Tỉ phú

Hành trình thoát kén

Quá trình tái cấu trúc trị giá 21 tỷ USD, dưới thời điều hành của vị chủ tịch tỷ phú Ramon Ang, đã biến công ty thực phẩm và đồ uống khổng lồ thành một doanh nghiệp cơ sở hạ tầng lớn mạnh.

Tỷ phú Ramon Ang.

Share
this:

Bức ảnh mở đầu trên trang web của San Miguel, công ty 134 năm tuổi sở hữu thương hiệu bia nổi tiếng cùng tên, không phải ảnh chụp nhà máy bia của công ty mà là hình ảnh đường cao tốc trên cao dài 39km nối Metro Manila với các tỷnh lân cận ở phía Bắc và phía Nam.

Bức ảnh đó mô tả một cách sinh động những thách thức lớn nhất hiện nay đối với tập đoàn lừng lẫy này. Dưới thời chủ tịch Ramon Ang, công ty đã tái định vị như một công ty xây dựng quốc gia đầy tham vọng với bước tiến vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng, giành thắng lợi trong các cuộc đấu thầu cho các sân bay, đường thu phí và nhà máy điện với tốc độ không thể dùng tính từ nào khác để mô tả ngoài hai chữ “điên cuồng.”

Hồi tháng 3.2024, công ty đã giành được hợp đồng trị giá 171 tỷ peso (hơn 2,97 tỷ USD) để nâng cấp và vận hành sân bay quốc tế Ninoy Aquino (NAIA) đang xuống cấp của Manila, cửa ngõ chính của đất nước, song song với dự án xây dựng sân bay Bulacan mới trị giá 735 tỷ peso (12,7 tỷ USD) đang được tiến hành, cách thủ đô khoảng 40km về phía bắc.

Cùng tháng, San Miguel Global Power Holdings đã công bố quan hệ đối tác ba bên với Aboitiz Power của gia tộc Aboitiz và Meralco PowerGen – nhận hậu thuẫn từ Metro Pacific Investments, liên doanh giữa First Pacific của tỷ phú người Indonesia Anthoni Salim và doanh nhân người Philippines Manuel Pangilinan. Mối quan hệ hợp tác này nhằm phát triển một cơ sở khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) tích hợp trị giá 3,3 tỷ USD tại tỉnh Batangas, phía nam Manila.

Hoạt động đầu tư rầm rộ vào các dự án cơ sở hạ tầng như vậy đã khiến San Miguel trở thành công ty mắc nợ nhiều nhất Philippines hiện nay, với khoản nợ khổng lồ lên tới 1.500 tỷ peso (26 tỷ USD) tính đến năm 2023. Theo dữ liệu của Bloomberg, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của công ty là 2,2 – cao gấp đôi so với tỷ lệ đòn bẩy của các tập đoàn lớn nhất nước này như Ayala Corp. và SM Investments.

Nhưng chủ tịch Ang, cũng là cổ đông lớn nhất của công ty và là một trong những người giàu nhất nước này với khối tài sản trị giá 3,8 tỷ USD, không hề nao núng.

“San Miguel có năng lực tài chính để theo đuổi các dự án này,” ông nói trong một cuộc phỏng vấn thoải mái kéo dài hai giờ tại trụ sở chính của công ty ở khu tài chính Ortigas, phía đông Manila.

“Chúng tôi có bảng cân đối kế toán vững mạnh để hỗ trợ các kế hoạch đầu tư của mình,” ông khẳng định. Đồng thời cho biết thêm rằng các chủ nợ của công ty vẫn sẽ cảm thấy thoải mái ngay cả khi tỷ lệ đòn bẩy cao hơn.

San Miguel sở hữu và vận hành tuyến Metro Manila Skyway dài 39km, kết nối thủ đô với các tỉnh ở phía Nam và phía Bắc.

