Nhà sản xuất linh kiện âm thanh hàng đầu thế giới, Goertek, trở thành một trong những mắt xích cung ứng quan trọng của ngành công nghiệp điện tử toàn cầu tại Việt Nam.
Cầu thang dẫn lên văn phòng điều hành của công ty TNHH Khoa học Kỹ thuật (Goertek Vina)đến nay vẫn còn những khẩu hiệu in trên từng bậc thang hồi năm 2021 – giai đoạn cao điểm vừa phòng chống dịch vừa sản xuất: “Khoa học khiến con người tốt đẹp hơn, nhưng lúc này sức khỏe mới là điều tốt đẹp nhất.”
Giữa sảnh lớn ở hành lang nổi bật những dòng chữ bằng hai ngôn ngữ Việt – Hoa về tầm nhìn phát triển: “Trở thành doanh nghiệp toàn cầu nhận được sự tôn kính” và “Khoa học công nghệ tạo nên cuộc sống tốt đẹp hơn.”
Các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực âm thanh đã thành lập tập đoàn công nghệ Goertek tại Sơn Đông (Trung Quốc) năm 2001. Sau hơn 20 năm, công ty trở thành một trong những tên tuổi toàn cầu trong lĩnh vực khoa học công nghệ chính xác, chinh phục các hãng điện tử hàng đầu thế giới ở các mảng âm học, quang học, linh kiện kết cấu chính xác và thiết bị thông minh. 10 năm qua, Việt Nam cũng trở thành cứ địa sản xuất lớn nhất của Goertek ngoài Trung Quốc để cung cấp linh kiện cho các đối tác như Samsung, Amazon, Google, Sony, Microsoft, Meta…
Phó chủ tịch tập đoàn Goertek, ông Yoshinaga Kazuyoshi, đến Việt Nam ngay giai đoạn đại dịch nóng bỏng vào tháng 7.2021 để đảm nhận vai trò tổng giám đốc Goertek Việt Nam. Với phong thái nhẹ nhàng, vị phó chủ tịch người Nhật gốc Hoa từng nhiều năm sinh sống và làm việc tại cả Nhật Bản, Trung Quốc và Mỹ, kể trước kia ông thường sang Việt Nam công tác ngắn ngày, nay thì làm việc dài hạn, được các đồng nghiệp hỗ trợ tích cực, các vấn đề về giao thông, nhà ở và Internet ở Việt Nam rất thuận lợi.
Trong cuộc phỏng vấn với Forbes Việt Nam giữa tháng 6.2022, ông cho biết toàn bộ khu sản xuất tại KCN Quế Võ, Bắc Ninh đã mở rộng lên gần 400 ngàn m2 với tám nhà máy trực thuộc và đội ngũ hơn 30 ngàn người gồm công nhân viên, các kỹ sư và chuyên gia quản lý hỗ trợ.
Đầu năm 2021, dự án thứ hai – nhà máy chế tạo linh kiện, thiết bị và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện của Goertek – được khởi công tại khu kinh tế Đông Nam Nghệ An. “Chúng tôi thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với các khách hàng hàng đầu thế giới, các đầu tư của Goertek nhằm đảm bảo phát triển hai lĩnh vực cốt lõi ở Việt Nam: linh kiện âm học chính xác và phần cứng thông minh,” ông nói.
Sau hai năm thành lập, Goertek tiến vào thị trường tai nghe Bluetooth. Chỉ sáu năm sau đó, doanh nghiệp này vươn lên chiếm vị trí số 1 nhà cung cấp tai nghe Bluetooth toàn cầu. Năm 2010, họ thành lập nhánh kinh doanh ở Nhật Bản và Đài Loan, vào tốp 10 nhà sản xuất linh kiện của Trung Quốc.
Họ đứng đầu danh sách R&D của doanh nghiệp linh kiện điện tử Trung Quốc trong sáu năm liên tiếp (2015-2021) và nằm trong danh sách 100 doanh nghiệp tư nhân đổi mới hàng đầu nước này.
