Doanh nghiệp

Hành trình đến vị thế nhà cung ứng số 1 của HTMP

3 tháng trước
Tạ Hồng Phúc

Bốn nhà sáng lập người Việt đồng chí hướng đưa Công ty khuôn mẫu HTMP Việt Nam trở thành nhà cung ứng cấp một cho các tập đoàn công nghiệp hàng đầu thế giới.

Share
this:

Trụ sở chính công ty HTMP nằm tại khu công nghiệp Quang Minh, cách sân bay Nội Bài khoảng 10km, văn phòng được thiết kế theo phong cách tối giản trong văn hóa Nhật Bản. 15 phút trước buổi phỏng vấn với Forbes Việt Nam, ông Nguyễn Hữu Tuấn, một trong bốn nhà sáng lập HTMP đã có mặt ở văn phòng.

Vị chủ tịch 52 tuổi thường đến sớm trong các cuộc hẹn như một thói quen được rèn luyện từ khi làm việc tại một doanh nghiệp Nhật Bản hồi mới tốt nghiệp đại học. Thói quen này cùng với sự đam mê trong ngành khuôn mẫu và bản tính cẩn thận của một kỹ sư cơ khí đã góp phần đưa HTMP trở thành nhà cung cấp khuôn mẫu quan trọng trong chuỗi sản xuất của các hãng ô tô, xe máy, điện tử hàng đầu thế giới.

HTMP hiện có hai mảng kinh doanh chính gồm thiết kế chế tạo khuôn mẫu và ép phun nhựa. Giá trị đơn hàng từ vài trăm đến vài triệu đô la Mỹ.

“HTMP nổi tiếng trong ngành có mức giá cao, vì chúng tôi luôn mong muốn và kiên trì chinh phục những cái khó mà nhiều doanh nghiệp khác không làm được. Có thách thức mới lên tay nghề,” chủ tịch kiêm tổng giám đốc HTMP Nguyễn Hữu Tuấn cho biết.

Ở vị thế nhà cung ứng cấp 1, HTMP thuộc số ít doanh nghiệp Việt Nam trong ngành cơ khí chính xác được chọn vào chuỗi cung ứng của các hãng toàn cầu như Toyota, Honda, Amazon…

Sau 18 năm phát triển, doanh nghiệp hiện vận hành bốn nhà máy tại Hà Nội với khoảng 1.600 lao động. Từ một doanh nghiệp chuyên sản xuất khuôn mẫu cho các thương hiệu xe máy, ô tô, máy in Nhật Bản, HTMP dần có thêm nhiều khách hàng từ các quốc gia khác tìm đến khi chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển.

Theo Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, toàn ngành có khoảng 1.500 doanh nghiệp, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực cơ khí, điện và điện tử, nhựa, cao su và hóa chất… Tuy nhiên các doanh nghiệp ở vị thế nhà cung ứng cấp 1, nghĩa là có thể bán hàng trực tiếp cho các nhà sản xuất thiết bị gốc nước ngoài chỉ là thiểu số.

HTMP hiện có hai mảng kinh doanh chính gồm thiết kế chế tạo khuôn mẫu và ép phun nhựa. Giá trị đơn hàng từ vài trăm đến vài triệu đô la Mỹ, được hoàn thành từ 30-90 ngày, với những chuyền sản xuất đồng thời nhiều bộ khuôn và chủng loại khác nhau.

Nguyên vật liệu đầu vào của nhà sản xuất khuôn chủ yếu là thép. Đối với phần lòng lõi khuôn trực tiếp tạo nên hình dạng sản phẩm, HTMP sử dụng vật liệu của các thương hiệu Nhật Bản. Phần vỏ khuôn chủ yếu nhập từ Trung Quốc và số nhỏ tự sản xuất bằng thép Posco Hàn Quốc.