Đối với Ang, 70 tuổi, bước ngoặt này là cơ hội để củng cố di sản của ông – tái thiết công ty thực phẩm và đồ uống khổng lồ thành một doanh nghiệp lớn mạnh về cơ sở hạ tầng, thực sự tái thiết Philippines từ nền tảng ban đầu. Ramon Ang đã dành riêng khoản tiền 1.400 tỷ peso (hơn 24,3 tỷ USD) cho năm năm tới, trong đó 1.200 tỷ peso (gần 20,9 tỷ USD), tương đương 86%, sẽ được triển khai để mở rộng dấu ấn cơ sở hạ tầng của công ty.

Mục tiêu lớn lao của Ang khi dự chi khoản tiền khổng lồ này là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở Philippines – một quốc gia mà khoảng cách chênh lệch về cơ sở hạ tầng vẫn là một thách thức lớn, theo Ngân hàng Phát triển châu Á.

Vị tỷ phú muốn thực hiện mục tiêu này bằng cách biến Philippines thành điểm đến hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư và khách du lịch nước ngoài. Đổi lại, điều đó sẽ thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng, thúc đẩy hoạt động kinh doanh thực phẩm và đồ uống lâu đời của San Miguel.

Ramon Ang nhận định: “Khi nền kinh tế của chúng tôi phát triển mạnh mẽ và nhiều người Philippines trở nên giàu có hơn, tất cả các doanh nghiệp của chúng tôi đều hưởng lợi.”

• • •

Bia San Miguel gần như đã trở thành “quốc túy” của Philippines và hệ thống phân phối rộng khắp của hãng đã vươn tới những góc xa nhất của đảo quốc này. Từ một nhà máy bia được thành lập năm 1890, khi Philippines còn là thuộc địa của Tây Ban Nha, San Miguel đã mở rộng sang lĩnh vực thực phẩm và bao bì trong thế kỷ trước.

Ramon Ang, người gia nhập công ty năm 1998, đảm nhiệm chức phó chủ tịch dưới thời cố chủ tịch Eduardo Cojuangco Jr., đã chỉ đạo San Miguel mở rộng sang một loạt ngành kinh doanh mới, bao gồm lọc dầu, nhà máy điện, hệ thống giao thông công cộng và xi măng.

Năm 2009, San Miguel bắt tay thực hiện các dự án đường thu phí và nhà máy điện đầu tiên, tiến tới nắm giữ cổ phần đa số tại Petron, công ty lọc dầu lớn nhất nước này tính theo doanh thu, vào năm tiếp theo. Kể từ đó, doanh thu hằng năm đã tăng gấp tám lần, từ 174 tỷ peso (gần chín tỷ USD) lên 1.400 tỷ peso (hơn 24,3 tỷ USD) vào năm 2023 và tổng tài sản tăng gần sáu lần lên 2.500 tỷ peso (khoảng 43,5 tỷ USD).

John Gatmaytan, chủ tịch của Luna Securities có trụ sở tại Manila cho biết phần lớn sự đa dạng hóa này được tài trợ nhờ dòng tiền từ bia và thực phẩm. “Ramon Ang đã làm rất tốt khi sử dụng và tận dụng nguồn tài chính đó để tham gia vào các ngành kinh doanh. San Miguel đã và đang thực hiện các dự án đòi hỏi nhiều vốn và thời gian chuẩn bị lâu dài, đóng vai trò thiết yếu đối với sự phát triển của Philippines.”

Nếu trong thế kỷ trước San Miguel phát triển bằng cách bán bia và gà, thì giờ đây công ty đang giải quyết các nhu cầu cơ bản của quốc gia: giá điện hợp lý, đường sá tốt hơn, sân bay và hệ thống giao thông công cộng hiện đại.

“Nếu nhìn vào khoảng thời gian 30-40 năm qua, bạn sẽ thấy các khoản đầu tư vào các ngành công nghiệp quan trọng này diễn ra chậm chạp,” Ang nói. “Đó là lý do tại sao chúng tôi tụt hậu so với nhiều đối thủ cạnh tranh ở Đông Nam Á.”

