multi-media / Megastory

Hồ sơ người giàu nhất Singapore: Ho Bee Land kiên nhẫn gặt hái lợi nhuận

Bằng động thái tính toán đúng thời điểm để bán căn hộ ở Sentosa Cove cùng các giao dịch ở nước ngoài, Chua Thian Poh đã củng cố sự lớn mạnh của.

Nhiều nhà phát triển bất động sản quan sát rất lâu để có cái nhìn dài hạn về các dự án, trong đó có Chua Thian Poh, sáng lập và chủ tịch điều hành của công ty bất động sản Ho Bee Land có trụ sở tại Singapore.

Ông đã đợi chín năm để có cơ hội thích hợp bắt đầu bán căn hộ trong dự án Cape Royale 302 căn của mình, do Ho Bee và IOI Properties Malaysia hợp tác phát triển năm 2013 tại khu sang trọng Sentosa Cove.

Tháng 7.2022, ông bắt đầu định giá bán và khoảng 25 căn hộ được bán hết sạch, và kể từ đó đến nay doanh số vẫn tốt với 10 căn hộ được bán thêm. Các căn hộ ba phòng ngủ có giá trung bình bốn triệu đô la Singapore (gần 2,8 triệu đô la Mỹ) và các căn hộ bốn phòng ngủ có giá ít nhất 5,5 triệu đô la Singapore (hơn 3,84 triệu đô la Mỹ).

Nằm ở phía cuối Sentosa Cove, một trong những quận độc đáo nhất của Singapore, vị trí của Cape Royale mang lại cho dự án này những tầm nhìn đẹp nhất hiện có, tiếp giáp với bến du thuyền, nơi chủ sở hữu căn hộ có thể đậu du thuyền và thư giãn tại câu lạc bộ tư nhân.


Chua Thian Poh, người sáng lập và chủ tịch điều hành của Ho Bee Land, tại Cape Royale ở Sentosa Cove.


Nicholas Chua, CEO Ho Bee Land và cũng là con trai cả của người sáng lập, ngồi cạnh cha mình tại một trong những căn hộ của Cape Royale, cho biết: “Chúng tôi nghĩ đây là nơi độc nhất vô nhị. Chúng tôi chỉ cần đợi thời điểm thích hợp.”

Cả hai quyết định thay đổi tình trạng mua bán trì trệ kéo dài trong giai đoạn bùng nổ hậu COVID ở Singapore (Mức tăng trưởng GDP của Singapore là 8% vào năm ngoái và dự báo gần 4% trong năm nay). Kết quả là giá bất động sản trên toàn đảo quốc sư tử đang tăng vọt, bao gồm cả giá ở Sentosa Cove.

Năm 2013, Ho Bee tạm hoãn bán Cape Royale và các căn hộ còn lại chưa bán được tại hai dự án khác sau khi giá giảm hơn 30% so với mức đỉnh vào năm 2010. Các bất động sản trong khu vực từng có giá hơn 2.300 đô la Singapore mỗi foot vuông (hơn 17.295 đô la Mỹ/m2) nhưng sau đó sụt giảm vào năm 2010 khi chính phủ Singapore đưa ra các biện pháp kìm hãm việc giá bất động sản tăng vượt mức trần.

Nicholas cho biết, thay vì giải quyết vấn đề giá cả giảm sút, Ho Bee đã biến Cape Royale thành khu bất động sản cho thuê, tạo ra lợi nhuận nhiều hơn so với chi phí duy trì sự phát triển trong mười năm qua.

Tuy nhiên, hai cha con cho biết họ không nôn nóng bán các căn hộ ngay lập tức vì hầu hết các căn hộ đã được cho thuê, với tỉ lệ lấp đầy tại Cape Royale trên 90%. Nicholas cho biết thêm, gần 30% người mua Cape Royale là những người thuê nhà đã chọn mua căn hộ mà họ đang sống.

Mặc dù giá cả tại Sentosa Cove không trở lại mức đỉnh năm 2010 – ít nhất là chưa – nhưng theo số liệu tổng hợp của cơ quan Tái phát triển đô thị, các căn hộ ở khu vực này hiện được bán với giá trung bình gần 1.900 đô la Singapore một foot vuông (khoảng 14.288 đô la Mỹ/m2), tăng từ mức chưa đến 1.500 đô la Singapore (khoảng 11.288 đô la Mỹ/m2) vào thời kỳ cao điểm bùng phát dịch năm 2020. Ho Bee cho biết một số căn hộ ở Cape Royale đang có giá hơn 2.200 đô la Singapore (khoảng 16.543 đô la Mỹ/m2), ngay sát dưới mức giá đỉnh trước đó.

Những gì hai cha con Chua làm được ở Sentosa Cove thật đáng chú ý. Công ty Ho Bee của họ – tiếng Trung nghĩa là hài hòa và đẹp đẽ – tự phát triển thành doanh nghiệp lớn trong thị trường nhà ở sang trọng ở Singapore sau khi chính phủ thu hồi đất ở cực nam đảo Sentosa vào đầu những năm 1990 để phát triển theo hướng cao cấp.

