Hội đồng Hồi giáo Ulema Indonesia xem các hoạt động về tiền mã hóa là bất hợp pháp, nhưng bỏ ngỏ khả năng thay đổi quy định.
Vào ngày 9.11, hội đồng Hồi giáo Ulema Indonesia (MUI), cơ quan học giả Hồi giáo hàng đầu Indonesia cho biết tiền mã hóa sử dụng như hình thức thanh toán và giao dịch hàng hóa là bất hợp pháp đối với người Hồi giáo tại quốc gia có dân số theo đạo Hồi lớn nhất thế giới. Theo nhiều bản tin, điều này có thể ảnh hưởng đến các quyết định tài chính của người Hồi giáo tại Indonesia dù hội đồng không có quyền lực pháp lý.
Hội đồng đang tham vấn chính phủ Indonesia, bao gồm bộ Tài chính về các vấn đề tài chính và ngân hàng cho người Hồi giáo, theo Fortune. Khoảng 87% người dân Indonesia theo đạo Hồi.
Theo người đứng đầu các pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo của hội đồng Ulema, Asrorun Niam Sholeh, tiền mã hóa tiềm ẩn những yếu tố nguy hại và không ổn định, do đó nghiêm cấm sử dụng tiền mã hóa như một lựa chọn thanh toán theo luật Sharia, Reuters đưa tin.
Asrorun bổ sung là sử dụng token ảo như hàng hóa giao dịch cũng sẽ bị nghiêm cấm, do thiếu giá trị rõ ràng và cấu trúc vật lý.
Tiền mã hóa được giao dịch và đầu tư trong hàng hóa và thị trường giao chậm (futures market) của Indonesia.
Tuy vậy, Asrorun vẫn bỏ ngỏ về việc thay đổi, cho biết hội đồng có thể chấp nhận tiền mã hóa nếu có sự điều chỉnh tuân thủ theo luật Sharia, theo Bloomberg.
Tổng giá trị giao dịch của tiền mã hóa tại Indonesia từ tháng 1 tới tháng 5.2021 là 370 nghìn tỉ rupiah (25,96 tỉ USD), theo bộ Thương mại Indonesia.
Số lượng người Hồi giáo tại Indonesia xấp xỉ 232,3 triệu người, gần 9/10 tổng dân số của quốc gia này, theo bộ Ngoại giao Mỹ. Indonesia là quốc gia đông dân thứ tư và nền kinh tế lớn thứ 10 thế giới tính theo sức mua tương đương, theo World Bank.
Những quốc gia khác có người Hồi giáo chiếm đa số ủng hộ tiền mã hóa. Vào tháng 9.2021, các cơ quan quản lý tài chính của UAE đồng ý với lời đề nghị giao dịch token ảo trong khu vực thương mại tự do của Dubai.
Nào năm 2019, Bahrain trở thành quốc gia Arab đầu tiên ban hành quy định về tiền mã hóa và kể từ đó đã hậu thuẫn cho loại tiền này.
Mặc dù pháp lệnh của hội đồng không có quyền lực pháp lý, nhưng có thể tác động đến những quyết định của người Hồi giáo trong việc chi tiêu và đầu tư vào đồng tiền của họ. Sự hiện diện của hội đồng Ulema trong lĩnh vực tài chính của Indonesia đã tăng lên, sau khi luật về ngân hàng Hồi giáo (Sharia Banking) được thông qua. Theo đó, các tổ chức tài chính buộc phải có một bộ phận tuân theo luật Hồi giáo, theo East Asia Forum.
Biên dịch: Minh Tuấn
2 năm trước
Những gương mặt tỉ phú mới nổi bật nhất năm 2021