Trong phiên thảo luận Mục đích và Di sản, những người phụ nữ xuất sắc từ nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau, đang góp phần thay đổi những lĩnh vực đa dạng của cuộc sống chia sẻ góc nhìn về hành trình bền bỉ của họ.
Với khả năng nhìn mọi việc dưới góc nhìn khác với nam giới, phụ nữ có thể sáng tạo và thực thi những công việc với sự nhạy cảm và tinh tế. Họ góp phần tạo nên một thế giới nhân bản, đa dạng, đa văn hóa, và bao dung hơn.
Trong phiên đối thoại thứ 2 có chủ đề Mục đích và Di sản của Hội nghị Phụ nữ 2023 do Forbes Việt Nam tổ chức chiều 16.11, những người phụ nữ xuất sắc từ nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau, đang góp phần thay đổi những lĩnh vực đa dạng của cuộc sống sẽ chia sẻ góc nhìn về hành trình bền bỉ của họ. Với trí tưởng tượng, sự chăm chỉ và tài năng, họ thực hiện được những ước mơ sáng tạo và tạo ra di sản tốt đẹp cho những thế hệ tiếp nối.
“Ai cũng có thể làm được điều này. Bất cứ cá nhân, tổ chức nào cũng có thể đóng góp xây dựng một xã hội bao trùm nếu như trong tất cả chương trình của mình đều bao gồm mọi người, mọi nhóm đối tượng, không bỏ sót bất kỳ ai cả,” tiến sĩ Võ Thị Hoàng Yến, sáng lập và điều hành Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD), nói trong phiên đối thoại khi chia sẻ về mục tiêu hướng tới một xã hội bao trùm mà DRD đã và đang tập trung trong 17 năm qua.
“Xã hội bao trùm” thường được thể hiện qua câu nói “không bỏ ai lại phía sau.” Đó là xã hội mà tạo được điều kiện cho mọi người, không phân biệt nam hay nữ, dân tộc, tôn giáo, có cơ hội đóng góp xây dựng xã hội đó. Bà Yến cùng đội ngũ đang thúc đẩy các hoạt động nâng cao nhận thức, hỗ trợ người khuyết tật để họ có cơ hội được phát triển và thể hiện năng lực, đóng góp trở lại cho xã hội. Bà tập trung hết thời gian, sức lực để thúc đẩy môi trường hòa nhập cho người khuyết tật.
“Nhưng mình mong đến một lúc nào đó, sẽ không còn bất cứ một trung tâm hay chương trình nào cho người khuyết tật nữa vì lúc đó xã hội thật sự là một xã hội bao trùm. Trong tất cả chương trình của xã hội, các doanh nghiệp, tổ chức, đều tính tới nhu cầu và sự tham gia của người khuyết tật. Họ có thể học tập và làm việc ở mọi nơi,” bà Yến kỳ vọng.
Theo bà, công ty và các tổ chức nên xem xét lại tất cả chương trình và chính sách để xác định liệu có đối tượng nào bị bỏ sót không, chẳng hạn như phụ nữ hay người khuyết tật. Theo báo cáo mới nhất của tổ chức Y tế Thế giới, 15-16% dân số là người khuyết tật.
“Nếu đặt được những câu hỏi như thế và bắt tay hành động thì ai cũng có thể xây dựng một xã hội bao trùm,” bà Yến, gương mặt trong danh sách 50 phụ nữ có ảnh hưởng tại Việt Nam do Forbes Việt Nam bình chọn, nói thêm.
Cùng quan điểm với bà Yến, GS Claire Macken, tổng giám đốc RMIT Việt Nam, nói: “Nhiệm vụ của chúng tôi là tạo ra một sự khác biệt cho cộng đồng chúng tôi đang hoạt động. Và đó thật sự cũng là sứ mệnh cao cả của giáo dục đại học. Giáo dục giữ một vai trò rất quan trọng, tạo sự thay đổi tích cực cho từng cá nhân và những người trẻ tuổi này sẽ đóng góp ngược trở lại cho xã hội.”
