Thị Trường

Giá thực phẩm được điều chỉnh đưa CPI 10 tháng tăng thấp nhất 5 năm

3 năm trước
Tác giả Linh Chi

Trong tháng 10, có 3/11 nhóm hàng hoá và dịch vụ ghi nhận giảm giá so với cùng kỳ đưa chỉ số giá tiêu dùng (CPI) luỹ kế 10 tháng tăng 1,81% so với cùng kỳ – mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua.

Share
this:

Tháng 10 là tháng đầu tiên nhiều địa phương thực hiện nới lỏng giãn cách sau nhiều tháng. Điều này giúp lưu thông, vận chuyển hàng hoá thuận tiện hơn và nhu cầu tích trữ hàng tiêu dùng của người dân giảm, đưa giá lương thực và thực phẩm giảm so với tháng trước.

Đồng thời, nhu cầu sử dụng điện, nước sinh hoạt giảm khi thời tiết sang thu, giá thuê nhà cũng được điều chỉnh giảm để hỗ trợ người dân trong đại dịch là những nguyên nhân chủ yếu khiến CPI tháng 10 giảm 0,2% so với tháng trước. Dù vậy, CPI đã tăng 1,67% so với tháng 12.2020.

Luỹ kế 10 tháng, chỉ số CPI tăng 1,81% so với cùng kỳ – là mức tăng thấp nhất trong vòng năm năm qua. Ba nhóm hàng hóa và dịch vụ ghi nhận giảm đã đóng góp phần lớn trong việc đưa CPI giảm so với tháng trước. Tổng cục Thống kê cho biết trong báo cáo tình hình kinh tế xã hội 10 tháng công bố hôm nay.

3/11 nhóm hàng hoá và dịch vụ giảm đưa chỉ số CPI giảm 0,2% so với tháng trước. Nguồn: Tổng cục thống kê.

Trong đó, riêng nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có mức giảm cao nhất khoảng 1,28%, kéo CPI chung giảm 0,43%. Đây là tháng thứ hai liên tiếp nhóm này ghi nhận giảm giá, trong đó riêng mặt hàng thực phẩm đã giảm 2,5% so với tháng trước. Giá tiền thuê nhà giảm 4,67%, và nước sinh hoạt giảm gần 2,5%, kéo nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,26% so với tháng trước. Nhóm cuối cùng ghi nhận giảm giá là bưu chính viễn thông.

Ngược lại, 8 nhóm hàng hoá và dịch vụ ghi nhận tăng giá so với tháng trước. Riêng nhóm giao thông tăng 2,5% do các đợt điều chỉnh giá xăng dầu khiến chỉ số giá xăng tăng hơn 6% và dầu diezen tăng gần 9%. Dịch vụ giao thông công cộng cũng bị ảnh hưởng tăng giá nhẹ khi xăng, dầu tăng cao. Giáo dục, quần áo giày dép, thiết bị đồ dùng gia đình, thuốc và dịch vụ y tế… là những nhóm hàng cũng ghi nhận tăng giá so với tháng 9.

Lạm phát cơ bản tháng 10 giảm 0,17% so với tháng trước, nhưng tăng 0,5% so với cùng kỳ. Lạm phát 10 tháng tăng 0,84% so với năm 2020.

Đô-la Mỹ tăng, lợi suất trái phiếu và doanh số bán lẻ của Mỹ phục hồi khiến giá vàng thế giới và trong nước đều ghi nhận giảm. Đô-la Mỹ được ghi nhận tăng khi có tuyên bố từ cục Dự trữ Liên bang (Fed) về việc giữ nguyên chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế trong thời gian tới.

Trong nước, lượng dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dồi dào đáp ứng nhu cầu về ngoại tệ của các doanh nghiệp nhập khẩu. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 10.2021 giảm 0,06% so với tháng trước; giảm 1,48% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu mua bán ngoại tệ hạn chế trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trong thời gian dài.