Gần 30 năm gắn bó với ngành ca cao Việt, Gricha Safarian đã phát triển được mô hình mẫu về chuỗi cung hoàn chỉnh cho cây ca cao Việt Nam.
Một ngày tháng năm nắng đẹp ở Bến Tre, tại vườn ca cao xanh mát với các tán cây cao vượt đầu người, những nông dân đang cần mẫn dùng kéo cắt cuống trái ca cao chín to bằng lòng bàn tay, ngả màu vàng cam hoặc đỏ, cẩn thận đặt chúng vào chiếc túi bố kề bên. Tiếp đó họ dùng dao bóc tách quả, lấy ra các hạt màu trắng còn quện phần cơm nhầy tự nhiên trong trái.
Thông thường hạt ca cao ướt sẽ được nông dân tiếp tục cho lên men, phơi hạt trong khoảng 21 ngày rồi mới đến tay các đơn vị thu mua. Còn với những nông dân là đối tác thu mua của Puratos Grand-Place Indochina, vai trò của họ kết thúc ngay sau khi các bao hạt ướt được giao tới trung tâm sau thu hoạch (Post Harvest Center) của công ty tọa lạc trong khu công nghiệp Giao Long (Bến Tre).
Tại đây, hạt ca cao sẽ được lên men, phơi hạt, cắt thử nghiệm, rang và nghiền rồi chuyển sang nhà máy của hãng tại Bình Dương, cách đó 120km, để hoàn tất các bước sản xuất ra sôcôla thành phẩm ngay tại Việt Nam.
Toàn bộ quy trình trên quy mô công nghiệp từ hạt ca cao ra thành phẩm sôcôla diễn ra trong khoảng 60 ngày, thay vì sáu tháng đến hai năm như trước. Quy trình truyền thống sở dĩ kéo dài vì tình trạng hạn chế công nghệ tại các quốc gia trồng ca cao buộc doanh nghiệp phải vận chuyển hạt nguyên liệu sang nhà máy nước ngoài để chế biến.
Thành quả đầu tiên Puratos Grand-Place Indochina tạo ra từ chuỗi cung hoàn chỉnh đặt tại Việt Nam là sản phẩm sôcôla dạng hạt nút mang tên Chocolante 60DAYS Vietnam Dark 74%, ra mắt đầu tiên tại Nhật Bản vào tháng 4.2021.
“Việc sản xuất từ hạt ca cao tới sôcôla thành phẩm trong xấp xỉ 60 ngày đã mang lại hương vị tươi mới, hoàn toàn khác biệt so với các loại sôcôla tôi từng thử,” đầu bếp người Nhật Nagase Mayumi nhận xét.
Theo đó sản phẩm không chỉ có hương ca cao đậm đà, mà còn có sự gia tăng đáng kể nốt hương trái cây, vốn đặc trưng cho sôcôla xuất xứ từ Việt Nam. Hạt ca cao Bến Tre từng được tổ chức Ca cao Quốc tế (ICCO) cấp chứng nhận Hương vị tốt (Fine Flavor) vào năm 2016. Nhờ đó Việt Nam trở thành quốc gia châu Á thứ hai đạt danh hiệu này sau Indonesia, với 40% sản lượng ca cao được công nhận, trong khi tỉ lệ Indonesia đạt được chỉ có 1%.
“Nếu tôi bước ra cổng, nói với người lạ mặt trên phố rằng sôcôla Việt Nam ngon hàng đầu thế giới và chuỗi cung ca cao tại đất nước các bạn từng được trình bày như hình mẫu chuỗi cung bền vững tại World Bank (Ngân hàng Thế giới), họ sẽ không bao giờ tin tôi,” ông Gricha Safarian, tổng giám đốc điều hành Puratos Grand-Place Indochina kiêm lãnh sự danh dự Bỉ tại Việt Nam, hóm hỉnh nói.
Doanh nhân người Bỉ biết tiếng Việt “chút chút” gần như không thể ngồi yên trong 30 phút đầu của cuộc trò chuyện cùng Forbes Việt Nam khi nói về chủ đề phát triển bền vững. Ông đi lại liên tục, tay cầm bút lông ghi các từ khóa quan trọng lên bức tường kính trong suốt ngăn phòng họp với khu vực bàn làm việc, nơi ông xử lý các công việc hằng ngày của lãnh sự.
60 tuổi, Gricha đã dành hơn một nửa cuộc đời gắn bó với ngành ca cao. Năm 1985, ông sáng lập thương hiệu sôcôla Grand-Place tại Bỉ. Đến năm 1993, ông tình cờ ghé thăm Việt Nam và ngay lập tức “phải lòng với những con người sáng tạo, chăm chỉ nơi đây”. Sáu tháng sau đó, ông và gia đình cùng chuyển tới Việt Nam. “Đại sứ quán khi đó chỉ có 10 người Bỉ đăng ký sinh sống tại Việt Nam, mà một nửa trong số đó đã là gia đình tôi,” Gricha nhớ lại.