Khoảng 99% thành phẩm được xuất khẩu cho các khách hàng trong nhiều ngành từ điện tử – điện gia dụng đến xe máy, ô tô, tự động hóa như Canon, Amazon, Anam, Honda, Toyota… Các khách hàng Nhật Bản mang về phần lớn doanh thu cho công ty. Ông Tuấn nói họ không đánh giá đối tác theo giá trị đơn hàng hay quốc tịch vì ai cũng ở vị thế được tôn trọng như nhau.

Là mảng phát triển sau nhưng hiện ép nhựa đóng góp đến 60% doanh thu nhờ mức tăng trưởng nhanh hơn mảng khuôn mẫu và phần lớn do các công ty đầu tư nước ngoài tại Việt Nam tiêu thụ.

Mỗi năm HTMP sản xuất khoảng 250 triệu sản phẩm trong mảng ép nhựa từ 700-800 bộ khuôn. Mỗi bộ khuôn được các nhà sản xuất thiết bị gốc sử dụng suốt vòng đời sản phẩm. Bản quyền bản vẽ sẽ thuộc về đối tác, còn HTMP giữ bản quyền bản vẽ thiết kế bộ khuôn. Đây là nguồn dữ liệu quý tạo nên sự hiểu biết chuyên sâu cho quá trình thiết kế sản phẩm trong dài hạn.

Hơn sáu năm trước, đại diện hãng bán lẻ khổng lồ Amazon tìm đến HTMP ngỏ ý hợp tác. Sau thời gian dài tìm hiểu, họ thuê đội ngũ thẩm định năng lực cung ứng, nguồn nhân lực, trình độ công nghệ… Thậm chí, tại trụ sở HTMP còn có phòng riêng cho nhân viên đại diện Amazon đến làm việc, hỗ trợ trong quá trình sản xuất khuôn nhựa vỏ thiết bị phát wifi.

Thành phẩm sẽ được chuyển đến nhà máy lắp ráp của đối tác Amazon tại Việt Nam là Foxconn và Luxshare ICT. Nhờ kinh nghiệm làm nhà cung ứng cho các doanh nghiệp khó tính đến từ Nhật Bản nên HTMP vượt qua các quy trình thẩm định của đối tác.

Đối với các đối tác như Mỹ, châu Âu, ngoài những tiêu chí kiểm định thậm chí khắt khe hơn Nhật Bản, HTMP cũng phải thích ứng và đẩy nhanh tiến độ, đáp ứng về mặt thời gian của đối tác để sớm đưa sản phẩm công nghệ điện tử ra thị trường. Đó là một trong những sự khác biệt đến từ đặc thù ngành điện tử so với các ngành công nghiệp khác.

“Từ sản phẩm phong cách Nhật Bản sang phong cách Mỹ như Amazon thực sự khó. Làm sản phẩm trong lĩnh vực mới cũng toát mồ hôi. Không có thành công nào đơn giản,” ông Tuấn nhớ lại giai đoạn đầu sản xuất hàng cho Amazon.

Từ nền tảng sản xuất khuôn ép nhựa cho xe gắn máy, xe hơi, khi quyết định làm khuôn cho các sản phẩm điện tử, điện gia dụng, HTMP chấp nhận rủi ro đầu tư thêm máy móc dù chưa chắc chắn có đơn hàng. Tuy nhiên họ chọn theo đuổi dự án với quyết tâm của ban giám đốc, cân nhắc sự phù hợp của sản phẩm mới với hệ thống và đội ngũ đang có.

Đến nay, Amazon trở thành đối tác đóng góp phần lớn trong doanh thu hằng năm của HTMP. Lãnh đạo HTMP cho biết, một tập đoàn lắp ráp điện tử lớn tại Bắc Ninh cũng đã làm việc với công ty gần một năm qua, chuẩn bị cho những đơn hàng sản xuất khuôn nhựa trong tương lai.

Theo khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản tại TP.HCM (JETRO HCM), tỉ lệ nội địa hóa của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam năm 2023 đạt gần 42% và tỉ lệ thu mua từ các công ty Việt khoảng 17%. Con số này được đánh giá còn thấp so với mức trung bình trong khối ASEAN.