Từ hợp đồng cung cấp linh kiện với Samsung – nhà sản xuất điện tử toàn cầu lớn nhất tại Việt Nam, năm 2013 Goertek dịch chuyển trụ sở sản xuất sang Việt Nam. Họ lựa chọn Bắc Ninh làm cứ điểm khi nhà máy Samsung tọa lạc tại đây. Goertek Vina ban đầu phụ trách khoảng 1/3 sản lượng tập đoàn trong cung cấp loa và các thiết bị âm thanh liên quan đến smartphone cho Samsung.
“Thời điểm đột phá nhất là vào năm 2019 khi chúng tôi hợp tác với một khách hàng lớn toàn cầu (khách hàng mã 001, không được công bố theo cam kết bảo mật) cung cấp chính tai nghe không dây, khoảng 50% sản lượng cho khách hàng này được sản xuất tại Việt Nam,” ông cho biết.
Ông Yoshinaga nói với Forbes Việt Nam: “Cột mốc 2013 đã đánh dấu sự chuyển đổi về mặt chiến lược và tổ chức.” Từ năm 2015 trở lại đây có thể nhìn thấy sự phát triển vượt bậc của Goertek và Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển đó khi gánh vác 30% sản lượng và doanh thu của tập đoàn.
Họ thực thi mô hình kinh doanh “4+4+N”, được lý giải: gồm 4 mảng liên quan đến linh kiện điện tử; 4 sản phẩm phần cứng thông minh và N là các mảng mới phát triển mở rộng. Về phân bổ mạng lưới sản xuất, các nhà máy ở Việt Nam ban đầu chủ yếu sản xuất các thành phần tai nghe. Năm 2016, Goertek mở rộng thị trường thông qua phát triển mảng kính thực tế ảo và các thiết bị liên quan, theo kế hoạch sẽ sớm chuyển các dây chuyền sản xuất này sang Việt Nam.
Trong cuộc họp báo cáo với thủ tướng Phạm Minh Chính cuối tháng 8.2022, phó chủ tịch Yoshinaga Kazuyoshi cho biết hoạt động của tập đoàn với tổng doanh thu năm 2021 đạt 11,3 tỉ đô la Mỹ, riêng Goertek Việt Nam đóng góp 3,3 tỉ đô la Mỹ.
Năm 2022, Goertek đã nâng tổng vốn đầu tư ở Bắc Ninh lên 626 triệu đô la Mỹ và tại Nghệ An lên 500 triệu đô la Mỹ cho kế hoạch mở rộng lâu dài tại Việt Nam. Ông đề xuất các vấn đề về “sử dụng năng lượng xanh, bản địa hóa nhân lực, tăng cường nghiên cứu phát triển và vấn đề về thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa và đầu tư.”
Quý 4.2022, truyền thông Trung Quốc đưa tin Goertek dự báo doanh thu năm 2022 giảm mạnh sau quyết định ngừng hợp tác của một khách hàng lớn. Trong hồ sơ nộp lên sàn giao dịch Thâm Quyến đầu tháng 12, công ty hạ ước tính doanh thu xuống thấp hơn 60% mức dự báo ban đầu. Là cứ địa sản xuất lớn, hệ thống tại Việt Nam dễ dàng bị ảnh hưởng.
Trả lời Forbes Việt Nam, ông Yoshinaga Kazuyoshi thừa nhận “doanh thu giảm, do ảnh hưởng của một số thỏa thuận hợp tác, tuy nhiên chúng tôi đang đẩy nhanh tiến độ hợp tác trên một số hạng mục của các khách hàng lớn khác để bù đắp.” Ghi nhận của Forbes Việt Nam, từ con số 30 ngàn nhân sự hồi đầu năm, Goertek Vina hiện giảm xuống khoảng 20 ngàn người. Dự án tại Nghệ An cũng chậm tiến độ lại so với kế hoạch.
Đại diện Goertek lý giải, cũng như khó khăn chung của nền kinh tế, đặc biệt ngành điện tử hay may mặc đều trải qua nửa đầu năm đối phó dịch bệnh và nửa cuối năm trên đà phục hồi. Tuy nhiên, giai đoạn cuối năm tình hình suy thoái toàn cầu đã tạo áp lực nặng lên ngành điện tử.
