Siêu ứng dụng Grab của Anthony Tan đặt mục tiêu hòa vốn trên EBITDA vào nửa cuối năm 2024 mặc dù hoạt động kinh doanh tăng trưởng chậm lại.
Grab Holdings cho biết công ty đặt mục tiêu hòa vốn trên EBITDA (lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao) được điều chỉnh vào nửa cuối năm 2024, mặc dù hoạt động kinh doanh đang tăng trưởng chậm lại.
“Chúng tôi đã và đang nỗ lực hết mình để cải thiện quỹ đạo lợi nhuận và mang đến tốc độ tăng trưởng ổn định, phản ánh qua những mục tiêu mới mà Grab đưa ra hôm nay,” Anthony Tan, đồng sáng lập và giám đốc điều hành (CEO) của Grab, chia sẻ tại sự kiện nhà đầu tư đầu tiên do công ty tổ chức.
Sau khi báo lỗ 580 triệu USD trong nửa đầu năm năm 2022, Grab dự báo khoản lỗ cho 6 tháng còn lại sẽ giảm xuống còn 380 triệu USD. Khoản lỗ thuần của công ty trong năm 2021 là 3,4 tỉ USD.
Sau 10 năm thành lập, Grab vẫn chưa có lợi nhuận và giá cổ phiếu bốc hơi 70% kể từ khi lên sàn Nasdaq thông qua thỏa thuận sáp nhập với công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC) của Altimeter Capital Management.
Công ty có trụ sở tại Singapore cho biết doanh thu đến năm 2023 sẽ tăng 45-55% trên cơ sở tỷ giá tiền tệ không thay đổi, thấp hơn mức dự báo cho năm 2022.
Mảng kinh doanh chủ lực của Grab là dịch vụ gọi xe chưa phục hồi về mức trước đại dịch và dịch vụ giao đồ ăn chỉ tăng trưởng vừa phải sau khi gỡ bỏ các lệnh hạn chế phòng COVID-19. Tuy Anthony Tan đang tìm cách mở rộng dịch vụ của công ty sang các mảng kinh doanh như giao hàng tạp hóa, dịch vụ thanh toán, ngân hàng và đặt phòng khách sạn, Grab vào ngày 27.9 cho biết đã dừng hoạt động những bộ phận không mang lại lợi nhuận.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm những cơ hội trong việc cắt giảm kết cấu chi phí, đồng thời duy trì việc tái đầu tư vào hoạt động R&D và phát triển công nghệ giúp hệ sinh thái của công ty phát triển bền vững. Do đó, chúng tôi vẫn rất tự tin về việc sẽ hòa vốn vào nửa cuối năm 2024,” Peter Oey, giám đốc tài chính (CFO) của Grab, cho biết.
Theo Peter Oey, công ty hiện có khoản tiền mặt hơn 6 tỉ USD song duy trì lập trường thận trọng trong việc phân bổ nguồn vốn và đặt mục tiêu cắt giảm chi phí. “Chúng tôi đang trong khoảng thời gian ghi nhận nguồn vốn hạn hẹp và còn rất nhiều ẩn số trong thị trường giao dịch,” Anthony Tan cho biết thêm.
Gần đây, Grab hợp tác với Singtel triển khai ngân hàng số với tên gọi GSX Bank tại Singapore, cũng như có kế hoạch ra mắt hai ngân hàng số khác tại Indonesia và Malaysia vào năm 2023. Vào ngày 27.9, Grab cho biết ngân hàng số đến năm 2026 sẽ hòa vốn.
Xem thêm: Liên doanh ngân hàng số của Grab ra mắt sản phẩm tài chính
2 năm trước
Chiến lược bền bỉ của Nguyễn Thái Hải Vân3 năm trước
Nền kinh tế chia sẻ: Thay đổi cho hậu dịch