Doanh nghiệp

GoTo thu hút nhiều nhà đầu tư khi IPO

Giá cổ phiếu của GoTo chạm mức 382 rupiah/cổ phiếu vào cuối phiên giao dịch đầu tiên trong ngày 11.4.

Share
this:

Cổ phiếu của GoTo tăng cao tới 23% sau khi niêm yết trên sở Giao dịch Chứng khoán Indonesia, trở thành đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) lớn thứ ba ở châu Á trong năm nay hôm 11.4.

Giá cổ phiếu của công ty tăng 13% ở mức 382 rupiah/cổ phiếu vào cuối phiên giao dịch đầu tiên. Được hình thành nhờ hợp nhất hai công ty kỳ lân Gojek và Tokopedia ở Indonesia, GoTo huy động được 15,8 ngàn tỉ rupiah (1,1 tỉ USD) từ 300.000 nhà đầu tư, đạt kỷ lục về số lượng nhà đầu tư cao nhất trong đợt IPO ở Indonesia.

Từ trái qua: Kevin Aluwi, CEO của Gojek, Andre Soelistyo, CEO của GoTo Group, William Tanuwijaya, CEO của PT Tokopedia và Patrick Cao, chủ tịch của GoTo Group, trước lễ niêm yết của GoTo tại sở Giao dịch Chứng khoán Indonesia (IDX) tại Jakarta, Indonesia, vào ngày 11.4.2022. Ảnh: Dimas Ardian/Bloomberg

“Mặc dù thị trường toàn cầu biến động, các nhà đầu tư vẫn rất quan tâm. Điều này phản ánh nhu cầu về dịch vụ công nghệ tài chính cũng như thương mại điện tử đang tăng nhanh ở Đông Nam Á. Qua đó, GoTo tự tin trở thành hệ sinh thái kỹ thuật số lớn nhất ở Indonesia,” Andre Soelistyo, CEO của GoTo Group cho biết trong thông cáo.

GoTo cũng đạt mức vốn hóa thị trường 400,3 ngàn tỉ Rupiah, trở thành công ty niêm yết lớn thứ tư ở Indonesia sau công ty khổng lồ viễn thông Telkom Indonesia.

Tập đoàn báo cáo tổng giá trị giao dịch đạt 414,2 ngàn tỉ rupiah trong 12 tháng kết thúc vào ngày 30.9.2021, tăng 62% so với năm trước đó. Nhưng GoTo vẫn đang lỗ. Công ty báo lỗ 11,58 ngàn tỉ rupiah trong chín tháng đầu năm 2021.

Vivian Xu, đối tác tại ZWC Partners, nhà đầu tư vào GoTo, cho biết với đà phát triển hiện tại, công ty của bà không quá lo lắng về lợi nhuận của GoTo. Là nhà quản lý quỹ tại thị trường mới nổi ở châu Á, công ty đang nhắm vào song song Trung Quốc và Đông Nam Á. Với kinh nghiệm khi đầu tư vào Trung Quốc, công ty chứng kiến các siêu nền tảng như Alibaba, JD.com và Pinduoduo ra đời.

“Chúng tôi hiểu đối với các công ty internet, miễn là công ty tiếp tục cung cấp các giá trị cho người dùng thì có thể tạo ra sự gắn bó rất cao và cuối cùng cũng đạt được lợi nhuận,” Xu nói trong một cuộc phỏng vấn trực tuyến.

Theo Xu, Indonesia có tỉ lệ thâm nhập người dùng trả phí cũng như doanh thu trung bình trên mỗi người dùng (ARPU) tương đối thấp hơn. Lấy thương mại điện tử làm ví dụ, các công ty niêm yết ở Đông Nam Á, chẳng hạn như Shopee của SEA Group, có ARPU khoảng 5 USD, trong khi các công ty ở Trung Quốc như JD và Alibaba đang có ARPU trong khoảng 100 USD – 200 USD.

Hian Goh, đồng sáng lập của Openspace Ventures, nhà đầu tư tổ chức đầu tiên của Gojek vào năm 2014, cũng lạc quan về tiềm năng tăng trưởng của GoTo trong tương lai sau khi sáp nhập với Tokopedia. Goh cho biết công ty hiện có thể chi ít tiền hơn để có được khách hàng.

“So với các công ty cùng ngành, GoTo có cơ hội lớn nhất để trở thành một công ty có lợi nhuận và dòng tiền cao trong thời gian sớm nhất vì sự sáp nhập giữa Gojek và Tokopedia,” Goh cho biết trong cuộc phỏng vấn trực tuyến.

Mặt khác, các nhà phân tích có quan điểm trái chiều về IPO. Nirgunan Tiruchelvam, trưởng bộ phận nghiên cứu vốn chủ sở hữu của khách hàng tại Tellimer Research, viết trong báo cáo mới nhất của mình giá chào bán của GoTo ở mức cao vì được định giá cao hơn sáu lần so với giá trị doanh nghiệp trên doanh số của đối thủ cạnh tranh, Grab.

Tiruchelvam cũng chỉ ra rằng thị trường không kiên nhẫn với các công ty phải đi chặng đường dài để đạt được lợi nhuận và GoTo dự kiến sẽ tiếp tục ghi nhận khoản lỗ cho đến năm 2024.

Biên dịch: Gia Nhi

Xem thêm: Công ty công nghệ GoTo của Indonesia được rót 1,3 tỉ USD trước thềm IPO

Cổ phiếu giảm 37% khiến vốn hóa Grab bốc hơi 7 tỉ USD

Grab chính thức lên sàn Nasdaq