multi-media / Megastory

Hồi sinh cây mía, Lasuco đi qua thăng trầm ngành đường

Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn (Lasuco) đi qua hơn bốn thập niên thăng trầm ngành mía đường nhờ sự gắn bó bền chặt với người nông dân miền núi phía Tây Thanh Hóa.

Ngày 19.12.2024, tại Thanh Hóa, Lasuco cùng hai đối tác Nhật Bản Idemitsu Kosan và Sagri ký kết triển khai dự án giảm phát thải carbon cho vùng nguyên liệu mía Lam Sơn. Theo đó, trong năm 2025, Idemitsu Kosan sẽ thử nghiệm mô hình nông nghiệp tái tạo trên 500 héc ta mía Lasuco hợp tác với nông dân. Còn Sagri sẽ cung cấp công nghệ vệ tinh giám sát đất và sự phát triển của cây mía, đưa ra khuyến nghị về bón phân nhằm giảm phân bón hóa học. Đồng thời, tín chỉ carbon từ ruộng mía sẽ được đăng ký và bán.

“Toàn bộ số tiền thu được từ bán chứng chỉ carbon sẽ trả hết cho nông dân,” ông Lê Văn Phương, tổng giám đốc Lasuco chia sẻ với Forbes Việt Nam trong một ngày đầu năm 2025. “Nông dân sẽ có thêm một khoản tiền và nâng cao ý thức về canh tác và bảo vệ môi trường,” ông Phương nói.

Ông Lê Văn Phương, tổng giám đốc Lasuco

Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn (Lasuco), tiền thân là Nhà máy đường Lam Sơn với hơn bốn thập niên tồn tại, đã vượt qua nhiều thăng trầm của ngành mía đường bằng cách giữ cho cây mía phát triển và khai thác tối đa chuỗi giá trị từ các sản phẩm sau đường. Do đó, họ hiểu ưu tiên hàng đầu trong phát triển trong ngành mía  đường cần gắn chặt với người nông dân, giữ vùng nguyên liệu bằng việc gia tăng năng suất trên cơ sở nâng cao chất lượng giống, cải tạo đất, cơ giới hóa bên cạnh việc phát triển các sản phẩm chế biến giá trị gia tăng.

Nỗ lực này đã cho trái ngọt ở những năm gần nhất. Báo cáo tài chính tính từ 1.7.2023 đến 30.6.2024 ghi nhận doanh thu thuần của công ty đạt gần 2.700 tỉ đồng, tăng gần 50% so với năm trước đó. Lợi nhuận sau thuế tăng gấp ba, đạt hơn 120 tỉ đồng. Sản lượng mía cán mốc cao nhất trong vòng năm năm gần nhất với hơn 563 ngàn tấn, tăng 44% cùng diện tích trồng mía tăng 17%, dự kiến đạt hơn 9.600 héc ta trong vụ này và năng suất mía cao nhất trong lịch sử.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, 24 nhà máy còn hoạt động trong niên vụ 2023/2024 hiện có gần 164 ngàn héc ta diện tích trồng mía cho thu hoạch, ép 11,2 triệu tấn mía và sản xuất hơn 1,1 triệu tấn đường. Sản lượng này tăng 11-18% so với vụ ép 2022/2023. Đây là năm thứ hai liên tiếp diện tích trồng mía, sản lượng mía và đường tăng trưởng, cho thấy ngành mía đường trong nước đang hồi sinh sau khủng hoảng nhiều năm trước 2020.

Năm 2020, Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực, thuế mặt hàng đường giảm về 0% khiến đường giá rẻ tràn vào Việt Nam, gây khó khăn cho các nhà máy đường trong nước. Nhiều nhà máy thua lỗ, đóng cửa, ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của người lao động, nông dân, một số nhà máy phải “bán mình” cho đối tác ngoài ngành hoặc bị các doanh nghiệp lớn cùng ngành hợp nhất. Theo ông Lê Hồng Thái, cựu quyền Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, các nhà máy đường phải đạt công suất thiết kế mới có lãi, nếu không sẽ không đủ nguồn lực cho vụ ép tiếp theo.