Trong khi những người khác tỏ ra thận trọng về việc đầu tư vào đó, thì ông Chua Thian Poh lại đầu tư có cân nhắc và tiên phong thực hiện các dự án ở Sentosa Cove gần hai thập niên trước.

Ho Bee xây dựng tổng cộng tám dự án, chiếm hơn một nửa số nhà trong khu vực này – hiện bao gồm 2.150 căn hộ, tính cả biệt thự và chung cư. “Các khoản đầu tư của chúng tôi vào khu nhà ở ven sông ở Sentosa Cove đã mang lại lợi nhuận đặc biệt tốt,” Chua cho biết trong báo cáo thường niên năm 2006 của Ho Bee.

Một phần nhờ thành công của việc đầu tư vào Sentosa, giá trị vốn hóa thị trường của Ho Bee trên sàn giao dịch Singapore năm đó đã vượt một tỉ đô la Singapore (hơn 698,6 triệu đô la Mỹ), tăng gấp bốn lần so với thời điểm niêm yết năm 1999.

Song Seng Wun, nhà kinh tế trưởng tại CIMB Private Banking ở Singapore, cho biết Sentosa Cove vẫn giữ được sức hút của mình cho đến ngày nay, với những người mua đang tìm kiếm những căn hộ và không gian rộng rãi hơn, đồng thời ưu tiên mua thêm nơi để làm việc tại nhà.

Ông nói thêm: “Singapore sẽ không phải là nơi rẻ nhất để kinh doanh. Nhưng mọi người bị thu hút đến làm việc và sinh sống ở đây vì Singapore vẫn là trung tâm kinh doanh toàn cầu.”

Tháng trước, thủ tướng Lý Hiển Long cho biết Singapore đặt mục tiêu thu hút các giám đốc điều hành tầm cỡ quốc tế đến đảo quốc sư tử, khẳng định quốc gia này không thể bị bỏ lại phía sau trong cuộc cạnh tranh nhân tài.

Chiến lược Sentosa thể hiện các bước phát triển mà ông Chua đã thực hiện trong thập niên qua để củng cố Ho Bee từ công ty bất động sản danh tiếng nhưng tập trung vào địa phương thành công ty có danh mục kinh doanh tạo ra dòng tiền mạnh và sự hiện diện ngày càng tăng ở thị trường nước ngoài.

Dù lãi suất thế chấp tăng có thể làm giảm nhu cầu đối với các bất động sản cao cấp, nhưng Nicholas cho biết ông lạc quan rằng đà bán hàng tại Sentosa Cove sẽ được duy trì bởi vì những người mua tiềm năng là những người “giàu có” và ít lo lắng về tỉ giá. Ông nói: “Chúng tôi thực sự thấy tự tin hơn về triển vọng của Sentosa Cove. Singapore đã vượt qua đại dịch rất tốt. Với không khí chính trị ổn định, chúng tôi sẽ tiếp tục thu hút nhiều công dân toàn cầu.”

Ông cũng lạc quan về thị trường Trung Quốc dù doanh số bán nhà tại đây sụt giảm trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ ngày càng trầm trọng với các nhà phát triển bất động sản lớn ở nước này. Tính đến tháng 12.2021, Trung Quốc chiếm khoảng 7% tổng danh mục đầu tư bất động sản trị giá 6,6 tỉ đô la Singapore (khoảng 4,61 tỉ đô la Mỹ) của Ho Bee.

Nicholas cho biết các dự án ở Trung Quốc – hợp tác phát triển với tập đoàn Yanlord Land của tỉ phú Zhong Sheng Jian – về cơ bản đã bán hết, nghĩa là sự sụt giảm ở đại lục sẽ không có tác động đáng kể đến Ho Bee. Nicholas cũng không lo lắng về tình trạng nhu cầu nhà giảm nhẹ ở Úc, vốn chiếm 3% danh mục đầu tư của công ty. Ông nói: “Chúng tôi hi vọng về sau nhu cầu sẽ cải thiện.”

Hiện tại, lợi nhuận của Ho Bee đang được củng cố nhờ động cơ tăng trưởng kép: việc bán lại Sentosa Cove và tăng thu nhập cho thuê từ bất động sản văn phòng ở London và Singapore. Theo báo cáo vào tháng trước của công ty, lợi nhuận ròng tăng 42% lên 150 triệu đô la Singapore (khoảng 104,8 triệu đô la Mỹ) trong nửa đầu năm so với cùng kỳ năm trước, sau khi tăng hơn gấp đôi lên 331 triệu đô la Singapore (khoảng 231,24 triệu đô la Mỹ) trong năm 2021.

Doanh thu tăng 13% lên 178 triệu đô la Singapore (khoảng 124,35 triệu đô la Mỹ) trong sáu tháng tính đến tháng 6.2022, nhờ nguồn thu từ việc cho thuê The Scalpel, tòa tháp văn phòng hàng đầu ở London mà công ty mới mua lại và doanh số bán các căn hộ ở Sentosa Cove.