Hãy lấy điện làm ví dụ: Các doanh nghiệp công nghệ khổng lồ của Hoa Kỳ là Amazon, Google và Microsoft đang đổ hàng tỷ USD vào các trung tâm dữ liệu tại Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan. Philippines đang bỏ lỡ cơ hội vì giá điện đắt đỏ – Euben Paracuelles, nhà kinh tế cấp cao tại chi nhánh công ty môi giới Nhật Bản Nomura ở Singapore lưu ý. Theo Statista, với mức giá 0,17 USD cho mỗi kWh, chi phí điện hộ gia đình ở Philippines thuộc loại cao nhất trong khu vực.

Để thúc đẩy nguồn cung năng lượng sạch và rẻ hơn, San Miguel đang hiện đại hóa các nhà máy điện hiện có với tổng công suất lắp đặt là 6.595 MW. Liên doanh LNG mới được công bố vào tháng 3.2024 sẽ bổ sung thêm 2.500 MW vào tổng công suất lắp đặt là 28.000 MW của cả nước.

Hơn nữa, Ang giải thích, dự án này sẽ đảm bảo “không chỉ sự ổn định về nguồn cung điện mà còn tiết kiệm chi phí cho nhiều người Philippines.”

“Để có thể đạt mốc 30 triệu khách du lịch mỗi năm, chúng tôi cần một sân bay mới và cần giải quyết vấn đề giao thông.”


San Miguel hiện là đơn vị khai thác đường thu phí lớn nhất cả nước tính theo doanh thu, nhưng trong năm năm tới, Ang có kế hoạch xây dựng 1.100km đường thu phí mới, kết nối Metro Manila với các tỷnh xa xôi. Như vậy sẽ rút ngắn thời gian di chuyển đến thủ đô và tăng gấp đôi mạng lưới đường cao tốc hiện có của công ty.

Đề xuất sáp nhập giữa doanh nghiệp đường cao tốc của San Miguel và Metro Pacific Tollways thuộc Metro Pacific Investments sẽ mở rộng hoạt động của liên doanh này trên khắp Indonesia, Philippines và Việt Nam.

“Việc chúng tôi hợp tác với nhau là điều nên làm,” Pangilinan, chủ tịch của Metro Pacific, nói về quan hệ đối tác của mình với Ang trong một cuộc phỏng vấn riêng vào đầu tháng 7.2024. “Tôi hi vọng chúng tôi sẽ phát huy được thế mạnh của mỗi bên và đạt được những gì cả hai bên đều mong muốn.”

• • •

Sân bay của Philippines là mảng cơ sở hạ tầng cần được cải thiện nhiều. Cho đến nay Philippines vẫn chưa tạo được ấn tượng chào đón nồng nhiệt đối với du khách. NAIA của Manila liên tục bị đánh giá là một trong những sân bay tệ nhất châu Á, gần đây nhất là đánh giá trong một cuộc khảo sát vào tháng 2.2024 của nhà xuất bản trực tuyến BusinessFinancing của Anh.

Dữ liệu của chính phủ cho thấy vào năm 2023, có chưa đến sáu triệu khách du lịch ghé đến Philippines, so với con số hơn 13 triệu du khách đến Singapore và hơn 28 triệu du khách đến Thái Lan. Thật trớ trêu, đất nước này vốn là nơi hút khách du lịch vào những năm 1970 và 1980, nổi tiếng với mặt trời, bãi cát và bia San Miguel.

“Để có thể tăng lên 30 triệu khách du lịch mỗi năm, chúng tôi cần một sân bay mới và cần giải quyết vấn đề giao thông,” Ang cho biết.

Một công nhân tại nhà máy bia San Miguel.