Đến năm 2011, nhà sáng lập Grand-Place nhận ra nếu muốn đưa mọi thứ lên một tầm cao mới, công ty cần một nguồn tài chính dồi dào hơn. Đó là khi ông tìm thấy Puratos Group – một công ty chuyên cung cấp nguyên liệu thực phẩm của Bỉ với lịch sử hình thành từ năm 1919, có mặt tại 65 quốc gia trên toàn cầu. Liên doanh Puratos Grand-Place Indochina được thành lập năm 2012 với tỉ lệ sở hữu của Grand-Place và Puratos lần lượt là 30% và 70%.
Hiện tại, công ty có khoảng 230 nhân viên, vận hành bốn cơ sở sản xuất tại Bình Dương, Bến Tre và Đắk Lắk với tổng công suất gần 14.120 tấn mỗi năm. Theo số liệu tự công bố, Puratos Grand-Place Indochina nắm 65% thị phần sôcôla tại Việt Nam. “Chúng tôi đã và đang cung cấp nguyên liệu cho tất cả các đơn vị làm bánh tại Việt Nam,” bà Phan Thị Phương Thanh, trưởng phòng Tiếp thị ngành hàng sôcôla của Puratos Grand-Place Việt Nam cho biết.
Chuỗi cung ca cao vốn đem đến cho người tiêu dùng các sản phẩm có hương vị ngọt ngào. Nhưng với Gricha Safarian, đó là nơi “tồi tệ” với mức thu nhập quá thấp đẩy người nông dân lún sâu vào tình trạng đói nghèo, đồng thời khiến tình trạng phá rừng ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Theo Cocoa Barometer, người nông dân chỉ được hưởng 6,6% giá trị của thanh sôcôla thành phẩm đến tay người tiêu dùng, trong khi ít nhất 60% thu nhập của họ lại phụ thuộc vào vườn cây ca cao.
“Nếu giá trị được tạo ra bởi tất cả mọi người, lợi ích nó mang lại cũng phải chia đều cho tất cả,” doanh nhân người Bỉ nhận định. Năm 2013, Gricha tạo nên sáng kiến Cacao-Trace, chương trình phát triển ca cao liên kết “từ nông dân đến sôcôla”.
Theo đó khách hàng có thể truy xuất nguồn gốc và chất lượng hạt ca cao cho các mẻ sôcôla thành phẩm thông qua mã QR được in trên bao bì sản phẩm. Đáng chú ý, với mỗi ký sôcôla có chứng nhận Ca cao-Trace được bán ra, người nông dân sẽ được nhận khoản thưởng 10 cent.
Trong năm đầu tiên thử nghiệm, Puratos Grand-Place Indochina đã trao hơn 136 ngàn đô la Mỹ cho 2.218 nông dân và nhà thu mua tại Việt Nam. Ngoài Việt Nam, sáng kiến này cũng được Puratos Group áp dụng cho cả Bờ Biển Ngà và Philippines.
Năm 2020, Gricha đồng sáng lập trung tâm Sáng tạo đột phá (Center for Disruptive Innovation) để lan tỏa ý tưởng thu mua hạt ca cao ướt từ người nông dân, đồng thời xây dựng hệ thống các trung tâm sau thu hoạch trên toàn cầu, với nơi thử nghiệm đầu tiên là Việt Nam. Ý tưởng đã được ông trình bày tại World Bank, với kỳ vọng kêu gọi được gói trái phiếu xanh trị giá 4,5 tỉ đô la Mỹ và sự hưởng ứng của 50% chuỗi cung ca cao toàn cầu.
Theo ước tính của trung tâm Sáng tạo đột phá, nếu gọi vốn và thực hiện thành công, mô hình sản xuất mới có thể kiến tạo thêm 75 ngàn việc làm cho cư dân địa phương và đẩy giá trị chuỗi cung ngành ca cao lên thêm 17 tỉ đô la Mỹ.
“Giả sử tôi giữ nguyên mọi thứ và yêu cầu bạn, một mắt xích trong chuỗi cung, trích ra 20% thu nhập để giúp đỡ người nông dân, có thể bạn sẽ không bằng lòng. Nhưng sẽ ra sao nếu tôi tăng giá trị chuỗi cung lên 50% và đưa ra yêu cầu tương tự?” Gricha đặt câu hỏi. Với ông, việc tạo ra giá trị chính là điểm mấu chốt của mô hình mới.
Chuỗi cung mới sẽ xoay chuyển cách phân bổ giá trị của ngành ca cao. Người nông dân sẽ “nhận được giá trị xứng đáng với công sức bỏ ra”, khi mức giá thu mua hạt tươi tối thiểu sẽ được thiết lập dựa trên mức sống ở quốc gia sản xuất, chứ không biến động không giới hạn theo giá trên sàn ca cao London và New York, theo bà Phan Ái Cẩm Lai, người đứng đầu bộ phận chiến lược KAS Group Asia và là đồng sáng lập trung tâm Sáng tạo đột phá.