Thông thường, để trở thành đối tác chính thức cho các tập đoàn sản xuất toàn cầu, HTMP phải trải qua nhiều vòng kiểm định, đánh giá chất lượng từng sản phẩm từ sáu tháng đến một năm.

Tại Việt Nam, Toyota hiện có 60 nhà cung cấp, bao gồm 13 doanh nghiệp Việt Nam. Sau năm năm trở thành nhà cung cấp chính thức, HTMP hiện sản xuất cho đối tác 27 sản phẩm khuôn nhựa như giá đỡ cửa sổ phía sau, tấm ốp đậy hộp để đồ, tấm ốp thân xe…

Trước khi được chọn vào chuỗi cung ứng, HTMP được hỗ trợ đào tạo các nền tảng cơ bản từ Toyota Việt Nam về tiêu chuẩn 5S (sàng lọc – sắp xếp – sạch sẽ – săn sóc – sẵn sàng), an toàn, quản lý nhập trước – xuất trước (FIFO), tồn kho tối thiểu – tối đa, kế hoạch giao hàng, tiêu chuẩn hóa thao tác.

Hãng xe ô tô bán chạy nhất thế giới đánh giá HTMP có ba lợi thế cạnh tranh so với đối thủ cùng ngành. Theo ông Phạm Ngọc Sáng, trưởng ban nội địa hóa Toyota Việt Nam, ban lãnh đạo HTMP có tầm nhìn với tư duy chiến lược tốt và nguồn nhân sự có năng lực, đội ngũ kỹ sư dày dạn kinh nghiệm và được đào tạo từ Nhật Bản. Một lợi thế lớn nữa là HTMP nằm gần nhà máy Toyota tại tỉnh Vĩnh Phúc, giúp đối tác tiết kiệm chi phí vận chuyển.

Ông Sáng đánh giá tổ chức nhà máy HTMP khá tinh gọn, không thua kém các công ty tại Thái Lan và Đài Loan (Trung Quốc). Về mặt kỹ thuật, họ có hệ thống máy móc chế tạo khuôn và ép nhựa hiện đại và kỹ thuật sản xuất khuôn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu đến các nước công nghiệp tiên tiến hàng đầu thế giới như Nhật và Đức. Công ty này còn có hệ thống quản lý chất lượng ngăn chặn lỗi cũng như đảm bảo chất lượng theo từng công đoạn.

Tại Việt Nam, hai năm sau khi Toyota mở nhà máy, hãng Shiroki (Nhật Bản) cùng Công ty Cơ khí Hà Nội lập liên doanh Vina Shiroki năm 1997, với kỳ vọng trở thành nhà cung cấp cho hãng ô tô đồng hương. Tuy nhiên tình hình kinh doanh không đạt kỳ vọng, liên doanh này giải thể sau chưa đầy mười năm hoạt động.

Khi ấy, ông Tuấn đang là trưởng phòng kỹ thuật tại Vina Shiroki, trong khi ba đồng nghiệp khác là ông Nguyễn Văn Hào, ông Vương Đình Mạnh và ông Hoàng Việt Phương giữ vị trí quản lý các bộ phận như thiết kế, tổ trưởng, quản đốc phân xưởng.

Ngoài thị trường lúc ấy không thiếu nơi để bốn nhân sự Vina Shiroki đầu quân, thậm chí còn được săn đón nhờ năng lực cao. Nhưng họ quyết định không tìm công việc mới mà cùng góp 500.000 đô la Mỹ thành lập HTMP. “Bốn anh em đều là dân kỹ thuật, suy nghĩ rất đơn giản rằng người ta làm được thì mình cũng làm được,” ông Tuấn chia sẻ.

