Doanh nghiệp

“Hai mũi giáp công” của hãng dược Roche tại Việt Nam

28/09/2022

Hai nhánh chẩn đoán và dược phẩm của Roche Việt Nam tuy hạch toán độc lập nhưng liên kết chặt chẽ về sản phẩm dịch vụ, tận dụng được vị thế của thương hiệu dược phẩm hàng đầu thế giới trong chẩn đoán và điều trị nhóm bệnh ung thư.

Share with

6 năm trước, mặt chính diện của tòa nhà Pearl Plaza (Bình Thạnh) người ta thấy xuất hiện logo của hãng dược Roche với họa tiết hình lục giác màu xanh da trời. Ba tầng từ 25-27 của tòa nhà này là văn phòng, phòng nghiên cứu và đào tạo đạt chuẩn toàn cầu của tập đoàn.

Người hiểu về ngành và công ty sẽ biết, đó là trụ sở của công ty Roche Việt Nam, hay còn gọi là Roche Diagnostics Vietnam, nhánh chẩn đoán. Trong khi tại tầng 26 tháp Bitexco (quận 1) thuộc về công ty Roche Pharma Việt Nam, nhánh dược phẩm. Đây chính là hai mảng kinh doanh độc lập về pháp nhân nhưng tương hỗ về hoạt động của Roche, một trong các công ty dược phẩm lớn nhất thế giới đang hoạt động tại Việt Nam.

“Roche được thành lập bởi thương gia người Thụy Sĩ Fritz Hoffmann-La Roche năm 1896. Cho đến tận ngày nay, thành viên của gia tộc, đại diện bởi chắt trai của người sáng lập, tỉ phú André Hoffmann, vẫn có tiếng nói quyết định ở Roche. Điều đó mang lại nhiều đặc điểm khác biệt cho tập đoàn trong hoạt động tòa cầu cũng như ở Việt Nam,” bác sĩ Qadeer Raza, tổng giám đốc Roche Diagnostics Việt Nam, nói với Forbes Việt Nam, trong lần đầu tiên mà cả ông lẫn người đồng cấp Lennor Carrillo bên nhánh dược phẩm cùng trả lời phỏng vấn.

Cái tên thương hiệu Roche trong tiếng Pháp có nghĩa là hòn đá, và tập đoàn này cũng là “hòn đá tảng” vững chãi của ngành y dược thế giới. Doanh thu luôn đứng trong tốp ba thế giới suốt mười năm qua và lịch sử lâu đời hơn 126 năm kể từ khi thành lập. “Chúng tôi là một trong năm công ty dược phẩm lớn nhất thế giới đồng thời là công ty cung cấp các giải pháp chẩn đoán số một thế giới. Cả hai mảng này bổ trợ cho nhau trong một hướng tiếp cận duy nhất, giúp chúng tôi khác biệt với tất cả các đối thủ,” ông Carrillo tiếp lời.

Hai mảng kinh doanh của công ty chăm sóc sức khỏe đa quốc gia này ở Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng từ những đứt gãy do đại dịch COVID-19 gây ra trong năm 2021. Tuy vậy hai công ty vẫn giữ được vị trí độc tôn ở lĩnh vực xét nghiệm, chẩn đoán và cung cấp dược phẩm điều trị các nhóm bệnh ung thư, với kinh nghiệm hơn trăm năm và thế mạnh độc quyền công nghệ.

Ngành chẩn đoán của Roche đã có mặt tại Việt Nam từ sớm, ngay sau ngày thống nhất đất nước, với hình thức ban đầu là một văn phòng liên lạc, chuyên cung cấp, tư vấn các giải pháp xét nghiệm chẩn đoán cho các khoa từ nội tiết, phụ khoa, sản nhi, lão khoa cho đến ung bướu. “Chúng tôi có mặt ở đây từ khi sản phẩm được sử dụng ở các hệ thống bệnh viện. Cách đây 25 năm, Roche chính thức lập các văn phòng đại diện và chính thức lấy tư cách pháp nhân là công ty TNHH vào năm 2011,” bác sĩ Qadeer Raza cho biết.

Trong y học hiện đại, vai trò của chẩn đoán là rất quan trọng. “Chẩn đoán đúng lúc có thể cải thiện tiên lượng bệnh nhân, chữa sớm mau khỏi, hạn chế chậm trễ dẫn đến tình trạng chi phí điều trị ngược dòng cao hơn, giảm gánh nặng to lớn cho hệ thống chăm sóc sức khỏe,” ông Qadeer cho biết.