Vị phó chủ tịch cho biết Goertek đang nỗ lực duy trì sản xuất và ổn định phát triển: “Ảnh hưởng còn kéo dài, có thể khởi sắc lại khoảng cuối năm 2023, nhưng chúng tôi tin tưởng các chính sách kiểm soát, hỗ trợ của chính phủ Việt Nam rất hợp lý và kịp thời với doanh nghiệp.”
Giữa khoảnh sân tòa nhà chính của Goertek Vina, một chuông gió lớn được thiết kế từ nhiều ống trúc vươn lên – biểu tượng của sự lan truyền âm thanh, cùng những tượng đá phong thủy đánh dấu các cột mốc quan trọng của tập đoàn Goertek. Con đường nội khu đang hoàn thiện với nhiều cảnh vật và màu xanh cho hình ảnh thân thiện của hãng âm thanh này.
Trước các áp lực khó khăn hiện tại, phó chủ tịch Yoshinaga chia sẻ cách thức lãnh đạo “linh động thích ứng và điều chỉnh chiến lược phù hợp với thực tế, không ngại thay đổi.” Goertek Việt Nam đang tái cấu trúc bộ máy hoạt động để tối ưu và hiệu quả hơn, tăng cường các hệ thống sản xuất tự động và số hóa trong vận hành để giảm chi phí.
“Dù khó khăn vẫn phải dựa vào con người là trọng tâm, đưa yếu tố ‘win-win’ trong đàm phán và làm việc với các đối tác, giữ chữ tín và cùng chia sẻ khó khăn,” ông nói.
Cụ thể của việc ứng phó đó là xưởng sản xuất tự động hóa cao hơn, tập trung phát triển đội ngũ lao động kỹ thuật chất lượng cho mục tiêu bản địa hóa để giảm chi phí chuyên gia. Năm 2021, Goertek lập học viện Khoa học kỹ thuật để đào tạo nhân lực, theo ông Kazuyoshi: “Việc đầu tư cho hạ tầng và máy móc sản xuất mất rất nhiều công sức và kinh phí, vì vậy đầu tư cho khâu nhân lực là quan trọng để có nguồn lao động tay nghề cao phục vụ cho sản xuất và phát triển của công ty.”
Ông Kazuyoshi cho biết học viện đào tạo này là một trong những hạng mục quan trọng trong toàn bộ chiến lược bản địa hóa nguồn nhân lực và nhân tài. Các chương trình hợp tác với trường cao đẳng, đại học, đào tạo cho sinh viên, kỹ thuật viên theo từng khóa riêng như Goertek Wings cho sinh viên mới ra trường; G1000 và G500 cho nhân sự nguồn; M800 cho cấp quản lý; lớp MiniMBA kết hợp với ĐHQG Hà Nội cho quản lý cấp cao…
“Chúng tôi hoạt động liên quan nhiều đến linh kiện chính xác nên cần nhiều bộ óc kỹ thuật với nhu cầu hằng năm lên đến 2.000 kỹ sư công trình và kỹ sư nghiên cứu liên quan đến chế tạo và phát triển âm thanh, nguồn nhân lực này các nhà trường chưa thể đáp ứng,” ông Yoshinaga Kazuyoshi nói.
Họ đầu tư cơ sở vật chất thiết bị và giảng viên để hỗ trợ cho hạng mục này phát triển thuận lợi hơn. Đội ngũ 20 người được đưa sang đào tạo tại tập đoàn trở về từ tháng 6.2022 để xây dựng và Việt hóa giáo trình cùng với kinh nghiệm làm việc để năm 2022 đào tạo ít nhất cho 1.000 kỹ sư cốt cán.
Theo ông, Việt Nam trước đây đa số tập trung vào lĩnh vực sản xuất như may mặc, da giày nhưng hiện lĩnh vực công nghiệp điện tử đã dẫn đầu. Việc đầu tư cho con người sẽ đảm bảo được nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao, có thể nhận được hợp đồng từ khách hàng châu Âu và các thị trường khó tính hơn.