Nhưng thực tế diễn ra khác với dự tính. Khi còn làm việc tại liên doanh, các đối tác tin tưởng ông Tuấn nhờ vị trí của ông tại Vina Shiroki. Cái tên “Vina Shiroki” như bảo chứng cho sự tin tưởng trong ngành nghề vốn đòi hỏi mức độ uy tín cao.

Tuy nhiên đội ngũ non trẻ của HTMP phải cạnh tranh với các công ty nước ngoài để có những đơn hàng đầu tiên. Họ thuyết phục đối tác giao đơn hàng sản xuất khuôn phanh đĩa sau cho xe máy dù với số lượng ít. Những đơn hàng nhỏ trong năm đầu tiên thành lập đáp ứng được yêu cầu khắt khe của đối tác đã dần củng cố uy tín HTMP.

Trong ngành công nghiệp hỗ trợ, uy tín để đảm bảo sự ổn định mang tính đặc thù và cũng là rào cản cho những công ty non trẻ gia nhập ngành. Các thương hiệu như Toyota, Honda… cần nhà cung cấp khuôn mẫu chất lượng cao, đúng thời hạn giúp quá trình lắp ráp diễn ra suôn sẻ.

“Thiếu khuôn để sản xuất ra cái phanh thì không có phanh, mà thiếu phanh thì đâu thể lắp ráp xong chiếc xe máy,” ông Tuấn ví dụ.

Ông Yoshida Masakazu, tổng giám đốc ADMS cho biết, các khách hàng Nhật Bản thường đặt tiêu chuẩn cao từ chất lượng, chi phí đến thời gian giao hàng. Đầu tư vào Việt Nam từ năm 2014, ADMS chuyên sản xuất linh kiện ép nhựa và lắp ráp điện tử trong ngành ô tô, hiện có hơn 600 nhân viên.

Theo ông Yoshida, các doanh nghiệp cung ứng cần chuẩn bị nhiều mặt, hiểu chính xác các yêu cầu để thực hiện cho đối tác, nhưng hiện nay còn rất ít công ty đạt được điều này.

Bên cạnh nguyên vật liệu đầu vào, doanh nghiệp còn phải đầu tư cho hệ thống phần mềm, máy móc thiết bị gia công khuôn và đo kiểm. Theo ông Tuấn, việc thiết kế và gia công khuôn ở Việt Nam chưa chuyên môn hóa đến mức mỗi doanh nghiệp chỉ đảm trách một mắt xích, các doanh nghiệp sẽ thực hiện tất cả các mắt xích từ thiết kế đến gia công, đo kiểm…

“Điểm yếu của ngành là chưa xây dựng được hệ sinh thái để phát huy điểm mạnh của mỗi công ty trong mắt xích. “Làm tất ăn cả” không phải là tốt vì khi không chuyên môn hóa, năng suất không cao kéo theo chi phí lớn và sức cạnh tranh kém,” ông Tuấn nói.

Trong phương châm kinh doanh của HTMP, yếu tố chi phí đứng thứ ba, sau tiêu chí chất lượng và thời hạn. Không phải đơn vị cung cấp có giá thấp nhất, nhưng ông Tuấn cho biết, từ khi thành lập đến nay, họ không cần tiếp thị mà khách hàng thường giới thiệu cho nhau rồi tìm đến.

Một hãng điện tử lớn từ Hàn Quốc từng đề xuất HTMP làm nhà cung ứng cấp hai, tuy nhiên HTMP từ chối và chỉ hợp tác khi được đặt vào vị trí nhà cung ứng cấp một. “Tại sao công việc vẫn thế mà HTMP phải thông qua ông cấp 1? Chúng tôi tin bằng năng lực của đội ngũ sẽ có khách hàng. Nếu bánh ngon, người ta sẽ ăn,” ông Tuấn nói.

Nhà sáng lập kiêm chủ tịch HTMP nói giá trị cốt lõi nằm ở con người. Doanh nghiệp nào cũng có thể mua thiết bị nhưng ít công ty khuôn mẫu có thể tập hợp được đầy đủ các yếu tố, từ đội ngũ có chuyên môn, tích lũy trải nghiệm nghề, tận tụy với công việc và hệ thống quản lý phù hợp.

