Tiêu điểm

Giá trị cổ phiếu của Starbucks giảm hơn 3%

Cổ phiếu của Starbucks giảm hơn 3% sau khi hãng cà phê này báo cáo doanh thu thấp hơn kỳ vọng, với doanh số bán hàng tại Trung Quốc giảm mạnh.

Share
this:

Hôm 2.2, giá cổ phiếu của hãng cà phê Starbucks giảm xuống sau khi công ty báo cáo kết doanh thu hằng quý thấp hơn kỳ vọng, với một phần nguyên nhân từ việc doanh số bán hàng tại thị trường Trung Quốc giảm mạnh do nước này ban hành các lệnh hạn chế phòng dịch COVID-19 nghiêm ngặt sau khi xuất hiện đợt bùng phát mới trong năm 2022. Các lệnh hạn chế đã ảnh hướng đến ngành bán lẻ tại quốc gia tỉ dân, một trong những thị trường lớn nhất của Starbucks.

Cụ thể, Starbucks báo cáo đạt doanh thu kỷ lục 8,71 tỉ USD trong quý 4.2022, song thấp hơn so với kỳ vọng 8,78 tỉ USD từ Wall Street. Doanh số bán hàng tại khu vực Bắc Mỹ tăng 10% nhưng thị trường quốc tế ghi nhận mức giảm 13%, với phần lớn do doanh số bán hàng tại Trung Quốc giảm mạnh 28%.

Tỉ suất lợi nhuận trên cổ phần (EPS) của Starbucks là 75 cent Mỹ, thấp hơn kỳ vọng 77 cent Mỹ từ các nhà phân tích. Trong phiên giao dịch sau giờ, cổ phiếu của Starbucks giảm hơn 3% xuống còn 105,81 USD/cổ phiếu.

“Mặc cho bối cảnh thách thức của thị trường tiêu dùng toàn cầu, tình hình lạm phát, doanh số bán hàng của toàn ngành bán lẻ giảm mạnh trong quý 4.2022 và Trung Quốc đối mặt với những khó khăn chưa từng có tiền lệ từ dịch COVID-19, chúng tôi vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng vững chắc,” Howard Schultz, giám đốc điều hành (CEO) tạm quyền của Starbucks, cho biết trong thông cáo.

Starbucks hiện đang vận hành 6.000 cửa hàng tại hơn 230 thành phố của trung Quốc.

Doanh số bán hàng tại Trung Quốc và thị trường quốc tế giảm mạnh ảnh hưởng đến giá cổ phiếu của Starbucks. Ảnh: Getty Images.

Năm 2022 là thời điểm đầy biến động của Starbucks, với giá cổ phiếu bốc hơi hơn 35% sau 6 tháng đầu năm trước khi tăng trở lại trong những tháng còn tiếp theo. Hồi tháng 3.2022, Howard Schultz lần thứ ba đảm nhiệm vai trò CEO tạm quyền của Starbucks sau khi Kevin Johnson nghỉ hưu.

Nhưng Howard Schultz đã vấp phải làn sóng phản đối từ tổ chức công đoàn của Starbucks, đại diện cho hơn 250 cửa hàng khi ông thúc đẩy quá trình cải tổ toàn diện hoạt động, bắt đầu từ việc thay đổi cách pha chế đồ uống. Vào tháng 12.2022, Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phòng dịch “Zero-COVID”, chính sách khiến nền kinh tế chững lại và dấy lên cuộc biểu tình phản đối từ người dân. Tuy vậy, việc kết thúc khoảng thời gian dài phong tỏa khiến số ca mắc COVID-19 gia tăng nhanh chóng và Trung Quốc thay đổi cảnh báo công cộng về dịch bệnh.

Từ ngày 1.4, cựu giám đốc điều hành PepsiCo Laxman Narasimhan sẽ thay thế Howard Schultz trở thành CEO chính thức của Starbucks.

Xem thêm: Howard Schultz đảm nhiệm chức CEO của Starbucks lần thứ ba, dấy lên nhiều câu hỏi về vấn đề kế nhiệm
Khách hàng đã có thể mua Starbucks qua ví điện tử MoMo

Biên dịch: Minh Tuấn