Nguồn cung mía nguyên liệu thiếu hụt khi diện tích trồng mía giảm liên tục trong nhiều năm trước đó là nguyên nhân chính. Ở niên vụ 2020/2021, diện tích trồng mía đã giảm gần một nửa so với niên vụ 2011/2012, chỉ còn hơn 145 ngàn héc ta. Giá mía giảm, người nông dân bỏ cây mía chuyển sang các loại cây trồng hiệu quả kinh tế hơn. Khó khăn của ngành mía  buộc Bộ Công Thương phải áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp chính thức đối với đường mía Thái Lan ở mức 47,64%; chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía từ 5 nước: Indonesia, Malaysia, Campuchia, Lào và Myanmar.

Để giữ chân người nông dân gắn bó với cây mía, trong nhiều năm qua, ông Phương cho biết Lasuco đã tập trung phát triển vùng nguyên liệu để khôi phục diện tích mía. Chương trình “Làm mới lại cây mía, hạt đường Lam Sơn” do cựu chủ tịch Lasuco, ông Lê Văn Tam, khởi xướng từ năm 2013 tiếp tục được đẩy mạnh. Trong đó, bốn chương trình trọng tâm của Lasuco bao gồm: cải tạo đất, tuyển chọn giống mía, cơ giới hóa sản xuất và số hóa vùng nguyên liệu. Tất cả nhằm mục đích nâng cao năng suất, gia tăng chữ đường (CCS) và tăng hiệu quả kinh tế để giữ chân người nông dân gắn bó với cây mía.

Cụ thể, Lasuco hợp tác với Viện Thổ nhưỡng Nông hóa đánh giá lại sức khỏe của đất và lập bản đồ nông hóa thổ nhưỡng cho toàn bộ vùng trồng mía. Công ty khuyến khích nông dân sử dụng phân hữu cơ, vi sinh (được sản xuất từ tro và bùn sau khi đốt bã mía để phát điện sinh khối). Bên cạnh đó, Lasuco tuyển chọn lại giống mía từ nguồn nuôi cấy mô, đẩy năng suất mía tăng dần từ 60 tấn/héc ta lên 80 tấn/héc ta và hiện tại là 140 tấn/héc ta. Theo ông Phương, trước đây 10-12 cân mía mới tạo ra một cân đường, nay chỉ cần 8,5 cân mía, giúp sản lượng đường thu về gấp 1,5 lần.

Theo tính toán của Lasuco, mỗi héc ta đất đồi có thể mang lại cho nông dân 170 triệu đồng với mức giá công ty mua 1,25 triệu đồng/tấn. Sau khi trừ chi phí liên quan, hộ nông dân sẽ có lợi nhuận 80-100 triệu đồng/héc ta.

Thu hoạch mía đã được cơ giới hóa để giảm công sức cho người nông dân.

Bên cạnh đó, Lasuco cũng số hóa vùng nguyên liệu, định vị từng thửa mía, ghi lại thông tin về vị trí tọa độ, thời gian trồng, giống mía, năng suất, chi phí và ngày thu hoạch. Công ty thuê đơn vị công nghệ viết code, tạo ứng dụng (app) để nông dân có thể theo dõi quá trình bón phân, thu hoạch và thanh toán trên điện thoại di động.

“Nông dân tiện mà cán bộ nhà máy cũng nhàn” nhờ hệ thống quản lý thông tin cập nhật và theo dõi quá trình sinh trưởng của mía, ông Phương cho biết. Đến ngày thu hoạch, hệ thống sẽ tự động thông báo trước vài ngày để nông dân chuẩn bị, sau đó xe công ty đến tận ruộng để chở mía về nhà máy.

Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) cũng được ứng dụng để xác định ruộng mía nào đã chín và được phép chặt, giúp quá trình thu hoạch diễn ra minh bạch, công bằng, tránh tình trạng cán bộ địa bàn ưu tiên người quen, người thân. “Chúng tôi còn dạy AI phải làm gì khi nhà máy lỡ gặp sự cố hay trời mưa để nó ra lệnh vùng nào chặt, vùng nào dừng,” ông Phương chia sẻ.