Ang đưa ra đề xuất về một sân bay mới ở Bulacan lần đầu vào năm 2017, với hi vọng phục vụ 100 triệu hành khách mỗi năm và cuối cùng đã giành được phê duyệt của chính phủ vào năm 2020 để xây dựng và vận hành sân bay trong 50 năm.

Dự kiến mở cửa vào năm 2028, sân bay này sẽ nằm trên một khu đất rộng 2.500 héc ta trước đây từng là ao cá, cạnh một khu công nghiệp, khu dân cư, sân golf và một trường đua xe. Khu công nghiệp này dự kiến sẽ tạo ra đủ lượng hàng hóa hàng không để thu hút các hãng hàng không rời khỏi sân bay cũ, nơi đã phục vụ 45 triệu hành khách vào năm ngoái.

Dự án này được thực hiện dưới sự điều hành của một liên minh do San Miguel đứng đầu, trong đó bao gồm cả đơn vị điều hành sân bay quốc tế Incheon của Hàn Quốc, dự kiến tăng gần gấp đôi công suất khi hoàn thành vào năm 2028. San Miguel sẽ tiếp quản hoạt động trong 25 năm.

Ang khẳng định rằng đất nước Philippines đủ lớn – và cũng có đủ nhu cầu tiềm năng – để tiếp nhận hai sân bay quốc tế. Bên cạnh doanh thu quản lý sân bay, San Miguel đang trông chờ vào các nguồn thu nhập từ bán lẻ, logistics, cung cấp nhiên liệu và các dự án phát triển bất động sản.

Ông nói thêm: “Chúng tôi lựa chọn các dự án phù hợp với danh mục đầu tư hiện tại của mình, tạo ra sự tương hỗ với các doanh nghiệp khác của chúng tôi.”

Một vấn đề nữa cần chú ý là nhu cầu đến sân bay hoặc bất kỳ nơi nào khác ở Manila đúng giờ. Các nhà phát triển tư nhân đang hợp tác với chính phủ để xây dựng hệ thống giao thông công cộng bên trong và xung quanh thủ đô, giúp tránh được tình trạng tắc đường khét tiếng của thành phố. Giai đoạn đầu tiên của tuyến tàu điện ngầm MRT-7 dài 22km trị giá 77 tỷ peso (hơn 1,3 tỷ USD) của San Miguel, nối tỷnh Bulacan với thành phố Quezon, dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động vào năm tới sau khi phải lùi đợt khai trương năm 2022 do đại dịch và sự chậm trễ trong việc giải tỏa đường.

Trong năm đầu tiên hoạt động, Ang kỳ vọng tuyến đường giao thông mới sẽ vận chuyển 300 ngàn hành khách mỗi ngày, tăng lên 850 ngàn người mỗi ngày trong vòng một thập niên sau khi tuyến đường được mở rộng.


Nhà máy điện tua-bin khí chu trình hỗn hợp Ilijan có công suất 1.278 MW ở Batangas, phía Nam Manila.

Hàng loạt dự án cơ sở hạ tầng được ấp ủ từ lâu của San Miguel đã làm dấy lên mối lo ngại của các nhà đầu tư về khoản nợ bằng USD đang gia tăng của công ty và tác động của chúng đến lợi nhuận ròng của công ty.

Trong quý đầu tiên của năm 2024, thu nhập ròng của công ty đã giảm một nửa xuống còn 8,9 tỷ peso (gần 155 triệu USD) so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là do lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái. Tổng số tiền vay bằng ngoại tệ của công ty ở vào khoảng 559 tỷ peso (hơn 9,7 tỷ USD), tương đương 37%. Công ty áp dụng các chiến lược phòng ngừa rủi ro liên quan đến biến động tỷ giá hối đoái đối với 70% các khoản vay bằng ngoại tệ này.

