Thị Trường

Giá xăng giảm nhưng CPI vẫn tăng

2 năm trước
Tác giả Minh Tâm

Mặc dù giá xăng dầu đã giảm mạnh nhờ giảm thuế nhưng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 vẫn tăng vì lực đẩy của giá thịt heo và nhu cầu tiêu dùng điện tăng cao mùa nắng nóng.

Share
this:

Số liệu tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy có đến 10/11 nhóm hàng hóa trong rổ tính CPI tháng 7 tăng 0,4% so với tháng trước. Các nhóm hàng hóa chủ chốt tăng đã đẩy CPI tháng 7 tăng đến 3,59% so với tháng 12.2021 và tăng 31,4% so với cùng kỳ.

Bình quân bảy tháng, CPI tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước. Lực đẩy lớn nhất với CPI bảy tháng ở giá xăng, với 19 đợt điều chỉnh (trong đó có 6 đợt giảm) đưa giá xăng dầu bình quân bảy tháng tăng 49,75% so với cùng kỳ năm trước, tác động đến CPI chung tăng 1,79 điểm phần trăm.

Đồ họa: GSO

Mức tăng cao nhất trong tháng 7 ở nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống với 1,37% đẩy CPI chung tăng 0,46 điểm phần trăm. Trong đó, thực phẩm tăng tới 1,6% khi giá thịt theo tăng đến 4,29%, giá thịt gia cầm tăng 1,92%, giá dầu ăn tiếp tục tăng 2,11%… Dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tăng 1,28% so với tháng trước cũng tác động đến CPI chung, tăng 0,11 điểm phần trăm.

9 nhóm hàng khác trong rổ tính tăng từ 0,2-0,79% với nhiều tác động khác nhau như nhu cầu mua sắm đồ dùng tăng, tiêu dùng điện mùa nắng nóng tăng, chi phí vận chuyển tăng…  

Nhóm giảm giá duy nhất và mức giảm lớn là giao thông với 2,85%. Giá xăng giảm gần 9%, dầu giảm hơn 4% sau ba đợt điều chỉnh ngày 1, 11 và 21.7. Tuy nhiên, giá dịch vụ giao thông công cộng lại tăng 2,16% do đang mùa cao điểm du lịch, giá vé máy bay, tàu hỏa, xe khách… đều tăng, bên cạnh giá xe máy, xe đạp, ô tô tăng vì thiếu nguồn cung linh kiện, phụ tùng từ Trung Quốc.

Lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống, năng lượng và mặt hàng do nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và giáo dục) tháng 7 tăng 0,58% so với tháng trước, tăng 2,63% so với cùng kỳ năm trước.

Bình quân bảy tháng, lạm phát cơ bản tăng 1,44% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,54%). “Điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu,” báo cáo của tổng cục Thống kê nhận định.