Nhiều tập đoàn khách sạn toàn cầu tăng cường đầu tư xây dựng thêm phòng vì ngành du lịch đang hồi phục sau đại dịch.
Hilton – tập đoàn khách sạn lớn thứ hai thế giới – và Shangri-La của tỉ phú Robert Kuok đang đẩy nhanh kế hoạch mở rộng chuỗi khách sạn khắp khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đặt cược vào thị trường du lịch phục hồi sau đại dịch khi nhiều nước dần mở cửa trở lại đón khách du lịch quốc tế.
Trong số các công ty toàn cầu, Hilton đang tích cực mở rộng khắp khu vực, với kế hoạch tăng số lượng khách sạn ở châu Á lên gấp đôi trong vài năm tới. Công ty đạt kỷ lục khi mở 100 khách sạn mới trong khu vực trong năm 2021, tăng gần 20.000 phòng lên hơn 120.000 phòng tại 523 khách sạn.
Trong đó, 400 khách sạn ở Trung Quốc, một thị trường tăng trưởng quan trọng. Sau khi ký hợp đồng quản lý trong những tháng gần đây, công ty nhắm đến mở 760 khách sạn mới – bao gồm Waldorf Astoria Sydney và Waldorf Astoria Tokyo – trong những năm tới để nâng tổng số phòng trong toàn khu vực lên hơn 270.000.
“Chúng ta đang chứng kiến tất cả phân khúc hồi phục nhanh ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương,” Christopher Nassetta, chủ tịch và CEO của Hilton, cho biết vào đầu tháng này trong chuyến thăm Singapore, nơi công ty gần đây mới khai trương Hilton Singapore Orchard, khách sạn lớn nhất trong khu vực với hơn 1.000 phòng.
Nằm ở trung tâm của khu mua sắm nổi tiếng nhất Singapore, khách sạn Mandarin Orchard trước đây thuộc về OUE, do gia đình tỉ phú Indonesia Mochtar Riady điều hành. Đại lộ Orchard sẽ thay đổi do một số bất động sản mới được phát triển trong vài năm tới.
Tập đoàn khách sạn Pan Pacific Hotels Group ở Singapore – do UOL Group của tỉ phú cũng như trùm bất động sản và ngân hàng Wee Cho Yaw quản lý- sẽ khai trương khách sạn Pan Pacific Orchard với 347 phòng vào tháng 3 năm sau.
Tập đoàn đang bổ sung hơn 4.000 phòng từ 18 cơ sở kinh doanh mới cùng với khách sạn đang được tân trang lại trong vài năm tới bên cạnh số lượng hiện tại gần 12.500 phòng tại 39 cơ sở kinh doanh ở châu Á, châu Đại Dương, châu Âu và Bắc Mỹ.
Trong khi ngành công nghiệp khách sạn là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch COVID-19 trong hai năm qua vì nhiều nước áp đặt hạn chế đi lại để ngăn chặn dịch lây lan, CEO Choe Peng Sum của Pan Pacific cho biết ông tin tưởng nhu cầu bị dồn nén sẽ thúc đẩy ngành du lịch nhanh chóng khôi phục trong thời gian tới.
“Du lịch sẽ hồi phục,” Choe nói khi UOL công bố kết quả hoạt động trong năm 2021 hồi tháng Hai. “Đến cuối năm 2022, chúng tôi dự đoán sẽ chào đón nhiều khách quốc tế nên phải sắp xếp tốt để nhận những đơn đặt phòng. ”
Khi nhiều nước xung quanh khu vực nới lỏng hạn chế phòng ngừa COVID-19, các chuỗi khách sạn ở châu Á bao gồm Shangri-La ở Singapore cùng với Dusit Thani ở Bangkok đang chuẩn bị cho sự phục hồi sau đại dịch.
Shangri-La mở bốn khách sạn mới trong sáu tháng qua, bao gồm ba khách sạn ở Trung Quốc với tổng số 1.188 phòng cũng như Shangri-La Jeddah, 203 phòng, khách sạn đầu tiên ở Saudi Arabia.