Mô hình mới cũng sẽ thúc đẩy người nông dân thực hiện nông lâm kết hợp, trong đó đất sẽ được đồng thời sử dụng với nhiều mục đích, bao gồm trồng cây lâu năm xen kẽ với cây ngắn ngày hoặc chăn nuôi, giúp họ ổn định và tăng thu nhập.
“Tính bền vững của ngành ca cao sẽ phụ thuộc vào việc tạo ra được các sản phẩm trung hòa carbon (carbon neutral), quy trình sản xuất phải tôn trọng lợi ích của mọi bên tham gia, bao gồm cả nông dân, người lao động, người tiêu dùng và cả môi trường,” ông Gricha nhận định.
Như nhiều doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu khác, Puratos Grand-Place Indochina đang trải qua thời kỳ bất ổn vì COVID-19. Dịch bệnh – được Gricha nhận định là “khủng hoảng tồi tệ nhất sự nghiệp”, đã gây ảnh hưởng tiêu cực tới các kênh tiêu thụ nhà hàng và khách sạn của công ty. Tuy vậy các sản phẩm đóng gói lại ghi nhận kết quả tích cực khi nhu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm của khách hàng tăng cao.
Nắm bắt sự phát triển của xu hướng mua hàng trực tuyến, Puratos Grand-Place đã nhanh chóng ra mắt website bán hàng từ giữa tháng 2.2020 và ghi nhận kết quả tăng trưởng doanh số 57% từ kênh này chỉ sau một tháng. Theo ông Gricha, doanh thu ròng của doanh nghiệp đã giảm 8% trong năm 2020, trong khi tính trung bình năm năm gần nhất, doanh thu công ty tăng trưởng 18%.
Chia sẻ về chiến lược tương lai, tổng giám đốc điều hành của Puratos Grand-Place Indochina dự kiến sẽ đưa Chocolante 60DAYS Vietnam Dark 74% trở thành sản phẩm đại diện cho thương hiệu trên toàn cầu. Tuy vậy với thực trạng diện tích canh tác ca cao của Việt Nam liên tục giảm, ông bày tỏ quan ngại sản lượng sản phẩm sẽ chịu ảnh hưởng.
Theo nghiên cứu Tổng quan về ngành ca cao Việt Nam năm 2020 của tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thùy – đại học Nông Lâm TP.HCM, Việt Nam vẫn là một nước mới phát triển trong ngành ca cao toàn cầu, cho sản lượng khiêm tốn 5.500 tấn, so với sản lượng 4,8 triệu tấn của thế giới năm 2019. Diện tích canh tác ca cao Việt Nam đã giảm từ 25.700 ha năm 2012 xuống còn 5.028 ha năm 2019, nguyên nhân do giá ca cao biến động trong khi diện tích canh tác đa phần nhỏ và phân tán, gây khó khăn cho việc cải thiện năng suất, khiến hiệu quả kinh tế của cây ca cao chưa thực sự hấp dẫn nông dân.
“Chúng tôi dự tính phát triển các khu vực trồng cacao của riêng mình, đồng thời kết hợp cùng chính phủ và các tổ chức quốc tế để thúc đẩy chuỗi cung cacao phát triển theo hướng bền vững,” ông Gricha cho biết.
….
Với Gricha Safarian, kinh doanh là nghệ thuật, và ngược lại. Ông tin rằng, tương tự như giới nghệ sĩ, một doanh nghiệp muốn thành công phải sở hữu tư duy sáng tạo để tạo khác biệt. “Chúng tôi vẫn là một doanh nghiệp nhỏ, nhưng chinh phục được thị trường nhờ vào các sản phẩm và ý tưởng độc bản,” ông cho biết.
Tại công ty, ông thành lập hẳn ban Design Thinking (Tạm dịch: Tư duy thiết kế). Nhiệm vụ của ban này là lan tỏa tinh thần làm việc theo phương thức Design Thinking, với hai slogan trụ cột là “Don’t think” và “Please fail” (Đừng suy nghĩ và Hãy thất bại). Các nhân viên được khuyến khích tư duy từ quan điểm của khách hàng, chứ không phải của bản thân, đồng thời trui rèn lối suy nghĩ “Thất bại là mẹ thành công”.
Lý giải cho quan điểm nghệ thuật là kinh doanh, Gricha dí dỏm chỉ sang hai bức tranh thiếu nữ Việt Nam của Nguyễn Trung treo trong văn phòng, cho biết ông đã mua hai tác phẩm với giá xấp xỉ năm ngàn đô la, nhưng hiện giá trị mỗi bức đã tăng lên hơn 20 ngàn đô la Mỹ.
——-
Tựa theo bản in “Xây chuỗi cung ca cao bền vững”, Forbes Việt Nam số 94 phát hành tháng 6.2021.