Ấn Độ có thể trở thành một trong ba nền kinh tế lớn nhất thế giới trong 15 năm, nhưng cũng có thể gặp cơn ác mộng.
Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh đã làm cho Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cảm thấy rất vui trong tuần trước khi dự báo quốc gia của ông sẽ trở thành một trong ba nền kinh tế lớn nhất thế giới trong vòng 15 năm.
Đối với Modi, trải qua một năm 2022 đầy sóng gió, tin tức về dự báo công ty tư vấn ở London đưa ra thật đúng lúc. CEBR lập luận rằng Ấn Độ sẽ nhảy vọt vào trong tốp ba nền kinh tế lớn nhất thế giới với giả định quốc gia này sẽ tăng trưởng khoảng 6,5% / năm trong thập niên tới.
Như CEBR lập luận “quỹ đạo tăng trưởng này sẽ chứng kiến Ấn Độ nhảy từ vị trí thứ năm trong báo cáo World Economic League Table (xếp hạng kinh tế thế giới) vào năm 2022 lên vị trí thứ ba trong bảng xếp hạng các nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2037.” Và ngay từ “năm 2035, chúng tôi dự báo Ấn Độ sẽ trở thành nền kinh tế thứ ba trị giá 10 ngàn tỉ USD. Mặc dù tồn tại nhiều yếu tố chính trị có thể kìm hãm Ấn Độ nhưng quốc gia này có lợi thế về dân số.”
Tuy nhiên, chính những “yếu tố chính trị” và “dân số” có thể làm phức tạp thêm mọi thứ. Bên cạnh đó giữ cho thu nhập bình quân đầu người ở Ấn Độ không tăng nhanh cùng với tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội.
Ấn Độ thường được dự báo là sẽ “hưởng lợi khi bước vào thời kỳ cơ cấu dân số vàng.” Với hơn một nửa dân số dưới 25 tuổi và độ tuổi trung bình 28,4, lực lượng lao động ngày càng tăng ở Ấn Độ trở thành một lợi thế khi Nhật Bản, Trung Quốc cũng như Hàn Quốc ngày càng thiếu hụt lực lượng. Tuy nhiên, đó chỉ là một tài sản nếu chính phủ của Modi bắt kịp tốc độ tạo ra thêm cơ hội việc làm tốt hơn.
Đáng buồn thay, không có nhiều tín hiệu cho thấy Modi lên kế hoạch hành động nhất quán để tăng hiệu quả kinh tế, giảm thủ tục rườm rà và đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục cũng như đào tạo trong suốt nhiệm kỳ kéo dài hơn 8 năm. Tăng trưởng nền kinh tế vi mô là một việc làm không hề dễ thực hiện thành công đối với nhiều nhà lãnh đạo ở châu Á cho dù trong thời điểm thuận lợi nhất, chưa kể trong bối cảnh đại dịch, lạm phát toàn cầu gia tăng và những ngân hàng trung ương lớn hầu như ở nhiều nơi đều tăng lãi suất.
Thật không may, Modi dành 103 tháng qua để ưu tiên tăng trưởng kinh tế vĩ mô—chủ yếu đẩy nhanh tốc độ tăng GDP—hơn là nỗ lực tạo sân chơi bình đẳng cho Ấn Độ. Sự tập trung từ vĩ mô chuyển sang vi mô này có nghĩa là kỷ nguyên Modi đạt mức tăng trưởng khá nhưng lại chậm ở điểm thực sự quan trọng: đảm bảo tất cả người dân Ấn Độ đều được hưởng thành quả của nền kinh tế tăng trưởng nhanh.
Tất cả những điều này làm cho cựu nhà lập pháp và ngoại giao Shashi Tharoor lo ngại dự đoán này có thể làm cho Ấn Độ trở nên phấn khích cố đạt mức 10 ngàn tỉ USD, bỏ qua quan điểm rằng quốc gia này không cần phải tăng trưởng nhanh hơn mà cần phải phát triển tốt hơn.
Như ông lập luận trong bài viết thể hiện quan điểm cho chuyên mục góc nhìn gần đây trên Project Syndicate, “nếu không giải quyết sự chênh lệch cơ cấu dân số giữa các vùng thì lợi thế dân số của Ấn Độ có thể trở thành trở ngại mãi mãi.”
Tharoor có nhiều kinh nghiệm. Ông từng là bộ trưởng ngoại giao Ấn Độ phụ trách công tác đối ngoại, bộ trưởng phát triển nguồn nhân lực, phó tổng thư ký Liên Hợp Quốc và thành viên quốc hội.
