Lối sống

Học trên lưng ngựa

Những gia đình khá giả cho con em có trải nghiệm mới lạ tại CLB cưỡi ngựa của vợ chồng ông Amaury Le Blan, nơi hiếm hoi dạy cưỡi ngựa như một môn thể thao tại Việt Nam.

Share
this:

Tầm ba giờ chiều, trời nắng hơn 33 độ C, trên một vuông đất rộng ở Tam Đa (TP Thủ Đức, TP.HCM), một bé gái tầm 12 tuổi và một bé trai tầm tám tuổi, quốc tịch Pháp, cưỡi trên lưng hai con ngựa nhỏ, một con màu trắng bờm nâu và một con nâu tuyền.

Mặc áo bảo hộ màu đen bó sát người, đi đôi ủng bảo vệ bàn chân và ống quyển, đầu đội nón chuyên dụng, lưng thẳng, mắt nhìn thẳng, tay cầm bám yên cương, cả hai khéo léo điều khiển hai người bạn bốn chân. Lúc thì khoan thai, lúc thì chạy nhanh, rẽ trái, rẽ phải, với sự hướng dẫn của một huấn luyện viên người Pháp tầm tuổi 20.

Dù các hoạt động lặp đi lặp lại có vẻ nhàm chán, đơn giản và dễ dàng, chỉ có người tập và dạy mới hiểu rõ để có những động tác như nâng mông, thẳng lưng, cầm dây cương, người tập đã phải trải qua nhiều giờ luyện tập để thành thạo kỹ thuật, tự tin điều khiển con ngựa to khỏe hơn mình gấp cả chục lần. Nó đòi hỏi sự dũng cảm, kiên trì và không ngại khó, ngại khổ.

Cưỡi ngựa là thú tiêu khiển nhưng cũng là môn thể thao nghiêm túc. Với những học trò người Pháp rèn luyện bất kể nắng mưa và cả mùi hôi của con vật thì đó là một môn thể thao. “Môn thể thao là môn bạn chơi mà không dừng lại,” Amaury Le Blan, giám đốc của Saigon Pony Club và Hanoi Pony Club, câu lạc bộ hiếm hoi dạy cưỡi ngựa như một môn thể thao ở Việt Nam cho biết. Hoạt động từ năm 1995, câu lạc bộ này là nơi dành cho những người đam mê bộ môn đã từ lâu rất ít thấy ở Việt Nam.

“Pony riding” và “horse riding” đều chỉ loại hình cưỡi ngựa, thực hiện một số kỹ thuật trong đó có hướng dẫn ngựa nhảy cao (từ vài chục centimet tới 1,5m), khác với đua ngựa (horse racing). Ở châu Âu, câu lạc bộ cưỡi ngựa phổ biến, riêng ở Pháp có hơn ngàn câu lạc bộ, trong khi đó tại Việt Nam văn hóa cưỡi ngựa đã mai một từ lâu.

Tại TP.HCM, trường đua ngựa Phú Thọ do người Pháp xây dựng từng ở vị trí nhất nhì châu Á thời điểm xây dựng, từng khởi động lại cuộc đua nhưng đã đóng cửa vào năm 2011. Ngựa giờ chỉ thi thoảng được dùng trong lĩnh vực du lịch, chủ yếu để chụp ảnh, có người dẫn ngựa đi, hay hoạt động đua ngựa của đồng bào thiểu số.

Sân dạy cưỡi ngựa do gia đình ông Amaury Le Blan điều hành tại Tam Đa, TP.Thủ Đức, TP.HCM.

Với ông Amaury, người sở hữu và vận hành câu lạc bộ cưỡi ngựa hiếm hoi ở Việt Nam, việc tham gia vào lĩnh vực này dường như là số phận. Ông kể khi còn nhỏ, gia đình ở Pháp có một CLB cưỡi ngựa khoảng 20 năm. Khi đi học ở Anh, ông đã bán ngựa đi và nghĩ rằng không muốn cưỡi ngựa nữa.