Tập đoàn 20 năm tuổi này đang ở thứ 1.288 trong danh sách Global 2000 của Forbes năm 2022 (dữ liệu đến ngày 22.4) với doanh thu hơn 12 tỉ đô la Mỹ, lợi nhuận 662,8 triệu đô la Mỹ và quy mô tài sản 9,58 tỉ đô la Mỹ. Chủ tịch Jiang Bin, 57 tuổi, đồng sáng lập Goertek cùng vợ Hu Shuangmei. Em trai ông, Jiang Long, 49 tuổi, là thành viên HĐQT. Cả hai anh em đều xuất phát từ chuyên ngành khoa học nghệ thuật.
Danh sách tỉ phú theo thời gian thực của Forbes ghi nhận giá trị tài sản của nhà sáng lập hiện khoảng 4,2 tỉ đô la Mỹ, ở vị trí 646 toàn cầu, trong khi ông Jiang Long ở vị trí 2.448 với 1,1 tỉ đô la Mỹ. Jiang Bin cũng xếp thứ 80 trong danh sách 100 tỉ phú giàu nhất Trung Quốc và thứ 56 trong lĩnh vực công nghệ.
Trong những cột mốc quan trọng của Goertek Vina, ông Jiang Long là người thường xuất hiện cùng các lãnh đạo tập đoàn đến chứng kiến các thời khắc mang tính lịch sử của công ty và phát biểu chúc mừng đội ngũ nhân viên.
Trong danh sách Global 2000 năm 2022 của Forbes, những nhà sản xuất linh kiện hàng đầu thế giới hiện diện nhiều công ty đang kinh doanh tại Việt Nam, như Pegatron (vị trí 1.027), Luxshare (693), Foxconn thứ (400). Goertek đứng ở thứ 1.288 nhưng với ngách rất riêng liên quan đến linh kiện âm thanh. Các trọng tâm chính của Goertek gồm R&D, sản xuất linh kiện âm học, quang học, vi điện tử và các sản phẩm liên quan.
Trên bình diện toàn cầu, Goertek chiếm 30% thị phần các thiết bị liên quan đến sản phẩm âm thanh, theo số liệu tự bạch. Đối với kính thực tế ảo, trên thế giới có hai nhà sản xuất chính, Goertek chiếm khoảng 70% thị phần, cung cấp cho Meta và Sony; máy chơi điện tử của Sony chiếm 30%, đứng sau Foxconn.
Báo cáo thường niên mới nhất của Goertek cho biết năm qua công ty đã nộp hơn 3.400 bằng sáng chế, đưa tổng số bằng sáng chế đã đăng ký lên 25.800 và các cơ quan tại Trung Quốc đã cấp khoảng 15.500 bằng sáng chế. Cốt lõi hoạt động này đã giúp Goertek tạo sự khác biệt trên thị trường, là nhà cung cấp đi từ nghiên cứu, sản xuất và phát triển cho đối tác.
Phó chủ tịch Yoshinaga Kazuyoshi gia nhập Goertek từ năm 2015 sau nhiều năm làm việc trong ngành công nghiệp điện tử và công nghệ. Ông đã làm việc trong các mảng chiến lược, phân tích tài chính và quản trị kinh doanh tại các tập đoàn công nghệ như IBM và Microsoft. Ông từng là cố vấn về đầu tư và là khách hàng của Goertek trước khi gia nhập tập đoàn.
Ông nói dù hiện tại tình hình chung khó khăn nhưng chiến lược tập đoàn vẫn nhất quán với định vị Việt Nam là trung tâm sản xuất lớn ở nước ngoài với sản lượng và doanh thu chiếm khoảng 30% của Goertek toàn cầu. Trong chiến lược quy hoạch cho năm năm tới, sẽ bao gồm đầu tư vào các hạng mục quan trọng, nâng tổng vốn lên 1,5 tỉ đô la Mỹ, đưa doanh thu trong vòng 10 năm lên cột mốc 10 tỉ đô la Mỹ và đạt tới 20 tỉ đô la Mỹ trong 15 năm.
“Đối với kế hoạch dài hạn này, chúng tôi cũng đã làm việc với chính quyền tỉnh Bắc Ninh và các cơ quan bộ ngành để đưa ra những phương án cho việc phát triển bền vững và lâu dài cùng Việt Nam,” ông nói với Forbes Việt Nam.
Theo Forbes Việt Nam số 113, phát hành tháng 1.2023