Một diễn giả khác của phiên thảo luận là PGS.TS.BS Trần Vân Khánh, trưởng bộ môn Bệnh học phân tử, khoa Kỹ thuật Y học, phó giám đốc trung tâm nghiên cứu Gen-Protein, đại học Y Hà Nội. Trong hơn 20 năm qua, bác sĩ Khánh vẫn bền bỉ đóng góp chuyên môn của mình để giúp nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt các bạn trẻ về những bệnh liên quan đến gene nhằm nâng cao chất lượng dân số. Bà cũng từng bước ứng dụng kết quả nghiên cứu của mình để cải thiện gene, phát hiện bệnh sớm, và giúp hàng trăm em bé khoẻ mạnh được sinh ra cho đến nay.
Hiện tại, bệnh lí phân tử vẫn còn mới ở việt nam. Có nhiều gia đình sinh những đứa con không khỏe mạnh như yếu cơ, chậm phát triển trí tuệ, xương thủy tinh, … Hầu như các gia đình có con bị bệnh không biết tìm đến cơ sở, chuyên gia nào để tư vấn, xét nghiệm, chẩn đoán bệnh và nhận tư vấn di truyền thích hợp giúp họ sinh con khỏe mạnh.
“Điều mong muốn nhất của tôi là làm thế nào để các gia đình hiểu được vấn đề này và tìm được chuyên gia giỏi để giúp họ sinh ra 1 đứa con khỏe mạnh,” bác sĩ Khánh, gương mặt trong danh sách 50 phụ nữ có ảnh hưởng tại Việt Nam theo danh sách của Forbes Việt Nam công bố năm 2019, nói.
Bác sĩ Khánh khuyên: “Với các bạn trẻ, trước khi kết hôn hoặc sinh con, họ nên chủ động xét nghiệm tiền hôn nhân để phát hiện gien lặn, mầm bệnh trong cơ thể và chủ động phòng bệnh để nâng cao chất lượng dân số.”
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Tuyết Minh chia sẻ về sứ mệnh hỗ trợ phụ nữ Việt Nam phát triển trong suốt 40 năm qua. Sau khi nghỉ hưu, từ cuối năm 2022, bà Minh sáng lập và điều hành WeLead, mạng lưới nữ lãnh đạo tiên phong dẫn dắt sự thay đổi, với sứ mệnh thúc đẩy, nâng tầm doanh nhân nữ, doanh nghiệp do nữ làm chủ thông qua thay đổi tích cực, hợp tác và sáng tạo.
Tại hội nghị, bà Minh chia sẻ nhiều doanh nghiệp trong mạng lưới WeLead hiện đang hướng đến mục tiêu kinh doanh bền vững và chấp nhận sản xuất cũng như lợi nhuận chậm lại.
“Cả thế giới đang hướng đến xu thế phát triển bền vững. Liên hiệp quốc đưa ra 17 mục tiêu phát triển bền vững và Việt Nam cam kết tham gia. Chúng ta có chiến lược tăng trưởng xanh và chính phủ thực hiện nhiều chương trình. WeLead là tổ chức tiên phong dẫn dắt sự thay đổi hướng đến tính chuyên nghiệp, bình đẳng và bền vững hơn. Rõ ràng, những người tiên phong luôn là những người phải chấp nhận rủi ro,” bà Minh nói.
Theo bà, có hai cách tiếp cận để tăng trưởng và phát triển. Thứ nhất “chúng ta kích thích tiêu dùng, đồng nghĩa kích thích sản xuất nhanh để tăng trưởng. Nhưng ở thời tôi, có câu nói tiết kiệm là quốc sách, nghĩa là giảm thiểu tiêu dùng, sản xuất chậm lại, và cuối cùng môi trường sạch, không xả thải. Chúng ta phải lựa chọn cách tiếp cận. Tôi là những người tiên phong cổ xúy cho kinh doanh, sản xuất gắn với phát triển bền vững có thể chậm nhưng chúng ta chậm lại một chút để chúng ta hạnh phúc hơn.”
1 năm trước
Ngành game “khát” nhà thiết kế sáng tạo1 năm trước
Forbes Việt Nam khai mạc Hội nghị Phụ nữ 20231 năm trước
Thu hẹp khoảng cách về giới: Đâu là vạch đích?1 năm trước