Chính thức có mặt từ năm 1995, NESTLÉ – tập đoàn đồ uống đến từ Thụy Sĩ kinh doanh tại Việt Nam theo triết lý “công ty toàn cầu am hiểu địa phương” hướng đến sự phát triển bền vững.
Vào trung tuần tháng 7.2021, ở thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát và lan rộng tại Việt Nam, nhãn hàng Nestlé MILO kết hợp với bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức buổi họp báo trực tuyến “Nói không với ống hút nhựa.” Mối lo lắng về dịch bệnh đè nặng lên toàn bộ xã hội thời điểm đó không ngăn cản nỗ lực tăng nhận thức trong cộng đồng liên quan đến vấn đề môi trường: Việt Nam là quốc gia đứng thứ tư trên thế giới về rác thải nhựa ra đại dương, mỗi năm thải ra tự nhiên khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa, trong đó chỉ một phần nhỏ trong số này được tái chế.
Dù ngành thực phẩm bao bì đóng gói chiếm vị trí đặc biệt quan trọng trong tiêu dùng hiện đại nhưng các nghiên cứu chỉ ra tác hại lâu dài của đồ nhựa dùng một lần nếu không được tái chế: một ly cà phê mang đi mất khoảng 30 năm để phân hủy, một chiếc ống hút nhựa mất 200 năm, còn một chai PET thậm chí mất đến 450 năm.
“Nestlé hiểu được những thách thức ban đầu trong việc khuyến khích các thói quen tiêu dùng mới và trong việc truyền cảm hứng cho người tiêu dùng quan tâm hơn đến môi trường, đặc biệt ở thế hệ trẻ. Mặc dù vậy, chúng tôi tin rằng đây vẫn là những bước đi cần thiết để góp phần thay đổi những hiện trạng đáng quan ngại về môi trường tại Việt Nam,” ông Binu Jacob, tổng giám đốc Nestlé Việt Nam chia sẻ trong buổi họp báo trực tuyến thời điểm đó.
Không chỉ tiên phong trong lộ trình thực hiện đưa ống hút giấy vào thay thế dần cho ống hút nhựa, tập đoàn đứng thứ 46 trong danh sách Global 2000 (2.000 công ty lớn nhất toàn cầu) của Forbes còn thực hiện nhiều hoạt động bảo vệ môi trường trong hành trình kinh doanh bền vững tại Việt Nam, nổi bật nhất ở hoạt động hạn chế nguồn phát rác thải nhựa và xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực sản xuất cà phê.
Những hành trình dài và những mục tiêu lớn đều bắt đầu từ những bước chân đầu tiên. Đưa vào thử nghiệm ống hút giấy từ cuối năm 2020, theo lộ trình vào giữa năm 2022 MILO hoàn thành chuyển đổi 100% sản phẩm sang dùng ống hút giấy. Ước tính sự thay đổi này giúp công ty mỗi năm giảm đi gần 700 tấn rác thải nhựa. Số ống hút giấy thay thế nếu nối lại với nhau có độ dài gần 180 ngàn km, gấp 4,5 lần đường xích đạo, 100 lần khoảng cách giữa Hà Nội và TP.HCM hoặc 54 lần độ dài đường bờ biển Việt Nam.
MILO sử dụng loại ống hút giấy được làm từ nguồn gốc từ thực vật, không chứa thành phần tái chế, dễ dàng phân hủy và thân thiện với môi trường nhưng sau đó một bộ phận người dùng phản hồi có trải nghiệm không tốt: “đang uống nó bỗng mềm xèo, gãy đôi,” “ống hút ngâm lâu dễ bị mủn,” “ống giấy khiến vị MILO lờ lợ.” Thậm chí có khách hàng phản ứng cực đoan với chiếc ống hút thân thiện với môi trường: “Chào nhé, tôi bỏ hẳn MILO.”
Mục tiêu thương mại hay sự phát triển bền vững quan trọng hơn? “Giá thành của ống hút giấy đắt hơn gấp ba lần so với ống hút nhựa nhưng chúng tôi quyết định đầu tư vào nó vì chúng tôi tin rằng đó đơn giản là việc làm đúng đắn,” ông Binu Jacob, tổng giám đốc người Ấn Độ của Nestlé khẳng định với Forbes Việt Nam. Ông cho biết nếu chỉ tập trung vào kết quả lợi ích trước mắt thì khó đi xa, nhưng muốn vươn cao và vươn xa thì phát triển bền vững là con đường duy nhất.
