Hãng hàng không Scandinavian Airlines đã đệ đơn xin bảo hộ theo chương 11 trong Luật Phá Sản Hoa Kỳ do gặp khó khăn trong việc kinh doanh.
Vào ngày 5.7, Scandinavian Airlines (SAS), hãng hàng không đa quốc gia của ba nước Đan Mạch, Na Uy và Thụy Điển, đã đệ đơn xin bảo hộ theo chương 11 trong Luật Phá Sản Hoa Kỳ, chỉ một ngày sau khi hàng ngàn phi công đình công.
Scandinavian Airlines đổ lỗi nhóm phi công này đã làm gián đoạn dịch vụ của công ty. “SAS vẫn sẽ phục vụ hành khách như bình thường, mặc dù sự cố đình công từ những phi công của chúng tôi sẽ ảnh hưởng lên lịch trình bay,” hãng hàng không này cho biết trong thông cáo báo chí.
SAS đã hủy hơn một nửa lịch trình bay, làm trầm trọng thêm tình hình gián đoạn hoạt động du lịch vốn đã diễn ra trên khắp châu Âu. Tính đến 8 giờ sáng theo giờ Miền Đông hôm 5.7, SAS đã phải hủy 236 chuyến, giảm 78% số chuyến bay hằng ngày, theo FlightAware. Tại Na Uy, con số này bao gồm 21% chuyến bay cập cảng hàng không Oslo Gardermoen; 16% cất cánh từ sân bay Tromso và 15% bay đến hai cảng hàng không Trondheim và Kristiansand.
Theo Scandinavian Airlines có trụ sở tại Stockholm (Thụy Điển), việc đệ đơn phá sản theo chương 11 sẽ giúp hãng hàng không này tái cơ cấu nguồn tài chính với chương trình “SAS Forward” (Tạm dịch: SAS tiến lên phía trước), lưu ý công ty đang tiến hành những buổi thảo luận có tiến triển tốt với một số ngân hàng tiềm năng để nhận thêm vốn DIP (tài trợ cho bên nợ còn quyền sở hữu) lên đến 700 triệu USD trong việc hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh xuyên suốt quá trình giám sát của tòa án. DIP là hình thức đặc biệt của khoản vay bắc cầu cho các doanh nghiệp đang tái cơ cấu theo chương 11 của Luật Phá Sản.
“Sự cố đình công đang diễn ra còn làm cho tình hình trở nên khó khăn hơn nữa,” Anko van der Werff, CEO của SAS, kêu gọi nhóm phi công dừng việc đình công và “tham gia với tinh thần xây dựng vào quá trình tái cơ cấu này.”
Nhìn vào bức tranh toàn cảnh, tình trạng nhiều phi công và nhân viên sân bay làm việc liên tục đã trở thành vấn đề trên toàn thế giới, làm xáo trộn thêm môi trường du lịch vốn đã hỗn loạn.
Trong nhiều tuần tới, nhân viên của hãng hàng không British Airways sẽ tiến hành một cuộc biểu tình, yêu cầu công ty thay đổi việc cắt giảm 10% thu nhập. Tại Tây Ban Nha, nhân viên của hãng hàng không giá rẻ Ryanair thông báo sẽ đình công 12 ngày trong tháng 7.2022 để có được điều kiện làm việc tốt hơn.
Tại Mỹ, tình trạng thiếu hụt phi công đã dẫn đến đồng loạt các cuộc biểu tình và đàm phán lại hợp đồng lao động giữa các hãng bay và phi công.
Vào cuối tháng 6.2022, những phi công của hãng hàng không Southwest Airlines đã biểu tình trước trụ sở của công ty đặt tại Dallas và gần cổng vào sân bay Love Field để yêu cầu có hợp đồng lao động tốt hơn.
Trong cùng tháng, hơn 1.200 phi công và nhân viên của hãng hàng không Delta Air Lines đã mở cuộc biểu tình cũng như đình công tại các sân bay ở Atlanta, Detroit, Los Angeles, Minneapolis, New York, Salt Lake và Seatlle, kêu gọi trả lương cao hơn bên cạnh những yêu cầu khác.
Vào tuần trước, hãng hàng không American Airlines tăng gần 17% thu nhập của phi công trong hợp đồng mới. Trước đó một tuần, United Airlines đạt thỏa thuận sơ bộ với các phi công của hãng bay này, bao gồm tăng thêm 14,5% lương trong vòng 18 tháng.
Biên dịch: Minh Tuấn
3 tháng trước
3 năm trước
Mỗi giờ Vietnam Airlines lỗ 2 tỉ đồng3 năm trước
Philippines Airlines nộp đơn xin phá sản tại Mỹ