Tuy nhiên, ở các nước phát triển không gian cho tăng trưởng của lĩnh vực chẩn đoán không còn nhiều. Ngược lại, khu vực có nhiều nước đông dân và đang phát triển như Việt Nam còn dư địa để ngành tăng trưởng. Số liệu từ BioSpectrum, thị trường chẩn đoán trong ống nghiệm (IVD) ở châu Á – Thái Bình Dương dự kiến đạt 19,64 tỉ đô la Mỹ năm 2021, với tốc độ tăng trưởng kép là 6,3%.

Đối với lĩnh vực chẩn đoán tại Việt Nam, Roche dẫn đầu về thị phần cung cấp các giải pháp chẩn đoán IVD với hình thức chủ yếu là cho thuê máy và cung cấp sinh phẩm, theo tự bạch. “Chúng tôi cung cấp giải pháp toàn diện, bao gồm các chẩn đoán sinh học phân tử, sinh hóa miễn dịch, giải phẫu bệnh, các xét nghiệm nhanh tại chỗ, tự xét nghiệm, giải trình tự gen thế hệ mới, phòng xét nghiệm tự động hóa, giải pháp công nghệ thông tin, và các giải pháp hỗ trợ ra quyết định,” đại diện Roche cho biết.

Tại văn phòng của Roche Diagnostics ở Bình Thạnh, công ty này có sẵn trung tâm huấn luyện kiểu mẫu, nơi đặt các hệ thống máy xét nghiệm sinh hóa – miễn dịch tự động do liên minh Roche – Hitachi sản xuất ở Nhật Bản. Đây là nơi mà các đối tác phân phối, bệnh viện, trung tâm xét nghiệm cử kỹ thuật viên đến để học và làm quen với việc sử dụng các công cụ của Roche mang về Việt Nam.

Sản phẩm mang tính thương hiệu của hãng là các hệ thống xét nghiệm tự động có tên gọi chung Cobas. Hệ thống hoạt động tự động, có nhiều loại hình kích cỡ nhưng liên kết với nhau được, có thể kết nối được hơn 30 thiết bị xét nghiệm vào trong một cấu hình. Hệ thống thực hiện đồng thời hơn hàng chục loại xét nghiệm và cho ra hàng ngàn kết quả test mỗi giờ. “Nói về hệ thống Cobas, kể từ khi chúng tôi giới thiệu chúng ra thị trường năm 2017, chưa có một đối thủ nào có thể đưa ra giải pháp tương đương,” ông Qadeer Raza khẳng định.

Về lĩnh vực dược phẩm, số liệu tự bạch cho thấy danh mục dược phẩm Roche Việt Nam chủ yếu cấu thành từ các đầu thuốc điều trị ung thư phổ biến như ung thư vú, ung thư phổi, ung thư tụy, ung thư gan và các biệt dược đặc trị sự phát triển của khối u. Cũng theo Statista, sáu trên mười đầu thuốc mang về doanh thu lớn nhất cho Roche toàn cầu là thuốc điều trị ung thư.

Trong tương lai, doanh thu từ mảng kinh doanh này hứa hẹn tiếp tục tăng lên nếu xét đến tỉ lệ ung thư ở Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Theo số liệu từ WHO, năm 2020 Việt Nam có khoảng 182.000 ca ung thư mới và khoảng 122.000 ca tử vong vì ung thư. Tỉ lệ mắc mới và tử vong do ung thư được chuẩn hóa theo tuổi ở Việt Nam lần lượt là 159 và 106 (trên 100.000 dân), xếp hạng 91/185 và 50/185 trên toàn cầu. Vì vậy, nhu cầu về dược phẩm trị liệu ung thư sẽ còn tiếp lục leo thang tương ứng. Trên thực tế, hiện tại doanh thu của Roche Việt Nam vẫn chủ yếu đến từ mảng dược, gấp 2,3 lần so với mảng chẩn đoán, theo thông tin tự công bố.

Bác sĩ Qadeer Raza (trái), tổng giám đốc Roche Diagnostics Việt Nam và người đồng cấp Lennor Carrillo bên nhánh dược phẩm.