“Tin vào những điều đúng đắn” khiến năm 2019 Nestlé Việt Nam là một trong những thành viên sáng lập PRO Việt Nam, liên minh hỗ trợ phát triển một hệ sinh thái thu gom, tái chế bao bì trong nước đủ mạnh, giúp tăng tỉ lệ tái chế và giảm thiểu tỉ lệ bao bì thải ra môi trường. “Tin vào điều đúng đắn” trong tầm nhìn đến năm 2025, 100% bao bì của Nestlé có thể tái chế hoặc tái sử dụng, phù hợp với tầm nhìn: “Không bao bì nào của Nestlé, kể cả bao bì nhựa, bị chôn lấp hoặc trở thành rác thải.” “Tại Nestlé, chúng tôi định nghĩa phát triển bền vững là quá trình tăng cường khả năng tiếp cận thực phẩm chất lượng cao hơn của thế giới, đồng thời đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội lâu dài và giữ gìn môi trường cho tương lai,” vị CEO khẳng định.
Nestlé Việt Nam là thành viên của Nestlé S.A., công ty có trụ sở chính đặt tại Vevey (Thụy Sĩ). Với doanh thu 95,3 tỉ đô la Mỹ năm 2021 và vốn hóa 360 tỉ đô la Mỹ, Nestlé là công ty thực phẩm và giải khát lớn nhất thế giới, theo Forbes. Theo ước tính của Nestlé, tập đoàn này đã đầu tư 700 triệu đô la Mỹ cho các hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.
Không công bố số liệu tài chính nhưng theo tổng cục Thuế, Nestlé Việt Nam đứng thứ 62 trong danh sách các doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất Việt Nam năm 2021. Xây dựng bốn nhà máy, một số thương hiệu của Nestlé tại Việt Nam gồm La Vie (nước đóng chai), Nestlé Café (cà phê), MILO (sữa), Maggi (nước tương), KitKat (bánh kẹo), NAN (sản phẩm dinh dưỡng công thức).
Năm 1992, Nestlé đặt dấu chân đầu tiên vào Việt Nam khi thành lập công ty TNHH La Vie, liên doanh giữa tập đoàn Thụy Sĩ và tỉnh Long An. Theo BC Nielsen, La Vie là thương hiệu nước khoáng đóng chai số 1 tại Việt Nam vào năm 2019. Song song với hoạt động nghiên cứu nhằm giúp người tiêu dùng hiểu rõ hơn vai trò quan trọng của nước uống đối với sức khỏe, từ năm 2010 đến nay, La Vie cải tiến bao bì, giảm thiểu trọng lượng chai nhựa xuống thấp dần, hiện tại giảm 9% nhựa trong bao bì tính trên mỗi lít so với trước đây. Trong đó, La Vie có đưa ra thị trường dòng sản phẩm nước đóng chai thủy tinh, vỏ chai sau đó được thu hồi tái sử dụng.
Nhằm giảm thải chất thải nhựa ra môi trường, đội ngũ kỹ sư của Nestlé bắt đầu từ việc thiết kế và cải tiến bao bì tối ưu hơn, vẫn giữ được mục đích sử dụng nhưng tiết kiệm nguyên liệu hơn: ngưng sử dụng màng co nilông ở nắp chai để giảm rác thải; chuyển màu chai sang trắng trong để đơn giản hóa quá trình tái chế sau này; thay đổi công nghệ in lazer trên vỏ chai để không ảnh hưởng đến chất lượng nhựa sau tái chế…
“Một vấn đề đang thách thức nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đó là vấn nạn “ô nhiễm trắng” – rác thải nhựa. Chúng tôi ghi nhận và đánh giá cao các hoạt động và cam kết của Nestlé Việt Nam trong việc hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa,” ông Võ Tuấn Nhân, thứ trưởng bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá về nỗ lực của Nestlé trong buổi họp báo trực tuyến về “Nói không với ống hút nhựa.”
Sau 27 năm có mặt tại Việt Nam nhiều khoản đầu tư của tập đoàn này cho thấy tầm nhìn dài hạn và cam kết phát triển bền vững. Một trong các thương hiệu mạnh nhất của tập đoàn này tại Việt Nam là sản phẩm Nestlé Café, cùng với Trung Nguyên, Vinacafé Biên Hòa chiếm tới 90% thị phần cà phê hòa tan.
Ông Binu cho biết 30% nguồn cà phê cần thiết cho sản xuất của Nestlé trên toàn thế giới đến từ quốc gia hình chữ S. Ước tính mỗi năm tập đoàn bỏ ra 600- 700 triệu đô la Mỹ thu mua 20 – 25% tổng sản lượng cà phê sản xuất tại Việt Nam, quốc gia có sản lượng cà phê xuất khẩu đứng thứ hai trên thế giới, sau Brazil. “Nhưng đối với chúng tôi, đó không chỉ là về số lượng mà còn là chất lượng của hạt cà phê và điều quan trọng là chúng tôi phải có được cà phê có nguồn gốc bền vững,” ông Bino kể.