“San Miguel là doanh nghiệp có khoản nợ bằng USD thuộc vào hàng cao nhất ở Philippines,” Ian Garcia, nhà phân tích tại AP Securities ở Manila nhận định. “Vì vậy, sẽ là thiệt hại kép đối với cổ phiếu khi đồng peso yếu hơn và lãi suất cao hơn.” Cổ phiếu vẫn chưa phục hồi về mức trước đại dịch và đã giảm 46% so với mức giá đỉnh điểm là 183,70 peso (khoảng 3,2 USD) vào tháng 8.2019.

Ang không quá quan tâm đến những lo ngại như vậy. Ông cho biết: “Chúng tôi không xem xét giá cổ phiếu vì chúng tôi không có ý định bán cổ phiếu,” đồng thời nói thêm rằng ông quan tâm hơn đến việc xây dựng dòng tiền.

Thước đo hiệu suất ưa thích của Ang là Ebitda (thu nhập trước lãi vay, thuế và khấu hao) và ông đặt mục tiêu tăng gấp đôi lên 411,8 tỷ peso (hơn 7,1 tỷ USD) vào năm 2028.

Ramo Ang cũng tin tưởng rằng San Miguel sẽ đạt mức tăng trưởng hai chữ số về cả doanh thu lẫn thu nhập trong cùng kỳ. Ông kỳ vọng doanh thu sẽ đạt 2.400 tỷ peso (hơn 41,7 tỷ USD) với lợi nhuận ròng tăng lên gần 100 tỷ peso (hơn 1,7 tỷ USD) vào năm 2028, khi các dự án cơ sở hạ tầng bắt đầu phát huy tác dụng. Ông dự đoán rằng cơ sở hạ tầng sẽ đóng góp 27% vào Ebitda của San Miguel trong một thập niên tới, tăng từ mức 13% vào năm 2023. Ang tuyên bố: “Tiền tạo ra tiền.”

• • •

Ramon Ang đã học về tiền bạc từ lúc nhỏ khi lớn lên ở Tondo, một trong những quận nghèo nhất của Manila. Một người hàng xóm đã dạy ông cách chế tạo động cơ ô tô và việc đó đã phát triển thành niềm đam mê suốt đời đối với xe máy và ô tô – và giờ đây ông đủ khả năng để thỏa mãn đam mê ấy. (Bộ sưu tập ô tô của ông có hơn 300 chiếc, trong đó bao gồm một chiếc Aston Martin Valkyrie trị giá ít nhất ba triệu USD. San Miguel cũng sở hữu các đại lý xe BMW và Ferrari.)

Tại Tondo, ông đã chuyển đổi doanh nghiệp sửa chữa và kinh doanh phụ tùng ô tô của gia đình mình thành công ty nhập khẩu phụ tùng xe dư thừa và thiết bị công nghiệp hạng nặng. Ông từng kiếm được một triệu peso đầu tiên khi còn là một thiếu niên và đã lấy bằng kỹ sư cơ khí tại Đại học Viễn Đông Manila.

“Lợi nhuận chưa bao giờ là động lực duy nhất của công ty.”


Ramon Ang đã kết bạn với một người sưu tập ô tô là Mark Cojuangco và người cha quá cố của ông ấy là Eduardo Cojuangco Jr., người thân thiết với nhà độc tài quá cố Ferdinand Marcos Sr., cha của tổng thống hiện tại của Philippines, Ferdinand “Bongbong” Marcos Jr.

Vào năm 1983, Cojuangco đã giành quyền kiểm soát San Miguel từ gia tộc Soriano sau một cuộc chiến ủy quyền. Ba năm sau, khi Marcos Sr. bị lật đổ trong cuộc cách mạng Quyền lực Nhân dân năm 1986 và chạy trốn khỏi Philippines, Cojuangco cũng bỏ trốn, giao phó công việc kinh doanh của mình cho Ang. Tuy nhiên, San Miguel không nằm trong số đó, vì chính phủ mới đã tịch thu cổ phiếu và nắm quyền kiểm soát công ty này.

Sân bay NAIA ở Manila là cửa ngõ quốc tế chính của Philippines.

