Ngày 3.7, tập đoàn dược phẩm lớn của Anh GSK công bố sẽ chi 1,5 tỉ USD để mua lại quyền sở hữu một vài loại vaccine từ CureVac để tăng sức cạnh tranh với Moderna, Pfizer và BioNTech.
GSK sẽ trả trước 400 triệu EUR (430 triệu USD) cho CureVac để có toàn quyền kiểm soát việc phát triển và sản xuất vaccine mRNA phòng ngừa COVID-19, cúm mùa và cúm gia cầm.
Tập đoàn dược phẩm của Anh sẽ trả thêm 1,05 tỉ EUR (1,13 tỉ USD) theo các mốc phát triển, đăng ký lưu hành và bán vaccine ra thị trường.
Vaccine phòng ngừa COVID-19 và cúm đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2. Thỏa thuận này có thể giúp GSK sản xuất nhiều loại vaccine phòng ngừa những biến thể mới của virus gây bệnh cúm cũng như vaccine kết hợp phòng ngừa cúm và COVID-19.
Ngoài ra, GSK còn cho biết vaccine ngừa cúm gia cầm đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1. Dữ liệu hiện cho thấy đây là “những loại vaccine mới tốt nhất.”
Tony Wood, giám đốc khoa học tại GSK, cho biết “đây là cơ hội phát triển các loại vaccine mRNA tốt nhất để thay đổi tiêu chuẩn phòng ngừa bệnh.” Ngoài ra, hãng nói với Reuters rằng thỏa thuận sẽ không thay đổi tỉ lệ cổ phần của GSK trong CureVac.
Giá cổ phiếu GSK không thay đổi trong phiên giao dịch sáng 3.7 ở London nhưng cổ phiếu của CureVac tăng khoảng 25% trên sàn NASDAQ trong phiên giao dịch trước giờ mở cửa.
Alexander Zehnder, CEO của CureVac, cho biết thỏa thuận này giúp công ty “cải thiện tình hình tài chính, nhờ đó chúng tôi tập trung xây dựng một nền tảng nghiên cứu và phát triển vững mạnh.”
Chuyên gia mRNA của CureVac bắt đầu hợp tác với GSK để phát triển các loại vaccine sử dụng công nghệ này trong thời kỳ đầu của đại dịch COVID-19. Tại thời điểm đó, cả hai hãng đều phát triển chậm so với Moderna, Pfizer và BioNTech.
Trong khi GSK, một trong những hãng sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, có thể vượt qua khó khăn, CureVac vẫn chưa hồi phục sau đợt giá cổ phiếu giảm mạnh do hãng không đưa được sản phẩm mRNA ra thị trường. Hiện giá cổ phiếu chỉ còn 4 USD so với mức cao khoảng 115 USD/cổ phiếu hồi giữa năm 2021.
Công ty sẽ sử dụng khoản vốn mới này để ưu tiên sản xuất vaccine mRNA ngừa ung thư và những sản phẩm khác. CureVac cũng cho biết công ty sẽ sa thải 30% nhân viên theo kế hoạch tái cơ cấu để duy trì hoạt động.
CureVac cho biết họ dự kiến sẽ báo cáo kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn đầu của vaccine mRNA phòng ngừa u nguyên bào thần kinh đệm vào nửa cuối năm 2024.
Đến cuối năm 2025, CureVac cho biết công ty hi vọng phát triển được hai vaccine phòng ngừa bướu đặc và ung thư máu, và bắt đầu đưa vào thử nghiệm lâm sàng cuối năm 2026.
Khoản tiền mặt GSK trả trong thương vụ này cùng khoản tiết kiệm dự kiến từ việc tái cơ cấu sẽ giúp CureVac có đủ dòng tiền mặt để hoạt động đến năm 2028.
Trong thông cáo báo chí, Zehnder nói: “Giờ đây chúng tôi có thể cùng CureVac thực hiện hành trình tăng trưởng mới.”
Ông cho biết thêm thật đáng tiếc khi phải sa thải nhân viên nhưng đây là một bước cần thiết để đảm bảo sự thành công lâu dài cho CureVac.
CureVac đang phát triển một loại vaccine ngừa cúm H5N1, biến thể của virus cúm gia cầm đang tàn phá các trang trại gia cầm và gia súc ở Hoa Kỳ. Do tiềm ẩn nguy cơ bùng phát đại dịch ở người nên GSK quan tâm về loại vaccine này. Ngoài ra, nhờ tính chất dễ điều chỉnh nên vaccine mRNA trở thành lựa chọn lý tưởng để ứng phó các đợt bùng phát dịch bệnh mới nổi.
Ngày 2.7, đối thủ Moderna đã ký thỏa thuận với chính phủ Hoa Kỳ nhận khoản tài trợ 176 triệu USD cho những nghiên cứu thử nghiệm vaccine ngừa cúm gia cầm lây sang người để sớm đưa vaccine ra thị trường trước khi đại dịch bùng phát.
Biên dịch: Gia Nhi
————————-
Xem thêm:
Pfizer thực hiện chương trình cắt giảm chi phí do doanh thu từ vaccine giảm
Novavax hợp tác với Gates Foundation để phát triển vaccine phòng sốt rét và lao