Hai sáng nhà sáng lập của Klaviyo, Andrew Bialecki và Ed Hallen hiện sở hữu khối tài sản lần lượt 3,8 tỉ USD và 1,4 tỉ USD.
Cổ phiếu của Klaviyo – nhà cung cấp giải pháp tự động hóa tiếp thị – đã tăng 23% kể từ khi IPO, nâng mức định giá của công ty lên hơn 9,5 tỉ USD mặc cho tình hình khó khăn của thị trường đầu tư vốn đầu tư mạo hiểm trong hai năm qua.
Ban đầu, cổ phiếu của Klaviyo giao dịch ở mức 30 USD/cổ phiếu khi IPO, sau đó tăng lên khoảng 36,75 USD/cổ phiếu vào thời điểm mở cửa phiên giao dịch hôm 19.9. Điều này đã giúp hai sáng lập Andrew Bialecki và Ed Hallen trở thành tỉ phú.
Đặt trụ sở tại Boston, Mỹ, Klaviyo cung cấp giải pháp phần mềm hỗ trợ các doanh nghiệp tự động hóa tiếp thị qua email và tin nhắn tới khách hàng. Công ty hiện đứng thứ sáu trong danh sách The Cloud 100 thường niên năm 2023 của Forbes. Trong năm 2022, doanh thu của Klaviyo tăng 63% lên 473 triệu USD so với năm 2021 và công ty có 130 khách hàng.
Sự phát triển nhanh chóng và thành công của Klaviyo đã giúp công ty trở thành cái tên nổi bật trong số những doanh nghiệp phần mềm nhận vốn đầu tư mạo hiểm. So với những công ty khởi nghiệp khác, Klaviyo chỉ huy động vốn sau khi công ty bắt đầu có lãi và doanh thu chạm ngưỡng triệu đô la Mỹ.
Do đó, cả hai nhà sáng lập đều nắm giữ phần lớn cổ phần trong Klaviyo. Đặc biệt là CEO Bialecki, người hiện sở hữu 38,1% cổ phần với khối tài sản 4,3 tỉ USD dựa trên giá cổ phiếu khi IPO của Klaviyo. Điều này gần như chưa từng xảy ra ở thung lũng Silicon, khi số cổ phần của nhà sáng lập thường giảm xuống còn dưới 20% sau khi IPO vì đã bán cổ phiếu cho các nhà đầu tư bên ngoài để huy động vốn. Còn Ed Hallen, người hiện đảm nhiệm vai trò giám đốc sản phẩm, có giá trị tài sản 1,6 tỉ USD từ 13,9% cổ phần.
Hiện tại, giá trị tài sản của Bialecki và Hallen lần lượt ở mức 3,8 tỉ USD và 1,4 tỉ USD sau khi cổ phiếu Klaviyo chạm mốc 32,70 USD/cổ phiếu vào thời điểm chốt phiên giao dịch hôm 19.9, tăng 9% so với khi IPO.
“Chúng tôi đều đã có trải nghiệm về cách vận hành doanh nghiệp quy mô nhỏ từ gia đình và bạn bè. Trong lĩnh vực công nghệ, các công ty khởi nghiệp thường huy động nhiều vốn đầu tư mạo hiểm sau đó mới tìm ra cách sử dụng nguồn vốn này. Vào những ngày đầu thành lập Klaviyo, tôi và Ed đều quyết định rằng công ty sẽ tập trung tìm kiếm khách hàng trước để thúc đẩy việc kinh doanh,” Bialecki cho biết trong buổi phỏng vấn với Forbes.
Bên cạnh Bialecki, thị trường cũng ghi nhận một vài nhà sáng lập công nghệ có lượng lớn cổ phần trong công ty của họ. Đơn cử như David Duffield, đồng sáng lập sở hữu 44% khi công ty IPO vào năm 2012. Duffield đã lấy một phần trong số tiền 10,7 tỉ USD thu về từ thỏa thuận bán lại công ty do anh thành lập trước đó, PeopleSoft cho Oracle để làm nguồn vốn cho Workday.
Tương tự, bộ đôi CEO của Atlassian, Mike Cannon-Brookes và Scott Farquhar đã tự mình đầu tư trong nhiều năm trước khi đưa công ty lên sàn chứng khoán vào năm 2015. Cannon-Brookes và Farquhar đều có 37,1% cổ phần trong Atlassian.
Thành lập Klaviyo từ năm 2012, nhưng Bialecki và Hallen đã không huy động vốn mạo hiểm nào trong ba năm đầu vận hành công ty. Theo TechCrunch, vào thời điểm Klaviyo thực hiện lần huy động vốn đầu tiên khi nhận về 1,5 triệu USD trong vòng gọi vốn hạt giống do Accomplice dẫn dắt, công ty đã có lãi và doanh thu đạt hơn 1 triệu USD (Accomplice là một trong những cái tên hưởng lợi nhất từ thương vụ IPO của Klaviyo với 5,7% cổ phần hiện tại có giá trị 640 triệu USD).
Bialecki nhấn mạnh vào tính hiệu quả và học hỏi thành công từ các công ty công nghệ như Microsoft và Oracle vào những năm 1980 và 1990, lấy đó làm cảm hứng cho Klaviyo. “Tôi nhận ra những công ty này có mỗi cách vận hành và văn hóa làm việc nhất định. Và văn hóa như vậy bắt đầu từ yếu tố con người. Công ty xây dựng một đội ngũ nhân sự thực sự có niềm đam mê dành với công việc và cùng nhau thực hiện một cách hiệu quả, ngay cả trong giai đoạn khó khăn của nền kinh tế,” Bialecki cho biết.