Tập đoàn cho biết có một nguồn cung cấp lớn các dự án phát triển khách sạn và khu hỗn hợp ở Australia, Trung Quốc, Campuchia và Nhật Bản trong những năm tới.
“Con đường phục hồi không hề dễ dàng do số trường hợp mắc COVID-19 mới thỉnh thoảng lại được ghi nhận, làm du lịch quốc tế bị gián đoạn liên tục, gây ảnh hưởng đến hoạt động của khách sạn tại nhiều thị trường trọng điểm của chúng tôi”, CEO của Shangri-La Group, Lim Beng Chee cho biết hồi tháng trước khi công ty báo cáo doanh thu tăng 20% lên 1,24 tỉ USD vào năm 2021.
“Chúng tôi đang chứng kiến ngành du lịch trên khắp thế giới phục hồi nên lạc quan nhưng cũng cần thận trọng. Mặc dù cảnh giác nhưng chúng tôi đang trong tư thế sẵn sàng cho một tương lai hồi phục sau đại dịch cũng như chuẩn bị nắm bắt cơ hội phát triển kinh doanh khi chúng xuất hiện. “
Thể hiện niềm tin vào sự phục hồi của ngành du lịch sau giai đoạn sụt giảm trong hai năm qua do hạn chế phòng ngừa đại dịch, Dusit Thani đang bổ sung hơn 8.800 phòng tại 52 khách sạn mới trong khu vực.
“Mặc dù chúng tôi cảm thấy tự tin vào sự phục hồi của thị trường du lịch khi nhu cầu bị dồn nén khiến mọi người đều muốn đi du lịch nhưng mối đe dọa suy thoái cùng với các yếu tố bên ngoài khác có thể ảnh hưởng đến tốc độ kinh doanh trở lại,” Suphajee Suthumpun, CEO của Dusit International, cho biết trong email trả lời phỏng vấn với Forbes Asia.
“Vì vậy, chúng tôi phải tiếp tục đổi mới trên tất cả các lĩnh vực kinh doanh.”
Các nhà đầu tư toàn cầu đang tăng cường bơm vốn vào bất động sản khách sạn trong toàn khu vực do kỳ vọng ngành du lịch hồi phục nhanh. Theo báo cáo được công ty tư vấn bất động sản CBRE công bố hồi tháng 3, các khoản đầu tư vào khách sạn ở châu Á – Thái Bình Dương tăng 46% lên 12,1 tỉ USD vào năm 2021.
Trong lĩnh vực này, CBRE kỳ vọng các khu nghỉ dưỡng sẽ thu hút nhiều khoản đầu tư lớn vào nửa cuối năm nay trong bối cảnh công suất thuê và lượng khách đến dự kiến hồi phục hoàn toàn.
“Khách sạn là một trong những lĩnh vực hưởng lợi nhiều khi các nước trong khu vực mở cửa biên giới trở lại,” Steve Carroll, trưởng bộ phận khách sạn và nghĩ dưỡng ở các thị trường ở châu Á – Thái Bình Dương tại CBRE, cho biết.
“Lĩnh vực này mang lại lợi suất hấp dẫn được điều chỉnh theo rủi ro cũng như cơ hội cho nhà đầu tư giành thị trường khi đẩy mạnh đầu tư vào bất động sản nhằm tăng lợi nhuận.”
Biên dịch: Gia Nhi
Xem thêm:
CEO Accor lạc quan về sự hồi phục của ngành nghỉ dưỡng ở châu Á
Trải nghiệm kỳ thú ở những khách sạn trên sông băng nổi tiếng thế giới
2 năm trước
Phục hồi kinh tế: Cần nhìn xa hơn đại dịch11 tháng trước
Đánh thức hoang sơ1 tháng trước
12 tháng trước
Bán trải nghiệm hài lòng