ hai là nhóm đấy có thiết kế ra được mô hình kinh doanh (business model) có khả năng tăng trưởng hay không; thứ ba là sau khi đưa ra được mô hình rồi thì có quản trị được để đưa doanh nghiệp phát triển hay không. Ngoài những điều có thể dễ dàng tìm kiếm trên mạng như thế, hôm nay tôi muốn nói đến một vấn đề khác. Tôi quan tâm đến việc vì sao bạn quyết định làm việc đó và sự tham vọng của bạn tới đâu.
Đoạt giải Grammy là mơ ước của rất nhiêu nghệ sĩ. Chị đã phải chuẩn bị 6 năm, hầu như năm nào cũng phải gửi các đĩa, các album mới của mình để hội đồng giám khảo xét duyệt và bị từ chối rất nhiều lần. Vậy thì quá trình đó đã diễn ra như thế nào, làm thế nào để mình có thể kiên định để đến đích?
Sangeeta: Nếu mình muốn điều gì, rất muốn thì mình phải luôn cố gắng. Trong tâm trí của tôi, tôi biết mình muốn làm gì, mình muốn sống sao trong cuộc sống này. Khi mình bị thất bại, bị từ chối, mình hiểu rằng mọi thứ đều là thử thách, không có gì là dễ dàng hết. Mình đang đi trên hành trình riêng của và phải tự tin, và luôn ghi nhớ rằng xuất phát tại sao mình lại muốn làm điều đó, luôn luôn hỏi như vậy. Do đó, tôi phải luôn ghi nhớ sứ mệnh đó mỗi ngày, không ai và điều gì có thể thảy mình xuống được thì mình chắc chắn sẽ thành công.
Đạt giải Grammy là bước đầu tiên của cuộc đời nghệ thuật. Chị nói muốn dùng tài năng cá nhân để truyền bá và chữa lành những nỗi đau khổ xung quanh mình thông qua âm nhạc. Chị có thể nói kỹ hơn về điều này?
Sangeeta: Khi nhìn vào mọi thứ xung quanh, chúng ta dễ thấy những chuyện khó khăn, buồn bã. Tôi hiểu rằng mọi thứ đều là lựa chọn của mình. Cho nên khi lấy sứ mệnh là âm nhạc thì mình sẽ dùng nó để tạo ra những điều tốt đẹp hơn và cần hiểu mọi chuyện đều có hai mặt, có xấu thì sẽ có tốt, có buồn thì sẽ có vui. Mọi thứ đều cân bằng. Cho nên mọi thứ đều là sự lựa chọn, và sự với tôi âm nhạc là con đường mình muốn đi để giúp mọi người vì âm nhạc là ngôn ngữ để mình giao tiếp với nhau, vượt qua rào cản ngôn ngữ.
Âm nhạc là sự rung động, sẽ ngấm vào trong cái tâm trí, linh hồn và cơ thể của mình. Cho nên âm nhạc mà tôi viết thường sẽ có tần số rung động mà để khi mọi người nghe cảm thấy an bình hơn, tâm trí được tốt hơn.
Làm thế nào để có được sự tỉnh táo và tĩnh tâm, giúp mình đưa ra những quyết định sáng suốt?
Thạch Lê Anh: Tôi có một niềm tin là khi mình đã mong muốn gì, mong muốn điều tốt đẹp thì sẽ có sự hỗ trợ, giúp đỡ của các vị, tạm gọi là thiên thần đi, vì mình cũng không thể nhìn thấy các vị đấy. Ví dụ như hôm nay các bạn đến đây, nó là một cơ duyên, không phải cơ duyên tự nhiên có mà hoàn toàn mình có thể tạo ra. Cho nên mình phải tự tạo ra cơ duyên chứ không phải mình muốn là được. Và khi tiếp xúc với Phật giáo, nghiệm ra được chân lý nguyện, nguyện là bỏ tức là tha thứ và bao dung nhiều hơn để cho tâm tư nhẹ nhõm thì tất cả những cái thứ đó nó sẽ nó sẽ cứ ăn dần ăn dần vào mình và nó trở thành cái thói quen trong cái hành vi ứng xử của mình.
Sangeeta: Mình hãy cố gắng nhìn rõ hơn bối cảnh và tình huống của mình, đang xảy ra với mình. Và mình cũng hiểu rằng mỗi tình huống là một món quà để mình trở nên tốt hơn, hiểu chính mình hơn.
————————————————
Với chủ đề chính “Vươn Mình – The Good Leap”, chuỗi hội thảo với 4 workshop gồm The Good Mind, The Good Heart, The Good Body và The Good Taste trong năm 2023 đem đến những góc nhìn, tư duy mới, khác biệt cho những người phụ nữ tìm kiếm sự thông tuệ để hạnh phúc trong cuộc sống và sự nghiệp theo cách họ mong muốn.
Mỗi workshop sẽ có hai diễn giả và một người điều phối cùng thảo luận, chia sẻ góc nhìn về chủ đề chính, cùng với sự tham gia trao đổi tích cực từ khách tham dự. Tất cả cùng tạo nên một buổi sáng cuối tuần chất lượng, với những mối quan hệ ý nghĩa và sự khởi đầu tốt đẹp cho một hành trình mới của mỗi người khi hướng tới “Một phiên bản tốt đẹp hơn của chính mình.”
Trang sự kiện Women Workshop Series
Theo dõi thêm về chuỗi Hội thảo Phụ nữ do Forbes Việt Nam tổ chức và thành thành viên của ForbesWomen Vietnam để kết nối, trao đổi, học hỏi và tạo nên phiên bản tốt đẹp hơn của chính mình. Thông về chuỗi hội thảo: https://forbes.baovanhoa.vn/women-workshops/ Tham gia cộng đồng ForbesWomen Việt Nam: https://www.facebook.com/ForbesWomen….