Nhưng khi tới Việt Nam làm việc, ông được người quen giới thiệu một câu lạc bộ cưỡi ngựa đang hoạt động, do một người Pháp điều hành từ năm 1995. Ông trở thành huấn luyện viên khi rảnh rỗi, và sau đó mua lại câu lạc bộ này khi người chủ muốn bán. Ông cùng vợ sở hữu và điều hành từ năm 2007 đến nay.

Cưỡi ngựa là môn thể thao mạo hiểm giúp con người học kiên nhẫn và khả năng khéo léo khi điều khiển con vật. Các kỹ năng thể chất và tinh thần đều sẽ được cải thiện khi người cưỡi phải hoạt động ở ngoài trời, đòi hỏi sự tập trung cao độ và giúp họ trở nên tự tin. Người học cũng học được tính kiên trì, trách nhiệm, tử tế và biết yêu thương loài vật khi chăm sóc ngựa. Để có kỹ thuật cưỡi cơ bản, cần học hết 12 buổi trong ba tháng với tổng chi phí khoảng 10 triệu đồng.

Hiện hai câu lạc bộ của Amaury có khoảng 120 người theo học, trong đó 80 người ở TP.HCM và 40 người ở Hà Nội. Với học phí cho nhóm sáu người khoảng 800 ngàn đồng/người/45 phút, Amaury cho biết ông dự định mở rộng số người học lên 150 người ở cả hai cơ sở vào năm 2024 và cần nhiều huấn luyện viên hơn.

Hiện nay ông chỉ có hai huấn luyện viên toàn thời gian và một người làm bán thời gian. Ở cơ sở Hà Nội, người Việt Nam đến cưỡi ngựa tầm 20 phút để giải trí nhiều hơn, trong khi ở TP.HCM đa số người đến học như một môn thể thao.

Thời Amaury mua lại câu lạc bộ, giá ngựa “khá rẻ” nhưng giờ không còn như vậy. Một con ngựa nhỏ có thể có giá tới 80 triệu đồng và con ngựa lớn lên tới hơn 100 triệu đồng. Chi phí để chăm mỗi chú ngựa hằng tháng khoảng bốn triệu đồng. Hiện câu lạc bộ của ông có 22 con ngựa. Nếu trước COVID-19, tỉ lệ người Việt tới đây học chỉ 15% và 85% là người nước ngoài, thì nay có đến 60% là người Việt.

Duy trì người học là một thách thức với Amaury, do đa số học sinh quốc tế hay học sinh Việt Nam ở trường quốc tế – vốn là đối tượng chính của ông – sẽ đi du học sau khi học ở đây một vài năm. Còn với người Việt Nam, phần lớn sẽ dừng học sau ba, bốn buổi vì “họ chán, không chịu được nắng mưa và cho rằng đó là môn nhà quê.” Do đó, để tạo thành một câu lạc bộ gắn kết lâu dài thực sự là điều gần như không tưởng.

Khó tìm người học, người huấn luyện, thậm chí ông Amaury cũng phải tự làm bác sĩ thú y khi một trong những bác sĩ thú y cuối cùng của loài ngựa mà ông biết ở Việt Nam đã nghỉ hưu.

Dù vậy, ông Amaury vẫn hy vọng một ngày nào đó sẽ có người Việt Nam tiếp quản câu lạc bộ. Việc này là không dễ. Tìm được một miếng đất trống khoảng 7.000m2 đầu tư thành nơi phù hợp cho việc học cưỡi ngựa là rất khó. “Khó ai sở hữu miếng đất có giá trị đến 2 triệu đô la Mỹ như vậy lại chọn làm công việc vất vả như mở câu lạc bộ cưỡi ngựa,” ông Amaury nói.

Nhưng khó khăn không khiến ông nản. Ông muốn người học hiểu cưỡi ngựa là thể thao chứ không chỉ để thư giãn. Ông nói: “Tôi yêu công việc của mình nên phải chiến đấu. Nếu tính chuyện kinh doanh trong lĩnh vực này mà bạn không yêu thích ngựa, thì hãy quên đi.”

Theo Forbes Việt Nam số 117, tháng 5.2023, chuyên đề Đầu tư cho thể thao