GSK : Từ điều trị đến phòng ngừa để “già hóa khỏe mạnh”
1 tuần trước
Khi khoa học và công nghệ ngày một phát triển, người lớn tuổi sẽ được chủ động phòng ngừa bệnh tật để tiến tới một xã hội “già hóa khỏe mạnh”.
Share this:
Trong bối cảnh già hóa dân số trên toàn cầu và Việt Nam không là ngoại lệ, bác sĩ Phạm Thị Mỹ Liên, Chủ tịch GSK Việt Nam, đã chia sẻ góc nhìn đa chiều về chiến lược phòng ngừa bệnh truyền nhiễm cho người lớn tuổi, một trong những giải pháp can thiệp hữu hiệu nhất, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm gánh nặng lên hệ thống y tế, kinh tế và xã hội.
Theo bà, sau đại dịch COVID-19, đâu là những thách thức trong việc chăm sóc sức khỏe trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam?
– Một trong những thách thức lớn nhất hiện nay là sự gia tăng nhanh chóng của dân số già. Trên toàn cầu, dự kiến đến năm 2050, sẽ có khoảng 2,1 tỉ người trên 60 tuổi. Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh, tính đến năm 2035, nhóm người trên 50 tuổi chiếm khoảng 36% dân số của Việt Nam.
Già hóa miễn dịch là sự suy giảm của hệ thống miễn dịch liên quan đến tuổi tác, từ đó dẫn đến nguy cơ gia tăng tần suất mắc các bệnh nhiễm trùng, ung thư, bệnh tim mạch và các bệnh thoái hóa thần kinh. Mức độ nghiêm trọng của các bệnh nhiễm như cúm, virus hợp bào hô hấp (RSV), zona, phế cầu tăng rõ rệt ở người cao tuổi, dẫn đến các di chứng cấp tính và lâu dài.
Điều này gây áp lực lớn lên hệ thống y tế với chi phí điều trị và tỷ lệ nhập viện tăng theo. Nước Mỹ hàng năm phải chi tới 9 tỉ đô la Mỹ cho các bệnh truyền nhiễm có thể phòng ngừa bằng vaccine. 95% trong số này do chi phí y tế trực tiếp, 79% trong số này là do bệnh ở người lớn chưa được tiêm chủng.
Bên cạnh góc nhìn về gánh nặng bệnh tật của nhóm dân số già lên hệ thống y tế xã hội, nếu nhìn từ lăng kính của người cao tuổi, bà nhận định vấn đề này như thế nào?
– Ai trong chúng ta cũng mong muốn được già đi một cách tự nhiên và khỏe mạnh. Đa số người cao tuổi đều không muốn trở thành gánh nặng hay phụ thuộc vào người thân.
Với sự phát triển của xã hội hiện đại, chúng ta đã sớm biết chăm lo sức khỏe bằng cách tập thể dục đều đặn, dinh dưỡng phù hợp. Đặc biệt khi khoa học và công nghệ ngày một phát triển, người lớn tuổi sẽ được chủ động phòng ngừa bệnh tật. Đó là khái niệm “già hóa khỏe mạnh”.
Vì sao chủng ngừa cho người lớn được xem là giải pháp quan trọng góp phần xây dựng xã hội bền vững?
– Một số bệnh nhiễm “điển hình” ở người lớn phải kể đến bệnh Zona thần kinh, viêm gan B, phế cầu, cúm, bạch hầu, ho gà hay bệnh do virus hợp bào hô hấp (RSV). Đơn cử như Zona, bệnh có tỷ lệ mắc cao ở người trên 50 tuổi, hơn 90% người trên 50 tuổi đều mang trong mình virus thủy đậu và có nguy cơ mắc Zona. Bệnh này không chỉ gây đau đớn mà còn có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng, kéo dài, đặc biệt ở nhóm người mắc các bệnh lý nền.
Phòng ngừa có nghĩa là đi trước một bước, chủ động ngăn chặn bệnh. Khi đó, chúng ta có thể ngăn chặn được những cơn đau đớn, cảm giác tồi tệ và suy nhược tinh thần khi nhiễm bệnh, ngăn chặn nguy cơ xuất hiện các đợt cấp hoặc ảnh hưởng xấu đến kiểm soát bệnh nền.
Gần đây ở Việt Nam cũng ghi nhận sự bùng phát trở lại của những dịch bệnh như sởi, ho gà, bạch hầu ở người lớn. Điều này càng nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của chủng ngừa, không chỉ cho trẻ nhỏ mà còn người lớn, người cao tuổi.
Các quốc gia phát triển có chiến lược ưu tiên gì để giải quyết thách thức y tế từ việc già hóa dân số?
– Các quốc gia phát triển đã đi trước nhiều năm trong việc chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người cao tuổi, bao gồm các chiến lược để giảm gánh nặng từ các bệnh nhiễm đã được phòng ngừa bằng vaccine. Đơn cử như chủng ngừa để phòng bệnh Zona đã được các cơ quan y tế quốc tế đưa vào khuyến cáo và hướng dẫn, cùng với nhiều nước đã đưa vào chương trình tiêm chủng quốc gia.
Khoa học và công nghệ sẽ thay đổi cách tiếp cận trong chăm sóc sức khỏe mọi người trong thời gian tới như thế nào?
– GSK tin rằng phòng ngừa là chiến lược hiệu quả. Đó là lý do chúng tôi hợp nhất khoa học và công nghệ thành các giải pháp để đi trước bệnh tật. GSK đã xây dựng danh mục vaccine lớn và đa dạng để giúp bảo vệ con người khỏi các bệnh truyền nhiễm trong mọi giai đoạn của cuộc đời. Với nhận thức ngày một tốt hơn về phòng ngừa, chúng ta cùng nhau chiến thắng bệnh tật, hướng tới xây dựng một thập niên già hóa khỏe mạnh.