Ông quan tâm “trong khi các bang phía bắc ở Ấn Độ đã ổn định, thì ở một số bang, như Kerala ở phía nam và Nagaland ở phía đông bắc, dân số đã bắt đầu giảm. Điều này có nghĩa một số vùng của Ấn Độ có thể trải qua giai đoạn bùng nổ dân số trong khi các vùng khác phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số.”
Đó là một lời nhắc nhở sinh động, Tharoor lưu ý, rằng “gia tăng dân số mang đến cho Ấn Độ cả cơ hội lẫn thách thức.” Trong bốn thập niên tới, dân số Ấn Độ sẽ tăng lên khoảng 1,7 tỉ người, trước khi giảm xuống còn 1,1 tỉ người vào năm 2100. Số lượng dân số giảm phản ánh tỉ lệ tử vong và sinh dự kiến giảm. Ông nói, điểm mấu chốt là “Ấn Độ có khoảng thời gian ngắn tận dụng cơ hội dân số vàng để tăng năng suất lao động và thúc đẩy kinh tế phát triển.”
Nếu Đảng Bharatiya Janata của Modi lên kế hoạch bù đắp thời gian đã mất để thực hiện điều đó— và không để lợi thế này trở thành cơn ác mộng — thì không có gì bất ngờ. Chuyên gia kinh tế học Chietigj Bajpaee, tác giả cuốn sách “China in India’s Post-Cold War Engagement with Southeast Asia (Trung Quốc trong mối quan hệ của Ấn Độ với Đông Nam Á sau Chiến tranh Lạnh),” lưu ý rằng “trong bối cảnh này, cần phải kiểm tra thực tế: Liệu những lời hoa mỹ trong nguyện vọng chính sách đối ngoại của Ấn Độ có phù hợp với thực tế của đà cải cách trong nước hay không?”
Không cần nói quá nhiều, khi nhìn vào những rào cản vẫn hiện hữu giúp người giàu càng giàu thêm. Như Bajpaee viết trên tờ The Diplomat, “mặc dù chính phủ xây dựng hình ảnh thân thiện với nhà đầu tư hơn từ khi Ấn Độ tự do hóa kinh tế vào những năm 1990 nhưng nhiều chính sách kinh tế bảo thủ và bảo hộ trong lịch sử của đất nước vẫn giữ vững.”
Điều này cũng tồn tại trong cả kỷ nguyên Modi được cho là ủng hộ doanh nghiệp. Đúng là như thế, Modi đưa ra một số thay đổi cấu trúc đáng chú ý trong các ngành như hàng không, quốc phòng cũng như bảo hiểm để tăng đầu tư nước ngoài. Chính phủ của ông giám sát việc thông qua thuế hàng hóa và dịch vụ quốc gia.
Tuy nhiên, những động thái lớn và rủi ro hơn về mặt chính trị nhằm thay đổi động lực quyền lực trong nhiều lĩnh vực từ lao động, đất đai đến thuế cũng như chống tham nhũng vẫn nằm trong danh sách những việc cần làm.
Mặc dù đạt được một số tiến bộ nhưng chính phủ phải tăng cường nỗ lực để loại bỏ các khoản nợ xấu khỏi bảng cân đối kế toán của nhiều ngân hàng nhà nước. Ngoài ra, mặc dù Ấn Độ đang tận hưởng thời kỳ bùng nổ kỳ lân công nghệ nhưng Modi vẫn cần đưa ra thêm nhiều chính sách khuyến khích tạo điều kiện cho doanh nhân phát triển, tăng trưởng cũng như thúc đẩy nền kinh tế.
Vì vậy, thật quan trọng khi lộ trình Ấn Độ đưa ra hướng tới vị thế nằm trong tốp 3 nền kinh tế cùng với Hoa Kỳ và Trung Quốc đang thu hút sự chú ý. Tuy nhiên, điều đó có quan trọng gì nếu đại đa số người Ấn Độ bị bỏ lại phía sau? Đây là cơn ác mộng Modi sẽ để lại cho thế hệ tương lai giải quyết nếu ông không đẩy mạnh cải cách.
Biên dịch: Gia Nhi
Xem thêm:
TÀI SẢN CÁC TỈ PHÚ GIÀU NHẤT ẤN ĐỘ CHẠM MỐC 800 TỈ USD
Nhờ đại dịch, tài sản anh em tỉ phú hãng dược Ấn Độ tăng thêm 44%
Hành trình khó khăn để thành nền kinh tế 30.000 tỉ USD của Ấn Độ
Người giàu thứ hai thế giới dự báo kinh tế Ấn Độ sẽ tăng trưởng đến 30 ngàn tỉ USD
5 tháng trước
Ultratech Cement tăng đầu tư vào mảng sản xuất xi măng1 năm trước
Ấn Độ sẽ cấm xuất khẩu đường