Hiệp hội Mía đường Việt Nam ghi nhận, trong niên vụ 2023/2024, nhiều nhà máy đường đã áp dụng các kỹ thuật tưới mới như tưới phun, nhỏ giọt và tưới tiêu đúng kỹ thuật, giúp nâng cao năng suất, chất lượng mía. Một số doanh nghiệp mía, thông qua các chương trình hợp tác chuyển giao công nghệ (như nhà máy Đường An Khê) hoặc được tài trợ từ nước ngoài (như nông dân trồng mía ở Thanh Hóa) còn áp dụng công nghệ mới như theo dõi, phân tích sinh trưởng mía, sớm phát hiện rủi ro, ước tính thời điểm mía chín để có chiến lược thu mua phù hợp. Thiết bị bay không người lái (drone) cũng được sử dụng để phun thuốc bảo vệ thực vật.

Ông Lê Văn Phương, người gia nhập Lasuco từ năm 1999 và giữ vai trò tổng giám đốc từ tháng 6.2014, nhấn mạnh rằng từ năm 2013, chủ tịch Lê Văn Tam của công ty đã có tư tưởng phải thay đổi cách làm mía. Điều này là vấn đề sống còn bởi Lasuco, giống như nhiều doanh nghiệp đường khác, gặp khó khăn khi đất nước hội nhập sâu rộng, tham gia nhiều hiệp định, trong đó có ATIGA, chấm dứt bảo hộ ngành đường. “Thời điểm đó, lãnh đạo Lasuco quyết định phải làm nông nghiệp công nghệ cao,” ông Phương kể. Dự án đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao ra mắt tháng 9.2013.

Sau khi tham quan các vườn trái cây ở Israel, được lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương và giao 150 héc ta đất (chia làm hai giai đoạn), Lasuco triển khai dự án trồng dưa vàng trong nhà kính, áp dụng tưới nhỏ giọt. Chi phí đầu tư lên tới một triệu đồng cho một mét vuông nhà kính. Sau ba năm, Lasuco mới hoàn thiện quy trình canh tác, tạo ra dưa vàng chất lượng và mở rộng sản xuất.

Từ Lam Sơn, mô hình nhà màng trồng dưa vàng đã lan rộng ở nhiều địa phương ở Thanh Hóa.

Từ một héc ta ban đầu, Lasuco hiện có 25 héc ta nhà kính trồng dưa theo tiêu chuẩn Viet GAP, Global GAP, truy xuất nguồn gốc trên tem nhãn, cho năng suất 40-50 tấn/héc ta. Mô hình nhà kính được “Lam Sơn hóa”, tức công ty chỉ mua công nghệ tưới tự động, nhỏ giọt của Israel nhưng hiệu chỉnh để giảm chi phí đầu tư xuống một phần năm, chỉ còn 200 ngàn đồng/m2. Thành công, Lasuco chuyển giao mô hình này cho nông dân để mở rộng diện tích trồng dưa. Phần đầu ra, công ty bao tiêu sản phẩm phân phối tại các siêu thị, cửa hàng từ Đà Nẵng trở ra Bắc, nhiều nhất là thị trường Hà Nội.

Sau dưa vàng, Lasuco tiếp tục phát triển trại nuôi cấy mô lan hồ điệp, cung cấp cho các trang trại trong nước. Theo tự bạch, mảng nông nghiệp công nghệ cao đóng góp 5% trong tổng doanh thu của Lasuco và  đã mang đến một nghề mới cho người dân Thanh Hóa. Bên cạnh đó, công ty này trở thành trung tâm đào tạo cho sinh viên nhiều trường đại học, thu hút các kỹ sư nông nghiệp về làm việc, nhiều người trong số đó sau này tự mở trang trại.

Lasuco trồng lúa, xuất khẩu gạo với thương hiệu của mình đến các thị trường nước ngoài.

Năm 2019, Lasuco  bắt đầu sản xuất lúa  sau khi thất bại với việc trồng mía trên đất thuê lại. Công ty xây dựng chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất, xay xát, bán gạo đến làm sữa gạo, bằng cách đầu tư khu chế biến nông sản thực phẩm công nghệ cao tại huyện Thiệu Hóa. “Chúng tôi quyết định làm sữa gạo lứt đường phèn, tận dụng lợi thế đường phèn tự sản xuất,” ông Phương kể.