Bất chấp áp lực lạm phát và sóng gió địa chính trị từ cuộc chiến ở Ukraine, lợi nhuận định kỳ của Ho Bee từ các bất động sản thương mại được kỳ vọng sẽ giúp bù đắp cho bất kỳ đợt sụt giảm mới nào. “Trong thời kỳ suy thoái nhà năm 2010, chúng tôi quyết định không phụ thuộc hoàn toàn vào lợi nhuận phát triển khu dân cư vì nguồn thu đó rất thấp,” Chua Thian Poh nhớ lại, “Chúng tôi nghĩ rằng mình nên tạo nguồn thu nhập định kỳ bền vững. Đó là lý do tại sao chúng tôi đầu tư vào bất động sản văn phòng.”

Mặc dù có những dự báo cho rằng xu hướng làm việc tại nhà sẽ gây ảnh hưởng vĩnh viễn đến thị trường bất động sản thương mại, nhưng tỉ lệ không gian trống ở Singapore của công ty vẫn “rất thấp,” ông cho biết và dẫn chứng tình hình ở London.

Hồi tháng 3.2022, công ty đã mua lại The Scalpel – tòa nhà chọc trời 36 tầng ở khu tài chính của London – với giá 718 triệu bảng Anh (850 triệu đô la Mỹ). Việc mua lại, hoàn tất chỉ trong bốn tháng sau khi công ty khảo sát nơi này vào tháng 11, có vẻ hợp thời điểm.

Theo nghiên cứu của nhà tư vấn bất động sản JLL công bố vào tháng 7.2022, giá thuê văn phòng tại London sẽ tăng khoảng 3%/ năm trong năm năm tới do nguồn cung văn phòng cao cấp trong thành phố bị hạn chế.

Với các bất động sản thương mại ở London và Singapore hiện chiếm 77% tài sản của công ty, lợi nhuận cho thuê của Ho Bee đã tăng hơn hai mươi lần trong thập niên vừa qua lên 224 triệu đô la Singapore (khoảng 156,5 triệu đô la Mỹ) vào năm 2021.

Tại Singapore, công ty đang phát triển khu phức hợp văn phòng thứ hai, Elementum, ở Biopolis – trung tâm khoa học đời sống ở quận Buona Vista, miền tây Singapore – dự kiến hoàn thành vào năm 2023 và nằm cạnh khối văn phòng The Metropolis hiện có, nơi đặt văn phòng của các công ty đa quốc gia như Shell và General Electric.

Tricia Song, trưởng bộ phận nghiên cứu khu vực Đông Nam Á của CBRE, cho biết: “Với nguồn cung văn phòng mới ở Singapore bị hạn chế và tăng trưởng kinh tế vẫn khả quan, giá thuê văn phòng sẽ tiếp tục tăng trong năm 2023 và nhiều năm sau đó nữa.”

Dù Chua, 74 tuổi, vẫn làm việc tại văn phòng hằng ngày, nhưng ông dần giao quyền điều hành cho con trai cả của mình, người được bổ nhiệm làm CEO hồi tháng 1.2022.

“Nicholas đã được chuẩn bị để đảm nhận trọng trách,” Chua cười nói. “Con trai tôi làm việc cho công ty được 20 năm rồi, cũng đã trải qua một vài chu kỳ thăng trầm trên thị trường bất động sản toàn cầu.”

Chua bỏ học nghề năm 16 tuổi và khởi nghiệp với 15 ngàn đô la Singapore (khoảng 10,5 ngàn đô la Mỹ) vay từ mẹ mình, kinh doanh móc và đinh cho các công ty khai thác gỗ. Sau đó, ông đến Indonesia kinh doanh hàng hóa, và tích lũy đủ vốn để bắt đầu kinh doanh bất động sản ở Singapore vào năm 1987.

Chua sở hữu phần lớn cổ phiếu của công ty niêm yết Ho Bee, và số cổ phần này cùng các tài sản tư nhân khác đã đưa ông tăng sáu bậc lên vị trí số 28 trong danh sách 50 người giàu nhất Singapore với giá trị tài sản 1,5 tỉ đô la Mỹ.

Người con trai cả, 46 tuổi, có chặng đường suôn sẻ hơn. Sau khi lấy bằng tài chính và tiếp thị tại đại học Oregon, ông làm việc cho tập đoàn DBS, trước khi gia nhập Ho Bee vào năm 2002 và trở thành phó giám đốc điều hành vào năm 2018. Nicholas dẫn đầu việc mở rộng ra nước ngoài, giành lấy các dự án ở Úc và Trung Quốc, đồng thời đầu tư sâu hơn ở Anh – nơi chiếm gần 40% tổng tài sản của công ty.

Khi suy ngẫm về tương lai của Ho Bee, Nicholas tiếp nhận và đánh giá cao lời khuyên của cha mình. “Ông ấy có thể nhìn xa hơn,” Nicholas nói. “Ông có tầm nhìn để tiến về phía trước và nhìn thấy những điều mà người khác không thể hình dung.”

Cape Royale với 302 căn hộ là dự án lớn nhất của Ho Bee ở Sentosa Cove.