Cách Roche tổ chức mô hình cũng giúp công ty có những nét khác với các doanh nghiệp lớn về dược phẩm khác, khi hai mảng kinh doanh đều xoay quanh nhóm bệnh ung thư, với mức độ tập trung chuyên sâu cao. Hai nhánh của Roche về chẩn đoán và trị liệu liên thông đi chung với nhau xuyên suốt hành trình của người bệnh, từ khi bắt đầu xét nghiệm, sàng lọc, đi tới phần điều trị và tầm soát sau điều trị, tạo nên ưu thế về dữ liệu và mở ra khả năng tối ưu lộ trình điều trị cho từng người.

Ông Qadeer Raza cho biết: “Ở cấp tập đoàn từ năm 2007, chúng tôi đã giới thiệu chiến lược phát triển ‘y tế cá thể hóa,’ trong đó tất cả các khâu từ chẩn đoán đến điều trị sẽ được tinh chỉnh cho từng cá nhân người bệnh. Qua đó, đội ngũ điều trị sẽ nhờ vào chẩn đoán để có liệu trình điều trị riêng, với các loại thuốc tương ứng, giúp đẩy nhanh thời gian, giảm lãng phí thuốc và tăng hiệu quả điều trị.”

Tuy nhiên, với xuất phát điểm là một tập đoàn y tế – dược phẩm có danh mục khổng lồ, Roche đã phải bỏ ra nhiều công sức để tinh gọn lại mô hình hoạt động, với mục tiêu tập trung lại hai mảng chẩn đoán và điều trị thuốc trong một phác đồ điều trị cho từng bệnh nhân ung thư. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc phải đầu tư khá nhiều vào nghiên cứu và phát triển để bổ khuyết và hoàn thiện danh mục sản phẩm theo tầm nhìn mới.

Từ năm 2011, Roche luôn dẫn đầu ngành dược phẩm và nằm trong tốp 10 công ty đầu tư lớn nhất vào hoạt động R&D trên thế giới, với mức chi gần 13,7 tỉ đô la Mỹ  vào năm 2021. Tổng mức đầu tư tương đương 22% doanh thu năm. Biên lợi nhuận gộp của Roche ở khoảng 70%, cũng thấp hơn so với trung bình ngành ở mức 76,5%.

Việc đi theo mô hình tập trung tinh gọn, thống nhất và cá thể hóa, đầu tư mạnh cho R&D mang lại cho Roche những thuận lợi về công nghệ mới và những giải pháp mang tính độc quyền, chuyên sâu cho một nhóm bệnh lớn, có chi phí chẩn đoán điều trị cao. Tuy nhiên, hướng đi này cũng không phải không tiềm ẩn những khó khăn.

Giãi bày của lãnh đạo mảng dược phẩm Roche Việt Nam giúp hé lộ tình thế đặc thù của Roche với mức chi cho R&D luôn cao trong khi hiệu quả thương mại của thành phẩm chưa thể biết chắc. “Trong danh mục sản phẩm của chúng tôi không có thuốc generic, cũng không có thuốc sinh học tương tự (bản sao thuốc gốc do công ty khác sản xuất), tất cả đều là dược phẩm còn bằng sáng chế. Mà trong hàng ngàn dược phẩm vào thử nghiệm giai đoạn 1, chỉ có một vài loại thành công sản xuất đại trà. Cho nên đường hướng của chúng tôi cũng có một chút mạo hiểm,” Lennor nói.

Ngoài ra, mô hình tập trung hóa và cá thể hóa của Roche còn gặp một cú sốc lớn trong thời gian Việt Nam giãn cách để chống dịch COVID-19. Doanh thu sụt giảm trong thời gian dài do bệnh nhân kẹt lại ở nơi cư trú, không thăm khám tập trung và chi phí đội lên nhiều lần do cả hai mảng của Roche cố gắng duy trì dịch vụ ở mọi thời điểm.

“Rất khó nhưng chúng tôi tự hào nói rằng chúng tôi đã cung cấp cho bệnh nhân dịch vụ 24/7, không để gián đoạn ngay cả trong khi chuỗi cung ứng đổ vỡ và phải thực hiện hàng loạt mệnh lệnh hành chính mỗi ngày,” ông Qadeer Raza khẳng định. Về việc phục hồi sau đại dịch lãnh đạo Roche cho rằng công ty khó phục hồi nhanh chóng. “Chúng tôi chỉ có thể nói là hi vọng Roche sẽ phục hồi được về mức 2020 vào cuối năm 2023 tới,” tổng giám đốc Roche Pharma, Lennor Carrillo nói.

Theo Forbes Việt Nam, số 109, tháng 9.2022