Giảm phát thải khí nhà kính đã được nhiều doanh nghiệp chú ý trong xu hướng sản xuất xanh – tiêu dùng xanh. Tuy nhiên, với các cam kết mạnh mẽ và hành động của Chính phủ, có thể thấy giảm phát thải, trung hòa carbon tới đây sẽ không chỉ là xu hướng, mà đang dần trở thành con đường tất yếu của các doanh nghiệp.
Với việc hơn 100 quốc gia cùng đưa ra các cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải khí kính, đặt mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ, hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) được xem là cột mốc quan trọng, bước tiến lớn trong hành trình giảm phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu của thế giới.
Hiện các quốc gia phát thải hàng đầu như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Indonesia, Brazil, Liên bang Nga, Liên minh châu Âu (EU)… đều đã đưa ra các cam kết về giảm phát thải, trung hòa carbon. Tính tới nay, trong Nhóm G20 – nhóm chịu trách nhiệm cho 75% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu, đã có 19 thành viên cam kết đạt được mức phát thải ròng bằng 0, tăng từ 17 thành viên tại COP26.
Cùng cam kết mạnh mẽ của các chính phủ, liên minh Tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (GFANZ) cũng đã được thành lập với hơn 550 công ty thành viên từ khắp lĩnh vực tài chính, bao gồm ngân hàng, công ty bảo hiểm, chủ sở hữu tài sản, nhà cung cấp dịch vụ tài chính và tư vấn đầu tư, trải rộng trên 50 khu vực pháp lý.
Trong khi đó, theo số liệu mới cập nhật từ Net Zero Tracker – cơ quan do đơn vị Giám sát Khí hậu và Năng lượng có trụ sở tại Vương quốc Anh (ECIU) và đại học Oxford điều hành, có 929 trong 2.000 công ty đại chúng lớn nhất trên thế giới trong danh sách Forbes Global 2000 đã đặt mục tiêu net zero.
Con số này tăng từ 417 công ty vào tháng 12.2020 và 702 công ty vào tháng 6.2022. RE100 – sáng kiến do The Climate Group và CDP sáng lập nhằm kêu gọi các doanh nghiệp lớn sử dụng 100% điện từ năng lượng tái tạo – hiện đã có hơn 400 thành viên tham gia, bao gồm nhiều tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp hàng đầu thế giới ở nhiều lĩnh vực.
Đáng chú ý, EU – một trong những đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam – mới đây đã ban hành đạo luật Cơ chế điều chỉnh carbon biên giới (CBAM), như một trong những sáng kiến nhằm thúc đẩy việc giảm phát thải khí nhà kính và đạt trung hòa carbon vào năm 2050.
Trong giai đoạn đầu 1.10.2023 đến 31.12.2025, các nhà nhập khẩu những nhóm mặt hàng gồm xi măng, sắt thép, nhôm, phân bón, điện và khí hydrogen từ các quốc gia bên ngoài EU cần khai báo phát thải khí nhà kính trong các hàng hóa nhập khẩu – nhưng chưa phải nộp thuế.
Giai đoạn thứ hai, từ năm 2026, nhà nhập khẩu sẽ phải khai báo hàm lượng dấu chân carbon trong sản phẩm, cần tính chứng chỉ CBAM (carbon tương tương) và phải trả tiền cho chính phủ tại quốc gia trong EU, nơi hàng hóa được nhập khẩu.
Ngay sau khi EU ban hành Cơ chế CBAM, Vương quốc Anh cũng tiến hành tham vấn về một cơ chế tương tự. Trước đó, tháng 7.2022, Hoa Kỳ đã giới thiệu đạo luật Cạnh tranh sạch, đặt ra điều chỉnh biên giới carbon đối với hàng nhập khẩu sử dụng nhiều năng lượng, đồng thời khuyến khích quá trình khử carbon trong sản xuất ở trong nước.
Như vậy, có thể thấy, giảm phát thải khí nhà kính, hướng đến trung hòa carbon đã trở thành mục tiêu chung toàn cầu, đặt ra bài toán mới cho các doanh nghiệp trong dòng chảy hội nhập. Bài toán này không chỉ hiện hữu với các doanh nghiệp đang là một mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu mà cả với các doanh nghiệp muốn tham gia thị trường xuất khẩu.
Nếu không nhanh chóng thực hiện các giải pháp giảm phát thải, trong tương lai gần, khi xuất khẩu, doanh nghiệp có thể sẽ phải chịu mức thuế carbon rất lớn, làm tăng chi phí, giảm sức cạnh tranh. Và khi các tiêu chuẩn xanh ngày càng được nâng cao, tại nhiều thị trường quốc tế, nếu doanh nghiệp không đáp ứng được hoặc không có lợi thế trước các đối thủ cạnh tranh đến từ những quốc gia khác, cánh cửa xuất khẩu có thể sẽ dần thu hẹp.
Cần chú ý rằng, giảm phát thải, trung hòa carbon tới đây không chỉ là con đường tất yếu với các doanh nghiệp FDI hay các doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu mà với cả các doanh nghiệp đang hoạt động trong thị trường. Bởi lẽ, Việt Nam cũng đã đưa ra các cam kết về giảm phát thải khí nhà kính, đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Theo Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, đến năm 2030, các cơ sở có mức phát thải khí nhà kính hằng năm từ 2.000 tCO2e trở lên phải thực hiện giảm phát thải; đến năm 2050, các cơ sở có mức phát thải hằng năm từ 200 tCO2e trở lên phải thực hiện giảm phát thải.