Năm 2011, dự án toàn cầu Nescafé Plan bắt đầu được triển khai ở bốn tỉnh Tây Nguyên gồm Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai và Lâm Đồng. Đến nay, dự án này đã phân phối 46 triệu cây cà phê giống chất lượng cao, tái canh 46 ngàn héc ta diện tích cà phê già cỗi. Ước tính tập đoàn này đã đào tạo kỹ thuật canh tác bền vững cho trên 300 ngàn lượt nông dân, liên kết với 21 ngàn nông hộ sản xuất đạt chứng chỉ cà phê quốc tế 4C, giảm 40% lượng nước tưới, 20% lượng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, tăng 30% thu nhập, cải thiện đời sống và kinh tế cho các hộ nông dân.
Biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan đã và đang gây ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp Việt Nam. Thách thức Nestlé phải đối mặt là quy mô mỗi trang trại cà phê tại Việt Nam chỉ khoảng hai héc ta trong khi số lượng nông dân tham gia trong ngành cà phê đông đảo lên tới 600 ngàn người. “Làm cho những người nông dân này áp dụng nền nông nghiệp tái sinh và các thực hành của nó là một nhiệm vụ rất thách thức,” CEO của Nestlé Việt Nam cho biết công ty hợp tác với viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) tạo ra những cây cà phê có năng suất cao và kháng bệnh giúp cải thiện năng suất.
Đội ngũ các nhà nông học làm việc trực tiếp với nông dân theo phương châm “mưa dầm thấm lâu” huấn luyện cho nông dân phương pháp thực hành phù hợp để tạo ra các sản phẩm sạch, áp dụng phương pháp ủ phân trộn và canh tác xen canh, tưới nhỏ giọt, giảm thiểu phát thải carbon nhờ tăng lượng hấp thụ vào đất, giữ gìn chất lượng và độ phì nhiêu của đất, duy trì đa dạng sinh học.
Dưới sức ép chuyển dịch từ các hiệp định thương mại thế hệ mới như CPTPP và EVFTA gắn với các cam kết sâu rộng và toàn diện liên quan đến vấn đề phi truyền thống như lao động, môi trường, khái niệm nền kinh tế tuần hoàn được nhắc đến nhiều hơn trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong khoảng hai năm gần đây.
Với tập đoàn có lịch sử 156 năm phát triển một nền kinh tế tuần hoàn trong các hoạt động kinh doanh đã được xây dựng từ lâu, nổi bật nhất trong lĩnh vực chế biến cà phê: các sản phẩm sạch từ các hộ nông dân liên kết sản xuất được đưa đến các nhà máy chế biến, 100% chất thải trong quá trình sản xuất cà phê được sử dụng năng lượng sinh khối giúp Nestlé thay thế 73% nguồn nguyên liệu làm chất đốt để vận hành lò hơi, tương đương với việc giảm phát thải 22,6 ngàn tấn CO2 mỗi năm.
Chất thải rắn trong quá trình sản xuất cà phê được sử dụng làm gạch không nung, chất thải lỏng được sử dụng làm phân bón vi sinh. “Các nhà máy của Nestlé không thải chất thải rắn ra môi trường cần chôn lấp,” CEO Nestlé Việt Nam khẳng định.
Rác thải nhựa và phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính đang trở thành một trong những vấn đề bức thiết hàng đầu mà nhiều quốc gia trên thế giới phải đối mặt trong đó có Việt Nam. Sau cam kết phát khí nhà kính về 0 trước năm 2050 tại COP26 và các hiệp định thương mại thế hệ mới, vấn đề phát triển bền vững đang được quan tâm hơn tại Việt Nam.
Lãnh đạo của Nestlé Việt Nam cho rằng hành trình kinh doanh tại Việt Nam làm việc cùng với các đối tác để tạo ra giá trị chung – vừa đóng góp cho xã hội vừa đảm bảo sự thành công lâu dài trong kinh doanh của công ty – triết lý kinh doanh toàn cầu của tập đoàn. “Tại Nestlé, chúng tôi định nghĩa phát triển bền vững là quá trình tăng cường khả năng tiếp cận thực phẩm chất lượng cao hơn của thế giới, đồng thời đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội lâu dài và giữ gìn môi trường cho tương lai,” CEO Nestlé nói.
——————————————-
Theo Forbes Việt Nam số 107, tháng 7.2022, chuyên đề Kinh tế tuần hoàn