Sản xuất khuôn thuộc ngành cơ khí chính xác, sản xuất đơn chiếc và đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao, kinh nghiệm. Các trường đại học trong nước chưa có chuyên khoa đào tạo riêng về thiết kế và chế tạo khuôn, do vậy các kỹ sư đều thiếu kiến thức thực tế về khuôn sau khi tốt nghiệp. Đây là vấn đề rất lớn cần giải quyết ở các công ty sản xuất khuôn mẫu.

Tại HTMP, các kỹ sư và kỹ thuật viên do công ty tự đào tạo trong nhiều năm để họ tích lũy kinh nghiệm và năng lực. Các kỹ sư không chỉ tiếp nhận bản vẽ theo yêu cầu của khách hàng mà có thể đề xuất những cải tiến hợp lý từ bản thiết kế mẫu ban đầu, tư vấn cho khách hàng điều chỉnh.

Chủ tịch HTMP chia sẻ ba dấu mốc quan trọng trong 18 năm hoạt động: Bốn năm đầu thuê xưởng sản xuất, tích lũy và đầu tư cho nhà máy đầu tiên vào năm 2010 khi đã có đơn hàng ổn định; dấu mốc thứ hai vào năm 2012 khi đầu tư vào mảng mới là ép nhựa, đẩy mạnh tăng trưởng bên cạnh mảng khuôn mẫu truyền thống. Từ năm 2018 đến nay tiếp tục mở rộng đầu tư thêm nhà máy mới, mua lại Công ty Sơn HTSS (Nhật Bản) để hoàn thiện dây chuyền khép kín bao gồm mảng sơn phủ sản phẩm.

Bốn nhà sáng lập HTMP có nhiều điểm chung khi sát cánh khởi nghiệp. Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Bách khoa Hà Nội, họ đều được một nhân sự người Nhật đại diện Vina Shiroki tuyển dụng về đào tạo từ chuyên môn đến tiếng Nhật, văn hóa Nhật và cách quản lý công ty. Hiện nay, ông Tuấn cầu toàn và kỹ tính giữ vị trí chủ tịch kiêm tổng giám đốc và ba nhà sáng lập còn lại mỗi người phụ trách hoạt động một nhà máy.

Bốn nhà sáng lập HTMP cũng đã nhiều lần từ chối bán cổ phần công ty cho các nhà đầu tư vì công việc hiện nay không chỉ kiếm tiền mà còn thỏa mãn đam mê làm sản phẩm của dân kỹ thuật. “Chúng tôi giữ sự đoàn kết, việc gì đã chốt thì không nói ra nói vào và không chì chiết nhau khi thất bại. Nếu mất sự đoàn kết, mọi việc sẽ tiêu tan,” chủ tịch HTMP chia sẻ.

Năm 2008, một hãng xe máy Nhật Bản đưa ra đề bài thiết kế loại khuôn ghép từ bốn sản phẩm cho bốn doanh nghiệp. Trong khi ba nhà cung cấp Nhật Bản cho rằng bài toán này không thể thực hiện, HTMP tập trung nghiên cứu, đưa ra phương án khả thi nhất và được chọn làm nhà cung ứng. Kể từ đó, danh tiếng HTMP được biết đến nhiều hơn trong ngành.

“Đến lúc này chưa thấy đơn hàng nào quá khó, không thể thực hiện,” ông Tuấn nói và tỏ ra không đồng tình quan điểm cho rằng ngành cơ khí Việt Nam “không làm nổi cái ốc vít.” Theo ông, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã có đủ năng lực tham gia chuỗi cung ứng cho các tập đoàn đa quốc gia.

—————————————————————-

Bản in Forbes Việt Nam số 131&132, tháng 7&8.2024