Ngoài ra, bắt đầu từ năm nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất cũng đã phải cung cấp thông tin, số liệu hoạt động phục vụ kiểm kê khí nhà kính theo Nghị định số 06/2022/NĐ-CP. Sau đó, giai đoạn từ 2026–2030, các doanh nghiệp này sẽ phải thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo hạn ngạch do bộ Tài nguyên và Môi trường phân bổ.
Chính vì thế, chủ động tìm hiểu, cải thiện quy trình sản xuất, thực hiện các giải pháp giảm phát thải, hướng đến trung hòa carbon và có lộ trình cụ thể là điều cần thiết để đáp ứng các quy định, đồng thời giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trong xu thế mới.
Điều này càng có ý nghĩa hơn nữa trong bối cảnh đang có sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam là điểm đến của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới. Đây chính là cơ hội để thêm nhiều doanh nghiệp Việt gia nhập chuỗi cung ứng, trở thành nhà cung ứng cho các tập đoàn đa quốc gia hoạt động tại Việt Nam.
Phát triển kinh tế xanh, chuyển đổi sản xuất xanh không chỉ có ý nghĩa quan trọng với bản thân mỗi doanh nghiệp mà còn tác động tới cả chuỗi cung ứng và rộng hơn là cả nền kinh tế. Bởi vì, khi một đơn vị cung ứng giảm phát thải, đạt mức trung hòa carbon, các doanh nghiệp trong chuỗi hoạt động cũng sẽ đến gần hơn với mục tiêu net zero.
Như vậy, càng nhiều doanh nghiệp cùng tham gia giảm phát thải thì mục tiêu trung hòa carbon càng gần đích đến. Khi có mạng lưới doanh nghiệp cùng nỗ lực trung hòa carbon gắn kết với nhau sẽ giúp đẩy nhanh mục tiêu net zero.
Trong mục tiêu chung về giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới net zero vào năm 2050 của Việt Nam, nhiều địa phương cũng đã đưa ra các mục tiêu về giảm phát thải, xây dựng nền kinh tế carbon thấp. Tại TP.HCM, theo Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021–2030, tầm nhìn đến 2050, TP.HCM đã đặt mục tiêu giảm 10% phát thải vào năm 2030 và tiến tới nền kinh tế carbon thấp, phát triển bền vững hoặc giảm phát thải 30% nếu có sự hỗ trợ của quốc tế.
Với kinh nghiệm hơn 14 năm hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo (từ năm 2009), Vũ Phong Energy Group đang hỗ trợ TP.HCM xây dựng các giải pháp mạnh mẽ hơn để hướng tới trung hòa carbon nội bộ. Trên cơ sở kinh nghiệm phát triển và vận hành thực tế các hệ thống điện mặt trời, đặc biệt là trên mái nhà máy các doanh nghiệp, Vũ Phong hỗ trợ tính toán tiềm năng giảm phát thải khi đẩy mạnh phát triển điện mặt trời mái nhà trên địa bàn thành phố trong giai đoạn tới, đồng thời tư vấn xây dựng thị trường tín chỉ carbon nội bộ.
Theo báo cáo kiểm kê khí gây hiệu ứng nhà kính trên địa bàn TP.HCM do sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện, phát thải từ lĩnh vực năng lượng cố định và lĩnh vực giao thông chiếm 93,6% tổng lượng phát thải và hấp thụ. Do vậy, đây sẽ là hai lĩnh vực đóng vai trò chủ chốt trong giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh đó, giảm phát thải từ kiểm soát rác thải nhựa cũng có ý nghĩa quan trọng giúp tăng hiệu quả của quá trình. Là một đô thị đặc biệt, tập trung đông dân cư và có nhiều doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh nên nhu cầu tiêu thụ năng lượng tại TP.HCM rất lớn.
Chỉ tính riêng năng lượng điện bình quân, mỗi năm thành phố tiêu thụ khoảng 25 tỉ kWh điện, chiếm khoảng 10% cả nước. Vì vậy trước mắt, mục tiêu của TP.HCM sẽ tập trung giảm phát thải trong hai lĩnh vực này.
Với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, hội nhập quốc tế và sức ép cạnh tranh khiến chúng ta không thể đứng ngoài các xu hướng dịch chuyển toàn cầu như nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh hay cắt giảm khí gây hiệu ứng nhà kính.
Tuy nhiên, do nguồn lực tài chính có hạn và xuất phát điểm chậm nên sẽ thực tế nếu chúng ta ưu tiên tập trung giải quyết những bài toán cụ thể đi từ nguồn phát thải lớn, vừa tiến hành vừa đúc rút kinh nghiệm, hoàn thiện và mở rộng. Giảm phát thải khí nhà kính, hướng đến trung hòa carbon đang là xu hướng chung toàn cầu.
Chủ động thích ứng có ý nghĩa quan trọng giúp doanh nghiệp giữ vững – nâng cao vị thế trong xu hướng ấy, và sẽ càng hiệu quả hơn khi hợp tác để phát triển bền vững cùng nhau.