Cojuangco đã trở về quê hương khi chính phủ nắm quyền thân thiện hơn. Sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, ông được tái bổ nhiệm làm chủ tịch của San Miguel vào năm 1998 và ông đã đưa Ang lên làm phó chủ tịch.

Năm 2007, Ang được thăng chức làm giám đốc vận hành và bắt đầu phục hồi hoạt động kinh doanh bia đang gặp khó khăn của công ty bằng cách đại tu hệ thống phân phối và giới thiệu các sản phẩm mới. Năm 2012, Ramon Ang, khi đó đang đảm nhiệm chức chủ tịch, đã mua 11% cổ phần của San Miguel từ Cojuangco với mức chiết khấu một phần ba so với giá cổ phiếu thời điểm đó.

Kể từ đó, Ang đã dần tăng cổ phần của mình lên 37% – và cả giá trị tài sản ròng của mình – một phần nhờ số tiền thu được từ việc bán số cổ phần kiểm soát mà ông nắm giữ lâu năm tại Eagle Cement cho San Miguel vào năm 2022 với giá 1,7 tỷ USD. Một cổ đông quan trọng khác của San Miguel là Inigo Zobel, người bà con của Jaime Augusto Zobel de Ayala, chủ tịch của Ayala Corp., tập đoàn lâu đời nhất của đất nước. (Vợ góa của Cojuangco là Soledad Oppen-Cojuangco và các con giữ lại một cổ phần nhỏ.)

Mặc dù vẫn là điều hành công việc hằng ngày, nhưng Ang đã bắt đầu lên kế hoạch kế nhiệm. Hồi tháng 6.2024, con trai cả của ông, John Paul, 44 tuổi, trước đây phụ trách Eagle Cement, đã được thăng chức từ thành viên hội đồng quản trị của San Miguel lên chủ tịch kiêm giám đốc vận hành để hỗ trợ Ang điều hành công ty.

“Tôi sẽ không giảm vai trò điều hành của mình,” Ang giải thích, đồng thời nói thêm rằng ông muốn thấy các dự án cơ sở hạ tầng lớn của công ty, bao gồm cả hai sân bay, được hoàn thành trước khi ông nghỉ hưu.

Người kế nhiệm John Paul Ang.

Mang niềm đam mê của một kỹ sư cơ khí trong tâm khảm, Ang luôn tìm kiếm những thách thức kỹ thuật mới. Hiện ông đang nghiên cứu về thu giữ carbon và lưu trữ khí thải carbon dưới lòng đất. Ông cũng đang đánh giá một dự án khai thác đồng ở miền Nam Philippines có tiềm năng trở thành mỏ đồng lớn nhất quốc gia.

Ông cho biết: “Tôi luôn muốn học cách làm cho mọi thứ hoạt động tốt hơn để tìm ra các giải pháp cho các vấn đề.”

Ngoài kinh doanh, Ang còn thực hiện sứ mệnh làm sạch các con sông ô nhiễm ở Metro Manila và các tỉnh lân cận là Bulacan và Laguna. Kể từ năm 2020, San Miguel đã chi khoảng sáu tỷ peso (hơn 104 triệu USD) từ ngân sách trách nhiệm xã hội của công ty để giảm lũ lụt bằng cách loại bỏ sáu triệu tấn bùn và chất thải rắn. Ramon Ang thậm chí còn đang xem xét việc thu thập nước mưa và bơm vào các tầng chứa nước ngầm để bổ sung nước ngầm và ngăn ngừa sụt lún đất.

Ramon Ang kết luận: “Lợi nhuận rất quan trọng vì chúng cho phép chúng tôi đầu tư vào các dự án mới, nhưng đó chưa bao giờ là động lực duy nhất của công ty. Chúng tôi tập trung vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy các ngành công nghiệp địa phương và tạo việc làm.” 


Biên dịch: Quỳnh Anh — Nội dung đã được đăng trên Tạp chí Forbes Việt Nam số tháng 12.2024