Sản phẩm sữa gạo lứt đường phèn hiện được tiêu thụ trong nước, còn gạo J02 sản xuất theo giống của Nhật được công ty xuất khẩu sang Singapore với hợp đồng mới nhất hơn 300 tấn, bán trực tiếp cho siêu thị dưới thương hiệu Tâm An, Tâm Bình. Lasuco cũng định hướng trồng nấm, sản xuất tinh dầu gạo… để phát triển hết chuỗi giá trị từ gạo, gia tăng đóng góp của mảng lúa gạo lên 30–40% tổng doanh thu.

Trong khi đó, nhà máy chế biến nước dinh dưỡng tế bào mía khánh thành năm 2020 cũng gặt hái “quả ngọt” khi xuất khẩu nước mía đóng lon thương hiệu MiATA sang Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Trung Đông và châu Âu. Theo ông Phương, cách làm của Lasuco là tích cực tham gia các hội chợ thực phẩm quốc tế để giới thiệu sản phẩm, làm việc liên tục với khách hàng tiềm năng và thực hiện đúng cam kết chất lượng với các nhà phân phối.

“Chúng tôi không mạnh về marketing, mà chọn cách tiếp cận thật nhất, bán những gì mình có, kể câu chuyện thật của mình, chân chất như bản chất người nông dân,” ông Phương tâm sự. Ông nói rằng, khi đã có niềm tin vào sản phẩm tốt và sự kiên trì, doanh nghiệp sẽ tồn tại và phát triển.

Cuộc trò chuyện của ông Phương với Forbes Việt Nam diễn ra trong những ngày Lasuco đang vào vụ ép mía. Ông cho biết, chương trình chuyển đổi của công ty không phải lúc nào cũng suôn sẻ, nhưng nhờ có sự quyết tâm của cựu chủ tịch Lê Văn Tam – người đã gắn bó với Lasuco từ năm 1988 và được coi là linh hồn của công ty – mà mọi khó khăn đều vượt qua. “Lúc đầu anh em cũng lạ lẫm, có ý kiến nọ kia” nhưng “bác Tam nói cứ tranh luận, nhưng đã quyết rồi là làm bằng được,” ông Phương kể.

Ông Tam là người đã vực dậy Nhà máy Đường Lam Sơn bên bờ vực sụp đổ, gắn bó với Lasuco hơn 30 năm, nghỉ hưu năm 2021 khi 84 tuổi và chuyển giao vị trí chủ tịch cho con trai Lê Văn Tân nhưng vẫn là cố vấn cấp cao. Năm 2000, vị cựu chủ tịch này bán cổ phần cho nông dân, một quyết định được đánh giá táo bạo, khác biệt vào thời điểm đó. Cho đến nay, Hiệp hội Mía đường Lam Sơn do ông Tam thành lập từ năm 1995, vẫn nắm giữ hơn 22% cổ phần trong Lasuco.

Ông Phương cho biết, từ nhiều năm trước, ông Tam đã định hướng phát triển các sản phẩm sau đường, liên quan đến đường. Cụ thể, từ năm 2010-2020, nhà máy điện sinh khối từ bã mía của Lasuco không chỉ phát điện mà còn bán tín chỉ carbon. Từ năm 2004, khi phần mềm quản lý doanh nghiệp ERP còn mới mẻ ở Việt Nam, Lasuco đã triển khai hệ thống quản trị này cùng đối tác Oracle (Mỹ).

Lãnh đạo Lasuco chia sẻ, con đường phát triển duy nhất là làm nông nghiệp bền vững. Vì vậy, Lasuco tiếp tục chương trình làm giàu dinh dưỡng cho đất và khuyến khích nông dân dùng phân hữu cơ, giảm phân bón hóa học, đúng như mô hình hai đối tác Nhật Bản Idemitsu Kosan và Sagri áp dụng trong dự án giảm phát thải carbon cho vùng nguyên liệu mía Lam Sơn. “Canh tác bền vững thì ngành mía đường sẽ phát triển được,” ông Phương khẳng định. “Số lượng nhà máy sẽ còn co hẹp nữa, còn năm đến bảy nhà máy nhưng muốn sống được phải đi bằng nhiều cách, không thể chỉ dựa vào cây mía và phải đối xử tốt với cây mía,” vị lãnh đạo 48 tuổi nhấn mạnh.

Nội dung đã được đăng trên Tạp chí Forbes Việt Nam số 139 tháng 3.2025