Trước thời điểm IPO, Klaviyo đã huy động tổng cộng 455 triệu USD vốn đầu tư bên ngoài. Tuy vậy, công ty không phụ thuộc quá nhiều vào các quỹ đầu tư mạo hiểm. Hầu hết những nhà đầu tư lớn nhất của Klaviyo là quỹ đầu tư tư nhân và nhà đầu tư chéo, gồm Summit Partners, Sands Capital và Counterpoint Global của Morgan Stanley. Summit Partners là bên liên quan bên ngoài tổ chức (External Stakeholders) lớn nhất của Klaviyo với 22,9% cổ phần. Một trường hợp ngoại lệ là Accel, quỹ đầu tư mạo hiểm đã dẫn dắt vòng gọi vốn Series C của Klaviyo vào năm 2020.
Một nhà đầu tư quan trọng khác của Klaviyo là Shopify. Theo hồ sơ đăng ký niêm yết theo mẫu S-1 gửi lên Ủy ban chứng khoán Mỹ (SEC), người bán trên Shopify đóng góp 77,5% doanh thu định kỳ hằng năm của Klaviyo. Vào tháng 7.2023, Shopify đầu tư 100 triệu USD vào Klaviyo và hai công ty hình thành quan hệ đối tác chiến lược. Quan hệ hợp tác này bao gồm thỏa thuận chia sẻ doanh thu và Klaviyo trở thành nhà cung cấp giải pháp về mail được khuyến nghị sử dụng trên Shopify. Thỏa thuận hợp tác này giúp Shopify có quyền mua thêm cổ phần của Klaviyo. Shopify đã tận dụng điều này để nâng tỉ lệ sở hữu lên 11%, tăng gấp ba lần so với lần đầu tiên rót vốn vào Klaviyo.
Theo hồ sơ niêm yết, Shopify sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển tiếp theo của Klaviyo, khi quan hệ hợp tác chiến lược giữa hai bên kéo dài đến năm 2029. Nhưng yếu tố quyết định thành công của công ty trên sàn chứng khoán sẽ nằm ở khả năng tăng số lượng khách hàng, cũng như mở rộng dịch vụ bên ngoài thương mại điện tử sang các lĩnh vực khác như giáo dục, nhà hàng và du lịch.
Bialecki cũng nhìn nhận AI như một phần quan trọng cho các kế hoạch phát triển sản phẩm của Klaviyo trong tương lai. Đặc biệt, anh xem công nghệ này là công cụ hỗ trợ khách hàng xây dựng các chiến dịch tiếp thị. Công ty đang có lợi thế ban đầu từ việc nắm trong tay dữ liệu của 6,9 triệu người bán (không tiết lộ danh tính). “Nếu ta nhìn về năm đến mười năm nữa, AI sẽ trở thành một phần quan trọng để vận hành phần mềm,” Bialecki cho biết.
Trước thời điểm thị trường đầu tư mạo hiểm hạ nhiệt, Klaviyo từng giá trị vốn hóa thị trường 9,5 tỉ USD trong năm 2021. Giờ đây, nhiều công ty từng có kế hoạch IPO đã phải tạm hoãn khi dòng vốn đầu tư mạo hiểm giảm xuống. Hồi tháng 5.2023, Stripe đã hạ một nửa mức định giá của công ty này từ 95 tỉ USD xuống còn 50 tỉ USD.
Vào tuần trước, Forbes đưa tin Airtable đã sa thải 237 nhân viên, tương đương với 27% lao động. Theo Howie Liu, CEO của Airtable, quyết định này là một phần trong chiến lược định vị công ty theo hướng chắc chắn hơn nhằm hướng tới mục tiêu IPO.
Hôm 19.9, Instacart, công ty từng được các nhà đầu tư tư nhân định giá ở mức cao nhất 39 tỉ USD vào năm 2021, đã tiến hành IPO với giá cổ phiếu xấp xỉ 10 USD/cổ phiếu, tăng 12% khi chốt phiên giao dịch.
“Nếu bạn nhìn vào mức định giá hiện tại của toàn bộ những công ty tiến hành IPO trong năm 2021, tất cả đều đã trở về đúng giá trị thực,” Apporva Mehta, nhà sáng lập của Instacart, cho biết trong cuộc phỏng vấn độc quyền với Forbes, lần đầu tiên kể từ khi anh ngồi vào vị trí CEO cách đây hai năm.
Tương tự như Airtable, Klaviyo cũng cắt giảm nhân sự, khi sa thải khoảng 10% nhân viên vào tháng 3.2023, theo Boston Globe. Dù vậy, Klaviyo vẫn duy trì mức định giá mà công ty nhận được vào giai đoạn thị trường đạt đỉnh vào năm 2021.
Theo báo cáo tài chính, Klaviyo vẫn còn khoản tiền mặt 400 triệu USD, đồng nghĩa công ty chỉ sử dụng 15 triệu USD trong tổng số vốn đã huy động. Trong năm 2022, khoản nợ ròng của công ty đã giảm từ 79 triệu USD vào năm 2021 xuống 49 triệu USD. Klaviyo có lợi nhuận trong nửa đầu năm 2023, một thành quả nổi bật so với những công ty đại chúng khác vào năm 2021, cũng như nhóm doanh nghiệp trong danh sách The Cloud 100 chuẩn bị niêm yết cổ phiếu trong tương lai gần.
“Nếu các công ty phát triển sản phẩm quan trọng đối với hoạt động của các doanh nghiệp và vận hành việc kinh doanh hiệu quả, tôi nghĩ rằng điều đó sẽ đảm bảo thành công trong dài hạn,” Bialecki cho biết.
Biên dịch: Minh Tuấn
2 tháng trước
Con đường của kỳ lân