Grab lỗ 435 triệu USD trong quý 1 nhưng thấp hơn so với năm trước nhờ vào nhu cầu dịch vu đặt xe và giao hàng tăng mạnh sau đại dịch COVID-19.
Grab Holdings – do Anthony Tan điều hành – công bố khoản lỗ trong quý 1 giảm do nhu cầu về dịch vụ đặt xe và giao hàng tăng mạnh sau khi chính phủ các nước ở Đông Nam Á dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19.
Vào cuối ngày 19.5, công ty ở Singapore cho biết khoản lỗ ròng giảm xuống còn 435 triệu USD trong quý 1 kết thúc vào ngày 31.3 từ 666 triệu USD trong năm trước, trong khi doanh thu tăng 6% lên 228 triệu USD nhờ vào khoản doanh thu đầu tiên từ chuỗi cửa hàng tạp hóa Jaya Grocer ở Malaysia mà Grab mua lại hồi tháng 1.2022.
“Chúng tôi ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực giao hàng khi mở rộng dịch vụ lựa chọn người bán để khuyến khích người dùng chọn Grab,” Tan, đồng sáng lập kiêm CEO tập đoàn của Grab, cho biết trong thông cáo.
“Hoạt động kinh doanh dịch vụ di chuyển cũng phục hồi và chúng tôi hy vọng hoạt động này sẽ dần tăng trưởng trở lại khi các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19 ngày càng nới lỏng cùng với số lượng tài xế của chúng tôi đang gia tăng.”
Cổ phiếu của Grab tăng 24%, với giá chốt phiên ở mức 3,14 USD tại New York, mức cao nhất kể từ khi niêm yết cách đây 6 tháng. Mặc dù giá cổ phiếu tăng nhưng giá vẫn thấp hơn 70% so với mức đỉnh trong ngày 13,59 USD khi bắt đầu giao dịch trong ngày 2.12 do các nhà đầu tư tự hỏi khi nào siêu ứng dụng Đông Nam Á sẽ có lãi.
“Chúng tôi lạc quan dự báo hoạt động kinh doanh sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ khi ngày càng có nhiều nước chuyển sang sống chung với COVID-19,” Tan nói với các nhà phân tích trong cuộc họp trực tuyến báo cáo lợi nhuận hằng quý. “Trong thời gian sắp tới, chúng tôi sẽ tập trung đạt các mục tiêu lợi nhuận và tăng trưởng bền vững.”
Grab dự kiến doanh thu cả năm sẽ tăng lên từ 1,2 tỉ đến 1,3 tỉ USD, so với 675 triệu USD vào năm 2021, nhờ vào tổng giá trị hàng hóa tăng 30% đến 35% cùng với doanh thu từ Jaya Grocer.
Bên cạnh những cải tiến trong hoạt động giao hàng và kinh doanh dịch vụ di chuyển, Grab cho biết nền tảng thanh toán đang thu hút ngàng càng nhiều người sử dụng sau khi ra mắt dịch vụ mua trước trả sau.
Grab và đối tác Singtel đang chuẩn bị ra mắt ngân hàng kỹ thuật số Singapore trong cuối năm nay. Cả hai công ty, hợp tác với Kuok Brothers của tỉ phú Robert Kuok, cũng được cấp giấy phép ngân hàng kỹ thuật số ở Malaysia vào tháng trước.
“Có được giấy phép ngân hàng kỹ thuật số của Malaysia tạo điều kiện cho chúng tôi phát triển trong lĩnh vực ngân hàng kỹ thuật số hoạt động hiệu quả về chi phí ở khu vực,” Tan cho biết.
“Chúng tôi dự định tận dụng nền tảng công nghệ tương tự cho các ngân hàng kỹ thuật số ở Singapore và Malaysia cùng với ngân hàng chúng tôi đầu tư ở Indonesia giúp phát triển bền vững các hình thức tiếp cận với dịch vụ tài chính trên toàn khu vực.”
Được Anthony Tan và Tan Hooi Ling thành lập vào năm 2012 như ứng dụng đặt taxi tương tự như Uber, Grab kể từ đó phát triển trở thành siêu ứng dụng thông qua mở rộng hoạt động kinh doanh sang dịch vụ gọi xe, giao đồ ăn và dịch vụ tài chính kỹ thuật số giúp startup ở Đông Nam Á này khác biệt so với với DoorDash và PayPal.
Ứng dụng cung cấp “mọi thứ cho cuộc sống hằng ngày” hoạt động tại hơn 400 thành phố và thị trấn ở các nước Đông Nam Á, bao gồm Singapore, Malaysia, Campuchia, Indonesia, Myanmar, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.
Biên dịch: Gia Nhi
Xem thêm:
Hãng gọi xe Grab lỗ gần 1 tỉ USD
Nhà sáng lập Grab vào danh sách giàu nhất Singapore
Grab hạ kế hoạch doanh thu 2021 nhưng kỳ vọng thương vụ SPAC hoàn tất năm nay
2 năm trước
Chiến lược bền bỉ của Nguyễn Thái Hải Vân2 năm trước
Grab đặt mục tiêu hòa vốn vào năm 20244 tháng trước
Chime mua lại Salt Labs để mở rộng thị trường